Biển Đông: Ngòi Thế Chiến Ba?
Tình hình càng ngày càng cho thấy Mỹ khó có thể gạch một lằn ranh đỏ cho chiến lược TC bành trướng ở Á châu Thái Bình Dương. Trái lại TC bành trướng ở Biển Đông gây rủi ro lớn trên thế giới. Nếu tình hình đối đầu giữa TC một bên và bên kia là Mỹ với đồng minh và đối tác của Mỹ, bất trắc do cảm tính của một đơn vị quân sự nào đó, chiến tranh tao ngộ ngoài chiến trường có thể châm ngòi cho Thế Chiến thứ ba.Ở trung Á châu Thái Bình Dương, TC chẳng những quân sự hoá hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa của VN ở Biển Đông, TC đang còn quân sự hoá bãi Scarborough ở Biển Tây của Phi luật tân. Chính Tư lệnh Hải Quân Mỹ, đô đốc John Richardson ngày 17/03/2016 cho biết TC có thể bồi đắp bãi này thành đảo nhân tạo và quân sự hoá như ở Trường sa của VN và từ đó TQ có thể sẽ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, ngay sau khi toà án ra phán quyết.
Còn Mỹ thì được Phi thoả thuận sau khi cho sử dụng hai căn cứ hải quân Vịnh Subic và không quân Clarkfield mới đây cho sử dụng năm căn cứ quân sự của Philippines mà bốn trong năm địa điểm này là căn cứ không quân. Như vậy Mỹ đã có căn cứ trên không, trên biển, trên bộ ở Biển Tây của Phi Luật tân tức là ở giữa Á châu Thái Bình Dương.
Còn ở Nam Thái Bình Dương, cho đến lúc này, Việt Nam đã đồng ý để các chiến hạm của Hoa Kỳ vào quân cảng Cam Ranh để bảo trì và nhận tiếp liệu. Tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Scott Swift, và Tư lệnh lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ vùng Thái Bình Dương, Trung Tướng John A. Toolan, lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Hải Quân hai nước và đàm phán khả năng sử dụng quân Cảng Cam Ranh là nơi Mỹ đặt bộ tư lịnh hải quân trong Chiến tranh VN. Còn tướng Dennis Via, Tư lệnh Hậu Cần Lục Quân Mỹ tiết lộ có ý định bố trí một bệnh viện quân y dã chiến tại Cam Bốt, cũng như lưu trữ các phương tiện tiếp tế quân sự ở Cam Bốt và nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Còn Mã Lai lâu nay nhẫn nhịn Trung Quốc, nhưng thấy chỉ khuyến khích Trung Quốc lấn tới hơn nữa mà thôi. Nên, Ông Hishammuddin, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mã lai nói ông sẽ gặp các bộ trưởng quốc phòng của Việt Nam và Philippines để thảo luận về sự củng cố quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ở cực Nam Á châu Thài Bình Dương, Nữ tướng không quân bốn sao Lori Robinson Tư lịnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương bay đến Úc siết chặc liên minh quân sự, bàn bạc để Úc cho phi cơ chiến lược Mỹ đáp và đậu ở Darwin, một hải cảng của Úc hồi năm rồi Thuỷ Quân Lục chiến đã điều một lữ doàn Thuỷ Quân Lục chiến trấn đóng ở đây, gần Trường sa mà TC quân sự hoá.
Úc một đồng minh Tây Phương lâu đời và thân thiết với Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne hôm thứ hai 21/3 nói Canberra sẽ tiếp tục cử tàu và máy bay đến Biển Đông nơi có nhiều tranh chấp để bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển, trong lúc Trung Quốc bành trướng trong khu vực. Bà tuyên bố “Chúng tôi tuyệt đối kiên định trong phát ngôn rằng các hoạt động của chúng tôi sẽ tiếp tục bằng việc điều tàu và máy bay tới khu vực đó phù hợp với luật pháp. Chúng tôi không thay đổi lập trường đó”.
Nói chung, theo đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân Mỹ quả quyết Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo có tranh chấp, để nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ quyền tự do lưu thông trong vùng.
Tin VOA, tiếng nói chánh thức của chánh quyền Mỹ, trong hội nghị an ninh hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Canberra ở thủ đô nước Úc ngày 21/03/2016, “Tư lệnh Mỹ nói mất đường vào Biển Đông là điều nghiêm trọng”. Nhưng Đô đốc Swift quả quyết việc bị mất quyền đường biển như thế sẽ không bao giờ xảy ra với Hoa Kỳ. Nếu hiểu theo kiểu tích cực của câu nói thì Mỹ bảo vệ với bất cừ giá nào quyền tự do hàng hải quốc tế, mà Mỹ coi là quyền lợi quốc gia, Mỹ sẽ dùng biện pháp quân sự để bảo vệ. Nói một cách khác nếu TC ngăn chận tàu Mỹ, tấn công tàu của đồng minh hay đối tác của Mỹ, Mỹ có thế can thiệp bằng võ trang.
Nhận xét về tình hình Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và một số bên khác, và sự kiện Trung Quốc ngày càng hung hăng, lấn át, ông Swift nhận xét “Có cảm nhận rõ ràng rằng, thái độ kẻ mạnh có quyền đặt ra luật lệ đang quay trở lại khu vực” sau 70 năm an ninh và ổn định kể từ đệ nhị thế chiến.
Giới quân sự Mỹ quan niệm việc các tàu hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động vì tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp “không phải là một vấn đề hải quân” mà đó là một vấn đề có tác động đến kinh tế toàn cầu và luật pháp quốc tế.
Kể cả những chuyên viên của Anh, một nước chiếm thế hải thượng thế giới, có hạm đội mạnh nhứt hoàn cầu trước Thế Chiến 1, trước Mỹ, cơ quan nghiên cứu của Anh là Economist Intelligence Unit (EIU) cũng nhận thấy “TQ bành trướng biển Đông gây rủi ro lớn trên thế giới. Tin này chính VOA của Mỹ loan tải ngày 21/03/2016. Bản nghiên cứu này của EIU xếp nguy cơ chiến tranh ở biển Đông vào hàng thứ 8. Bản nghiên cứu của EIU viết, “Trong khi Trung Quốc đã sa lầy vào một loạt các tranh chấp biển đảo với các nước khác như Hàn Quốc và Nhật Bản, có mối rủi ro rằng hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua quân sự trong khu vực, và gây ra nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc sự tính toán sai dẫn tới sự leo thang căng thẳng”.
Chủ Tịch Tập cận Bình có một cái mộng lớn, giấc mơ Đại Hán. Ông thể hiện thời đại của mình như một thời đại phục hoạt “đại dân tộc Trung Hoa”, như Hitler đã làm ở Âu châu, mở đường cho Thế Giới Đại Chiến lần thứ hai. Ông Bình lợi dụng và khai thác tối đa tinh thần thượng tôn dân tộc Đại Hán cố hữu của các triều đại vua chúa Trung Hoa, khích động tối đa tinh thần quốc gia cực đoan với khẩu hiệu “phục hưng đại dân tộc Trung Hoa”, biến Trung Quốc thời Cộng sản thành bá chủ như thời xa xưa.
Nhưng. Với chiêu bài diệt trừ tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” tham nhũng, để diệt đối thủ trong Đảng Nhà Nước TC, với nền kinh tế, tài chánh ngày càng suy đồi, với hố sâu ngăn cách nghèo giàu, thành thị nông thôn càng sâu rộng, nỗi bất mãn của quần chúng nhân dân rất cao, có thể Ông sẽ theo tâm lý cố hữu của vua Tàu, khi nội trị không an, thì cho quân đánh một nước nhược tiểu để lấy chiến thắng, đề cái thắng bên ngoài chuyển hướng sự chú ý cái yếu bên trong. Với tình hình liên kết, liên minh của những nước láng giềng của TC với Mỹ, TC tấn công một nước trong phe Mỹ, thì TC sẽ rơi vào thế mãnh hổ nan địch quần hồ. Nhưng thực tế tình hình TC chưa phải là mãnh hổ, mà chỉ là con cọp giấy so với Mỹ, Nhựt và đồng minh và dối tác của Mỹ thôi./.
Vi Anh
Việt Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét