Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

Tài nguyên thiên nhiên là gì?

Tài nguyên thiên nhiên là gì?
Tài nguyên thiên nhiên là chỉ các thành phần cấu tạo nên thiên nhiên, cũng tức là những của cải vật chất có sẵn trong tự nhiên được con người dùng những hình thức khác nhau để khai thác, chế biến và sử dụng phục vụ cho cuộc sống của con người. Như vậy về bản chất, tài nguyên thiên nhiên là những nguyên liệu đầu vào cần thiết cho xã hội.

Tài nguyên thiên nhiên thường gặp là đất đai, không khí, rừng, đồng cỏ, đầm lầy, biển, động thực vật hoang dã, vi sinh vật, các mỏ khoáng sản, các nguồn nước, dầu, khí v.v... Tài nguyên môi trường, hay còn gọi là tài nguyên thiên nhiên, là một bộ phận thiết yếu của môi trường, có quan hệ chặt chẽ với môi trường.

Tài nguyên thiên nhiên không bao gồm: các sản phẩm tái chế, các sản phẩm thuộc phân khúc rác thải, lương thực đã chế biến, các sản phẩm công-nông nghiệp như cá, tôm, nhựa, giấy, gạo, các sản phẩm được sản xuất trong các ngành công nghiệp nói chung và ngành thời trang nói riêng. Nhựa được sản xuất ra từ cao su (tổng hợp hoặc không tổng hợp), vì nhựa không tự nhiên có sẵn, phải do công nhân nhà máy tạo ra; giấy được chế tạo ra từ bột gỗ của cây, giấy không tự nhiên có sẵn, do công nhân nhà máy, nghệ nhân tạo ra; gạo được trồng từ các tài nguyên tự nhiên thuộc tài nguyên đất, phân bón và các sản phẩm nông nghiệp khác, không có sẵn, do nông dân, cá nhân/tổ chức trồng nên.

Trong các tài nguyên thiên nhiên, ngoài một số ít loài là nguyên sinh ra, tuyệt đại đa số là tài nguyên thứ sinh. Những tài nguyên nguyên sinh có ánh nắng Mặt Trời, không khí, gió, thác nước, khí hậu v.v... Chúng là nguồn vô hạn. Những tài nguyên thứ sinh có: đất đai, khoáng sản, rừng v.v... Chúng đều là tài nguyên hữu hạn.

Tài nguyên thiên nhiên thứ sinh được hình thành trong những giai đoạn đặc biệt của quá trình biến hóa tự nhiên của Trái Đất, vì vậy chất lượng và số lượng của chúng bị hạn chế. Một khi một loài sinh vật nào đó bị tiêu diệt thì sẽ khó mà tái sinh lại được. Không gian phân bố của chúng cũng không đồng đều. Do đó nói chúng là hữu hạn.

Ví dụ những tài nguyên thiên không thể tái sinh như đất đai, than bùn, than đá, dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên v.v... Trong giai đoạn hiện nay đó là những tài nguyên không dễ gì tái sinh được. Nhưng nhân loại trước đây do trình độ sản xuất thấp nên chưa nhận thức được vấn đề này, vì vậy người ta cho rằng: những tài nguyên này khai thác mãi không cạn, dùng không hết.

Tài nguyên tái tạo là tài nguyên có thể tự duy trì hoặc tự bổ sung một cách liên tục khi được quản lý một cách hợp lý. Tuy nhiên, nếu sử dụng không hợp lý, tài nguyên tái tạo có thể bị suy thoái không thể tái tạo được. Ví dụ: tài nguyên nước có thể bị ô nhiễm, tài nguyên đất có thể bị mặn hoá, bạc màu, xói mòn,...

Tài nguyên không tái tạo là loại tài nguyên tồn tại hữu hạn, sẽ mất đi hoặc biến đổi sau quá trình sử dụng. Ví dụ như tài nguyên khoáng sản như dầu mỏ, than đá của một mỏ có thể bị cạn kiệt sau khi khai thác.

Tài nguyên năng lượng vĩnh cửu là những nguồn năng lượng sạch, khi sử dụng không gây ô nhiễm môi trường như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng biển...

Gần 300 năm nay cùng với sự phát triển vũ bão của sức sản xuất, những tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác và lạm dụng, lãng phí tùy ý, không bị hạn chế, nên đã xuất hiện nguy cơ về thiếu tài nguyên.


Theo số liệu điều tra thì những loại tài nguyên chủ yếu trữ lượng không nhiều, trong vòng mấy trăm năm nữa sẽ bị khai thác hết. Ví dụ tuổi thọ của mỏ sắt không đầy 200 năm, trữ lượng về than đá chỉ khoảng 200 năm, trữ lượng dầu mỏ không đầy 30 năm. Những tài nguyên thiên nhiên có thể tái sinh được như đất đai, động vật, thực vật, vi sinh vật, rừng, thảo nguyên, sinh vật thủy sinh, v.v... do loài người chặt phá và săn bắt không hạn chế nên nhiều chủng loài bị tiêu diệt, khiến cho chúng không thể tái sinh được nữa.

Bi thảm hơn là những tài nguyên vốn được xem là vô hạn như không khí và nước, do con người gây ô nhiễm nên ngày nay cũng đã xuất hiện nguy cơ bị thiếu. Cho nên từ góc độ vĩ mô mà xét, các loại tài nguyên thiên nhiên hầu như đều rơi vào tình trạng bi quan “bị khai thác cạn, dùng kiệt”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét