Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Những khối u đang chén hết 'dưỡng chất' của nền kinh tế Việt

Đọc bài này thấy kết luận thì mạnh, nhưng số liệu của những khối u (doanh nghiệp thua lỗ, phá sản) thấp quá; nếu những số liệu này đúng thì nền kinh tế Việt vẫn chưa rơi vào trạng thái nguy hiểm.
Những khối u đang chén hết 'dưỡng chất' của nền kinh tế Việt
Cũng như một cơ thể sống, nếu các khối ung nhọt của nền kinh tế tồn tại, phình to, dòng tiền của nền kinh tế như các mạch máu sẽ phải dành một nguồn lực đáng kể nuôi các khối u không tạo ra giá trị gia tăng này. Khi tiền trở thành nợ xấu, tài sản xấu mắc kẹt ở đây thì tiền càng bơm ra nhiều, lạm phát càng cao, nền kinh tế càng ốm yếu. Nhận diện và khu trú các khối u kinh tế đã, sẽ luôn là vấn đề cấp bách.

Cả hệ thống ngân hàng rơi vào trạng thái kẹt thanh khoản tồi tệ (chạy đua tăng lãi suất huy động, doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng,...) khi lạm phát chưa bùng phát, thương mại thặng dư, GDP tăng trưởng khá. Vậy tiền của hệ thống ngân hàng đang bị 'kẹt' ở đâu?

1) Doanh nghiệp xác sống làm suy kiệt sức khoẻ kinh tế ra sao?

Doanh nghiệp xác sống trở thành một thuật ngữ được đặt ra vào năm 2006 trong một bài báo được trích dẫn nhiều về vai trò của hệ thống ngân hàng Nhật Bản trong 'thập kỷ mất mát' của đất nước này vào những năm 1990. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã tìm cách giải quyết vấn đề kể từ đó, nhưng thuật ngữ “doanh nghiệp xác sống” (zombie firm) đã trở lại thịnh hành do ngày càng có nhiều công ty mắc nợ cao ở châu Âu và Bắc Mỹ - một xu hướng tăng vọt sau cuộc Khủng hoảng Tài chính toàn cầu năm 2008.

Định nghĩa đối với những gì cấu thành một công ty xác sống là khác nhau, nhưng một thước đo được chấp nhận rộng rãi là tỷ lệ khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp thấp hơn một trong ba năm liên tiếp, đặc biệt là đối với các công ty đã có lịch sử hoạt động trong hơn một thập kỷ. Chỉ số khả năng trả nợ lãi vay nói lên rằng khoản thu nhập trước thuế và lãi của doanh nghiệp đó thậm chí không đủ để trả nợ lãi vay cho doanh nghiệp trong năm đó.

Theo quy luật kinh tế thông thường, khi không thể trả nổi cả lãi vay, khi buộc phải mở rộng nợ (tới 3 năm liên tiếp) để trả nợ lãi vay và nợ gốc, doanh nghiệp đó nên phải phá sản hoặc được mua bán, sáp nhập. Phá sản đúng lúc và nhanh chóng là đặc sản của nền kinh tế thị trường lành mạnh, nơi các chủ nợ có cơ hội thu hồi nợ, các chủ doanh nghiệp có cơ hội sớm chấm dứt tình trạng tài chính bê bết của mình, trả hết nợ, tuyên bố phá sản theo luật định, khởi nghiệp lại trong một ngành kinh doanh khác có triển vọng hơn.

Nhờ thế, cả nền kinh tế cũng được tái cấu trúc lại mới, dòng vốn tài chính lành mạnh hơn, không bị tắc nghẽn bởi các công cụ nợ xấu như "máu đông" và không ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ tài chính của các doanh nghiệp khỏe mạnh khác.

Trong một bài báo có ảnh hưởng năm 2018 được xuất bản bởi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các nhà kinh tế Ryan Banerjee và Boris Hofmann đã kiểm tra dữ liệu từ 14 nền kinh tế tiên tiến. Họ phát hiện ra rằng số lượng các công ty có đặc điểm giống công ty xác sống tăng trung bình từ khoảng 2% vào cuối những năm 1980 lên khoảng 12% vào năm 2016; số lượng doanh nghiệp xác sống tăng đáng kể

Theo Bloomberg, các doanh nghiệp xác sống của Mỹ hiện đang ôm khoản nợ 1.980 tỷ USD (số liệu tính tới tháng 11/2020), lớn hơn nhiều so với mức nợ các các doanh nghiệp xác sống của Mỹ nắm giữ hồi đỉnh khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 là 1.540 tỷ USD. Cũng theo phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp của 3.000 doanh nghiệp niêm yết của Bloomberg, chỉ sau một năm hứng chịu đại dịch, Mỹ đã đóng góp thêm 200 doanh nghiệp vào đội ngũ này.

Sự gia tăng của các công ty xác sống đã gây ra cái mà các nhà kinh tế học gọi là ‘hiệu ứng tắc nghẽn’. Bằng cách rút cạn các nguồn lực như vốn và nhân công, các công ty xác sống khiến các công ty lành mạnh, có khả năng tạo ra lợi nhuận, giá trị gia tăng thực cho nền kinh tế khó phát triển hơn. Hầu hết các nhà kinh tế đồng ý rằng chúng bóp méo cạnh tranh, giảm năng suất và cản trở tăng trưởng, mặc dù một số người đặt câu hỏi liệu các công ty có năng suất cao hơn có thể thoát ra nếu các công ty xác sống ở các nền kinh tế kém năng động hơn, chẳng hạn như ở Nam Âu, bị buộc phải đóng cửa.

2) Doanh nghiệp xác sống Việt đang ôm khối nợ rất lớn

Vậy Việt Nam có đội quân doanh nghiệp xác sống này không và nó đang chiếm bao nhiêu nguồn lực tài chính trong hệ thống?

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước đứng trên bờ vực phá sản hoặc khó khăn trong hoạt động, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ, du lịch, hàng không, nơi chi phí duy trì hoạt động kinh doanh quá lớn nhưng lại không có hoạt động kinh doanh nào.

Đứng trước bối cảnh đó, Chính phủ nhiều nước trong đó có Việt Nam, đã thực hiện chương trình hỗ trợ khẩn cấp để cứu doanh nghiệp, bảo vệ thị trường lao động nhằm không để cho nền kinh tế rơi vào suy thoái với hy vọng các doanh nghiệp đó sẽ tăng trưởng, lớn mạnh hơn.

Mặt trái của các chính sách đó, sẽ tạo ra thêm một thế hệ mới các công ty “xác sống”. Những doanh nghiệp này không còn năng động hay sáng tạo nữa, không thể thay đổi để thích ứng với môi trường mới và đặc biệt là không đóng góp gì vào sự phát triển của nền kinh tế, không tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. 

Và thực tế là những công ty “xác sống” này đang khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên suy yếu, gây lãng phí nguồn lực, làm giảm năng suất lao động và vì thế các doanh nghiệp đó khó có khả năng phục hồi.

Theo BIS (Ngân hàng Thanh toán Quốc tế), mỗi phần trăm gia tăng thị phần của các công ty “xác sống” cũng làm tăng chi tiêu vốn 1% của các doanh nghiệp khỏe mạnh và giảm 0,3% tăng trưởng năng suất. Sự trì trệ của các công ty “xác sống” cũng sẽ khiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ xấu đi.

Tại Việt Nam, các “xác sống” thấy rõ nhất ở khu vực Doanh nghiệp nhà nước và nhóm doanh nghiệp phát triển BĐS, 80% trái phiếu doanh nghiệp BĐS được phát hành bởi các doanh nghiệp xác sống này.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước gắn liền với các dự án khủng đắp chiếu là những “xác sống” thực sự. Theo Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021 của 75 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con, 9/75 công ty mẹ được xác định là chưa bảo toàn được vốn chủ sở hữu.

Lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 5 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 1.830 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ phát sinh theo báo cáo của 5 công ty mẹ là 2.369 tỷ đồng. Theo báo cáo hợp nhất có 16 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con lỗ lũy kế là 14.703 tỷ đồng.

Trong đó Tập đoàn Hóa chất 3.038 tỷ đồng; Tổng công ty Đường sắt 1.976 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê 857 tỷ đồng; Tổng công ty 15 (548 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng 77 tỷ đồng; Tổng công ty Du lịch Hà Nội 69 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn 61 tỷ đồng;...

75 các DN là Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ - con đang có nợ phải trả là 1,37 triệu tỷ đồng; tương đương 12% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng (11,3 triệu tỷ đồng).

Các khoản lỗ lũy kế kéo dài nhiều năm cùng với tỷ lệ nợ vay luôn ở mức cao ngất ngưởng cho thấy không ít doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước và các công ty mẹ là những “xác sống” không thể khai tử.

Các doanh nghiệp phát triển BĐS, những doanh nghiệp phát hành khối lượng TPDN lớn, cũng đóng góp lớn vào đội quân doanh nghiệp xác sống ở Việt Nam. Khối nợ nhóm doanh nghiệp phát triển BĐS này giữ có thể phát triển thành nợ xấu và quy mô đủ lớn đến mức có động tiêu cực tới ổn định tài chính trong giai đoạn tới.

Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, thuộc Ngân hàng MSB, tổng khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2022 là 231.000 tỷ đồng. Theo một thống kê khác của FiinGroup, khoảng 60% giá trị trái phiếu đang lưu hành sẽ đáo hạn trong năm 2023-2024. Như vậy, nhu cầu tái tài trợ các khoản TPDN đáo hạn từ nay đến năm 2024 lên tới gần 1 triệu tỷ đồng, tương đương với 11,79% GDP cả nước năm 2021.

Theo Báo cáo của Fiin Ratings, hơn 80% giá trị TPDN của ngành BĐS phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1 lần trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần. Đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp BĐS phát hành TPDN chưa niêm yết ước tính có thể còn cao hơn nữa, rủi ro hơn nữa vào cuối năm 2022.

Nói cách khác, 80% TPDN BĐS Việt Nam hiện ở mức 'trái phiếu rác', phát hành bởi các doanh nghiệp xác sống nội địa. Do thị trường nợ Việt Nam chưa có xếp hạng tín nhiệm độc lập, hãng phát hành nợ là trái phiếu rác đang có một thiên đường phát hành nợ ở Việt Nam; đặc biệt khi có sự tiếp tay nhiệt tình từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty chứng khoán.

Sự tồn tại của các doanh nghiệp xác sống không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ mất việc làm mà còn ảnh hưởng đến khả năng tạo việc làm mới. Điều này cũng cản trở làm méo mó các doanh nghiệp lành mạnh bình thường, ngăn cản các doanh nghiệp tiềm năng tham gia thị trường. Mặt khác, chúng làm cho các chỉ tiêu hoạt động của các doanh nghiệp lành mạnh bình thường trở nên kém đi, làm cho nền kinh tế trở nên trì trệ, lâm vào khủng hoảng hoặc khó thoát khỏi khủng hoảng.

Việc xử lý các công ty xác sống trong nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách và mang tính thời sự. Do đó, kinh nghiệm đối phó với các công ty "xác sống" của các nước châu Á và châu Âu sẽ là những bài học quý giá cho Việt Nam trong việc quản lý những tác động tiêu cực của các doanh nghiệp này đối với tăng trưởng của nền kinh tế.

3) Lượng tiền lớn đang đánh bạc trên thị trường phái sinh

Chứng khoán phái sinh được biết tới là công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường cơ sở, giữ chân dòng tiền trên thị trường chứng khoán, cải thiện cơ sở nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Việt Nam đang lặp lại sai lầm của Phố Wall khi cho phép các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đánh bạc trên phái sinh (chứ không phải phòng ngừa rủi ro). Canh bạc nào cũng đến hồi kết. Nhưng trên thị trường tài chính, nơi đòn bảy tài chính (vay nợ) được dùng để đánh bạc và các tổ chức huy động vốn được chơi cờ bạc, thì sự thất bại của một tổ chức, định chế hoặc một nhóm nhà đầu tư lớn có thể tạo ra vỡ nợ theo hiệu ứng domino.

Lượng tiền lớn của nền kinh tế không chảy vào sản xuất mà để đánh bạc và không tạo ra giá trị gia tăng đang tiềm ẩn rủi ro vô cùng lớn với nợ xấu, lạm phát và ổn định tiền tệ quốc gia.

Trên các sàn chứng khoán, giá cổ phiếu giảm sàn liên tục, không ít mã giảm tới 40%-50%. Ngay cả doanh nghiệp niêm yết cũng không thể giải thích được vì sao giá cổ phiếu của doanh nghiệp mình lại sụt giảm mạnh như vậy.

Trong khi đó, giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh lại vô cùng nhộn nhịp, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tới 30.000 - 40.000 tỉ đồng, vài phiên lên tới 50.000 - 60.000 tỉ đồng. Con 
số này chỉ là ảo bởi phái sinh có tính đòn bẩy và nhà đầu tư có thể đóng mở vị thế liên tục làm tăng giá trị giao dịch nhưng việc phái sinh quá sôi động đã khiến thị trường cơ sở trầm lắng. Các hợp đồng phái sinh VN30F1M, VN30F2M… được tính dựa trên chỉ số VN30 nên biến động của thị trường phái sinh có thể tác động tiêu cực đến thị trường cơ sở.

Theo tổng kết của HNX, trên thị trường chứng khoán phái sinh, Hợp đồng tương lai VN30 trong tháng 10 có giao dịch tăng mạnh với khối lượng giao dịch bình quân đạt 423.041 hợp đồng/phiên, tăng 66,73% so với tháng trước, tương ứng giá trị giao dịch bình quân đạt 43.566 tỷ đồng, tăng 39,89% so với tháng trước.

Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 25/10/2022 có khối lượng giao dịch đạt 647.457 hợp đồng, mức lớn nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh.

Chơi chứng khoán phái sinh (derivatives) gần giống như việc đặt cược vào việc tăng hay giảm trong giá trị của một sản phẩm nào đó để thu được lợi nhuận. Sản phẩm chứng khoán phái sinh tại thị trường chứng khoán Việt Nam (VN30F) là Hợp đồng tương lai (Future), dựa trên sự tăng/giảm của chỉ số VN30.

Chỉ số VN30 được cấu thành từ giá trị của 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nằm trong rổ VN30 của HOSE. Như vậy sự tăng/giảm của chỉ số VN30 dựa vào sự tăng/giảm giá của 30 cổ phiếu này. Nếu muốn làm tăng chỉ số VN30, giá các cổ phiếu VN30 sẽ được lên cao bằng cách mua nhiều hơn. Nếu muốn làm giảm chỉ số VN30, giá các cổ phiếu VN30 xuống thấp bằng cách bán ra nhiều hơn. Điều này giải thích tại sao vào ngày đáo hạn phái sinh, việc mua bán lại diễn ra rất kịch tính và giá các cổ phiếu trong nhóm VN30 này liên tục lên xuống.

Hợp đồng phái sinh thực sự là một trò chơi có tổng bằng 0 (Zero-sum game), nghĩa là người đặt cược không đúng sẽ phải trả tiền cho người đặt cược đúng, có người lãi sẽ có kẻ lỗ, và nhà đầu tư nhỏ lẻ rất khó giành phần thắng. Và có một quy luật bất biến trên thị trường là bạn không thể chắc chắn được thị trưởng sẽ tăng hay giảm cho đến ngày đáo hạn. Vậy chẳng phải chứng khoán phái sinh chính là đánh bạc hay sao?

Một đặc điểm của yếu tố "tâm lý cờ bạc" là sự mọc lên của rất nhiều "room phím hàng" trong bối cảnh mạng xã hội phát triển. Các nhóm chat Zalo, Facebook, Telegram được lập nên do nhu cầu "hóng” cao. Các bình luận hỏi ý kiến như “nay đánh mã gì” xuất hiện đầy dẫy ở bất cứ nhóm nào trong các cộng đồng đầu tư chứng khoán v.v và v.v. Thế rồi mới có những vụ "lùa gà" kinh điển khiến không ít nhà đầu tư khuynh gia bại sản vì bỏ tiền đua lệnh mua cổ phiếu "nóng".

Độc giả danghoangnam91 chia sẻ “Tôi đã tham gia chứng khoán phái sinh được vài tháng nhưng cũng phải từ bỏ vì nó không khác gì đánh bạc cả. Bạn có thể lãi vài chục triệu trong hai, ba phiên liên tiếp, nhưng chỉ cần một phiên đi sai, bạn sẽ bay sạch số tiền kiếm được, thậm chí lẹm cả vào vốn. Nếu bạn không có nguồn tin từ "lái" phái sinh thì tôi khuyên tốt nhất đừng nên tham gia. Kể cả khi bạn có nguồn tin, cũng rất khó chơi vì thị trường có nhiều "đội lái", đội này dập đội kia và nhà đầu cơ ở giữa sẽ phải "tắm máu". Dùng phái sinh để giảm rủi ro ở thị trường cơ sở thì được, chứ tham gia phái sinh với mục tiêu sinh lời thì bạn phải là người rất may mắn mới có hy vọng”.

Theo độc giả NvT : “Theo tôi, chứng khoán phái sinh là trò rủi ro nhất trong các loại hình đầu tư. Đầu tư vàng, bất động sản, hay cổ phiếu thì bạn đều có thể nắm trong tay một thứ gì đó (ví dụ cổ phiếu sẽ luôn có giá trị nếu công ty không phá sản) nên dù rủi ro, thua lỗ, bạn cũng không thể trắng tay. Còn với chứng khoán phái sinh, bạn mua đi bán lại liên tục để ăn chênh lệch (nhiều lúc còn cho sử dụng đòn bẩy gấp 5, 10, 20 lần) nên chỉ sau vài nhịp thị trường, bạn có thể mất trắng hàng trăm triệu đồng. Chưa kể rủi ro về các sàn giao dịch lừa đảo luôn hiện hữu. Nên có thể nói đây là kênh đầu tư không an toàn”.

4) Một lượng tiền thật rất lớn đổ vào canh bạc ... tiền ảo

Theo Triple A, ước tính có 20,2 triệu người Việt Nam, hơn 1/5 dân số sở hữu tiền điện tử. Trong năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam một lần nữa đứng đầu thế giới về việc chấp nhận tiền điện tử theo báo cáo thường niên của Chainalysis, một nền tảng dữ liệu chuỗi khối của Hoa Kỳ.

Cũng như phái sinh, tiền ảo là thị trường đầu cơ và không tạo ra giá trị gia tăng. Một lượng tiền nhàn rỗi nằm ngoài hệ thống ngân hàng, đầu cơ vào tiền ảo trên các tài khoản bất minh nằm ngoài quốc gia.

Kết quả nghiên cứu, được công bố vào tháng 9/2022, đã cho Việt Nam điểm tối đa là 1 trong Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu. Báo cáo cũng kết luận rằng Việt Nam nắm giữ thị trường tiền điện tử lớn thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan. Mặc dù Việt Nam thiếu khung pháp lý để sở hữu, giao dịch và sử dụng tiền điện tử, nhưng tỷ lệ chấp nhận các loại tiền kỹ thuật số này trong dân số thuộc hàng cao nhất trên toàn thế giới.

Theo Chỉ số chấp nhận tiền điện tử, vào tháng 10/2021, Việt Nam đã vượt qua hầu hết các quốc gia về tổng giá trị giao dịch ngang hàng cũng như các khoản thanh toán được thực hiện bởi các cá nhân. Ban đầu, tiền điện tử xuất hiện như một giải pháp thay thế khả thi cho việc chuyển tiền từ người Việt Nam ở nước ngoài, những người muốn tránh những rắc rối và chi phí liên quan đến việc sử dụng dịch vụ ngân hàng. Nhìn chung, kiều hối đã và đang chiếm một phần đáng kể trong GDP của Việt Nam, điều này đã giúp việc sử dụng tiền điện tử sớm có một chỗ đứng vững chắc trong nước.

Một lời giải thích khả dĩ khác cho sự phổ biến của các tài sản kỹ thuật số này ở Việt Nam là chúng thường được xem và sử dụng như một công cụ đầu tư. Đại dịch COVID-19 xảy ra đã làm gia tăng mối quan tâm đầu tư vào tiền điện tử như một nguồn thu nhập mới của các nhà đầu tư Việt Nam. Hơn nữa, người dân Việt Nam được biết đến là những người nắm bắt mọi thứ kỹ thuật số, từ internet và điện thoại thông minh đến các hình thức thanh toán kỹ thuật số như ví điện tử và tài sản tiền điện tử.

Bitcoin được cho là loại tiền điện tử lâu đời nhất trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bất kể sự xuất hiện và phát triển của các loại tiền điện tử khác, Bitcoin vẫn là loại tiền kỹ thuật số được quan tâm tìm kiếm nhiều nhất và tỷ lệ sở hữu cao nhất trong số các nhà đầu tư Việt Nam. Ngoài Bitcoin và các loại tiền điện tử nổi tiếng khác như Ethereum, GameFi là một loại tiền điện tử phổ biến khác đối với các nhà đầu tư Việt Nam.

Nếu như ngày xưa các cụ đi buôn “một vốn bốn lời” là mức lợi nhuận khủng. Thì bây giờ, đầu tư tiền điện tử, trong một số thời điểm quá khứ, lợi nhuận tài khoản sẽ nhân tám, nhân mười; nhưng nó cũng mất chừng ấy hoặc nhiều hơn khi thị trường phát nổ như hiện nay. Sức hấp dẫn như thế nên tiền ảo sớm trở thành chủ đề bàn tán xôn xao khắp các diễn đàn cũng như mạng xã hội. Mặt trái của việc đầu tư tiền ảo cũng khiến tài khoản nhiều người nhanh chóng giảm về không, thậm chí lỗ và mang nợ. Hơn nữa, số người bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền khi chơi tiền ảo cũng không ít.



Một lượng tiền lớn như vậy cứ thế lặng lẽ biến mất, lãng phí, không tạo thêm bất kỳ giá trị gì trên thị trường tiền ảo. Không một công trình nào, một công việc nào được tạo ra từ sân chơi đầu cơ này. Khi tiền của nền kinh tế chảy vào các khu vực không tạo ra giá trị gia tăng và tiêu mất khi thị trường đổ vỡ, nền kinh tế phải trả giá bằng lạm phát và tăng trưởng trì trệ. Doanh nghiệp tốt, khu vực kinh tế thực ngày một khó khăn trong tiếp cận vốn vay và/hoặc chi phí vốn vay của cả nền kinh tế ngày một lớn.

5) Tiền chôn chân ở những dự án đầu tư công và quy hoạch treo dang dở

Vấn đề dự án chậm tiến độ, quy hoạch “treo” suốt thời gian dài đang được dư luận xã hội, cử tri các địa phương đặc biệt quan tâm. Đối với người dân, khi tiến hành khảo sát quy hoạch sử dụng đất, nhiều gia đình đã chấp nhận “nhường ruộng, dời nhà” để có quỹ diện tích đất sạch phục vụ dự án mà chính quyền các cấp mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư.

Họ cũng hy vọng rằng, với quy mô sử dụng đất, sớm muộn dự án sẽ góp phần cho quê hương mình “thay da, đổi thịt” nhờ các xí nghiệp, nhà máy… và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Nhưng suốt nhiều năm liên tục, các dự án này vẫn nằm “đắp chiếu” khiến không ít người thất vọng.

Tình trạng nhà đầu cơ mua đất đai rồi bỏ hoang, thậm chí có những dự án lớn không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện sau khi được Nhà nước chấp thuận với nhiều lý do khác nhau đang ngày một phổ biến. Hiện tượng này đang khiến thị trường bất động sản trở nên mất cân đối và phát triển thiếu bền vững. Giá nhà bị đẩy lên cao và nguy cơ bong bóng trên thị trường bất động sản hiện hữu. Tài nguyên đất đai chậm được đưa vào sản xuất, không phát huy được vai trò quan trọng của đất đai trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của TP. Hà Nội, trên địa bàn có khoảng 700 dự án bất động sản (BĐS) treo (tổng diện tích 5.000 ha) cần rà soát, xử lý. Trong đó, nhiều dự án đầu tư dang dở, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, gây lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng của Nhà nước, lãng phí nguồn lực từ đất đai, gây mất mỹ quan đô thị, báo Tài nguyên môi trường đưa tin.

Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM thì cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2022 toàn TP.HCM có 1.532 dự án có sử dụng đất, trong đó có 451 dự án đã hoàn thành (chỉ chiếm 29,4%), 703 dự án đang triển khai (chiếm 45,9%) và có đến 357 dự án (chiếm 24,7%) quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất vẫn chưa triển khai thực hiện (dự án treo). Đây phần lớn là các dự án đầu tư công do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư nên chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện một phần công tác giải phóng mặt bằng.

Các khu đô thị bỏ hoang còn xuất hiện ở nhiều các tỉnh thành khác trên cả nước - nơi mà cuộc sống của người dân gắn liền với nông nghiệp. Hàng chục năm qua, người dân vẫn phải xót xa nhìn ruộng đất trước đây vẫn cấy cày ngày một hoang hóa.

Khu đô thị mới thì không thấy đâu, bộ mặt nông thôn không thay đổi hiện đại như những gì chủ đầu tư đã nói. Còn người dân vẫn sống trong cảnh cái nghèo, cái đói bủa vây bởi không có ruộng đất không có tư liệu để sản xuất. Đây là một nghịch lý khó chấp nhận gây lãng phí rất lớn về đất đai và tiền của, cản trở sự phát trển của đất nước cần sớm được xử lý.

nguồn: Trên mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét