Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Tại sao một số ca sĩ Sài Gòn thích hát... ngọng?

Tại sao một số ca sĩ Sài Gòn thích hát... ngọng?
TTO - Tối 19-3, một chương trình truyền hình trực tiếp truyền mồn một tiếng ca của một nam ca sĩ khá nổi tiếng của Sài Gòn: "Đắc Nông còn nhớ không, bát ngát lâm chường (trường) - Áo xanh màu lá dừng (rừng), nhuộm hoàng hôn... Lời ca lặp đi lặp lại nhiều lần những lỗi phát âm này mà chúng ta thường biết chắc chắn đó là nói ngọng.

Video để minh họa
Nghe ca sĩ này trò chuyện trên sân khấu, trên TV, tôi biết chắc anh không hề nói ngọng, nhưng không hiểu sao khi nào hát, hầu như tôi đều nghe anh hát ngọng như vậy.


Thật ra, chắc chắn không phải anh là ca sĩ Sài Gòn hát ngọng duy nhất, nếu không muốn nói đó là một hiện tượng tương đối phổ biến hiện nay của không ít ca sĩ Sài Gòn (trừ những bài hát mà nội dung nếu ca giọng Nam rặt thì có lẽ hay hơn, như Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Dáng đứng Bến Tre... chẳng hạn).

Người Nam bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng phân biệt rất rõ âm "tr" và "ch", "r" và "d", "s" và "x"... và phát âm rất chuẩn những từ này.

Tôi để ý nhiều ca sĩ Sài Gòn khi nói thì cũng không hề phát âm sai, nhưng khi hát thì không hiểu sao lại hát ngọng những từ này?

Liệu khi cố tình hát ngọng như vậy có ý đồ, dụng ý nghệ thuật gì khác với yêu cầu "tròn vành rõ tiếng" của thanh nhạc? Hay chỉ là "phong chào" (trào)?

Và nếu trí nhớ tôi không lầm thì hiện tượng hát ngọng này ít xảy ra trước cũng như sau 1975. Chỉ gần đây hiện tượng này mới phát triển.

Nghĩ mãi mà thú thiệt tôi không hiểu ra. Các bạn có hiểu không giải thích giùm tôi nha! Ca sĩ nào rảnh cũng xin giải thích giùm. Chân thành cảm ơn.


THANH MINH
http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20160320/tai-sao-mot-so-ca-si-sai-gon-thich-hat-ngong/1070482.html

  • Thang Do 17:25 20/03/2016
    Tôi không nghĩ đó là ngọng, đơn giản đó chỉ là phong cách, đặc trưng của vùng miền. Trước 1975, phần lớn các ca sĩ khi luyện thanh thường phát âm, nhả chữ theo giọng Bắc, tuy nhiên cũng có một vài trường hợp đặc biệt như bác Trần Văn Trạch, nghệ sĩ Hùng Cường, ca sĩ Hà Thanh với chất giọng riêng, không lẫn vào đâu được. Để kiểm chứng xin vui lòng youtube/google bài hát : "Chiều Mưa Biên Giới" với giọng ca của bác Trạch sẽ nghe chất giọng miền Nam đặc sệt, cô Hà Thanh sẽ ra chất giọng Huế, cô Khánh Ly sẽ là giọng Bắc 54. Sự khác biệt này trong nghệ thuật là nét đặc trưng tạo nên sự đa dạng của từng cá thể làm đẹp thêm cho nền nghệ thuật nước nhà. Đừng ép rằng khi hát phải thế này thế kia vì nghệ thuật sẽ chẳng là nghệ thuật nếu phải theo khuôn mẫu !
    Thân
  • Phạm Anh Tuấn 17:46 20/03/2016
    Bạn chắc chắn không sống ở miền Nam. Đó là chất giọng miền Nam từ cả trăm năm nay rồi bạn :) Và tôi cũng chắc chắn bạn chưa nghe cải lương bao giờ mới nói vậy :)
    • Văn Minh 19:53 20/03/2016
      Chú em chắc chắn là dân Bắc, người miền Bắc không nói được âm r và tr, ví dụ đi đổ giác, người miền Bắc nói giất giõ giàng, .v.v. người miền Nam phát âm tr và r rất rõ ràng. Chỉ có những người không phải người Sài Gòn mới tưởng lầm chuyện này.
    • P.T.A 22:21 20/03/2016
      @Văn Minh: Người miền Nam nhưng vùng nào? Người miền Tây Nam Bộ đâu phát âm được "r" mà phát âm thành "g" hay "gr", như cá gô (cá rô), grao cải (rau cải)
    • CÔNG DUY 17:36 21/03/2016
      @ P.T.A: Tôi là người miền tây nam bộ rặc ròng đây nè, chưa bao giờ nói "r" thành "g" nhé. Chỉ có huyện Cái Bè, Cai lậy của tỉnh Tiền Giang thì mới phát âm "r" thành "g" mà thôi nhé. Bạn có đi hết toàn bộ các tỉnh miền tây nam bộ chưa mà dám khẳng định rằng tất cả đều phát âm vậy?
  • Đỗ Minh Hồ Hải 18:08 20/03/2016
    Tại sao 65 trên VTV đọc là sáu muơi nhăm, NewYork lại đọc thành Niu Ót
    • P.T.A 22:32 20/03/2016
      "Nhăm" là phương ngữ miền bắc, như "nghìn" thay vì "ngàn". Còn Niu Ó là nhờ công của hệ thống phát âm "a bờ cờ dờ dời" không giống ai của mình, người Việt mình phát âm W được nhưng bảng chữ không có nên phiên thành "O", thế là ta có Oa Sing Tơn - Washington, Oa Téc Lu - Waterloo. Kiểu phát âm, phiên âm này đáng lý phải sửa từ lâu rồi nhưng vẫn cứ đưa vào dạy nên mới ra lắm kiểu phiên âm như Niu Ót.
    • NamNguyen 06:53 21/03/2016
      Tôi nghĩ mãi vẫn không thể nào hiểu được tại sao đọc BANK thành ra "banh" như việt com banh, Ê xim banh. Cái này mới là siêu ngọng đây.
    • Nguyên 03:32 21/03/2016
      sáu mươi nhăm là phương ngữ. Chứ vì sao không phải là "Sáu mươi năm" mà là "sáu mươi lăm". Đó là cách biến âm của tiếng Việt thôi.
      Còn nếu đọc New York hay Washington theo đúng phát âm của
       từ đó, thì mấy ai đọc được nếu không được học phát âm tiếng Anh, mà chưa chắc mình phát âm từ đó đã đúng nữa nên phải phiên âm ra cho giống tiếng Việt để dễ đọc bạn à.
  • Nguyễn hữu Phát 17:33 20/03/2016
    Họ bắt chước giọng miền Bắc . Thí dụ : chiến trường ( chường ) , xong rồi ( zồi ) ...Phổ biến nhất là phát thanh viên , biên tập viên VTV
    • Mạnh 17:49 21/03/2016
      Có lần tôi đi dự một đám cưới và được thưởng thức bài “Hoa cài mái tóc”. Không biết ai có choáng như tôi không khi nghe hát: Cuộc tình nào không vào đam mơ- Anh xin em giữ trọn lời thờ- Dù tình nghèo người đời khen chơ- Ta yêu nhau giữ trọn tình quơ.
  • Ân Thông 18:16 20/03/2016
    Tân nhạc xuất phát từ miền Bắc nên tân nhạc phát triển hơn ở miền Bắc thời kỳ đầu. Sau năm 1945, đặc biệt từ năm 1954, nhiều người Bắc di cư vào Nam, trong đó có giới văn nghệ sĩ , bao gồm ca sĩ. Các ca sĩ gốc Bắc chiếm lĩnh thị trường tân nhạc ở miền Nam, nhất là dòng nhạc "sang" nên hình thành cách hát phát âm theo cách của người Bắc, người nghe khó phân biệt phụ âm đầu "tr", "ch"... Sau 1975 , lớp ca sĩ Bắc lại tiếp tục thống trị tân nhạc ở Miền Nam tô đậm thêm cách hát phát âm theo người miền Bắc. Vì vậy, những người đi hát ở miền Nam lấy cách hát phát âm theo người miền Bắc như một cách hát chuẩn trong tân nhạc. Dù phát âm đặc sệt giọng Nam khi nói nhưng hát là phát âm theo giọngn Bắc, trừ những ca khúc âm hưởng dân ca Nam bộ người hát bắt buộc hát bằng cách phát âm đúng chuẩn Nam Bộ mới đúng bản sắc vùng miền. Nhiều ca sĩ trẻ sau này không được đào tạo bài bản trong các trương chuyên nghiệp nên không được luyện về đài từ và cách phát âm chuần nên mới dẫn đến trường hợp phát âm mà người nghe cho là "ngọng". Hát tân nhạcn chuẩn nhất phải nói đến ca sĩ Duy Khánh. Hãy nghe bài "Đập vỡ cây đàn" và nhiều bài hát khác của ông để thấy rõ điều đó.
    • Trương Quang Phúc 14:44 21/03/2016
      Bác nói tân nhạc xuất phát ở miền Bắc là không ổn đó. Rồi suốt bài phân tích tôi không thấy bác nói gì đến miền Trung, và xin nhắc bác, Duy Khánh là người miền Trung bác nhé!
  • Robert 17:32 20/03/2016
    Tôi Bắc kỳ 100% sống ở Sai Gòn từ trước 75 vẫn giọng Bắc kỳ 100% nhưng có người vô Saigon mấy năm tự dưng nói ngọng?
  • xuanvinh 18:40 20/03/2016
    hát ngọng là wái thai
  • doan trung 18:29 20/03/2016
    Bạn viết rất chính xác,tôi cũng tức chuyện này đã lâu,tuy nhiên có 1 số người chưa hiểu ý bạn mà thôi.
  • hoài thương 18:10 20/03/2016
    Lạ hơn là mấy ông nhà đài ,biết họ hát nhái mà cứ đưa họ lên hát mói lạ
  • Vũ Trân 17:28 20/03/2016
    Để tạo dấu ấn đó. Bằng chứng bạn đã nhớ tên ca sỹ này vì em ấy hát ngọng. Một "chiêu" marketing / PR đó mà. Coi TV thấy nhiếu clip quảng cáo lảng xẹt, coi muốn nổi điên lên. Người xem nhớ ... [xem thêm]
  • kazepat 19:32 20/03/2016
    Bạn lên youtube mở phim "Tứ quái Sài Gòn" (phim của miền nam quay 1973, được phiên dịch sang cả tiếng Anh và tiếng Hồng Kông). Tất cả các phát âm bạn vừa nêu ở trên là bình thường ở miền Nam thời đó rồi. Nếu đó là chất giọng "ngọng" thì chả ai đưa lên phim chiếu rạp và bán cho nước ngoài cả. Vấn đề nằm ở chỗ bạn muốn cả nước nói giọng Bắc.
  • Lê Nguyễn 17:55 20/03/2016
    Theo suy nghĩ của tôi, khi hát (các bài hát tân nhạc), đa phần các ca sĩ (với đa số các bài hát) đều hát theo giọng Bắc, do đó, khi hát thì "trường" thành "chường", "rừng" thành "dừng" là bìnhthường mà. Dĩ nhiên là cả bài hát đều phải hát theo giọng Bắc, còn nếu hát theo giọng Nam thì phải đúng là "trường", "rừng".
  • Nguyễn Tuấn Lộc 04:06 21/03/2016
    Theo tôi, việc nói ngọng "Tr" thành "ch" là do "anh Hai" Lam Trường mà ra cả. Trước đây, người Sài Gòn phát âm rất rõ, tôi quê Bên Tre lên Sài Gòn từ năm 6 tuổi, giọng nói qua năm tháng đã đổi thành giọng Sài Gòn bao giờ không hay, những cái sai của giọng Bến Tre khi phát âm "Tr" thành "T" đã được sửa đổi lúc nào không biết. Nhưng đến năm tôi khoảng 15 tuổi, khi đó bắt đầu xuất hiện các giọng ca mới Như Lam Trường - Phương Thanh... theo Làn Sóng Xanh đã chiếm lĩnh thị trường trở lại (trước đó một thời gian dài là Paris By Night, nay là Trung tâm Thúy Nga ở hải ngoại và Trung tâm Asia. Lam Trường là người gôc Hoa, phát âm "Tr" thành "ch" và vì sức ảnh hưởng quá lớn của anh ta nên hiện nay thế hệ trẻ đã phát âm sai và ngọng các từ này. Và rồi những người nhập cư sau này, vì muốn bắt chước theo người Sài Gòn hay vô tình bị ảnh hưởng như tôi trước đây mà phát âm cho giống người Sài Gòn mà thành ra phát âm sai luôn. Nếu bạn không tin, hãy gặp những người Sài Gòn trên 45 tuổi, không ai nói ngọng cả,Tuy rằng giọng Miền Nam nhưng phát thậm chí phát âm rất chuẩn, "con" và "cong", "tòn" và 'Toàn", "tr", "r" và "ch" rất rõ ràng chứ không chung một phát âm như bây giờ. Hãy nghe những phát thanh viên trước đây như chú Hữu Vinh ở đài Truyền hình thành phố ( người lồng tiếng cho bộ phim Tây Du Ký, đặt biệt là giọng của Tam Tạng) sẽ thầy sự vẹn toàn ngôn ngữ chứ không như các bạn MC bây giờ phát âm chưa được chuẩn xác và ngọng, rồi đổ thừa đó là giọng Sài Gòn. Xin các bạn trẻ hãy ý thức giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt, đừng để một ngày nào đó sẽ không còn chữ "tr" "r" trong ngôn ngữ nữa, cũng như ta đang mất dần chữ "Y" thành "i" trong cách viết. Ngày xưa viết đúng là con Quy, ông Tý, Quỹ bảo hiểm thì nay viết thành con Qui, ông Tí, và Quĩ bảo hiểm....
  • Nguyễn Thành Công 22:06 20/03/2016
    Nếu dùng từ chính xác thì đó không phải là ngọng (ngọng nghịu) có tật bộ phận phát âm, mà là hát đớt (đớt đát) do phát âm đớt chứ không phải do có tật bộ phận phát âm.
    Nói đớt
     người miền Tây Nam Bộ vấp phải nhiều, nhưng khi viết thường chuẩn nếu có chút kiến thức. Còn người Miền Bắc phát âm rất chuẩn phụ âm cuối, nhưng lại thường đớt phụ âm đầu. Tệ hại nhất là nói đớt rồi viết đơt luôn. Thậm chí trình độ đại học, phóng viên, báo chí, sách, sách giáo khoa, biểu ngữ cũng viết sai phụ âm đầu tuốt luốt. Còn người trình độ thấp thì bao la, lên diễn đàn mạng sẽ gặp.
    Trở lại trường hợp các ca sĩ, chỉ vì họ muốn hát giọng Bắc cho ra dáng thời thượng, cho ra dáng văn hóa, nhưng có điều họ làm thái quá đến mức dị hợm, lố bịch.
    Khổ nỗi sự dị hợm đó được đâ đưa lên thành phong trào thời thượng mới khổ
    • Nam Nguyen 14:27 21/03/2016
      Tui đồng ý. Đớt của Tây Nam Bộ còn có dạng lười phát âm nữa. Ví dụ là chữ r nói g, là do làm biếng, chứ không phải phát âm không được.
  • TN. 18:01 20/03/2016
    Tôi thấy trên ti di ' cũng ' dậy ' mà ! Các phát thanh ziên phát sai lỗi nầy thường xuyên ! Chú ý các từ bắt đầu bằng : V , D, Gi, R, . . . ! Cháu tôi cứ hỏi sao lại thế , tôi thì cứ ' pó tay' !
  • Văn Minh 19:58 20/03/2016
    Do chữ quốc ngữ hiện đại được phát triển ở miền Nam 300 năm trước khi phổ biến trên toàn quốc nên có 1 số âm mà người miền Bắc hay nói ví dụ như 'gi' thay cho 'r', ch thay cho 'tr', .v.v. mà ta cho ... [xem thêm]
  • hạnh tiến 19:14 20/03/2016
    Tôi cũng đang bức xúc đây, đài VTV9 nói ngọng tùm lum, ngậu xị cả lên, nhưng trong câu phát âm tr và ch, g và r mỗi lúc không giống nhau mới kỳ chứ!...
  • cong Lý 18:29 20/03/2016
    Tất cả các âm "tr" và "ch", "r" và "d", "s" và "x"..được đọc hay hát phải xịt gió mới sang. Đây là một trào lưu học đòi. Chương trình " Thử tài thách trí" là một ví dụ rỏ nhất.
  • Đoàn Hoà 18:09 20/03/2016
    Chẳng phải vùng miền gì cả vì chỉ một số ít ca sĩ người Nam hát giọng Bắc nên phát âm nghe như..."ngọng" hoặc một số giả ngọng mà thôi. Để ý các chương trình thi ca hát trên truyền hình sẽ ... [xem thêm]
  • lela 19:17 20/03/2016
    Không phải ngọng mà bắt chước giọng gió phía bắc nhưng nhã gió quá mạnh thôi.
Xem tiếp bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét