Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Tham nhũng là chất kết dính, là dầu bôi trơn

Tham nhũng là chất kết dính, là dầu bôi trơn
Dưới sự trị vì của Giang Trạch Dân, giai cấp cầm quyền trong ĐCSTQ nhanh chóng biến chất. Tham nhũng không chỉ là dầu bôi trơn cho guồng máy cai trị của ĐCSTQ mà còn là chất kết dính để gắn kết khối cầm quyền khi lý tưởng suy yếu.

I. Đạo đức sa đọa

Sau khi thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định thảm sát sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn của ĐCSTQ, Giang Trạch Dân được Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) để mắt tới. Sự nâng đỡ của Đặng Tiểu Bình dành cho họ Giang đã giúp một cá nhân bất lương và xảo quyệt có được vị trí cao nhất trong Đảng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - vào năm 1989. 

Với quyền lực trong tay, Giang Trạch Dân làm tha hóa những người xung quanh và bên dưới ông ta. Ông ta dung túng các quan chức tham nhũng để đổi lấy sự phục tùng; còn bất cứ ai từ chối thể hiện lòng trung thành đều không được thế lực độc tài bảo vệ và có thể bị trả thù tàn nhẫn.

Dưới sự trị vì của Giang Trạch Dân, giai cấp cầm quyền trong ĐCSTQ nhanh chóng biến chất. Tham nhũng không chỉ là dầu bôi trơn cho guồng máy cai trị của ĐCSTQ mà còn là chất kết dính để gắn kết khối cầm quyền khi lý tưởng suy yếu.

Giang Trạch Dân đã đưa ĐCSTQ vào thời kỳ tồi tệ nhất. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, hệ thống tham nhũng của ông ta phá hủy hoàn toàn hệ thống cán bộ Đảng, đồng thời hạ thấp các tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu mà một đảng cầm quyền cần có, do đó làm suy yếu tính hợp pháp của ĐCSTQ trong vai trò lãnh đạo đất nước. Những sự vụ đấu đá trong nội bộ Đảng và hành vi mưu cầu lợi ích cá nhân của Đảng viên đã gây ra nhiều thiệt hại to lớn cho người dân Trung Quốc.

Sự suy thoái các tiêu chuẩn đạo đức trong ĐCSTQ là di sản của Giang Trạch Dân. Các thành viên trong Đảng dần suy đồi về đạo đức và mất đi tình cảm gắn kết. Do vậy, một người tốt - tức là anh ta không tồi tệ như các thành viên thuộc phe Giang - trở nên bất lực trong việc ngăn chặn xu hướng đi xuống của Đảng. Anh ta sẽ phải chịu áp lực từ cả hệ thống Đảng, đặc biệt là từ cấp trên. Trong thế giới của Giang Trạch Dân, người tốt là mối đe dọa. Cách làm của họ Giang là không để người tốt được yên, phải dùng quyền lực và cám dỗ để ép người ấy trở nên xấu.

Trong một hệ thống mà tham nhũng phát triển như tế bào ung thư, mọi cái được gọi là chính sách hay biện pháp cải cách đều trở thành cơ hội để kẻ cầm quyền thu về nhiều lợi ích hơn nữa và nâng cao địa vị của họ. Đây cũng là phương thức điều hành và hoạt động chưa từng xảy ra trong lịch sử ĐCSTQ trước đó.

Ở Trung Quốc ngày nay, các mối quan hệ bị chi phối bởi lợi ích trần trụi. Đối với một cá nhân, gia nhập ĐCSTQ và trở thành quan chức thường là con đường đáng tin cậy và ngắn nhất để đạt được sự thịnh vượng. Đối với một Đảng viên, tháo vát trong việc xây dựng mối quan hệ với cấp trên và cấp dưới sẽ giúp người đó dễ dàng làm giàu. Bắt đầu từ những năm 1990, khi cơ hội thu lợi bất chính xuất hiện ngày càng nhiều trong ĐCSTQ và khi quy mô chính quyền tiếp tục phình to, mức thu nhập của công chức và quan chức đã tăng với tốc độ lớn hơn đáng kể so với mức thu nhập trong khu vực tư nhân.

Dưới đây là một bức thư do ông Từ Kỳ Diệu (Xu Qiyao) - cựu Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Giang Tô - viết cho con trai mình. Ông này sau đó đã bị bắt vì tội nhận hối lộ 20 triệu CNY (2,9 triệu USD).

Gửi con trai,

Bố đã nhận được thư của con. Bố rất hài lòng với thành tích của con ở trường đại học. Hãy tiếp tục học tập tốt hơn. Vì con đã chọn con đường trở thành một quan chức, con cần ghi nhớ những lời mà bố phải nói với con dưới đây.

1. Đừng bao giờ tìm kiếm sự thật, đừng bao giờ tìm hiểu về bản chất của sự việc.

Hãy để giới trí thức làm những việc như khám phá sự thật, đó là việc của họ. Hãy nhớ quy tắc này: bất cứ điều gì mang lại lợi ích cho con đều là điều đúng đắn. Hoặc có thể hiểu đơn giản như sau: bất cứ điều gì cấp trên của con chủ trương làm thì đều đúng.

2. Hãy học cách nói dối và phải giỏi nói dối.

Hãy phát triển thói quen nói dối. Không, nói đúng hơn, hãy coi nói dối là nghề nghiệp của con, cần nói dối đến mức mà bản thân con cũng tin vào chúng. Gái mại dâm và quan chức là những nghề giống nhau nhất; điều khác biệt duy nhất là quan chức ‘bán cái miệng’ của họ. Hãy nhớ rằng, sau khi trở thành quan chức, miệng của con không chỉ là của con. Những gì con nói thì cần phải suy tính đến lợi ích của gia đình và bè phái.

3. Phải có bằng tốt nghiệp, nhưng đừng quá chú trọng kiến ​​thức. Học quá nhiều có thể gây hại.

Có kiến ​​thức, con sẽ suy nghĩ độc lập, trong khi suy nghĩ độc lập lại là điều tối kỵ trong sự nghiệp chính trị. Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ, tất cả đều là giả. Hầu hết mọi người đều ngay lập tức ứng tuyển vào vị trí công chức sau khi có được tấm bằng tiến sĩ. Sự thật là những người như thế ngay từ ngày đầu tiên đã không thực sự muốn học hành; những người ấy không học giỏi, cũng không biết nhiều. Hãy nhớ rằng, một học giả chân chính không bao giờ có thể trở thành một quan chức.

4. Mục đích trở thành quan chức là gì? Đó là vì lợi ích vật chất.

Làm việc không mệt mỏi để giành lấy tất cả các loại lợi ích. Có người gọi đây là hành vi tham nhũng, vô đạo đức. Con không nên chỉ coi đó là mục đích để trở thành một quan chức, mà hãy coi đó là mục đích duy nhất. Cấp trên thăng chức cho con bởi vì con có thể mang lại lợi ích cho ông ta; cấp dưới phục tùng con vì con có thể mang lại lợi ích cho họ; bạn bè và đồng nghiệp của con quan tâm đến con vì con có thể mang lợi ích đến cho họ. Con phải luôn mang lợi ích đến cho người khác, thì người khác sẽ mang lợi ích đến cho con. Hãy nhớ rằng, một khi con không rõ ràng về mục đích của việc giành giật lợi ích, con sẽ cách thất bại không còn bao xa nữa.

5. Con cần phải đặt việc xử sự sao cho phù hợp, thể hiện tốt bản thân là ưu tiên hàng đầu. Điều này không giống với làm mọi việc cho tốt.

Đừng hiểu lầm “xử sự phù hợp” và “làm mọi việc cho tốt” là vừa có đức vừa có tài. Việc xử sự phù hợp, thể hiện tốt bản thân ở đây có nghĩa là cách dàn xếp các mối quan hệ. Làm việc - những công việc thực sự - không phải là điều quan trọng. Ứng xử cho tốt là đặt mình vào trong một mạng lưới quan hệ giữa các cá nhân và trở thành một phần của nó. Hãy nhớ rằng ngày nay câu nói “một người có năng lực” không có nghĩa là người đó có thể làm tốt mọi việc, mà có nghĩa là người đó có khả năng ra vẻ làm tốt mọi việc và được mọi người thừa nhận.

6. Dù diện mạo có thay đổi như thế nào, thì xã hội của chúng ta về bản chất vẫn là một xã hội của những người nông dân.

Những người xung quanh chúng ta, bất kể vẻ bề ngoài ra sao, bản chất của họ đều là những người nông dân. Đặc tính của nông dân là thiển cận, chỉ chú ý đến lợi ích trước mắt. Vì vậy, cách mà con làm mọi thứ phải phù hợp với tâm lý nông dân và chỉ cần có tầm nhìn ngắn hạn. Một khi con nhìn lâu dài hơn, con sẽ không còn thuộc về nhóm này; và con có thể hình dung hậu quả của nó. Hãy học hỏi từ những bài học trong quá khứ và kiếm cho mình một số kẻ trung thành.

7. Hãy tin rằng nịnh bợ là một môn nghệ thuật cao cấp.

Đừng tưởng rằng những kẻ xu nịnh chỉ cần mặt dày trơ trẽn. Rất nhiều phụ nữ không biết xấu hổ là gì, nhưng rất ít người có thể lấy chồng tốt hoặc bán thân với giá hời. Hầu hết họ chỉ trở thành gái hộp đêm. Điều này cũng đúng với thói xu nịnh. Bợ đỡ cấp trên là để giành được sự tán thưởng của họ. Trong xã hội này, được cấp trên đánh giá cao là cách duy nhất để thăng tiến. Mọi thứ khác chỉ là hình thức. Con phải nhớ lấy điều này.

8. Mọi điều luật, quy định và chính sách không nhất thiết cần được tuân thủ nghiêm ngặt.

Nói chính xác hơn, việc thực hiện luôn có thể linh hoạt. Các nhà làm luật và các nhà hoạch định chính sách có mục đích hạn chế người khác, chứ không phải hạn chế chính họ. Nhưng con phải biết rằng không phải ai cũng có thể phạm luật. Nó tùy vào tình huống, khi nào cần kiên quyết tuân thủ, khi nào thì bí mật vi phạm, hay khi nào thì yêu cầu ai đó vi phạm. Luôn nghiêm túc tuân thủ hoặc luôn bừa bãi vi phạm đều là sai.

Tất cả những điều trên là những nguyên tắc để trở thành một quan chức. Hãy suy nghĩ cẩn thận về những điều bố đã viết. Nếu con có thể làm theo, con sẽ thành công. Nếu con cảm thấy rằng không thể sống như vậy, hãy ngay lập tức chọn một nghề nghiệp khác.
............

Dù cho bức thư trên có phải do chính tay ông Từ Kỳ Diệu viết hay không, nó vẫn thể hiện chính xác tình trạng đạo đức của các quan chức chính quyền Trung Quốc từ cấp trung trở lên.

Có một quy tắc bất thành văn phổ biến trong giới quan chức Trung Quốc ngày nay, đó là quy tắc "50%". Quan chức tham nhũng nào miễn là có thể tuân theo quy tắc “nhả một nửa số tiền tham nhũng và hối lộ 3 cấp ở trên”, thì người đó có thể vượt qua mọi sóng gió chính trị một cách an toàn. 

Đáng cười là, những “kẻ keo kiệt” và những “quan chức trong sạch” đang phải đối mặt với nguy cơ bị tiêu diệt trong các chiến dịch chống tham nhũng. “Kẻ keo kiệt” thường không muốn hối lộ cấp trên để mua sự an toàn. Một khi người đó bị phát hiện dính dáng đến tham nhũng, không ai bảo vệ anh ta. Những “quan chức trong sạch” thì thường bị đặt bẫy đánh hạ, bởi vì họ gây khó khăn khi cấp dưới muốn kiếm tiền, bởi vì họ cắt đứt con đường làm giàu của cấp dưới.

Thành phố Tô Châu từng có một vị Phó Chủ tịch trong sạch. Sau khi giữ chức Phó Chủ tịch được vài năm, mẹ của ông ấy vẫn sống ở nông thôn và không có bảo hiểm y tế. Khi mẹ của ông cần hơn 10.000 CNY (1.450 USD) để thanh toán chi phí thuốc men, vị Phó Chủ tịch không thể đáp ứng; vậy nên ông ấy đành nhờ một doanh nghiệp địa phương thanh toán trước. Ai đó đã báo cáo sự việc này với Chủ tịch thành phố; vị Phó Chủ tịch sau đó bị cách chức và bị kết án 3 năm.

Tháng 12/2011, một báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc có tiêu đề “Sách Xanh về Chống Tham nhũng” đã nhận xét rằng: “Đối tượng tham nhũng đang mở rộng từ cá nhân sang tập thể. Phương tiện tham nhũng đang mở rộng từ các phương tiện cụ thể và rõ ràng sang các phương tiện ẩn giấu hơn. Phạm vi tham nhũng đang lan rộng từ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư pháp sang các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục; thậm chí đã xuất hiện tình trạng tham nhũng xuyên quốc gia”.

Câu bình luận này trên Internet đã giễu cợt về nạn tham nhũng tràn lan đến mức ở đâu cũng có tại Trung Quốc: “Các quan chức tham nhũng thực sự là những người hiểu rõ Trung Quốc nhất. Mặc dù thường xuyên hô to các khẩu hiệu chống tham nhũng, nhóm người này - những người có chức có quyền và thậm chí ngồi ở vị trí rất cao - có hiểu biết sâu sắc nhất về nguyên nhân gốc rễ của nạn tham nhũng có hệ thống. Tuy nhiên, họ đã nhận ra rằng nạn tham nhũng có hệ thống không thể bị loại bỏ dù là trong ngắn hạn, đừng nói đến việc loại bỏ hoàn toàn từ cơ bản. Sau khi hiểu thấu đáo điều này, những người này vừa lớn tiếng chống tham nhũng, vừa đồng thời làm giàu cho bản thân và/hoặc lạm dụng người khác. Vì vậy, họ không bao giờ thực sự giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng”.

II. Hệ thống cướp bóc tài nguyên quốc gia

1. 
Hệ thống tham nhũng và cướp bóc 

Hệ thống tham nhũng của Giang Trạch Dân được hình thành khi Trung Quốc đang trong quá trình chuyển mình; các cải cách kinh tế đã đóng vai trò như một loại lá chắn, một cái cớ để biện minh cho các hành vi tham nhũng vô độ. Trong quá trình tư nhân hóa, quyền lực công bị lạm dụng bởi một số ít người có địa vị; điều này khiến các nguồn lực quốc gia rơi vào tay các quan chức giám sát quá trình phân bổ lại tài sản. Những quan chức này, ban đầu xuất hiện rải rác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, dần dần đã hội tụ lại và hình thành một vài khối lợi ích. Hậu quả là tài nguyên và của cải nhà nước được tích lũy trong nhiều thập kỷ đã bị phân chia và rơi vào tay giới quan chức. Sau khi lượng lớn tài sản bị bán đi, bị lấy cắp và sau khi nhiều thỏa thuận được thực hiện giữa các quan chức và doanh nhân, Trung Quốc không còn có thể dễ dàng thông qua luật pháp và trật tự xã hội để khôi phục trạng thái bình thường; nguyên nhân là nền tảng đạo đức - thứ đảm bảo cho việc xây dựng một xã hội trung thực - đã bị ĐCSTQ phá hoại. Văn hóa Đảng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người Trung Quốc phổ thông; trong các tương tác hàng ngày, họ trở thành những người hay tính toán và thiếu tin tưởng lẫn nhau.

Hệ thống tham nhũng thời Giang Trạch Dân bắt đầu từ cấp cao nhất, đi một mạch đến tận chính quyền các tỉnh, thành phố và quận, huyện, nuốt chửng tài nguyên công ở tất cả các cấp. Nó có một số hình thức độc đáo.

Đầu tiên, ở cấp cao nhất, các nguồn tài nguyên được chia thành một số lĩnh vực, chẳng hạn như truyền thông, dầu mỏ, viễn thông và năng lượng điện. Một hoặc một số lĩnh vực này nằm dưới quyền một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Đi xuống dưới, các quan chức hàng đầu trong lĩnh vực đó tiếp tục chia nhỏ và giành lấy một số phần nhất định của chiếc bánh. Quá trình này được lặp lại từ cấp bộ/sở hoặc cấp tỉnh đến tận cấp làng xã và thị trấn. Hệ thống mạng nhện giăng khắp cả nước từ các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị một mạch cho đến phía dưới, tạo thành những mạng lưới khổng lồ kết nối quan chức và doanh nhân, qua đó bòn rút lợi ích quốc gia và dân tộc.

Thứ hai, mặc dù những kẻ đứng đầu có thể, trên danh nghĩa, không sở hữu các nguồn tài nguyên quốc gia, họ lại kiểm soát việc sử dụng và phân bổ các nguồn tài nguyên đó. Ví dụ, các ngành công nghiệp độc quyền chủ chốt như dầu mỏ, viễn thông và vận tải đều nằm dưới thẩm quyền của họ. Con cái và gia đình họ có thể ký hợp đồng kinh doanh với các lĩnh vực độc quyền hoặc sở hữu nhiều doanh nghiệp thông quá quá trình tư nhân hóa. Những kiểu móc ngoặc không chính thức này được áp dụng xuyên suốt tại tất cả các cấp chính quyền.

Trong hệ thống tham nhũng này, nền kinh tế quốc gia của Trung Quốc bị chia nhỏ và bị kiểm soát bởi các nhóm lợi ích đặc biệt, trong khi một số lượng lớn người Trung Quốc bị bỏ lại bên ngoài. Càng ở gần trung tâm tham nhũng hơn thì càng có thể thu về nhiều nguồn lợi bất chính hơn.

Giáo sư Trương Thiên Phàm (Zhang Qianfan) của Đại học Bắc Kinh cho biết như sau:

“Bí mật của ‘mô hình Trung Quốc’ là ở tính tích hợp giữa lý luận chính trị và lý luận kinh tế. Bằng cách lấy các thước đo như GDP địa phương làm cơ chế đánh giá quan chức, ĐCSTQ đã khuyến khích và dung túng các hành vi thao túng chính sách để làm lợi riêng của các quan chức. Việc huy động giới chức ở tất cả các cấp tham gia vào quá trình ‘cải cách’, thúc đẩy ‘phát triển’ đã khiến đất nước Trung Quốc phải trả cái giá rất đắt. Ở khắp mọi nơi, người ta có thể nhìn thấy nhiều khu đất bị quây lại và nhiều dự án xây dựng; chúng rất quan trọng đối với quá trình thăng tiến và đối với túi tiền của quan chức. Tất nhiên, những dự án như vậy thường có chất lượng thấp, lãng phí và gây ô nhiễm; bởi vì những gì họ muốn là đầu tư tối thiểu để có được số lượng đầu ra tối đa, qua đó chuyển đổi lợi ích công thành lợi ích cá nhân một cách hiệu quả nhất. Những dự án và ‘những sự phát triển’ này chỉ đơn giản là cơ hội để đạt được mục tiêu cá nhân.… Với việc rất nhiều người tham gia vào chuỗi hoạt động phá hoại như vậy, thì thiệt hại tiềm tàng [đối với Trung Quốc] là vô cùng to lớn, không thể kể xiết”.

Các quan chức tham nhũng thời Giang Trạch Dân đã sử dụng chính quyền để cưỡng bức phân chia và chiếm đoạt tài nguyên quốc gia. Họ trở thành những tấm gương đạo đức rất xấu xí. Tình trạng hỗn loạn do hệ thống tham nhũng của họ Giang gây ra không chỉ giới hạn ở các trung tâm quyền lực, mà đã mở rộng đến tất cả các ngõ ngách trong chính quyền và xã hội. Các quan chức được giao nhiệm vụ bảo vệ tài sản nhà nước đã trở thành những tên trộm! Các giám đốc điều hành và chủ doanh nghiệp tư nhân phải hoạt động trong môi trường mà luật pháp không được áp dụng một cách bình đẳng và công bằng. Trung Quốc thiếu cơ quan tư pháp độc lập.

Hệ thống tham nhũng đã bám rễ sâu vào cơ cấu quản trị và cấu trúc xã hội Trung Quốc, nó không thể sửa chữa được chừng nào ĐCSTQ vẫn còn nắm quyền kiểm soát. Các chiến dịch thanh trừng quan chức tham nhũng là vô ích. Giang Trạch Dân chỉ sử dụng chúng để trả đũa kẻ thù chính trị của ông ta.

2. Của cải nhà nước rơi vào tay nhóm thiểu số tinh hoa chính trị

Khi tài nguyên quốc gia bị phân chia để cho một số ít cá nhân làm giàu, sẽ còn rất ít không gian khuyến khích những người muốn bảo vệ lợi ích công cộng. Trước tình trạng tài nguyên quốc gia bị cướp bóc, không chỉ các quan chức công quyền giữ im lặng, mà bất kỳ tổ chức nào tỏ ra độc lập với nhà nước đều bị coi là mối đe dọa đối với sự ổn định và do đó, họ sẽ bị đàn áp bởi giới tinh hoa chính trị. Các nhóm xã hội dân sự và các cá nhân - những người vô tội và không có bất kỳ hành vi sai trái nào, chẳng hạn như các học viên Pháp Luân Công, Cơ đốc nhân và luật sư nhân quyền - trở thành mục tiêu của ĐCSTQ.

Để duy trì hệ thống tham nhũng của mình, Giang Trạch Dân - theo lời của chính ông ta - đã thề sẽ “loại bỏ mọi bất ổn chính trị từ giai đoạn trứng nước”. Điều này khiến hệ thống chính trị bị bóp méo, ngay cả theo các tiêu chuẩn của ĐCSTQ cũng bị làm cho biến dạng. Dưới thời cai trị của ông ta, tính tôn nghiêm của luật pháp bị chà đạp tàn nhẫn; quyền lực độc tài tiếp tục bành trướng; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tín ngưỡng của người dân bị tước đoạt. Sức mạnh quốc gia khổng lồ lại được sử dụng để đàn áp tự do.

3. Trung Quốc đã tiêu tốn những nguồn lực nào để đàn áp tự do?

Theo Niên giám Thống kê Nhà nước, 551,77 tỷ CNY (80 tỷ USD) trong chi tiêu tài chính quốc gia năm 2010 là dành cho an ninh công cộng, vượt quá con số 533,337 tỷ CNY (77 tỷ USD) chi tiêu quốc phòng. Financial Times đưa tin Bộ Tài chính Trung Quốc công bố dữ liệu ngân sách năm 2011, trong đó ngân sách an ninh công cộng là 624 tỷ CNY (90 tỷ USD), nhiều hơn ngân sách chi tiêu quốc phòng 602 tỷ CNY (87 tỷ USD). Chi phí cho việc “duy trì ổn định” cao hơn tổng ngân sách cho chăm sóc sức khỏe, ngoại giao và tài chính.

Một phần lớn trong hơn 20 năm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã bị bè lũ cầm quyền tham nhũng của Giang Trạch Dân cướp đoạt.

Tháng 05/2007, Báo cáo Tài sản Toàn cầu năm 2006 do Tập đoàn Tư vấn Boston phát hành đã chỉ ra 0,4% hộ gia đình ở Trung Quốc nắm giữ 70% của cải quốc gia. Ở Nhật Bản, Úc và các nước phát triển khác, khoảng 5% các gia đình kiểm soát 50-60% của cải.

Theo báo cáo hồi tháng 05/2014 của Fung Global Institute, Trung Quốc đứng đầu các nước ở châu Á về tỷ lệ tài sản mà các triệu phú nắm giữ: 40% [8]. Trong khi đó, các triệu phú của Hàn Quốc nắm giữ 21% tài sản của đất nước họ; con số của Úc là 19%.

Theo Báo cáo Tài sản châu Á - Thái Bình Dương của Capgemini năm 2017, tính đến cuối năm 2016, Trung Quốc có tổng cộng 1,1 triệu người là triệu phú. Trung bình một triệu phú Trung Quốc có khối tài sản lên đến 5,2 triệu USD, cao hơn mức trung bình của các triệu phú trong khu vực là 3,4 triệu USD [9].

Một báo cáo do chính quyền Trung Quốc công bố đã chỉ rõ ai là người nắm giữ phần lớn tài sản. Tính đến cuối tháng 03/2006, 27.310 người ở Trung Quốc đại lục có tài sản cá nhân hơn 50 triệu CNY (7,2 triệu USD) và 3.220 người có tài sản cá nhân hơn 100 triệu CNY (14,4 triệu USD), theo một cuộc điều tra chung do Văn phòng Nghiên cứu của Quốc vụ viện, Văn phòng Nghiên cứu của Trường Đảng Trung ương, Văn phòng Nghiên cứu của Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thực hiện. Trong số những người có thu nhập cao nhất với hơn 100 triệu CNY, 2.932 người là con của các quan chức cấp cao với tổng tài sản 2.045 tỷ CNY (296,2 tỷ USD). Điều tra cho thấy, họ tích lũy được khối tài sản khổng lồ chủ yếu là nhờ vào nền tảng gia đình.

Ông Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong), một học giả thỉnh giảng tại Đại học Princeton (Mỹ), nói trong một bài báo: “Ở các nước phương Tây, tăng trưởng kinh tế 8% có nghĩa là họ có mức thịnh vượng kinh tế cao. Trong khi đó, ở Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng 8% chỉ là điểm thấp nhất để tránh suy thoái nghiêm trọng”.

Ông nhận xét giới hạn dưới của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng điển hình của Mỹ. Theo ông Trình, mức tăng trưởng 7% đối với Trung Quốc gần tương đương với mức tăng trưởng 3% của Mỹ. Sự khác biệt này là một đặc điểm cần chú ý trong nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Trình kết luận: “Trạng thái cân bằng kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đã bị bóp méo. Mức tăng trưởng kinh tế cần thiết để hỗ trợ bảng cân đối kế toán của hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc không phải là 2–3% - mức điển hình tại các nền kinh tế thị trường bình thường, mà là 7–8% hoặc thậm chí cao hơn”.

Nói một cách dễ hiểu, mức tăng trưởng 7-8% là cần thiết để bù đắp cho tham nhũng.

III. Kết luận

Hệ thống tham nhũng của Giang Trạch Dân đã đưa ĐCSTQ đến chỗ không thể cứu vãn. Chế độ của ông ta khác với các chế độ khác ở chỗ nó không ngừng thách thức đạo đức của các Đảng viên bằng cách tháo bỏ xiềng xích cho con quỷ tham nhũng. Bất kỳ hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội nào cũng phải hoạt động dựa trên những nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất định nếu muốn tồn tại và phát triển. Khi các tiêu chuẩn đạo đức thường xuyên bị thử thách, nền tảng của cấu trúc xã hội cuối cùng rồi sẽ sụp đổ. Tham nhũng trên diện rộng không chỉ phá hủy hy vọng của người dân, mà cuối cùng sẽ chôn vùi chính ĐCSTQ.
-------------------

[8] Fung Global Institute. (2014, tháng 05) Managing Asia’s Private Wealth to Serve the Real Sector (Quản lý Tài sản Tư nhân tại châu Á để phục vụ cho Khu vực Kinh tế Thực). https://www.asiaglobalinstitute.hku.hk/archived-news/working-paper--managing-asia's-private-wealth-to-serve-the-real-sector

[9] Capgemini. Asia-Pacific Wealth Report 2017 (Báo cáo Của cải châu Á - Thái Bình Dương 2017). https://www.capgemini.com/wp-content/uploads/2017/11/asia-pacific-wealth-report_2017_web_final.pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét