Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

Đạo đức trên sân golf

Tôi thấy mấy bài viết dưới đây khá hay. Bất cứ môn thể thao nào cũng yêu cầu người chơi phải tuân thủ luật chơi, trong đó văn hoá cao nhất là trung thực và tự giác, vì thể thao là cao thượng. Nếu thiếu văn hóa đó thì dù có trọng tài vẫn có thể xảy ra tranh cãi nhau, không tin trọng tài, thậm chí đánh nhau hay đánh caddie như vụ vừa xảy ra. Tôi cho rằng văn hoá hay bản chất thật của một con người được nhìn rõ nhất khi họ chơi thể thao tập thể. Golf ngoài rèn luyện sức khỏe còn là một môn thể thao rèn luyện con người, tạo ra những cá tính tốt cho con người như: khiêm tốn, kiên nhẫn, giàu nghị lực, trung thực và sau hết là lòng quảng đại. Tôi chưa bao giờ thực sự chơi Golf và cũng không biết luật chơi Golf. Có thời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đại sứ Vũ Dũng (sau khi làm đại sứ thì bác làm Trợ lý cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; bác mất năm 2017) nhiều lần rủ tôi đi chơi Golf. Nể bác cuối cùng tôi cũng đi, tập được khoảng 5-7 lần thấy đánh quá kém (tôi đánh tay trái) nên mất hứng không đi nữa. Tôi luôn nghĩ môn thể thao này dành cho giới "quý tộc" vì lệ phí hội, tiền sân bãi, tiền bồi dưỡng cho caddie, tiền khách sạn và liên hoan nhậu nhẹt... rất tốn kém. Tôi còn nghĩ phần lớn những người chơi Golf hiện nay là quan chức và lãnh đạo các doanh nghiệp có liên quan đến quyền lực nhà nước hay bất động sản, và đều chơi bằng nguồn tiền bất chính, ví dụ như tiền tham nhũng hay tiền do các doanh nghiệp tài trợ. Đặc biệt, với tiền lương hiện nay, chắc chắn không có quan chức VN nào đủ tiền để chơi golf, nên nếu như họ có đạo đức, có nhận thức, thì họ tự biết mình không nên chơi Golf để bị dân nhìn, dân khinh và coi là loại tham nhũng tiền nhiều nhưng văn hóa và trí tuệ thấp. Có lần nói chuyện với một bác lãnh đạo về xe buýt Hà Nội, tôi bảo 80% nhân viên xe buýt vô văn hóa. Tự nhiên bác ấy bảo: Ừ, cũng có đến 80% người chơi golf Việt Nam không có văn hóa Golf. Theo tôi, VN không nên phát triển nhiều sân Golf. Nếu số người chơi Golf càng nhiều thì chứng tỏ tham nhũng càng nhiều và chênh lệch mức sống trong xã hội càng tăng, càng gây thêm bất bình trong xã hội.  
Đạo đức trên sân golf
Nguyễn Ngọc Chu, Tiến sĩ Toán học - Điều gì mới xuất hiện trong thực tiễn cũng đối mặt với lực cản. Nhưng những điều mới chứa đựng logic tự nhiên sẽ vượt qua lực cản để tồn tại và phát triển. Golf ở Việt Nam là một thực thể khách quan như vậy.
Sân golf đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào Bản đồ quy hoạch tổng thể thành phố Đà Lạt năm 1922, và xuất hiện trên thực địa 10 năm sau đó, cùng thời với sân golf đầu tiên của Thái Lan khoảng năm 1924. Nhưng ngành công nghiệp golf của Việt Nam bị chậm so với Thái Lan chừng 3-4 thập kỷ, liên quan đến chiến tranh liên miên.

Đầu thập niên 1990, golf hồi sinh ở Việt Nam, nhưng vấp phải nhiều lực cản. Lực cản đầu tiên là tiềm thức. Nhiều người, trong số đó không ít lãnh đạo, cho golf là trò chơi tư sản, phung phí và xa hoa. Sự chống đối golf đôi lúc lên mức thù địch có căn nguyên từ tâm lý thù ghét sự giàu có. Đó là sự không sòng phẳng với golf ở Việt Nam.

Sự không sòng phẳng này một cách tình cờ được đồng hành với những lập luận phản đối rất có lý. Lập luận đầu tiên là lãng phí đất đai. Một sân golf cần chừng 70-100 ha, là diện tích đất rất lớn. Một diện tích đất rất lớn lại chỉ dành cho thú chơi của số ít người giàu có, lấy đi một phần đất canh tác, có khi làm biến mất một phần cây trồng, chiếm một phần mặt biển, làm mất sinh kế của một bộ phận người dân, trong khi đất đai thu hồi chỉ được đền bù theo giá nhà nước. Tất cả đã đẩy sự phản kháng có lúc đến đỉnh điểm, là các cuộc biểu tình chống thu hồi đất để làm sân golf. 

Lập luận thứ hai, thêm dầu vào lửa, là vấn đề môi trường: mất rừng phòng hộ, mất nguồn nước ngọt, thuốc trừ sâu cỏ độc hại. Lập luận thứ ba là an ninh lương thực. Lập luận thứ tư là an sinh của dân. Lập luận thứ năm là an ninh quốc phòng... Tất cả hợp lại, "đánh hội đồng" cho golf "lên bờ xuống ruộng".

Nhưng tĩnh tâm nhìn lại thì lỗi không phải của golf. Vấn đề thu hồi đất với giá đền bù nhà nước là do chính sách về thu hồi đất đai. Vấn đề golf chiếm đất lúa, làm mất rừng phòng hộ, hay chiếm lĩnh mặt biển cũng từ chính sách cấp đất. Nếu ở đâu đó có thiếu sót về môi trường là do lỗ hổng về quản lý.

Golf là một môn thể thao. Đã là thể thao thì ai cũng rồi cũng có quyền tiếp cận. Ví dụ ở nước Mỹ, vào thập niên 1950, golf chỉ dành cho tầng lớp từ trung lưu. Nhưng hiện nay, với khoảng 16.000 sân, 14.000 cơ sở golf, Mỹ có khoảng 37,5 triệu người chơi golf. Phần lớn người dân Mỹ có nguồn tài chính đủ để chơi golf, muốn hay không chỉ là vấn đề sở thích.

Việt Nam hiện có khoảng 80 sân golf với khoảng 50.000 người chơi. Tại sao nhiều người khi biết đến golf, lại say mê đến mức ví như "ma túy xanh"? Có nhiều lý do giải thích cho sức hấp dẫn của golf. Nhưng có thể lấy một ví dụ, ở tất cả các môn thể thao, ngoài golf, dù là tennis, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, đua ôtô hay cờ... không bao giờ xảy ra trường hợp, người bắt đầu chơi lại thắng đương kim vô địch thế giới. Nhưng người mới học golf, có thể thắng được nhà vô địch thế giới, dù đó là huyền thoại Tiger Wood. Với golf, không ai là bất bại. Kẻ vĩ đại nhất có thể bị đánh bại bởi kẻ vô danh. Cơ hội mở rộng cho bất kỳ ai.

Nhìn về mặt tích cực của golf, không có nghĩa là quên đi mặt đối lập. Ngoài những vấn đề tôi đã đề cập ở trên, thì sự hình thành cộng đồng người chơi golf ở Việt Nam cũng kéo theo các căn bệnh cần có "toa thuốc điều trị".

Golf vốn là môn chơi quý tộc. Tính quý tộc của golf không chỉ nằm trong sự giàu có đắt đỏ, mà còn nằm ở phần quan trọng khác, là văn hóa. Văn hoá golf bao gồm các quy tắc ứng xử, đạo đức. Để cầm gậy chơi, trước hết phải biết luật và cách thức ứng xử trên sân.

Luật golf quy định những điều được làm, những điều không được làm. Luật golf có thể đọc qua rất nhanh. Nhưng thực hành đạo đức thì cần thời gian và nền tảng văn hóa. Trên sân golf, mọi người đều bình đẳng, bất kể là tổng thống hay thứ dân.

Lỗi thường thấy trong một bộ phận mới học chơi golf là tính điểm không chính xác, xuất phát từ hai nguyên nhân, do không nắm được luật, và do cố tình tính sai để có lợi cho mình. Golf đòi hỏi sự trung thực, thể hiện trong cách tự giác ghi điểm của mình mà không phải lúc nào cũng có người giám sát, ngoài người biết tường tận là caddy phục vụ. Từ đây nảy sinh những mâu thuẫn của người mới chơi golf liên quan đến caddy.

Khi người ta có lỗi, điều tự nhiên thường thấy là tìm cách đổ lỗi. Ở cơ quan thì đổ lỗi cho người dưới quyền. Ở nhà thì đổ lỗi cho vợ con, em út, thậm chí cả mẹ cũng là người hứng chịu. Trên sân golf, caddy là nơi hứng chịu lỗi của người chơi. Nhưng với thời gian, các golfer biết kiềm chế và dần tránh được đổ lỗi cho caddy.

Một mặt tiêu cực khác có trong golf, cũng như mọi môn thể thao khác, là cá độ và thích thắng, dễ dẫn đến không trung thực. Caddy là nơi một số người mới học chơi, có văn hóa ứng xử thấp, dựa vào để kê khai điểm không đúng. Một số kê khai điểm không trung thực nhưng muốn caddy giữ yên lặng; số khác lại muốn tự caddy kê khai không đúng điểm, có lợi cho mình. Nhưng nhược điểm này cũng giảm dần theo thời gian chơi golf gia tăng, vì luật golf xây đắp sự trung thực.

Không trung thực, cá độ, cường quyền, quen đổ lỗi cho người khác là các nguyên nhân làm cho một số người chơi mắng mỏ, thậm chí là thô bạo đánh caddy, mà thực tế đã xảy ra không ít trường hợp.

Người chơi chân chính không bao giờ bao che cho các tay golf vi phạm đạo đức, dù đó là ai. Sự kém đạo đức và văn hóa ứng xử của một số người chơi cần phải xử theo luật golf, bao gồm cả loại bỏ ra khỏi cộng đồng golfer.

Không phải cứ có tiền lên sân golf là trở thành golfer, là thành "quý tộc".

Nguyễn Ngọc Chu
https://vnexpress.net/dao-duc-tren-san-golf-4547649.html
------------------------

Văn hóa chơi golf

13/12/2022 TTO - Golf là một môn thể thao đặc biệt vì không có trọng tài. Bởi thế, người chơi (golfer) phải đề cao tính cao thượng, ý thức tự giác và sự trung thực mà cộng đồng chơi golf thường nói rằng phải có "golf đức".

Nguyên tắc số 1 của golfer là không làm ảnh hưởng đến người khác, đó là không đến trễ, không chơi ồn ào, không đánh quá chậm làm phiền hà các nhóm golf phía sau.

Thậm chí, nếu nhóm trước chưa đi mà anh đã phát golf là điều cấm bởi có thể gây nguy hiểm đến người khác. Do không có trọng tài, golfer không được gian lận, phải tự đếm số gậy của mình, tự khai vào bảng điểm. Nếu golfer đánh bóng rơi xuống nước hoặc ra khỏi ranh sân bóng thì anh bị phạt theo số gậy, nếu golfer không tự ghi thì gọi là ăn gian.

Đây là những điều cơ bản của golfer đã được hướng dẫn các quy tắc tối thiểu trước khi cầm gậy, nếu đếm sai thì bạn chơi hoặc caddie (người phục vụ sân golf) có quyền nhắc một cách tế nhị "anh chị đếm sót rồi".

Ngoài luật golf, mỗi sân có những quy tắc riêng, nếu không tuân thủ thì caddie cũng có quyền nhắc nhở. Cũng bởi không có trọng tài nên người chơi muốn tuân thủ thì phải chủ động hỏi caddie về những quy tắc đó và caddie vừa là người hỗ trợ, vừa là trợ lý cho golfer. Nguyên tắc rất cơ bản như vậy nhưng với nhiều người, việc tuân thủ này thật khó và thực tế đã có không ít điều đáng buồn đã xảy ra.

Chúng tôi rất bất bình khi một golfer đánh caddie ở Đà Nẵng xuất phát từ chuyện đếm số gậy. Cần nhớ vai trò của caddie chỉ giúp mình đếm số gậy, nhắc luật chơi, giúp người chơi kéo gậy hoặc người chơi cần gì sẽ hỗ trợ tối đa. Kinh nghiệm 17 năm chơi golf, theo tôi, đây là lỗi của người chơi do đếm sót gậy, caddie nhắc nhở dẫn đến bực tức và có những hành động bạo lực sai trái.

Chưa cần nói anh là một golfer, chỉ là một người bình thường thì việc đánh phụ nữ, xâm phạm đến thân thể người khác đã vi phạm pháp luật, trái với đạo lý rồi. Đằng này anh cầm một chiếc gậy driver (gậy có tầm đánh bóng xa nhất) để đánh một cô gái đến mức gãy chiếc gậy.

Đó là chưa nói một cô gái trẻ, đi ra sân để phục vụ mình thì một lời nói nặng nhẹ đã khó nghe rồi, còn đụng đến bạo lực là không thể chấp nhận, nhất là khi anh khoác trên mình bao nhiêu chức vụ.

Chúng ta có nhiều sân golf đẹp, số lượng người chơi cũng đông. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đang làm ảnh hưởng đến cộng đồng chơi golf. Điển hình là người chơi gây ồn ào, la mắng caddie, không tôn trọng bạn chơi, luật chơi hay các nhóm khác trên sân. Bên cạnh đó, có những người ăn gian, bóng của người khác lại nói của mình để khỏi bị phạt gậy.

Đặc biệt, còn có cả cá độ trên sân golf, chẳng khác nào sòng bạc. Chính vì cá độ mới cay cú hơn thua nhau, nếu đánh vui vẻ, thể thao bình thường thì làm gì phải dùng bạo lực trên sân, nếu có đếm sai thì vui vẻ cười trừ, cùng lắm thua chầu nhậu thôi.

Mong rằng sự việc gây phẫn nộ dư luận và cộng đồng golfer vừa rồi nên là sự việc cuối cùng. Bởi đã cầm gậy là phải có văn hóa chơi golf, phải thuộc "golf đức" nếu không muốn tự tay đánh trái bóng nhân cách bay khỏi sân golf.

THÂN THANH VŨ (phó chủ tịch Hội Bất động sản du lịch Việt Nam) - NGỌC HIỂN ghi
https://tuoitre.vn/van-hoa-choi-golf-20221213080817074.htm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét