Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

"Cán bộ bảo không đủ sống, nhưng ông nào cũng giàu"

"Nhiều cán bộ công chức bảo không đủ sống, nhưng ông nào cũng giàu"
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) đã nói như vậy với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 28.3, về một số vướng mắc trong vấn đề tinh giản biên chế hiện nay. Trong bài phát biểu tại hội trường, ông vừa nhắc đến việc tinh giản biên chế chỉ báo cáo, lên kế hoạch thôi còn vẫn “đầu voi đuôi chuột”, thực tế phình ra mà không teo lại? ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh trả lời báo chí bên lề Quốc hội
Biên chế của chúng ta bước đầu đã có chấn chỉnh nhưng hiện nay không như mong muốn. Tất cả bộ ngành đã chuyển thành bộ ngành đa lĩnh vực nhưng lại thành lập nhiều tổng cục nên tổng biên chế vẫn rất lớn. Ngược lại, nhiều cán bộ công chức bảo không đủ sống, bảo nuôi 2 con đứa con không đủ nhưng ông nào cũng giàu, cũng có xe con, nhà cao. Vậy cái đó lấy ở đâu ra? Một là do cơ chế bị hổng, hai là đi vào ngõ ngách. Đây là thực tế.

Thu nhập ở nước ta chưa được minh bạch, rõ ràng. Lượng công chức của mình quá cao, chồng chéo, cồng kềnh.

Phải nói tinh giản biên chế không phải giậm chân tại chỗ, có ngành rút được, có ngành phình ra, nhưng tổng số phình ra lớn hơn. Chưa kể mình còn cơ chế xin-cho. Ngoài sinh viên giỏi, giờ còn tuyển theo dòng họ, quan hệ. Tôi nghĩ khi nào vẫn còn chính sách xin cho thì không bao giờ giải quyết được vấn đề này.

Đo sự hài lòng của người dân với cán bộ liệu có phải là công cụ để tinh giản biên chế, thưa ông?
Hiện không ít người dân mất niềm tin với cán bộ. Muốn đo sự hài lòng của dân với cán bộ thì trước hết dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, người cán bộ phải thể hiện được vai trò là “công bộc” của dân, thực hiện nghiêm những quy định mà Đảng, Nhà nước đưa ra. Nếu không thực hiện được thì chế tài xử lý cán bộ như thế nào? Vì cấp cao mà còn sai, còn mắc lỗi thì sao truy được cấp dưới? Toàn bộ biên chế là do cấp cao phân bổ đó chứ. Đã phân bổ thì khi thực hiện phải đúng, nghiêm túc. Tuyển dụng phải nghiêm thì mới mong có cán bộ chất lượng cao, chứ theo kiểu tuyển “con cháu các cụ cả” thì làm sao đòi hỏi chất lượng cán bộ được. Người dân đánh giá cán bộ mà giải quyết được vấn đề trong tinh giản biên chế thì tốt quá.
Nhiệm kỳ tới nhiều ĐBQH có kinh nghiệm, sức khoẻ tốt, có bản lĩnh, trình độ, được nhân dân tín nhiệm nhưng do quy định về tuổi buộc phải nghỉ. Theo ông đây có phải sự lãng phí?
Nếu cứ áp dụng cứng nhắc như cán bộ hành chính thì không nên, gây lãng phí nguồn lực chất lượng cao.
Sắp tới có khoảng 2/3 ĐBQH hết tuổi phải nghỉ, 2/3 mới sẽ vào thì ít nhất phải 2-4 năm nữa mới có kinh nghiệm rồi 5 năm lại nghỉ. Trong khi ở nhiều nước, nghị sĩ được hoạt động suốt đời.
Như ông nói tức cần phải tăng đại biểu chuyên trách?
Tăng là cần thiết nhưng chọn được ĐBQH chuyên trách lại là một vấn đề. Kể cả ĐBQH chuyên trách ở Trung ương bây giờ, chúng ta có dám đánh giá bao nhiêu phần trăm chất lượng là tốt không. Trung ương có một bộ phận tốt nhưng cũng có một bộ phận chưa tốt. Chúng ta khảo sát, đánh giá sẽ biết được trong số này ai dám nói thẳng, nói thật, dám nói trên nghị trường.
Báo cáo của chúng ta chung chung, báo cáo kiểu tả cảnh, đánh giá thực trạng.
Trên cương vị của một ĐBQH, ông tự chấm mình được bao nhiêu điểm?
Tôi tự cho mình rất yếu. Tôi cố gắng phấn đấu điểm trung bình. Tôi chưa nói hết được tiếng nói của cử tri, chưa nói được một số vấn đề còn bất cập. Một là do thời lượng, hai là kể cả các lần chất vấn cũng chưa đến cùng được, vì thời gian chỉ cho phép thế thôi. Tôi thấy thế là mình chưa làm tròn trách nhiệm. Một ĐBQH thì tất cả các lĩnh vực đều phải biết, trình độ của mình biết đến 1-2 lĩnh vực thôi, làm sao mà giỏi được cả, ở đây bàn tổng hợp bàn về kinh tế xã hội, luật pháp, đời sống xã hội rồi cả hôn nhân gia đình, trẻ em.
Vậy ông nghĩ gì về việc nhiều ĐB không dám nói, không dám đeo bám đến cùng?
Cái này thuộc về bản lĩnh của con người, có người rất muốn nói nhưng do điều kiện hoàn cảnh, một là ảnh hưởng đến công tác, hai là vì bát cơm manh áo nên người ta chưa nói chứ không phải không biết. Còn những người sẵn sàng nói kể cả biết thiệt hại đến mình. Cái này do bản lĩnh mỗi đại biểu. Nhưng góp ý phải mang tính xây dựng, không nên oán thán, kêu ca.
Riêng ĐBQH, càng hoạt động lâu càng có kinh nghiệm, nhưng ai phải chịu khó học hỏi, chịu khó đọc, chịu khó đi thực tế nghe dần. Nếu chỉ đọc thì lý luận trên trời mất rồi, giờ phải nghe dân, kể cả chỗ bia hơi xem các giới họ nói sao.
Mượn lời Thủ tướng, ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) gửi gắm lời chúc các ĐB sống hạnh phúc, tử tế. Ông nghĩ gì về gửi gắm này?
Tôi thấy anh Lê Nam nói có hai hàm ý. Một là mọi người đang tử tế đấy chứ, nhưng tử tế ở mức nào? Đối với một số người bảo tôi tử tế, nhưng người khác lại bảo tôi chưa tử tế. Ông Nam nói có nhiều khía cạnh, có người nên tử tế với nhau, nhưng có người cũng không nên tử tế. Chỉ nên tử tế với những người tử tế.
Xin cảm ơn ông!
http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/nhieu-can-bo-cong-chuc-bao-khong-du-song-nhung-ong-nao-cung-giau-534037.bld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét