Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Những nhà toán học đỉnh cao phải là cựu chuyên Toán ?

Những nhà toán học đỉnh cao phải chăng là những cựu học sinh chuyên Toán ?
Nguyễn Hữu Việt Hưng - Đó là câu hỏi đặt trước cho tôi khi tôi vinh dự được Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm năm năm “Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học” và thành lập “Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán” mời tham gia tọa đàm “Chuyên Toán đi đâu, về đâu?” ngày 20/12/2015. Để tránh những cãi vã vô hồi có thể nổ ra quanh chữ “đỉnh cao”, tôi xin chỉnh lại câu hỏi một chút, thế này: “Những nhà toán học hàng đầu của nước ta, họ là ai? Phải chăng họ là những cựu học sinh chuyên Toán?
Phải nói ngay rằng những bàn luận sau đây của tôi chỉ nhằm cố gắng đưa ra một cái nhìn phản biện đa chiều, và không nhằm mục đích phê phán ai. Tôi tập trung sự chú ý vào chừng 20-30 nhà toán học người Việt được xem là thành đạt nhất hiện nay, ở trong cũng như ngoài nước. Phải thừa nhận rằng ở độ tuổi sinh từ 1950 trở lại đây, (tức là độ tuổi vào học cấp 3 khi đã có hệ Phổ thông Chuyên Toán, lúc đầu ở miền Bắc, sau 1975 được lập trong cả nước), rất khó tìm được một nhà toán học thành đạt người Việt lại không phải là cựu học sinh chuyên toán.

Từ quan sát đó, nếu kết luận ngay rằng hệ Phổ thông Chuyên Toán đã thành công, thậm chí không thay thế được, trong việc đào tạo cả một thế hệ làm Toán thành đạt, thì tôi e hơi vội vàng và khiên cưỡng.

Vì sao? Một quan sát khác cho thấy tất cả những đồng nghiệp nước ngoài trong chuyên ngành Tôpô Đại số mà tôi từng gặp trên toàn thế giới đều chưa từng học lớp chuyên toán. Không có con số thống kê, nhưng bằng quan sát trực tiếp, tôi thấy phần lớn các nhà toán học thành đạt trên thế giới đều chưa từng học lớp chuyên toán. Họ là các công dân các quốc gia có nền khoa học phát triển: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật…, nơi thậm chí các lớp chuyên toán không tồn tại.

Vậy phải chăng ta nên nhận định một cách khiêm nhường hơn: Ở nước ta, hệ Phổ thông Chuyên Toán đã thành công trong việc đào tạo một thế hệ làm Toán?

Tôi có một ước mơ, mong sao hệ chuyên Toán của nước ta không chỉ thành công ở cấp độ phổ thông, mà còn thành công ngay cả ở cấp độ đại học, khiến cho chúng ta có thể cạnh tranh được với những đại học hàng đầu thế giới.

Ngay cả kết luận như thế, tôi e rằng vẫn vội vàng. Vì sao vậy? Bởi vì, các lớp chuyên Toán ở ta khi tuyển sinh đã gần như vét sạch những học sinh tỏ ra có năng khiếu về toán từ nhỏ; Những người này, vốn là những tinh hoa của đất nước, dù học hay không học chuyên Toán, nhiều người trong số họ cũng có thể trở thành các nhà toán học. Nếu như không trở thành các nhà toán học, họ cũng có thể trở thành các nhà khoa học trong những lĩnh vực khác, hay trở thành các nhà văn, các nhà nghiên cứu Văn học, hoặc các nhà hoạt động nghệ thuật.

Vậy phải chăng ta nên kết luận: Ở nước ta, hệ Phổ thông Chuyên Toán đã phát hiện và bồi dưỡng những mầm non Toán học, giúp cho việc hình thành sớm hơn và rực rỡ hơn các nhà toán học hàng đầu? Tôi cho rằng kết luận như vậy vẫn vội vàng.

Chẳng cứ trong Toán, hãy nhìn sang môn Cờ Vua. Chúng ta có thể nhất thế giới ở độ tuổi U10, thứ nhì thế giới độ tuổi U12, thứ ba thế giới độ tuổi U14… Nhưng đến U18 thì không thấy chúng ta đâu nữa. Nếu thi đấu mọi lứa tuổi, rất ít thấy các kỳ thủ Việt Nam ở đẳng cấp quốc tế. Có lẽ, chúng ta luyện cho các em sớm quá, nhưng không đủ sức đưa các em đi xa.

Thế giới có trường chuyên lớp chọn hay không? Thưa rằng họ có các trường phổ thông đặc biệt. Vậy họ khác chúng ta ở chỗ nào? Thưa rằng, trừ ra tại các nước XHCN cũ, các trường phổ thông đặc biệt tốt của họ, thường có học phí rất cao, không có lớp dạy học trò chuyên về một môn nào như ta cả. Còn các đại học hàng đầu thế giới, như Princeton, MIT, Harvard…của Mỹ, École Normale Supérieure của Pháp, Cambridge, Oxford của Anh, Bonn, Göttingen của Đức, Tokyo, Kyoto của Nhật đương nhiên chính là các trường chuyên. Nhưng đó là các trường đại học. Ở cấp độ đại học, việc nên hay không nên “luyện gà chọi” tự nó trở nên vô nghĩa.

Ở bậc đại học, chúng ta đã cố gắng tổ chức các trường chuyên, cụ thể là các lớp Cử nhân Khoa học tài năng (CNKHTN). Nhưng chúng ta, cũng giống như trong môn Cờ vua, đã hụt hơi trong công việc này. Trong 18 năm nay, các lớp CNKHTN ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) không thể nói là thành công. Những sinh viên giỏi nhất trong các lớp này, thường chỉ học 1-2 năm trong nước, rồi đi học nước ngoài, và nói chung họ không về nữa. Tôi xin không bàn đến việc sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài, họ nên hay không nên về Việt Nam. Theo tôi,về chuyện này ta nên thuận theo Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ: “Mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Những sinh viên mà chúng tôi giữ lại trường từ hệ CNKHTN thường là thuộc loại hai. Nhưng họ cũng chỉ ở lại làm trợ giảng 1-2 năm, rồi xin đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, và nói chung họ cũng không về nước nữa. Sau 10 năm (1997-2007), hệ CNKHTN không còn được nhận kinh phí từ ĐHQGHN nữa, chỉ còn kinh phí ít hơn nhiều của trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (ĐHKHTN HN). Đó là một bức tranh nhiều màu xám.

Để kết thúc câu trả lời phỏng vấn này tôi có một ước mơ, mong sao hệ Chuyên Toán của nước ta không chỉ thành công ở cấp độ phổ thông, mà còn thành công ngay cả ở cấp độ đại học, khiến cho chúng ta có thể cạnh tranh được với những đại học hàng đầu thế giới, đào tạo được ngay trong nước những nhà toán học ở đẳng cấp quốc tế, và khiến cho chuyện chảy máu chất xám không còn nữa.

Có lẽ, mong ước ấy của tôi cũng chính là một trong những mục tiêu chính của “Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học” và “Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán” mà hôm nay chúng ta mừng năm năm tuổi đời.

Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, hạt nhân của Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học, đã tạo điều kiện nghiên cứu tốt, đặc biệt là nghiên cứu theo nhóm, cho các nhà toán học hàng đầu hoặc có nhiều triển vọng của nước ta; đã mời được một số nhà toán học uy tín quốc tế cao đến giảng bài và hợp tác nghiên cứu với các nhà toán học Việt Nam. Mới đây, Viện đã được phép mở Chương trình đào tạo Tiến sĩ Toán học xuất sắc. Đó là những bước đầu hứa hẹn.

Dù sao, năm năm là một quãng thời gian quá ngắn để có thể tổng kết về bất kỳ sự phát triển nào.

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=9356

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét