Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Tái cơ cấu kinh tế: Sẵn sàng TRẢM tướng

Tái cơ cấu kinh tế: Sẵn sàng TRẢM tướng
Thủ tướng chỉ đạo: ‘Nếu cán bộ lãnh đạo ở DNNN đó mà không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế’. Nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tiếp tục được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là trọng tâm năm 2014. Trong cuộc họp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2014, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sau khi các đề án đã được phê duyệt xong.
Theo Thủ tướng, sắp xếp cán bộ là nhân tố quyết định tới sự thành bại của cuộc cải tổ, tái cơ cấu này. “Nhưng sắp xếp, bố trí lãnh đạo cán bộ không tốt thì không tái được gì hết. Nếu cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu thoái vốn Nhà nước tại những ngành không cần nắm giữ. “Cái nào thua lỗ, không khắc phục được thì giải thể, phá sản, lần này phải kiên quyết. Muốn có kinh tế thị trường phải đặt doanh nghiệp Nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, trong tiếp cận vốn và các nguồn lực khác”.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, thoái vốn lúc này không phải thực hiện một cách ồ ạt mà phải nghiêm túc, tránh bán tràn lan, sơ hở, mất mát tài sản.

Áp lực thoái vốn Nhà nước đã được Thủ tướng đặt ra từ những năm trước nhưng trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, kinh tế suy thoái như hiện nay, nhiều đơn vị khó bán cổ phần hơn.

Khẳng định việc tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu DNNN là việc làm cấp thiết hiện nay, ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho rằng: Lúc khó khăn như hiện nay chính là thời cơ để loại bỏ doanh nghiệp yếu kém, không phù hợp với nền kinh tế mới.

“Khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế hay khi kinh tế đang phát triển mà các doanh nghiệp vẫn phá sản nhiều là chuyện bình thường. Không nên câu nệ những số liệu hàng chục doanh nghiệp phá sản. Bởi đã tái cơ cấu nền kinh tế mà vẫn duy trì những doanh nghiệp như cũ thì không thành công. Các DN này phá sản, giải thể vì không thích ứng được với môi trường kinh tế mới”, ông Thăng nói.

Hiện nay, tín dụng là kênh dẫn vốn chủ yếu của nền kinh tế (chiếm tới 92%), thì theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh La Thăng, việc điều hành chính sách tiền tệ như thời gian qua, đặc biệt là năm 2013 là chưa hiệu quả.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, chính sách tài chính, tiền tệ, tài khóa phải có sự phối hợp chặt chẽ. Có tiền phải rải đều các tháng trong năm. “Thống đốc Bình nói tăng trưởng tín dụng năm 2013 khoảng 10% nhưng lại dồn vào cuối năm. Như vậy vốn tín dụng góp phần cho tăng trưởng ít, không tác dụng. Sử dụng tiền dồn ép sẽ khó hiệu quả. Dùng tiền phải dàn đều, đảm bảo tiến độ giải ngân và công việc. Lúc nào Tài chính khó khăn thì NH đưa ra. Tài chính tốt thì NH siết lại để đảm bảo lượng tiền lưu thông tương đối” – Bộ trưởng Thăng nói.

Một năm nhiều cố gắng


Nhìn lại năm 2013, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Kết quả nổi bật nhất trong điều hành của Chính phủ năm qua là lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tăng thấp; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường trong nước.

Nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP tăng qua từng quý, tốc độ tăng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra nhưng cao hơn năm trước.

“Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong một thời gian khá dài thì đây là mức tăng hợp lý, thể hiện sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định.

Tổng thu NSNN cả năm ước đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, đạt 96,9% dự toán năm, tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2012; tổng chi NSNN ước đạt 986,3 nghìn tỷ đồng, đạt 100,8% dự toán năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2012; bội chi NSNN bằng 120% mức bội chi dự toán đầu năm, bằng 5,3% GDP. Nợ công, dư nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn: nợ công đến cuối năm 2013 đạt 56,2% GDP (<65%), trong đó nợ Chính phủ bằng 42,6% GDP (<55%), nợ Chính phủ bảo lãnh là 12,24% GDP và nợ chính quyền địa phương là 1,32% GDP.

Đáng chú ý là “Tiết kiệm chi NSNN năm 2013 khoảng 22,7 nghìn tỷ đồng” – Bộ trưởng Vinh nói.

Còn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Chính sách tiền tệ được điều hành chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia trong giới hạn an toàn”.

Theo đó, mặt bằng lãi suất VND đã giảm đáng kể. So với đầu năm, lãi suất huy động giảm 2-3%/năm, lãi suất cho vay giảm 3-5%/năm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Tỷ giá và thị trường ngoại hối được điều hành linh hoạt, tình trạng đô la hóa được khắc phục căn bản; hoạt động thị trường vàng đi vào ổn định. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã được cải thiện đáng kể so với đầu năm; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng vẫn còn khó khăn, dòng vốn tín dụng chưa được thông suốt.

Nhắc lại yếu tố cốt lõi để hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2014, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là “con người”. Chính vì vậy, việc đào tạo nhân lực, tuyển chọn cán bộ, chế độ công vụ, đánh giá cán bộ… phải được thực hiện nghiêm túc, có chọn lọc, chất lượng./.

THEO VOV online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét