Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Tố cáo tham nhũng nhưng bị trả thù thì ai dám tố cáo

Ai dám gọi cho Cục chống tham nhũng khi chưa tố cáo đã nơm nớp sợ bị trả thù?
(GDVN) - Người đi tố cáo mà cứ nơm nớp lo bị trả thù, thì ai dám tố cáo? Đây là chuyện rất đáng buồn”, ông Vũ Quốc Hùng nói về tố cáo tham nhũng, tặng quà Tết...
Ảnh minh họa của Báo Thanh Niên.
Tố cáo tham nhũng nhưng bị trả thù thì ai dám tố cáo
Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) vừa chính thức mở 3 số điện thoạiđường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định. Quy định nêu rõ, nghiêm cấm việc sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để làm quà tặng không đúng quy định dưới mọi hình thức.

3 số điện thoại đường dây nóng của Cục chống tham nhũng là: 08.048228; 0902.386.999 và 0125.698.6688.
Cơ quan, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định…

Một số cựu quan chức, chuyên gia phòng chống tham nhũng cho rằng, đây chỉ là giải pháp mang tính răn đe. Để thay đổi về mặt bản chất việc tặng quà Tết, cần sự đổi mới quản trị mang tính hệ thống…
Tiếp tục cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 16/12 liên quan tới vấn đề nói trên, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định:
“Với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật hiện nay, việc công bố đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, trong đó có việc tặng quà Tết sai quy định là ý tưởng hay, từng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Đây cũng được coi là một trong số các giải pháp đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, việc tặng, biếu quà Tết là chuyện hết sức tế nhị. Cần phân biệt rạch ròi việc tặng quà Tết sử dụng tiền thuế của dân hay người đó tự bỏ tiền túi.
Nếu lấy công quỹ để làm quà Tết thì không thể chấp nhận được”.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh minh họa của Báo Giao thông).

Ông Vũ Quốc Hùng nêu quan điểm, việc công bố đường dây nóng là giải pháp chỉ mang tính răn đe, còn hiệu quả sẽ khó đạt như mong muốn.

“Tâm lý nể nang, ngại va chạm, sợ trả thù khá phổ biến ở những người tố cáo tham nhũng. Có trường hợp người tố cáo bị trả thù khi tố giác hành vi vi phạm. 
Trong khi đó, công cụ bảo vệ những người tố cáo tham nhũng nói chung đang còn yếu. Người đi tố cáo mà cứ nơm nớp lo bị trả thù thì ai dám đi tố cáo? Đây là chuyện rất đáng buồn”, ông Hùng phân tích.

Cũng theo ông Vũ Quốc Hùng, việc tặng quà Tết nên chú trọng vào từng đối tượng cụ thể, mục đích rõ ràng: "Đáng lẽ cần đẩy mạnh hơn nữa việc tặng quà Tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo… thì chúng ta lại có thói quen, chú trọng tặng quà cho lãnh đạo.
“Quà Tết” có ẩn ý không lành mạnh

Trước đó, trong bài phát biểu trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, về việc tặng quà Tết, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng nhận định, khoảng 30% quà Tết, quà biếu có ẩn ý không lành mạnh. Tuy nhiên việc bắt quả tang, xác định hành vi sai trái là điều không dễ (GDVN hôm 16/2).

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh phân tích: “Quà biếu, quà Tết còn được coi là công cụ dùng để chạy chọt này nọ.
Thứ vật chất này có thể sẽ có tác dụng trong thời điểm tức thời, hoặc để duy trì các mối quan hệ cần thiết, mang tính “tiềm năng" cho những chuyện cần nhờ vả sau này”.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu nguyên nhân của việc tặng quà Tết không lành mạnh: “Một xã hội có nền quản trị kém, thang đánh giá về năng lực, đạo đức của con người lệch chuẩn, thì việc dùng tiền (quà biếu/tặng) để đạt được mục đích xin việc, thăng chức… là chuyện tương đối phổ biến
PGS. TS Đặng Ngọc Dinh (ảnh minh họa của Vietnamnet.vn).
Ở phạm vi rộng hơn, hiện tượng biếu “quà tết” là để củng cố quan hệ là sự phản ánh tính không lành mạnh của hệ thống quản trị, chứ không phải người biếu quà tết ấy sẽ làm cho hệ thống không lành mạnh.
Người biếu quà là một phản ánh xã hội, là "nạn nhân" của hệ thống quản lý yếu, làm phát sinh tiêu cực, đồng thời góp phần duy trì hệ thống sai lệch đó”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh phân tích.

Đừng tưởng người ta muốn đưa quà biếu cho người khác, bởi thực tế có những người giỏi thực sự nhưng họ vẫn sợ không có chỗ đứng trong xã hội chỉ vì chuyện quan hệ, tiền bạc...nên họ mới phải làm thế.”

Ngăn ngừa “tham nhũng quà Tết”
Nêu giải pháp về việc ngăn ngừa “tham nhũng quà Tết”, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, vấn đề phụ thuộc vào tính gương mẫu, tự trọng của người đứng đầu.

"Tính khả thi hay không phụ thuộc vào người đứng đầu. Lãnh đạo gương mẫu thì sẽ không có chuyện tiêu cực.

Bản thân những người đứng đầu phải nhận diện được hành vi sai trái trong việc tặng quà Tết trái quy định. Họ phải là người phát giác tham nhũng đầu tiên chứ chưa phải là người dân.

Ông Hùng cho biết thêm, trước mắt, cần có giải pháp thiết thực hơn để bảo vệ người tố cáo việc “tham nhũng quà Tết”.

“Trong khi chúng ta khuyến khích nhân dân tố cáo tham nhũng, thì dân lại sợ bị trả thù. Thực tâm, họ rất muốn tố cáo vi phạm, nhưng tố cáo mà bị trù dập, trả thù, thì ai dám tố cáo?

Do đó, cần phải xem lại cơ chế bảo vệ người tố cáo tham 
nhũng để họ không đơn độc. Người dân chỉ mong nhà nước bảo vệ họ khi tố cáo tham nhũng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Vũ Quốc Hùng: Chúng ta phải xác định "cuộc chiến một mất, một còn"

Trong khi đó, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cho rằng, để hạn chế tình trạng “tham nhũng quà tết” trên cần phải có sự thay đổi mang tính hệ thống.
“Đừng vội lạc quan cho rằng một thông tư, một nghị định, một phát biểu mang tính răn đe, có thể giải quyết được chuyện biếu quà tết không lành mạnh. 
Quan trọng là phải hoàn thiện các thang đánh giá về chuẩn mực đạo đức, về năng lực của con người một cách cụ thể, hoàn thiện việc phân công công việc một cách chuyên nghiệp thì khi đó, vấn đề quà biếu, quà Tết sẽ dần trở nên lành mạnh...”. 
QUỐC TOẢN
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ai-dam-goi-cho-Cuc-chong-tham-nhung-khi-chua-to-cao-da-nom-nop-so-bi-tra-thu-post164208.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét