Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Phân biệt Đại học với Trường Đại học là thất sách

Hai hôm nay đọc tin trường Đại học Bách Khoa được Thủ tướng ra quyết định đổi tên thành Đại học Bách Khoa, mình thấy có vẻ rất không ổn. Nghe tên gọi mới, đọc đi đọc lại vài lần vẫn cứ thấy lùng bùng lỗ tai, trường Đại học và Đại học thì khác gì nhau ? Học ở đâu chả là ở trường ? Trường cấp 1, cấp 2, cấp 3, cao đẳng, đại học,... hay cả mầm non nữa không là trường thì là thứ gì ? Mà tại sao không giữ cách gọi từ xưa đến cách đây 20 năm là trường cấp 1, cấp 2, cấp 3, trung cấp, cao đẳng, đại học... có phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ phân biệt cấp học không ? Khi đó vừa được nói ngắn dễ hiểu, vừa tốn ít giấy mực khi in ấn. Tại sao cứ phải đổi thành tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cho dài dòng và phức tạp ? Giờ lại thêm cặp "trường đại học" và "đại học" gây đau đầu nữa ? Giá như việc đổi cách gọi mà làm nền giáo dục nước nhà vỗ cánh bay lên sánh vai với nền giáo dục của các nước phát triển về chất lượng thì tôi cũng ủng hộ việc đổi, còn chỉ thay tên gọi trong khi chất lượng vẫn đứng cuối bảng xếp hạng thì đổi để làm gì? Về mặt cấu trúc từ thì từ "đại học" nằm trong cụm từ "trường đại học" nên theo cách hiểu thông thường, "đại học" nhỏ hơn "trường đại học". Điều này giống như "công ty" nằm trong "tổng công ty" nên công ty nhỏ hơn tổng công ty... Nhưng tổng là tích hợp nhiều công ty lại thành tổng công ty; còn trường có phải là tích hợp các đại học đâu. Thêm nữa, theo cách hiểu thông thường thì "đại học" nhỏ hơn "trường đại học", nhưng ở đây Bộ Giáo dục lại đảo ngược thành "trường đại học" nhỏ hơn "đại học". Quá rối rắm và phi lô gíc. Trong tiếng Anh có phân biệt hai từ University (Đại học hay Trường đại học) và College (Học viện / Trường về lĩnh vực nào đó và không kèm theo cụm từ "đại học", ví dụ đơn giản là trường kinh tế Hà Nội, trường du lịch Đà Nẵng). Tuy nhiên, hầu hết các trường (College) đều trực thuộc một trường đại học (University) và tính thống nhất trong các University rất cao. Sinh viên học ở các trường (College) đều quan niệm mình là sinh viên của Trường đại học (University), khi có ai hỏi chi tiết về ngành học thì mới sinh viên mới nói tới tên trường (College) hay tên khoa (Department) hoặc tên viện (Institute) nơi mình học cụ thể. Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là dù học ở trường nào thì bằng tốt nghiệp vẫn đều do University ký và cấp. Tôi học thạc sĩ và tiến sĩ ở Centre d'Etudes et de Recherches sur le Développement International (CERDI) của Pháp; đây là một Trung tâm nghiên cứu tương đương với 1 khoa (Department hay Faculty, cũng là trường) của trường đại học Clermont Auvergne (Université Clermont Auvergne - a French university). Dĩ nhiên, bằng đại học thì do Université Clermont Auvergne cấp. Tóm lại, tôi cho rằng ngành giáo dục VN nên tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, phương pháp dạy và học, nhất là cải cách nội dung chương trình học (bỏ hầu hết những môn chính trị lạc hậu và vô bổ đi), chứ không phải cứ lo thay đổi tên đổi họ bên ngoài mà không thay đổi bản chất bên trong... Có như thế mới đào tạo ra được những con người VN mới có kiến thức toàn diện, có trí tuệ cao, giỏi tay nghề, tốt về đạo đức và được thế giới tôn trọng.
Chuyên gia ngôn ngữ học: Phân biệt Đại học với Trường Đại học là thất sách
PGS-TS NGUYỄN HỒNG CỔN - 05/12/2022 Ở Việt Nam, khi lập các trường đại học đa lĩnh vực, đa ngành, người ta dùng 2 (cụm) từ Đại học và Trường Đại học để phân biệt University với School/College trong tiếng Anh. Ý tưởng này tưởng là hay, nhưng hoá ra thất sách.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa có quyết định chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Những giờ qua, dư luận đặc biệt quan tâm và không ít băn khoăn với ý nghĩa, sự khác nhau giữa “Đại học” và “Trường Đại học” nhân sự kiện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển lên thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Vậy các nước trên thế giới tổ chức mô hình giáo dục đại học ra sao? Có phân biệt "Đại học" với "Trường Đại học" như Việt Nam hay không?

Báo Lao Động trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Hồng Cổn - nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, để làm sáng tỏ vấn đề này.


PGS-TS Nguyễn Hồng Cổn - nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Bích Hà

Ở nước ngoài, một University (đại học/trường đại học) được phân phân chia thành 3 cấp khác nhau về số lượng lĩnh vực và ngành đào tạo rõ ràng là: University (đa lĩnh vực)> College/School/Faculty (1-2 lĩnh vực nhưng đa ngành) > Department (đơn ngành).

Ở Việt Nam, khi lập các Trường Đại học đa lĩnh vực, đa ngành (như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM), người ta dùng 2 (cụm) từ Đại học và Trường Đại học để phân biệt University với School/College trong tiếng Anh. Ý tưởng này tưởng là hay, nhưng hoá ra thất sách.

Vì có từ "đại học" trong đó nên chẳng có trường đại học nào ở Việt Nam tự nhận là College/School cả, mà đều là University hết. Vậy nên mới có chuyện có các Trường Đại học chỉ đào tạo 1, 2 ngành cũng được gọi là University hoặc tên đơn ngành nhưng đào tạo đa ngành (ví dụ, Trường Đại học Điện lực - Electric Power University, Trường Đại học Thuỷ Lợi - Thuy Loi University).

Thậm chí, các Trường thành viên của một Đại học vẫn được gọi là University, chứ không phải là College hay School như các nước trên thế giới. Rồi đến lượt các University thành viên vốn là College/School ấy lại đẻ ra trong lòng nó các College/School thành viên...

Đại học Quốc gia Hà Nội đã có lần qui định các trường thành viên (như các Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn...) phải dịch sang tiếng Anh bằng các từ College/School, nhưng chẳng ai chịu nghe cả, với lý do ra quốc tế thì University mới đối đẳng, sang trọng chứ College/School thì thường quá! Vậy nên mới có chuyện cười ra nước mắt (khi giới thiệu với các đồng nghiệp nước ngoài) là trường tôi có nhiều University trong một University.

Theo tôi, để giải quyết tình trạng định danh lộn xộn này và thống nhất với mô hình các đại học quốc tế thì không nên phân biệt Đại học và Trường Đại học theo cách hiểu của Luật Giáo dục đại học hiện nay, mà nên coi Đại học chỉ là cách nói tắt của Trường Đại học thôi.

Theo đó, nên gọi (và dịch) tên trường đại học Việt Nam và các đơn vị thành viên của nó (tương ứng với tên trong tiếng Anh) như sau:

(Trường) đại học (University) > College/School (học viện/trường)/Faculty (Ban) > Department (Khoa).

Tương ứng là chức vụ của người đứng đầu các đơn vị này như sau:

Giám đốc (Trường Đại học): President > Hiệu trưởng (Học viện/Trường)/Trưởng Ban (Ban): Rector/Dean > Trưởng khoa (Khoa): Chair/Head.

https://laodong.vn/giao-duc/chuyen-gia-ngon-ngu-hoc-phan-biet-dai-hoc-voi-truong-dai-hoc-la-that-sach-1124275.ldo

-----------------

Thứ trưởng Giáo dục giải thích khác biệt giữa đại học và trường đại học

5/12/2022 - Trường đại học đào tạo đa ngành, thuộc một hoặc vài lĩnh vực; còn đại học đào tạo nhiều lĩnh vực, có nhiều trường trực thuộc, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.

Sau thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội, trả lời VnExpress chiều 5/12, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã chia sẻ một số điểm khác biệt nổi bật giữa mô hình trường đại học và đại học tại Việt Nam.

Ông Sơn cho biết theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học, học viện là cơ sở giáo dục bậc đại học, đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Các ngành này thuộc một hoặc một vài lĩnh vực. Trong khi đó, đại học đào tạo và nghiên cứu đa lĩnh vực, gồm nhiều trường đại học và khoa thành viên.

Thứ trưởng đánh giá mô hình đại học sẽ giúp các trường tăng tính tự chủ, thể hiện trong việc phân cấp quản lý, quản trị các trường đại học và khoa trực thuộc. Bên cạnh đó, khi trở thành đại học, cơ sở này có thể sáp nhập, hợp nhất một số khoa, viện thành trường thành viên. Ông Sơn cho biết việc thay đổi cơ cấu không chỉ xảy ra theo hướng cơ học, giảm bớt số ngành nhỏ lẻ, mà tạo ra các trường mang tính liên ngành nhiều hơn, giúp phát triển nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo.

"Một đại học với rất nhiều khoa thì sẽ bị phân mảnh trong quản lý, kém liên kết hơn so với khi sáp nhập các khoa thành trường trực thuộc", ông Sơn nói.


Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tại họp báo Chính phủ chiều 29/10. Ảnh:Nhật Bắc

Về tổ chức quản trị, ông Sơn cho biết không có quá nhiều khác biệt giữa trường đại học và đại học. "Hội đồng trường đại học sẽ trở thành Hội đồng đại học, có nhiệm vụ khác hơn một chút với những chiến lược vĩ mô, áp dụng cho cả đơn vị thành viên", ông Sơn giải thích.

Thứ trưởng Giáo dục nhận định không nên đánh giá trường đại học hay đại học có lợi hơn, đồng thời không coi đây là xu hướng, bởi mỗi cơ sở sẽ phù hợp với một mô hình. "Không phải cứ lên đại học là hơn, quan trọng là trường đó phải đủ năng lực, điều kiện, quy mô đào tạo. Các trường trung bình, nhỏ, năng lực tự chủ chưa cao thì rõ ràng mô hình đại học không phù hợp", ông Sơn nói và nhấn mạnh việc chọn đúng mô hình sẽ giúp các trường hoạt động hiệu quả.

Để chuyển từ trường đại học thành đại học, Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ quy định các đơn vị cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.

Hiện cả nước có khoảng 240 trường đại học và 6 đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng và Bách khoa Hà Nội).

https://vnexpress.net/thu-truong-giao-duc-giai-thich-khac-biet-giua-dai-hoc-va-truong-dai-hoc-4544477.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét