Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

“Chúng tôi còn khổ hơn cả giáo viên!”

“Chúng tôi còn khổ hơn cả giáo viên!”
TT - Đây là câu cảm thán của nhiều nhân viên trong nhà trường. Họ bảo mình là “con ghẻ” của ngành giáo dục, khi bị coi như người ngoài cuộc trong không ít chính sách, chế độ đãi ngộ của ngành. Công tác trong ngành giáo dục, trực tiếp làm việc trong môi trường trồng người, nhưng nhân viên thư viện, thiết bị, kế toán, văn thư, bảo vệ và các lực lượng khác ngoài giáo viên trong trường phổ thông... không được hưởng các chế độ đãi ngộ đặc biệt của ngành. Họ vất vả làm việc tám giờ mỗi ngày để gồng gánh cuộc sống với đồng lương eo hẹp.
Cô Nguyễn Thụy Diễm Linh - nhân viên thư viện Trường THPT 
Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM - trong giờ làm việc - Ảnh: Như Hùng
Lực lượng nhân viên trong trường học là bộ phận gián tiếp. Nếu hoạt động của trường mà thiếu bộ phận gián tiếp thì không thể chạy được. Tuy nhiên, công việc của nhân viên trường học là rất thầm lặng và cũng không ai để ý tới - Trưởng phòng GD-ĐT một quận tại TP.HCM
Thu nhập chỉ 2,6 triệu đồng/tháng
Chị M., một nhân viên thư viện trường THCS tại TP.HCM, người đã có 20 năm gắn bó với trường với lớp, cho biết: tổng thu nhập hiện nay của chị được 5,1 triệu đồng/tháng, trong đó hơn 1 triệu đồng là thu nhập riêng từ trường.
Với công tác thư viện trường học, ngày làm việc của chị bắt đầu từ lúc 7g (giờ học sinh đến trường) và kết thúc lúc 16g30 hằng ngày.
“Trường tôi là trường dạy hai buổi/ngày và thư viện của trường có nhiều hoạt động ngoại khóa, nên tôi may mắn có thu nhập thêm cao hơn đồng nghiệp ở nhiều trường bạn. Rất nhiều bạn bè cùng lứa với tôi làm cùng quận, nhưng ở những trường dạy một buổi/ngày thì không có khoản này, hoặc có cũng chỉ 150.000 - 200.000 đồng/tháng” - chị M. cho biết.
Tốt nghiệp ĐH ngành thư viện, đã có 10 năm công tác trong ngành giáo dục, nhưng thu nhập hiện nay của chị H. mỗi tháng chỉ được gần 3 triệu đồng.
“Ngoài việc phải có mặt đúng giờ, đủ thời gian quy định để kịp thời phục vụ học sinh, giáo viên, công tác thư viện trong trường học rất vất vả, nhưng thu nhập và vị thế trong trường thì tủi phận lắm” - chị H. tâm sự.
Nhưng theo chị M., trong hàng loạt chức danh nhân viên trong nhà trường (văn thư, kế toán, thư viện, thiết bị, y tế, bảo mẫu...) thì cực khổ, thiệt thòi, ít được quan tâm nhất hiện nay vẫn là lực lượng bảo vệ.
“Hiện nay, mỗi trường tối đa chỉ được hai bảo vệ, nên lực lượng này phải làm việc liên tục, ít có thời gian nghỉ ngơi. Vì vậy ở quận tôi, trong số các nhân viên phục vụ trong nhà trường, thì bảo vệ là trồi sụt nhân sự nhiều nhất” - trưởng phòng GD-ĐT một quận cho biết.
Anh B., nhân viên bảo vệ tại một trường THCS ở TP.HCM, người có mười mấy năm gắn bó với trường, kể: nếu chỉ có thu nhập từ công tác bảo vệ thì hiện tại anh chỉ có chưa đầy 2,6 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, do mấy năm nay thấy đời sống của các bảo vệ khó khăn, nên lãnh đạo nhà trường giao thêm cho tổ bảo vệ một số công việc khác như văn thư, kiêm thợ sửa quạt, điện nước, chăm sóc cây xanh... để tăng thu nhập. Vì thế, thu nhập của anh B. hiện nay được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.
“Lương thấp nhưng tôi vẫn ráng gắn bó với trường, vợ tôi cũng làm việc ở đây và con đi học thì được nhà trường xem xét miễn giảm tiền ăn, tiền học phí vì thu nhập của vợ chồng tôi quá thấp” - anh B. trải lòng về công việc của mình.
Bảo vệ của trường thường phải làm việc nguyên ngày đêm, rồi nghỉ bù một buổi hoặc một đêm hôm sau (theo ca chính, ca phụ).
Công việc bảo vệ ở các trường, nhất là trường THCS, THPT ở những địa bàn đông dân cư, đông học sinh rất vất vả vì kèm với việc canh cổng ra vào, xem lại hàng rào, phòng ốc trước khi học sinh vào học và sau khi ra về, họ còn phải đảm đương nhiệm vụ an ninh, an toàn cho học sinh. Vì thế, với đồng lương ít ỏi hiện nay, không ít người không thể gắn bó lâu dài với nghề.
Anh K., nhân viên bảo vệ tại một trường THCS, đã xin nghỉ việc sau gần 10 năm làm công tác này. “Vợ tôi bệnh, thu nhập gia đình quá bấp bênh, tình thế gia đình bắt buộc tôi phải bỏ nghề, vì không thể cứ suốt ngày ở trường mà lương chỉ được 3 triệu đồng/tháng” - anh K. cho biết.
Ngậm ngùi phận “con ghẻ”
Với khoản thu nhập ít ỏi, chị M. cho biết để có thể nuôi hai con nhỏ đang độ tuổi ăn tuổi lớn, vợ chồng chị đã phải tính toán rất chi li và nhờ sự giúp đỡ từ gia đình. Dù chị rất muốn làm thêm, nhưng do công tác phải làm suốt ngày nên không có thời gian làm thêm.
Chị M. bức xúc: “Nhiều người nghĩ công tác thư viện trường học đơn giản, không có gì nhiều, nhưng thực tế hồ sơ sổ sách rất nhiều. Nào là cho học sinh, giáo viên mượn sách tại chỗ, mượn về nhà đọc, rồi hằng tháng bổ sung sách để đáp ứng yêu cầu về chương trình học, bổ sung sách mới. Khi sách mua về thì phân loại, đánh dấu, vô sổ, bao sách, xếp kho... Mỗi năm phải kiểm kê sách hai lần, làm sổ sách, sổ thư mục, sổ tư liệu; hằng tháng phải giới thiệu sách chuyên đề, sách mới... Ngoài ra, trong các tháng còn có kế hoạch hoạt động của thư viện trường”.
Theo chị M., người làm công tác thư viện khác với giáo viên ở chỗ: muốn đi làm thêm ban đêm cũng khó có công việc phù hợp về chuyên môn. Vì thế, một số nhân viên thư viện chỉ làm một buổi/ngày phải tìm những công việc lặt vặt, trái chuyên môn để kiếm thêm thu nhập.
Chị H., nhân viên thư viện của một trường tiểu học, kể chị quen một cô thư viện ở trường khác và một bảo mẫu, hai người này góp vốn mở chung một quán nước nhỏ để làm thêm. “Tranh thủ giờ nghỉ trưa và sau giờ làm ở trường, họ cùng pha cà phê, bán nước ngọt, nước trái cây cho người qua đường” - chị H. buồn bã giải thích.
Ngoài chuyện thu nhập thấp, sự ngậm ngùi đến nhiều nhất với các nhân viên làm việc trong nhà trường là vào những dịp lễ, Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. “Những dịp lễ hội ở trường, tổ chức thi cử..., nhân viên ở trường đều được huy động tham gia, có khi đi gác thi hoặc phụ trách cổng ra vào... Nhưng trong mắt học sinh thì mình không phải là cô giáo. Bao nhiêu năm làm ở trường, nhưng Ngày nhà giáo Việt Nam chúng tôi làm gì có hoa” - chị H. chia sẻ.
Chị M. còn cho rằng rất nhiều nhân viên trong trường đều thấy ấm ức việc họ không được hưởng phụ cấp thâm niên của ngành giáo dục. “Nói chúng tôi không có khoản 30% phụ cấp đứng lớp như giáo viên thì chấp nhận được, vì chúng tôi không trực tiếp đứng lớp, tất nhiên sẽ không được hưởng khoản này.
Nhưng tôi băn khoăn tại sao ngay cả phụ cấp thâm niên của ngành giáo dục, các nhân viên trong nhà trường cũng không có? Nhân viên cũng công tác trong ngành giáo dục, gắn bó với trường, làm công tác liên quan đến học sinh. Điều này là không thỏa đáng. Vì vậy, chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng “chúng mình là con ghẻ của ngành giáo dục” - chị M. ngậm ngùi nói.
http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151216/chung-toi-con-kho-hon-ca-giao-vien/1021324.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét