Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Đổi tên Hà Nội thành Thăng Long ? Đèn Vàng và nỗi niềm người Hà Nội.

Dưới bài này có bảng điều tra dư luận hỏi có nên đổi lại tên HN thành Thăng Long không ? Tôi chấm vào ô "không". "xin giữ nguyên tên hiện nay.



Đón lá vàng rơi. Ảnh: HM
Bài viết của KTS Trần Thanh Vân
Bộ phim truyện truyền hình  Đèn Vàng dài 12 tập của Đạo diễn Mai Hồng Phong vừa được chiếu lần thứ hai trên chương trình VTV4 đã khiến  nhiều khán giả Hà Nội quan tâm  theo rõi .
Đầu tiên vì bộ phim có một giàn diễn viên rất “ sừng sỏ ” , trẻ thì có Phạm Cường , Lê Vi , Thu Quế , Phương Thanh , Đức Khuê ; già  có những “ gạo cội ” như Trần Tiến , Lê Mai , Trọng Khôi , Chu Thức , Hà VănTrọng . Thứ nữa lại còn vì cái tên phim  là “ Đèn vàng ”. Tại sao không phải “ Đèn xanh ” , một tín hiệu an toàn ở ngã tư đường phố ?  Hay tín hiệu “ Đèn đỏ ” , báo hiệu cấm  hẳn xe cộ không được vượt ngã tư ? Còn tín hiệu “ Đèn vàng ” rất lửng lơ , chờ thêm thì có thể bị chậm  giờ nhỡ việc, cứ vượt qua lại phải chú ý tránh khỏi bị va xe, tai nạn!
Lần đầu “ Đèn Vàng ” được chiếu trên chương trình Điện ảnh chiều thứ  Bảy , rải ra 12 tuần nên không mấy ai xem  đến hết , lần vừa rồi phim được chiếu một mạch 12 đêm liền khiến không ít khán giả phải thấp thỏm hằng đêm thức dậy lúc 1giờ30 sáng xem  xong một tập phim , rồi trăn trở thao thức nốt phần đêm  còn lại .

Cốt chuyện  phim  của nhà văn Trần Chiến với biên kịch của Thuỳ Linh và Trần Hoài Nam  thực ra cũng bình thường và nhiều người đã biết như nhiều phim khác mà thôi. Đó là một cuộc bút chiến của giới báo chí với các thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội xẩy ra ngay trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Có những vụ đã từng nổi cộm  như vụ tai nạn làm  chết hai bé gái do trò đua xe trên đường cao tốc Hoà Lạc khiến bao người phẫn nộ , trước nữa là vụ “ đánh sập ” Khách sạn Vàng đã từng uy hiếp Hồ Gươm , bên cạnh đó là các câu chuyện riêng tư trong mỗi gia đình phóng viên, chuyện hay chuyện giở của thủ trưởng và nhân viên trong các toà soạn và chuyện những nhóm phóng viên tích cực, được sự khuyến khích của các bậc lão thành đáng kính , đang động viên  nhau làm tốt sứ mạng của người cầm  bút .
Phần đông khán giả truyền hình đã đánh giá rất tốt tiểu thuyết , kịch bản và diễn xuất của bộ phim. Vâng , tuy chưa thoả mãn lắm  nhưng phần đông khán giả đều coi đây là một bộ phim  tốt.  Điều quan trọng mà tác giả bài viết này đã “đọc” được và “nghe” được qua bộ phim  và rất muốn tâm  sự cùng Người Hà Nội là làm sao giải toả được nỗi nhức nhối khôn nguôi trong lòng mỗi người qua bộ phim đầy cảm  xúc này ? Nỗi nhức nhối được thể hiện bàng bạc, phảng phất, khiến ai đó vô tâm  vẫn có thể xem xong bộ phim, rồi buông lửng một câu:“Tốt , nhưng hơi buồn !”

Tân cổ giao duyên. Ảnh: HM

Còn người đa cảm thì vẫn như đang nghe thấy tiếng thở dài của những bậc trí thức cao niên đã nhiều đời gắn bó với Thăng Long , đang phải sống trên một căn gác xép nào đó hay trong một ngõ hẻm  nào đó , mà vẫn quan tâm mà vẫn tích cực dùng mẹo người già và cả những đồng tiền ít ỏi của người già để “mua” được những bằng chứng cung cấp  cho  các Nhà báo, giành lại thế thắng trong cuộc đấu tranh bảo vệ Kinh đô Thăng Long ngàn  năm  văn hiến .
Trong các tập phim có những cảnh có vẻ rất phụ , có những lời thoại thoáng qua nhưng đã làm cho nhiều người  nhớ rất kỹ và đưa ra câu hỏi
- “Ừ nhỉ , tại sao Người Hà Nội tuy rất nhậy cảm  nhưng lại rụt rè khi tiếp nhận cái mới ? Tại sao người ở nơi khác đến thì mạnh dạn mở rộng tấm lòng, tiếp thu cái mới nhanh hơn nhưng ít chọn lọc hơn?  Tại sao phần đông Người Hà Nội tuy có tâm  hồn thơ mộng, thông minh, đầy hoài bão nhưng cứ luôn tự ghìm  nén để chỉ biết tự hào về cái đã mất ? ”
- “Tại sao cuộc sống  của phần đông Người Hà Nội cứ dè giặt, giản dị, đạm  bạc, còn các  “ đại gia ” có xe hơi nhà lầu đang đi lại gây ồn ào trên các đường phố thực chất không đại diện cho Người Hà nội?  Họ từ đâu đến đây và có phải tất thảy họ đều yêu cái Thủ đô ngàn năm văn hiến này không? Tại sao nhóm phóng viên tích cực đầy bản lĩnh do anh phóng viên tên là Vĩnh ( do Phạm Cường thủ vai ) chỉ huy vẫn phải bàn công việc trọng đại là bảo vệ linh hồn của thành phố Thủ đô trong góc quán cà phê hay các chuyến đi dã ngoại. Ngay cả khi họ đã chiến thắng, họ đã được chứng minh là họ đúng. Nhưng họ vẫn sống khép mình, thậm  chí vì  ghét trò tranh giành chức quyền nên họ vẫn bị đè nén bởi cái bà Xuyên Phó Tổng biên tập mới được cất nhắc nhờ tích cực làm  Cán bộ công đoàn và nịnh thủ trưởng ? Tại sao cái công ty môi giới do một kẻ đi tù về đứng đầu,  đã nắm  được các ông cán bộ Phường ham  vui chơi và phàm  ăn tục uống , cùng lũ  tay chân là lưu manh côn đồ , nhưng đã từng có đường dây móc nối đến cấp lãnh đạo  cao hơn, tuy đã thất bại trong vụ khách sạn Mây tím, nhưng vẫn chưa bị vạch mặt  và mối đe doạ về một tai hoạ mới do bọn đó gây nên vẫn còn ?
Vậy Người Hà nội phải làm gì để diệt được mầm  tai hoạ đó ? .
Phim  Đèn Vàng là một tiếng thở dài cam  chịu hay là một câu hỏi để những ai yêu Thủ đô ngàn năm văn hiến phải động não suy ngẫm và tìm ra câu trả lời . Người viết bài này không thể không thấy tự hào mỗi khi nghe kể lại cuộc chiến đấu suốt 72 ngày đêm của Đội tự vệ thành Hoàng Diệu , trong đó có cha mình , đã dũng cảm  giành giật với quân Pháp từng góc phố trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến , rồi sau đó còn nhiều ngày âm  thầm  hoạt động nội thành trước khi vượt sông Hồng lên chiến khu Việt Bắc .
Tôi đã nhiều lần đưa tiễn bạn bè , anh em  lên đường đi nhập ngũ vào Nam thời chiến tranh , trong số đó có nhiều người đã ngã xuống ở chiến trường xa . Người viết bài này cũng đã đội mũ rơm  chứng kiến Hà Nội 12 ngày đêm  cuối năm 1972, cảnh tàn phá phố Khâm Thiên – Bệnh viện Bạch Mai – Nhà máy điện Yên Phụ .
Hà Nội để lại trong lòng mọi người  nhiều hình ảnh đẹp, thơ mộng nhưng có chút đau thương .
Đó là một Hà Nội thời chiến, một Hà Nội mà kỷ niệm về một hàng me, một gốc sấu, một giọt nắng vương trên đường  hay một thoáng mùi hoa sữa trong đêm, cũng đủ tiếp sức cho ta lao vào trận chiến mà không sợ hòn tên mũi đạn .


Mai vàng: Ảnh: Hoài Hương

Vậy phải chăng Hà Nội là tên của thành phố thời giành độc lập và thời chiến tranh vệ quốc ? Nói chính xác hơn, Hà nội gắn với một kỷ niệm  buồn kể từ khi Hoàng Thành Thăng Long bị Triều đình nhà Nguyễn phá huỷ, rồi bị bỏ rơi, bị coi như một Tỉnh xứ Bắc kỳ thời thuộc Pháp.
Vậy nên dân Thăng Long xưa, kể từ tầng lớp  quan lại lúc hết thời, đến các nho sĩ văn thân và cả lớp thợ thuyền thị dân đều cùng chung một tâm trạng, họ đều có trong mình một dòng máu Thăng Long, đều có tính quật khởi mỗi khi tiếng gọi thiêng liêng động chạm đến cõi sâu thẳm  trong lòng họ.
Nhưng đến lúc yên hàn rồi thì lòng họ khép lại, họ ngồi lặng yên bên cửa sổ của căn gác xép nhìn ra đường ngắm các ông chủ bự không rõ từ đâu đến đang ra sức hưởng thụ hoặc phá phách những thành qủa mà chính họ, bạn bè họ và con em  họ, đã đổ mồ hôi, xương máu để giữ được.
Cá biệt, có ai đó dũng cảm  như anh phóng viên tên Vĩnh hoặc vài người bạn của anh ta, cố gắng giúp nhau làm được một vài việc như ngăn chặn “ Khách sạn Mây tím 11 tầng ” mọc lên bên cái hồ này thì “Khách sạn Mây vàng cao 22 tầng ” lại mọc lên bên hồ kia . Liệu anh Vĩnh đó có đủ sức ngăn tiếp cái “ Khách sạn Mây đen cao 33 tầng ” sắp mọc lên nữa không?
Người viết bài này thực tâm  muốn chia sẻ với anh Vĩnh và các bạn của anh, xin các anh chị hãy suy nghĩ thử, phải chăng cái tên “ Hà nội  thành phố bên trong sông” chính là sợi dây vô hình đang trói buộc các anh chị? Phải chăng năm 1803 thì Hoàng thành Thăng Long bị Vua Gia Long phá huỷ , năm 1831 thì Vua Minh Mạng lập ra Tỉnh Hà Nội, để đến hôm  nay cả Hà Nội và cả nước lại sung sướng đến rơi nước mắt khi nghe tin Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ?
Vậy phải chăng đó là điềm lành báo rằng đã đến lúc Thủ đô của chúng ta lại trở về với tên cũ Thăng long ?
Thời gian gần đây đã có nhiều bài viết về việc trả lại tên Thăng Long , mỗi tác gỉa khai thác một khía  cạnh, nhưng cùng giống nhau một điểm: Trong 1000 năm ,  thời kỳ Kinh thành Thăng Long mang các tên như Đông Đô thời nhà Hồ 1400, Đông Quan thời thuộc Minh 1407, Đông Kinh lúc Lê lợi mới lên ngôi năm 1428 và Bắc Thành thời Tây sơn năm 1789 , là những tên gọi xuất hiện trong giai đoạn rất ngắn , không mang nhiều ý nghĩa.
Nhưng Hoàng Thành Thăng Long thì vẫn tồn tại cho đến năm 1803 mới bị đập phá tan tành.  Năm 1946, theo tư liệu của nhà văn Sơn Tùng, một nhà văn – nhà báo lão thành có rất nhiều tư liệu về Hồ chủ tịch, thì sau khi đọc tuyên ngôn độc lập tại Vườn hoa Ba Đình, Cụ Hồ đã rất muốn lấy lại tên Thăng Long, nhưng chưa kịp làm thì chiến tranh chống Pháp nổ ra . Sau Pháp lại đến chống Mỹ ,  Cụ Hồ từ giã chúng ta khi chiến tranh chưa kết thúc, nên tên Thăng Long chưa được bàn trở lại.
Vậy hôm  nay ta mới thực hiện tâm  nguyện đó là đã quá muộn rồi. Năm 2003, Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ , tên Thăng Long cần được phục hồi. Thăng Long ở thế kỷ 21 ắt là khác nhiều so với Thăng Long ở thế kỷ 11 , nhưng cùng một Tâm điểm Phong thuỷ, cùng một khí thế Rồng quẫy sóng bay lên .
Có người nói: muốn đất nước trường tồn, muốn có cuộc sống thực sự lành mạnh, muốn trí tuệ được thăng hoa, phát sáng, chúng ta phải làm  mọi việc cho Hà Nội của chúng ta sớm được trở về với  tên cũ Thăng Long.
Phải chăng, đó là tín hiệu “Đèn Xanh” mà mọi người đang chờ đợi !
Tác giả: KTS Trần Thanh Vân

Thank you for voting!
 

 

 

 


Total Votes: 45

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét