Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Sợ thật. Toàn cầu hóa vừa có lợi vừa có hại

Sợ thật. Toàn cầu hóa vừa có lợi vừa có hại
FB Lê Việt Đức - Toàn cầu hóa xóa nhòa ranh giới quốc gia, buộc các quốc gia phải tuân theo biểu quyết nhất trí của đa số thế giới dù điều đó bất lợi cho quốc gia mình.
Dĩ nhiên khi đó kẻ mạnh, kẻ có nhiều nước đàn em... sẽ có lợi. Những người thiểu số sẽ bị thua thiệt.
Hà Lan là một nước rất giầu có nằm giữa Tây Âu và cực kỳ thân thiết với Mỹ và các nước phương Tây, vậy nhưng vì là nước nhỏ nên vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận làm đàn em, phải vâng lời các đại ca Mỹ, Anh, Pháp, Đức... nên chịu thua thiệt, người dân bất mãn.

Hà Lan còn bị các nước đàn anh đối xử và áp đặt như trong bài dưới đây thì các nước đang phát triển và nghèo như VN chúng ta sẽ bị đối xử thế nào, chắc ai cũng đoán ra.

Đọc những tin bất công thế này tôi thường nghĩ quan hệ giữa người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số ở VN. Họ đang sống yên ổn với mảnh đất mầu mỡ, giầu có của tổ tiền truyền lại từ hàng vạn năm trước thì nay người Kinh tràn lên chiếm đóng và khai thác, tàn phá, đồng thời đẩy họ vào rừng sâu và cuộc sống của họ ngày càng khó khăn.
Nếu Trung Quốc sáp nhập được VN vào Trung Quốc thì cuộc sống của người VN sẽ không khác gì của đồng bào các dân tộc thiểu số so với người Hán.

Chính vì vậy việc hy sinh xương máu bảo vệ đất đai tổ quốc và đất đai cho mỗi dân tộc, mỗi gia đình là thiêng liêng và đáng kính trọng.

Luật pháp ở các nước dân chủ và hầu hết các nước trên thế giới đều mở đầu bằng quyền sở hữu đất đai, trong đó khẳng định: Quốc gia dựa trên chế độ tư hữu về đất đai và Tư hữu về đất đai là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

Thật đáng tiếc VN chúng ta đã và đang sống ngược chiều với thế giới. Chúng ta dựa trên chế độ công hữu về đất đai.

Tôi luôn luôn ước ao nếu như Đảng và Nhà nước chưa muốn chuyển sang làm giống như khắp nơi trên thế giới (trừ TQ và vài nước khác) thì cũng nên thử nghiệm cho phép người dân tư hũu đất đai ở một mức giới hạn nào đó. Ví dụ tư hữu về đất ở tối đa 100 m2/người, tư hữu về đất nông nghiệp tối đa 1 ha/người...

Nhân đây tôi muốn nhắc lại một nguyên tắc phổ quát trong hoạt động kinh tế xã hội: Khi thấy khắp nơi người ta không làm giống mình thì mình cần phải xem lại mình vì hầu như chắc chắn mình đang làm sai.
----------------------------

Chính sách môi trường áp đặt lên nông dân Hà Lan sẽ khiến cả châu Âu phải quỳ gối
Bảo Nguyên • 13:23, 18/07/22

Chính quyền Hà Lan đang hủy hoại sinh kế của nông dân bằng việc áp đặt chính sách phát thải nitơ. Những người nông dân đang đứng lên, bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình và tương lai của cả châu Âu. Biện pháp hiện nay của chính quyền Hà Lan được cho là giống với cách thức Stalin đã làm tại Liên Xô trước đây.

1) Chính sách môi trường hủy hoại sinh kế nông dân Hà Lan

Sinh kế của nông dân Hà Lan đang bị đe dọa bởi chính sách nitơ do chính quyền Hà Lan đề xuất. Chính sách này đang yêu cầu việc giết thịt hàng loạt gia súc và có khả năng sẽ đóng cửa gần một phần ba số trang trại của đất nước.

Nếu chính sách này được thực hiện, nó sẽ gây ra “những hậu quả an ninh lớn, không chỉ đối với Hà Lan, mà đối với toàn bộ châu Âu và thế giới”, ông Michael Yon, một phóng viên gần đây đã đến Hà Lan để đưa tin về cuộc biểu tình của nông dân Hà Lan.

Hà Lan là một quốc gia nhỏ ở châu Âu với dân số 17 triệu người, nhưng lại là nước xuất khẩu thực phẩm lớn thứ hai trên thế giới, ông Yon cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho chương trình “Crossroad” (Ngã tư đường) của EpochTV. "Họ có những nông dân năng suất nhất trên thế giới".

Vào năm 2021, chính quyền liên minh của Hà Lan đề xuất cắt giảm 30% số lượng gia súc ở nước này để đáp ứng các mục tiêu phát thải khí nhà kính nitơ.

Nước này cũng đã áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc xây dựng mới, nhằm hạn chế lượng khí thải nitơ.

Ngân hàng Hà Lan Rabobank tuyên bố rằng những rào cản mới đó đã ngăn cản hoạt động xây dựng nhà ở Hà Lan, làm gia tăng tình trạng thiếu nhà ở tại quốc gia ven biển đông dân cư.

Vào ngày 10/06, bà Christianne van der Wal, Bộ trưởng Tự nhiên và Chính sách Nitơ của Hà Lan, đã công bố kế hoạch giảm lượng khí thải nitơ ở Hà Lan, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.

“Các tỉnh của Hà Lan chịu trách nhiệm phát triển các biện pháp tương ứng để đạt được mức giảm phát thải nitơ từ 12 đến 70%, tùy thuộc vào khu vực”, tuyên bố cho biết.

“Nông dân ở một số tỉnh sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề… và chính quyền Hà Lan thừa nhận ‘không thể đảm bảo tương lai cho tất cả nông dân {Hà Lan} trong cách tiếp cận [này]'".

Phòng Thương mại Hà Lan cho biết ô nhiễm môi trường do nitơ không chỉ đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch mà còn do phân thải ra từ gia súc và phân bón được sử dụng trong nông nghiệp. Người ta ước tính rằng để thực hiện kế hoạch được đề xuất, nông dân sẽ cần giảm đàn gia súc của họ đi 30%, theo Barron’s.

Nhưng ông Yon cho biết nông dân Hà Lan không gây ô nhiễm môi trường và họ đã canh tác đất đai ở đây trong hàng nghìn năm.

Nitơ đang bị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dán nhãn là chất gây ô nhiễm và sử dụng làm công cụ để khiến nông dân mất việc và kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm, ông Yon nói.

2) Nông dân Hà Lan đang đứng lên

Các biện pháp được đề xuất đã làm dấy lên các cuộc biểu tình của nông dân Hà Lan vào tháng 6. Một cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của các tài xế xe tải đã nổ ra vào ngày 04/07.

Nông dân Hà Lan, tài xế xe tải và những người khác đã sử dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội theo cách phi tập trung để tổ chức phong tỏa các trung tâm phân phối thực phẩm trên khắp đất nước Tây Bắc châu Âu, dẫn đến các kệ hàng trống trơn trong siêu thị.

Nông dân dỡ bỏ phong tỏa bằng máy kéo theo yêu cầu của cảnh sát tại một trung tâm phân phối của chuỗi siêu thị "Boni" trong cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cắt giảm lượng khí nitơ sâu rộng của chính quyền Hà Lan, ở Nijkerk, Hà Lan, vào ngày 05/07/2022. (Ảnh: ROBIN VAN LONKHUIJSEN / ANP / AFP qua Getty Images)

Những người biểu tình cũng lên kế hoạch biểu tình tại nhiều sân bay của quốc gia, đặc biệt là Sân bay Schiphol và Sân bay Eindhoven.

Ông Yon cho biết, nông dân và những người lái xe tải ở Hà Lan nhận ra rằng chính quyền của họ đang tuân theo các khuyến nghị của WEF, cướp đi đất đai và kiểm soát nguồn cung thực phẩm của họ.

Ông nói: “Nếu bạn kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm, bạn sẽ kiểm soát hoàn toàn người dân ở đó".

Nông dân Hà Lan có trình độ học vấn cao, họ vừa là doanh nhân vừa là nông dân, ông Yon nói. Họ biết rằng nếu họ thất bại, họ sẽ mất kế sinh nhai, và hậu quả của sự mất mát này sẽ được nhận thấy trong nhiều thế hệ, ông nói.

“Những người nông dân đang đứng lên. Họ biết rằng họ sẽ bị buộc phải ngừng kinh doanh… điều này sẽ khiến toàn bộ châu Âu phải quỳ gối, xét về khía cạnh thực phẩm”, ông Yon nói.

Các chính sách tương tự đang được đề xuất ở Đức và một số quốc gia khác, ông Yon nói. Một số nông dân Đức muốn thể hiện sự đoàn kết cũng tham gia vào cuộc biểu tình của Hà Lan, ông nói thêm.

3) Khuyến nghị từ WEF

Theo sách trắng năm 2019 do WEF công bố, đóng góp của ngành chăn nuôi vào lượng khí thải nhà kính toàn cầu dao động từ 7 đến 18%. “Với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để áp dụng các phương pháp cải tiến, các nhà sản xuất có thể giảm tới 30% lượng khí thải chăn nuôi của họ”.

Người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab phát biểu trong cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos vào ngày 23/05/2022. (Ảnh: Fabrice Coffrini / AFP qua Getty Images)

Tài liệu đề xuất một số cách để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi trong tương lai.

Tài liệu cho biết, sản xuất chăn nuôi trong các doanh nghiệp quy mô công nghiệp lớn có thể có lượng phát thải khí nhà kính trên một đơn vị sản phẩm thấp hơn so với các trang trại vừa và nhỏ kết hợp cả cây trồng và vật nuôi, hoặc các trang trại chăn nuôi kém hiệu quả hơn. Do đó, ở các nước đang phát triển, các cơ sở chăn nuôi quy mô công nghiệp sẽ là một giải pháp tốt hơn, tài liệu của WEF nêu rõ.

Một cách khác để đáp ứng nhu cầu về protein trong khi giảm phát thải khí nhà kính, được đề xuất trong tài liệu của WEF, là khám phá và thúc đẩy các dạng protein thay thế, chẳng hạn như thực phẩm có nguồn gốc thực vật và protein làm từ thực vật, côn trùng và protein nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Nhiều người Hà Lan hiểu ý nghĩa của các chính sách từ chính quyền và ủng hộ những người nông dân. Tuy nhiên có rất nhiều người vẫn chưa theo kịp được những gì đang diễn ra và cần phải thức tỉnh, ông Yon nói.

“[Họ] sớm muộn gì cũng sẽ bị tấn công”, ông nói. "Bạn muốn các kệ hàng của mình trống rỗng chỉ trong một thời gian rất ngắn ngay bây giờ hay nằm dưới sự kiểm soát của con quái vật mãi mãi?".

Nếu những nông dân này bị loại bỏ trong một hoặc hai thế hệ, chuỗi kiến ​​thức sẽ bị phá vỡ và kỹ năng chuyên môn sẽ không còn nữa, ông Yon nói. Ông nói thêm, an ninh lương thực của người dân sẽ luôn do người khác kiểm soát.
Chính quyền Hà Lan chuẩn bị vốn để mua lại các trang trại

Chính sách của chính quyền Hà Lan cũng sẽ tập trung vào việc giảm lượng nitơ lắng đọng trong đất, theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Báo cáo cho biết, nông nghiệp Hà Lan chịu trách nhiệm cho 45% trữ lượng nitơ trong đất.

Mặc dù các tỉnh của Hà Lan được yêu cầu đưa ra các biện pháp để giải quyết vấn đề, chính quyền Hà Lan sẽ can thiệp nếu các tỉnh không đưa ra giải pháp trong vòng một năm.

Báo cáo cho biết chính quyền Hà Lan đã phân bổ vốn để mua lại các trang trại từ các chủ sở hữu. Những người không muốn bị mua lại sẽ được yêu cầu đổi mới, mở rộng quy mô hoặc di chuyển trang trại của họ, và chính quyền cũng có khả năng tịch thu trang trại của họ, theo báo cáo. Một số nhà khoa học đã chỉ ra rằng có 20.000 trang trại ở Hà Lan, và kinh phí được phân bổ có thể không đủ để mua dù chỉ vài nghìn trang trại trong số đó, báo cáo nêu rõ.

Nông dân tụ tập với máy kéo ở Rozenburg gần Sân bay Schiphol vào ngày 13/12/2021, để phản đối kế hoạch của chính quyền nhằm mua lại tài sản của các chủ đất nông nghiệp như một phần của gói các biện pháp giảm ô nhiễm nitơ. (Ảnh: RAMON VAN FLYMEN / ANP / AFP qua Getty Images)

4) Cách thức của Stalin

Ông Yon nói rằng chính sách này gây chia rẽ người dân bằng cách cáo buộc nông dân đã “đầu độc đất đai” thông qua các hoạt động canh tác và ủng hộ việc phát triển các trang trại.

Ông Yon nói thêm: “Đó là cách Stalin đã làm” khi ông ấy loại bỏ các kulaks (phú nông Nga).

Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã ra lệnh tập thể hóa ngành nông nghiệp ở Ukraine khi nước này còn là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Hầu hết nông dân Ukraine chống lại điều này, nhưng chế độ Xô Viết buộc những nông dân nhỏ hoặc chỉ đủ sống phải giao nộp trang trại của họ cho chính quyền và làm việc trong các nông trại tập thể do chính quyền làm chủ với tư cách là công nhân.

Theo một nghiên cứu của Đại học Minnesota, những người nông dân giàu có và thành công đã bị chế độ Xô Viết gán cho cái mác “kulaks” và bị coi là kẻ thù của nhà nước. Chế độ áp đặt lên các làng mức hạn ngạch cao đến mức không tưởng đối với lượng ngũ cốc mà họ phải đóng góp cho nhà nước Xô Viết.

Khi các làng không thể đáp ứng đủ hạn ngạch, chế độ này đã tịch thu tất cả cây trồng và thực phẩm mà nông dân tích trữ tại trang trại của họ, gây ra một nạn đói nhân tạo được gọi là Holodomor, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người từ năm 1932 đến năm 1933.

Kết quả của quá trình tập thể hóa, những người nông dân chống lại hoặc bị trục xuất, bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức, hoặc bị hành quyết.

Ông Yon giải thích, khi đối mặt với nguy cơ về nạn đói toàn cầu, việc loại bỏ một nước xuất khẩu lương thực hàng đầu như Hà Lan ra khỏi cuộc chơi sẽ dẫn đến nạn chết đói hàng loạt trên thế giới.

“Chỉ có những kẻ bệnh hoạn nhất trong lịch sử mới có thể nghĩ đến việc làm điều đó", ông nói. "Và đó là những gì họ đang làm".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét