Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Linh hồn là tên gọi một phần thân thể

Linh hồn là tên gọi một phần thân thể 
Friedrich Nietzsche - Hai người ngồi ở bao lơn của căn gác gỗ. Họ ít cử động, giống hai bức tượng đang sẫm dần trong buổi chiều muộn. Cuộc mưu sinh chật vật, hiếm khi họ rảnh rỗi như trong lúc này. Cũng may họ chưa có con cái. 
Lúc này họ thảnh thơi hệt những ngày trước đây chừng hơn một năm, khi ấy họ còn là hai người bạn, cũng trên bao lơn này, những buổi chiều, khung cảnh và những chuyển động thấp thoáng rì rầm chung quanh. Rồi ngọn đèn ở góc phố không xa đấy bật sáng, họ nói: “Buổi chiều quá vãng.”

Dù sao họ chưa bận con, điều này có phần quan trọng. Chị nói:
– Em có một nỗi sợ mà bất cứ lúc nào nhớ đến em cũng nổi gai ốc. 

Anh tự hỏi, có phải người ta gọi là thần giao cách cảm, anh cũng vừa đọc lại mấy trang của một cuốn sách khó đọc, về một nỗi sợ. Anh đọc đi đọc lại trong nhiều năm, những lúc cuộc sống nhiêu khê tạm thả anh, ngày anh có may mắn được tự do. Một Ngày Để Tùy Nghi của ông Võ Phiến. Cuốn sách mà anh đọc đi đọc lại, ấy vậy lúc này anh lại quên bẵng đó là cuốn sách gì, cả tên nhà văn tác giả. 

Nỗi sợ chị kể lại đang làm chị rúng động, có lẽ làm chị nổi gai ốc như chị nói. “Giá như nàng ưa nói chuyện phiếm thì tốt hơn,” anh nghĩ. Chị không thích nói chuyện dông dài tiêu khiển, nói chung là chị không ưa chuyện phiếm. Chị là loại người hướng nội, quan tâm tới những vấn đề của tinh thần. Anh nhìn chị bằng ánh mắt ái ngại. 

Lúc còn là sinh viên, có lần chị tham gia đoàn công tác xã hội của trường đại học, đi thăm hỏi và an ủi bệnh nhân trong các bệnh viện vào dịp lễ X. Đoàn công tác tới thăm trại Thần Kinh Tâm Lý của Tổng Y Viện Cộng Hòa, một bệnh viện lớn bậc nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Vào trại Thần Kinh Tâm Lý, trại tập trung những quân nhân bị bệnh tâm thần, nỗi kinh hoàng đã đến với chị. Tất nhiên trước khi tới đây chị đã dự liệu những gì có thể xảy ra, nhưng chị nói, anh ta là một người điên mà chị không thể tưởng tượng được.
– Gương mặt anh ta, nếu là bức ảnh hay bức tượng, thì đấy là gương mặt đẹp, với vẻ trầm tư lắng đọng. 

Chị nói. Chị nói tiếp rằng, anh ta xuất hiện trước mắt chị, dù ở một khoảng cách, anh ta ngồi im sững trên chiếc ghế đá dọc bên lối đi, giữa khu vườn nhỏ của trại Thần Kinh Tâm Lý. Một cô bạn sinh viên cùng tham gia trong đoàn thăm viếng, nói với chị: “Anh chàng chiến sĩ đẹp trai thế kia mà bị điên,” cô bạn ngắm anh ta một đỗi lâu, vừa xót thương vừa tiếc rẻ. Nhưng về phần chị, chị có cảm giác lạnh xương sống, khi bất giác thấy đôi mắt anh ta đăm đăm nhìn chị từ lúc nào. 

Cô bạn đi tới chỗ anh ta ngồi, hiển nhiên là cô bạn này ý thức công việc của mình trong buổi thăm viếng. Chị thấy anh ta vẫn ngồi im, vẻ mặt ơ hờ hơn lúc nãy một chút, như thể anh ta tỏ lời khước từ một cách thầm lặng. Dù sao chị cũng hiểu được, rằng anh ta không chú ý theo dõi chị gì cả. Anh ta hơi cúi đầu nhìn xuống đôi bàn tay, một bàn tay đang hờ hững bẻ những đốt ngón tay của bàn tay kia. Mái tóc anh ta khá dài, rủ nghiêng xuống bờ trán rộng, phần tóc rủ xuống ấy chấm một bên mí mắt. 

Chị đi loanh quanh trong khu vườn, dừng lại nói chuyện với một bệnh nhân. Bệnh nhân này đã cười hiền lành ngơ ngác khi ngó chị. Đi một hồi chị lại thấy anh ta, vẫn ngồi trên chiếc ghế đá ấy, đôi mắt như thôi miên chị, cuốn hút chị vào sâu mãi chốn u tối. Chị như kiệt sức, vô vọng thoát khỏi cái nhìn của anh ta; chị như đang rớt xuống lòng giếng thẳm, cơ thể chị đang dấy lên phản xạ của kẻ sắp phải vùng vẫy trước khi chết đuối. 

Trong một thoáng chốc hồi tỉnh trước sức hút của cái nhìn điên rồ, chị thốt nhận ra một điều gì đấy thật đau đớn trong đôi mắt anh ta.
– Như thể linh hồn anh ta đang giằng xé trong đáy mắt, buộc anh ta sống trong tù ngục của bệnh điên.
Nghe chị nói, anh cười khẽ, và nói:
– Em quá nhạy cảm nên hoang tưởng. Làm gì có linh hồn giằng xé trong đáy mắt anh ta được. 

Chị khẽ lắc đầu, nói:
– Nỗi sợ không thể truyền cảm được. May mắn là anh đã không gặp nỗi sợ giống như em… Bây giờ nhớ lại em còn dựng tóc gáy. Dù bệnh điên vẫn tồn tại cùng con người, nhưng em cầu mong không ai bị điên giống như anh ta.

Trại Thần Kinh Tâm Lý – Tổng Y Viện Cộng Hòa, năm 1970.
Anh ta không điên xét theo bất cứ dạng nào của bệnh điên. Anh ta bị xem là người điên, đơn giản vì anh ta đã được (hay bị) đưa vào đây, một trại tâm thần. Cũng có thể anh ta bị điên? Thi sĩ Charles Baudelaire bảo: Hãy thương lấy những người điên, vì họ không biết tại sao họ điên, họ điên như thế nào, và bằng cách nào họ thoát khỏi cơn điên. 

Dù bị lầm lẫn, người khác có thể lợi dụng thời gian sống trong trại điên để có thêm được gì đấy. Anh ta không có ý định trở thành nhà văn để có những quan sát và hiểu biết về khu vực đặc biệt này của con người, anh ta cũng không phải là môn đệ của Freud để nghiên cứu thực tế. Anh ta chỉ có được nỗi u sầu buồn bực làm bạn đồng hành. 

Một lần ông thiếu tá quân y trưởng trại Thần Kinh Tâm Lý nói chuyện, hỏi han về dĩ vãng của anh ta để dò tìm nguyên nhân đưa anh ta tới bệnh điên, anh ta hét vào tai ông thiếu tá quân y trưởng trại: “Tôi không điên gì cả. Chính ông mới điên.” Sau lần đó anh ta được theo dõi bệnh tình thật nghiêm ngặt, kỹ lưỡng. Anh ta được (bị) ghi tên vào danh sách những bệnh nhân cần phải chạy điện mỗi tuần. Giống như là để sấy cái système nerveux cuả anh ta vậy. 

Một thời gian sau, trong hồ sơ bệnh lý, bác sĩ điều trị ghi tình trạng của anh ta: Bệnh nhân bị chứng Schizophrénie. Rối loạn tâm thần = Tâm thần phân liệt. 

Mái tóc kéo nghiêng trên trán anh ta dài thêm nhiều, phủ lấp một bên mắt. Anh ta bắt đầu để tóc kiểu khác, chẳng phải là làm dáng, kiểu cọ văn nghệ văn gừng gì, chỉ là để cho thuận tiện mà thôi: vuốt ngược tóc về phía sau, hình thành đường ngôi ở giữa. Ấy vậy mà có bạn tới thăm, bảo đầu tóc anh ta bây giờ giống hệt đầu tóc thi sĩ chủ soái trường phái siêu thực André Breton.
*
Chị nói:
– Một người điên nổi cơn đập phá không đáng sợ bằng anh ta. Biết dè chừng ra sao khi anh ta ngồi im sững như vậy? Anh ta mưu tính gì lúc đó?
Ngọn đèn ở góc phố bật sáng.
– Cái nhìn của anh ta… Em đang nổi da gà đây này!
Chị lại nói tiếp như vậy. 

Đột nhiên anh đưa tay lên đầu để lùa mái tóc, kéo nghiêng mái tóc ấy xuống bờ trán rộng, hỏi chị:
– Em thấy anh giống anh ta không?
– Anh đừng nhát em chứ. Em yếu thần kinh lắm! 

Anh tự nhủ: “Thôi đừng nói gì hết, đừng nói gì hết…” Và anh vẫn ngồi ở tư thế cố định.
Họ vẫn ít cử động, giống hai bức tượng, nhưng lúc này hai bức tượng được chiếu sáng từ ngọn đèn ở góc phố không xa đấy. 

Tặng tôi – nhân vật ấy, một thuở.

http://damau.org/archives/38698

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét