Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Người Việt trưởng thành rất chậm?

Người Việt trưởng thành rất chậm?
Đánh thức sự tử tế trong mỗi người đồng nghĩa với việc đánh thức những năng lực cố hữu trong cộng đồng để từng bước hình thành nên một nếp sống mới, một “nền văn hóa thứ hai". Vài năm trở lại đây, khi cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn, “đổi mới” hay “thay đổi” trở thành một chủ đề quen thuộc, một nhu cầu thường trực của cộng đồng. Nhưng bằng cách nào để vun trồng một cuộc sống tốt đẹp hơn?
Chúng ta đang đợi chờ thụ động
Trước hết, thử nhận diện một vài cụm từ mang ý niệm “thay đổi” xuất hiện nhiều: Đổi mới, cải cách, tái cơ cấu, chuyển đổi, thay đổi, đẩy mạnh... Dù ở dạng diễn ngôn chính thức hay khẩu ngữ, thì chủ thể tạo nên hành động thường gắn với yếu tố Nhà nước.

Trong tập quán suy nghĩ của đại chúng, Nhà nước được xác định và kì vọng như là nhân tố có sứ mệnh đổi mới xã hội. Tuy mức độ đáp ứng sự kì vọng hãy còn hạn chế, người dân vẫn không thôi chờ đợi một sự thay đổi trước những sự kiện có ảnh hưởng đến tương lai toàn xã hội.

Xét cho cùng, sự kì vọng đó hoàn toàn chính đáng. Nhưng tâm lí hướng thượng này cũng đồng thời hé lộ một đặc điểm khác trong căn tính của người Việt: Lãng quên sự tồn tại của mình với tư cách là chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình kiến tạo xã hội. Bởi vậy, họ luôn thụ động chờ đợi một cuộc sống mới do người khác tạo ra.

Lãng quên sự tồn tại của mình là một đặc điểm thường thấy của con người cá nhân trong xã hội từng trải qua thời kì bao cấp. Khi đời sống được kế hoạch hóa toàn phần, con người không chỉ lệ thuộc Nhà nước về kinh tế, mà cả tư tưởng, tâm lí, hành vi.

Dần dà, họ mất niềm tin vào chính mình, đi đến phó thác toàn bộ năng lực nhận thức và trách nhiệm xã hội cho Nhà nước. Mặt khác, con người cũng giã từ đời sống dân sự truyền thống (gia đình, bạn bè, các hội đoàn, tôn giáo – tín ngưỡng) để nhập vào các đoàn thể xã hội - chính trị mới. Từ đây, quan hệ xã hội bắt đầu thay đổi.

Không những mức độ liên kết xã hội bị yếu đi mà đời sống tinh thần của con người cũng mất dần bản chất tự nhiên, đa dạng vốn có. Do phải vật lộn hàng ngày với cuộc mưu sinh, đời sống của mỗi người và mỗi gia đình chỉ còn co lại trong những nhu cầu tối thiểu. Trong một bầu không khí như vậy, ý thức về tính chủ thể, ý thức tồn tại như một chủ thể đích thực với đầy đủ nhu cầu, quyền lợi và trách nhiệm bị… mai một, lãng quên.

Chúng ta đang “lãng quên” chính mình?


Bước sang thời kì Đổi mới, gánh nặng cơm áo được trút bỏ. Đời sống dân sự từng bước hồi sinh. Nhưng tư cách công dân vẫn trưởng thành rất chậm. Không những thế, việc gia tăng cơ hội và lựa chọn kiếm sống càng kích thích ý thức vị kỉ, vị lợi. Trong nhận thức của số đông, xã hội là một thứ “kho” mà con người tha hồ khai thác tùy theo sự may mắn và khả năng của mình.

Thế nên, vì lợi nhuận, người thương lái tìm mọi cách nhập thực phẩm thối và phân phối cho hệ thống nhà hàng trong nước. Người trồng rau chỉ trừ lại một khoảnh rau sạch cho nhà mình và phun thuốc trên phần còn lại trước khi xuất ra thị trường. Người chủ quán sẵn sàng bán cho khách hàng các loại thực phẩm và nước uống mà anh ta biết rõ sự độc hại của chúng...

Sự tử tế trở thành một “phản ứng có điều kiện”: Hoặc “có đi có lại” hoặc người ta chỉ tử tế trong phạm vi gia đình và các nhóm nhỏ gồm những thành viên có quan hệ gần gũi với nhau.

Như một lẽ tất yếu, càng nỗ lực tạo dựng và trú ngụ trong ốc đảo cá nhân, con người càng biến xã hội thành sa mạc. Bởi lẽ, để thỏa mãn nhu cầu vị kỉ, mỗi người cũng đồng thời tham gia vào quá trình khai thác, rút ruột xã hội. Với một tập hợp những cá nhân riêng lẻ như vậy, xã hội trở thành một cộng đồng rời rạc, ngột ngạt và bất ổn.

Con người trở nên âu lo, căng thẳng trong cái xã hội mà lâu nay anh ta bỏ quên và gián tiếp tàn phá. Tâm lí bất an hiện hữu thường xuyên trong mỗi người. Bất an vì nguy cơ bị nhiễm độc, nguy cơ bệnh tật, nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản và thân thể, nguy cơ bị tiết lộ thông tin, nguy cơ bị người khác bội tín...

Điều nghịch lí là số đông lại không nhìn ra mối liên hệ giữa sự xuống cấp của cuộc sống hiện tại với cách sống của họ. Nguyên nhân của mọi vấn đề tiêu cực, phức tạp đều được gán cho Nhà nước và xã hội, còn cá nhân thì hoàn toàn dửng dưng. Hiện trạng là một cái gì đó đã xấu sẵn, do người khác gây nên và rất khó cải thiện tâm lý thụ động- kiểu “đằng nào thì nó cũng thế rồi”.

Vì vậy, từng cá nhân vẫn duy trì thói quen cũ giữa một cuộc sống đang đặt ra nhu cầu đổi mới hàng ngày. Rốt cục, người thương lái vẫn tiếp tục nhập và phân phối thực phẩm thối. Người trồng rau vẫn đều đặn phun thuốc trừ sâu trên mảnh đất nhà mình. Người đi đường vẫn thoải mái văng tục, xả rác và vi phạm luật giao thông. Người giáo viên vẫn sử dụng bài giảng và cách dạy cũ. Người công chức vẫn tiếp tục lạm quyền, nói dối và sách nhiễu nhân dân ...

Rõ ràng, trong trạng thái “lãng quên” chính mình, không phải ai khác, chính chúng ta đã góp phần tạo nên một cuộc sống hỗn độn, trì trệ, ngổn ngang...

Đánh thức sự tử tế


Bất luận thế nào, đời sống của mỗi người là một trong muôn vàn thành tố định hình nên bức tranh thường nhật của cuộc sống. Nhiều hành vi cá nhân tưởng chừng xuất hiện ngẫu nhiên đã mở ra cả một trào lưu và lối sống mới trong xã hội. Vì vậy, mặc dù rất khó nhận biết và đo đếm, đời sống cá nhân thực sự có ảnh hưởng đến tính chất của bức tranh toàn thể.

Khi một người tìm cách thay đổi nhận thức và hành vi, anh ta đang tự mở ra một khả năng thay đổi cho đời sống xã hội. Do đó, trong điều kiện hiện nay, sự thay đổi bình dị nhất và đáng chờ đợi nhất sẽ bắt nguồn từ nếp sống của mỗi thành viên trong xã hội- từ từng cá nhân.

Cuối năm 2013, trong thời gian diễn ra Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rất nhiều hành động cụ thể như thế đã xuất hiện, làm sống dậy một niềm tin mãnh liệt và chân thực về khả năng phục hồi những giá trị cao đẹp ở người Việt.

Đánh thức sự tử tế trong mỗi người đồng nghĩa với việc đánh thức những năng lực cố hữu trong cộng đồng để từng bước hình thành nên một nếp sống mới, một “nền văn hóa thứ hai”. Một triết gia nào đó, khi chứng kiến những thăng trầm dâu bể của các xã hội hiện đại trong thế kỉ XX, đã rút ra kết luận rằng: Nếu một mô hình kinh tế và chính trị muốn trở nên tốt đẹp hơn, thì có lẽ hơn bao giờ hết nó phải xuất phát từ những thay đổi đạo đức và hiện sinh căn bản trong xã hội.

Xin trích lại một lời bình thâm thúy trong bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” nổi tiếng của đạo diễn Trần Văn Thủy: “Một dân tộc, một xã hội có phải chìm đắm trong khốn đốn, vong nô thì sự tử tế và sự hoàn thiện vẫn tồn tại nguyên hình trong nó. Nó là cái đích để tập hợp, là ánh sáng để vươn tới”.

Hoàng Giang
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/168420/nguoi-viet-truong-thanh-rat-cham.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét