Hàng triệu người đang uống sữa “lừa”
Nhiều chuyên gia đưa ra số liệu để chứng minh rằng phần lớn người tiêu dùng bỏ tiền ra chỉ mua được cái tên gọi “sữa tươi”. Đàn bò không đủ sữa tươi cho thị trường
Người tiêu dùng chỉ phân biệt sữa bột và sữa nước, trong đó “sữa nước” chính là “sữa tươi” được làm từ sữa bò vắt ra. Lợi dụng cách hiểu này, trong thực tế, phần lớn “sữa tươi” được làm từ sữa bột nhập khẩu, pha thêm nước để “hoàn nguyên” trở lại thành sữa nước, bán với tên gọi chung: “sữa tươi”.
Đàn bò nuôi trong nước mới chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu sữa nước cho cả nước.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng đàn bò 167.000 con, chỉ một nửa số bò cho sữa, hơn 100 tấn mỗi ngày nhưng khoảng 10% trong số đó nông dân bán lẻ hoặc sử dụng cho mục đích khác. Lượng sữa này chỉ đủ cho một nhà sản xuất nhỏ, trong số hơn 10 doanh nghiệp (DN) đang sản xuất sữa.
Ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Cục trưởng Cục chăn nuôi, hoài nghi: “Trong tất cả các DN chế biến sữa hiện nay, chỉ có Mộc Châu là đơn vị có đủ nguồn hàng để chế biến sữa tươi, với sản lượng khoảng 7.500-8.000 tấn. Các đơn vị khác đều trông chờ vào nguồn sữa bột nhập khẩu, nhưng trên thị trường lại đầy sản phẩm sữa tươi tiệt trùng. Thực sự sữa tươi ở đâu mà nhiều vậy?".
Lấy sữa bột pha nước làm sữa tươi
Quy trình công nghệ này (có thể thêm vi chất), các nhà chuyên môn gọi là "sữa hoàn nguyên" - lại một thuật ngữ kỹ thuật.Trong đó, sữa bột được đông khô từ sữa vắt từ bò, đã mất nhiều dưỡng chất tự nhiên.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Sữa đông khô chất lượng kém xa sữa bò tươi, vì trước khi tiến hành đông khô, các nhà máy sơ chế ở nước ngoài đã rút hết các thành phần bơ và mỡ trong sữa. Khi đưa nguyên liệu về Việt Nam, các nhà máy phải thực hiện quá trình hoàn nguyên sữa, tức là bổ sung các thành phần dinh dưỡng sao cho gần đạt được như sữa tươi ban đầu”.
Cách hoàn nguyên sữa bột nhập khẩu này giúp nhà sản xuất tăng lợi nhuận, nhờ chi phí thấp, không trang trại, không thu mua sữa tươi trong nước. Sữa hoàn nguyên, với tên gọi sữa tươi (tiệt trùng) trên bao bì, các doanh nghiệp tung ra hàng triệu lít sữa mỗi ngày.
Điều phi lý là loại sữa bột hoàn nguyên dạng lỏng này lại đang được bán giá đắt hơn sữa tươi nguyên thủy – nhãn mác ghi là sữa tươi thanh trùng. Theo nhiều chuyên gia, đó ngoài việc phải nhập nguyên liệu đắt còn có những chi phí tốn kém cho quảng cáo, truyền thông và hoa hồng đại lý… để bán hàng.
Anh Tiến, chủ đại lý sữa trên đường Nguyễn Thông thắc mắc: “Sao các nhà khoa học không đưa ra bảng phân tích chất lượng (tất cả các thông số Proteine, amino acide, khoáng, vitamine... ) của 2 sản phẩm sữa tươi và sữa hoàn nguyên đang lưu hành trên thị trường, cứ nói sữa tươi chất lượng hơn sữa hoàn nguyên nhưng cái hơn đó đáng giá trị kinh tế hay không để người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm nào cho mình?”
Nhà nước cũng cần có các quy định rõ ràng để phân biệt thế nào là sữa tươi, thế nào là sữa bột pha thành sữa tươi, anh đề nghị.
Anh Trần Minh chủ cửa hàng bánh ngọt trên đường Quang Trung (Gò Vấp) bức xúc: “Nếu là sữa tươi nguyên chất thì mới được quyền ghi rõ sữa tươi trên bao bì, còn sữa hoàn nguyên thì phải ghi là sữa hoàn nguyên. Hơn hết là người tiêu dùng không phải uống "sữa lừa” từ các nhà sản xuất như hiện nay.”
Việt Lê
Chọn sữa tươi thanh trùng hay sữa tươi tiệt trùng?
Người tiêu dùng bối rối rồi nghi ngờ giữa các tên gọi mập mờ dành cho sản phẩm sữa: sữa tươi, sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa hoàn nguyên. Vậy, về mặt sức khỏe thì sao? Một Thế Giới vừa tìm hỏi bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.
“Thanh trùng”, “tiệt trùng” và “hoàn nguyên” là gì?
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cho biết sữa được làm ngay từ sữa tươi mới vắt ra, đó chính là sữa tươi thanh trùng,
Trên nhãn mác ghi “sữa tươi thanh trùng”, nghĩa là sữa tươi mới vắt ra từ bò (dê...) được sử lý bằng phương pháp thanh trùng, bác sĩ Diệp nói.
Khi nhãn mác ghi “sữa tươi tiệt trùng”, nghĩa là lấy sữa bột pha với nước và xử lý ở nhiệt độ cao, trong đó sữa bột cũng từ sữa vắt ra từ bò được làm khô bằng nhiệt độ cao hơn so với sữa tươi thanh trùng. Đó chính là sữa “hoàn nguyên”.
Chất lượng dinh dưỡng
Về chất lượng dinh dưỡng, bà Diệp cho rằng, hàm lượng vitamin ở sữa tươi thanh trùng vẫn cao hơn sữa tươi tiệt trùng (hoàn nguyên). Vì sữa tươi tiệt trùng (hoàn nguyên) “bị” xử lý ở nhiệt độ cao 2 lần, khiến hàm lượng vitamin mất đi rất nhiều. Để bù đắp, nhà sản xuất phải bổ sung thêm lượng vitamin và khoáng chất.
Tuy nhiên, bác sĩ Diệp lưu ý, sữa tiệt trùng (hoàn nguyên) được sản xuất theo những quy chuẩn rõ ràng, công nghệ có kiểm soát chứ không đơn giản chỉ đơn giản lấy sữa bột trộn với nước để hoàn nguyên như cách diễn đạt thông thường.
Nhờ dây chuyền công nghệ, theo một quy chuẩn nhất định, cho phép nhà nhà sản xuất bổ sung thêm một số dưỡng chất, DHA, hương vị trái cây, hương vị dâu… vào sữa tươi tiệt trùng (hoàn nguyên) giúp dễ uống. Mùi, vị, màu là các yếu tố quan trọng đối với ăn uống.
Do có thể kiểm soát công nghệ, sữa tiệt trùng hoàn nguyên có những ưu điểm riêng, đó là hạn sử dụng dài, có thể lưu trữ được một năm.
Trong khi đó sữa tươi thanh trùng hạn sử dụng tối đa trong 7 đến 10 ngày.
Không thể phân biệt được bằng cảm quan
Nhiều người tiêu dùng hiểu rằng “thanh trùng” tốt hơn “tiệt trùng”, đúng như tư vấn của chuyên gia. Khi đó, như ứng xử với nhiều mặt hàng khác, người hâm mộ “thanh trùng” có quyền nghi ngờ “sữa tiệt trùng – hoàn nguyên – nhưng ghi nhãn thanh trùng thì làm sao phân biệt được?”.
Bác sĩ Diệp nói: “Nếu rót 2 loại sữa này ra ly, bản thân tôi cũng không phân biệt được chính xác 100% đâu là sữa hoàn nguyên, đâu là sữa tươi thanh trùng. Chẳng khác nào chuyện các chuyên gia nếm rượu, rượu nào làm bằng nho Ninh Thuận, rượu nào làm bằng nho Đà Lạt, rượu nào làm bằng nho Mỹ…không thể nào biết được. Như vậy nếu bằng cảm quan thì không người tiêu dùng nào có thể phân biệt được”.
“Cách phân biệt duy nhất chỉ là xem nhãn mác, bao bì”, bác sĩ Diệp nói.
Cách uống sữa hiệu quả
So sánh 2 loại sữa này với nhau, bác sĩ Diệp cho biết, mỗi loại đều có một thế mạnh riêng, không chắc sữa nào tốt hơn sữa nào.
Một loại sữa chỉ trở nên có hiệu quả khi nó được sử dụng đúng mục tiêu, đúng người cần.
Theo bác sĩ Diệp:
- Tùy theo thể trạng, tùy loại bệnh tật của trẻ mà bác sĩ tư vấn cụ thể dùng sữa nào.
- Có trường hợp dùng sữa tiệt trùng (hoàn nguyen) thì hợp nhưng cũng có trường hợp dùng sữa tươi thanh trùng thì hợp hơn.
- Cùng một nhãn nhưng vừa có dạng nước vừa có dạng bột, tùy người mà hợp với loại nào. Chẳng hạn như sữa Anline hộp nước (hoàn nguyên) nhiều người uống dễ hơn, tốt hơn so với sữa bột Anline.
- Tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế mà người tiêu chọn lựa theo cách hiệu quả nhất.
- Trong trường hợp đặc biệt như chú trọng đến một giai đoạn sức khỏe nào đó, điều trị chẳng hạn, hoặc tình trạng cơ thể hấp thu loại sữa, cần lấy tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.
Nguyên tắc chung, bác sĩ Diệp đề nghị quý cha mẹ khi mua sữa cho con em mình nên: Đọc kỹ nhãn mác, thành phần ghi trên bao bì sản phẩm sữa, chọn những sản phẩm sữa có thương hiệu mạnh - những thương hiệu lớn họ quan tâm đến hình ảnh, đến chất lượng nên rất ít xảy ra việc gian dối.
Hồ Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét