Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Nở rộ các lớp học cải thiện giọng nói: Đổi giọng để đổi đời

Thoáng đọc tiêu đề bài này, mình tưởng "cải thiện giọng nói: Đổi giọng để đổi đời" là thay vì nói thẳng nó thật thì bây giờ phải đổi sang nói đúng ý thủ trưởng và bằng âm điệu ngọt ngào thì mới đổi đời được. Hóa ra không phải vậy. Nhân đây tôi nhắc lại đã có một số lần tôi bị người ta lừa. Họ học nói tiếng Huế, tiếng Đà Nẵng, tiếng Sài Gòn rồi tự giới thiệu là người các địa phương đó khi đề nghị được làm dịch vụ cho tôi. Sau khi làm xong, họ đòi giá rất cao vì họ bảo họ là thợ giỏi và lao động ở Hà Nội phải thuê nhà... tốn kém.
Nở rộ các lớp học cải thiện giọng nói: Đổi giọng để đổi đời
21/07/2022 - Thời gian gần đây các lớp luyện giọng được mở ra khá nhiều. Những lớp học này không chỉ thu hút những người thường xuyên phải giao tiếp mà còn cả trẻ em cũng tham gia khá đông…

Hà Duy là một trong những người mở trung tâm cải thiện giọng nói vì thấy nhu cầu rất lớn hiện nay.

… Trong thực tế không ít người ngại giao tiếp vì giọng nói của mình không được "đẹp" bởi tiếng địa phương, hay âm sắc không mượt mà, dẫn đến việc ngại giao tiếp, thậm chí khó khăn trong công việc.

Mất cơ hội vì giọng không chuẩn

Anh Lê Ngọc Văn (quê Hà Tĩnh), anh ra Hà Nội học tập, sinh sống và gặp vô vàn khó khăn, trở ngại từ giọng nói. Anh Văn kể: "Khi mình nói có người hiểu, có người không, người thì che miệng cười bởi mình nói đặc tiếng địa phương. Sau một thời gian dài học tập và làm việc ở Hà Nội mình cũng có ý thức sửa nhưng chưa thực sự thuần thục. Công việc của mình là môi giới bất động sản, phải thường xuyên giao tiếp, nói chuyện với khách hàng. Việc mình cải thiện được giọng nói là nhiệm vụ quan trọng bây giờ".

Còn trường hợp của anh Trần Văn Hà (quê Quảng Nam), sống ở Hà Nội đã 5 năm, làm nghề tư vấn giáo dục. Có lẽ mọi vui buồn vì giọng nói của mình anh đã nếm trải đủ cả. Anh Hà tâm sự, những năm đầu ra Hà Nội sinh sống, anh đã phải khổ sở vì giọng nói địa phương khiến người khác không hiểu gì, phải nói đi nói lại nhiều lần, thậm chí còn viết ra giấy. "Tôi làm ở một trung tâm về tư vấn giáo dục, có lần đang tư vấn cho khách hàng, chị này không thể hiểu tôi đang nói gì. Tôi có cảm giác chị ấy khó chịu, muốn bỏ đi. Tôi đành gọi người bạn ra "phiên dịch" từ "tiếng Quảng" sang "tiếng Hà Nội", anh Hà kể lại.


Trường hợp dở khóc dở cười phải kể đến chị Lê Thị Hằng, 35 tuổi (quê ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Vài tháng trước, chị Hằng nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí giao dịch khách hàng tại một ngân hàng thương mại. Đến phỏng vấn, chị được đánh giá cao về chuyên môn nhưng khi nhà tuyển dụng hỏi chị có tự tin để đảm nhận công việc đó không thì chị trả lời: "Tôi tự tin sẽ "nàm" tốt công việc "lày", vì tôi biết "khả lăng" của tôi. Bản thân tôi cũng đã từng có nhiều "lăm" kinh nghiệm ở lĩnh vực tương tự".

Chỉ nghe thế, nhà tuyển dụng đã lắc đầu vì vị trí đó rất cần ứng viên có khả năng giao tiếp và có một giọng nói chuẩn. Sau lần đó, chị Hằng còn ứng tuyển thêm vài công ty nhưng đều bị từ chối vì rào cản phát âm không chuẩn. Cuối cùng, nghe bạn bè giới thiệu chị Hằng đã tìm đến một trung tâm luyện giọng nói tham gia khóa học trong 3 tháng. Hiện tại, ban ngày chị Hằng đi học thêm nghiệp vụ, tối về lại mở máy học cải thiện giọng nói online với thầy. Sau gần 2 tháng trải nghiệm, chị đã có nhiều bước tiến và cách giao tiếp cũng tự tin hơn.


Một lớp luyện giọng trực tiếp được một MC từng làm tại VTV hướng dẫn.

Cùng chung nỗi niềm như chị Hằng, anh Nguyễn Quang Thịnh (40 tuổi, giám đốc chi nhánh một công ty sản xuất thực phẩm tại Hà Nam) cũng là một người khổ sở vì giọng nói của mình. Cứ mỗi lần họp mà có tranh luận là anh không nói lại người khác bởi giọng cứ cao vút, y như giọng nữ. Đã vậy khi đang nói giọng anh còn hay bị hụt hơi, nghe như sắp khóc. Anh Thịnh tâm sự: "Tôi luôn có cảm giác nhân viên của mình coi thường, mỗi lần trao đổi công việc thấy nét mặt của họ là biết họ đang nín cười khi nghe tôi nói". Không những vậy, anh Thịnh còn gặp rất nhiều rắc rối khi gặp đối tác với người nước ngoài, dù khả năng ngoại ngữ rất tốt, nhưng do giọng nói trời... không phú nên nghe cứ như không biết cách phát âm tiếng Anh.

Còn anh Trần Văn Nam (25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) mang một "niềm đau chôn giấu" khi không nói được giọng nam trầm mà khàn khàn như… vịt kêu. Anh kể, từ khi lớn tới giờ, mỗi lần cất giọng là thấy xấu hổ vô cùng. Lúc đi học thì chẳng bao giờ dám dơ tay phát biểu vì sợ cả lớp cười rộ lên. Giờ đi làm nhân viên phòng nhân sự còn khổ hơn vì sếp nghe giọng tôi chán quá nên chỉ cho anh lo việc phân loại, đánh giá hồ sơ, không cho phỏng vấn người dự tuyển.

Buồn vui nghề luyện giọng

Có thể thấy, giọng chuẩn, hay, cuốn hút giờ đây không còn là một tiêu chuẩn chỉ dành cho MC truyền hình hay diễn giả nữa mà là nhu cầu của tất cả mọi người từ mọi ngành nghề. Từ bán hàng, giáo viên, hướng dẫn viên, nhân viên ngân hàng… cho đến giám đốc cấp cao. Chính vì điều này, các trung tâm luyện giọng mọc lên ngày càng nhiều. Từ những lớp học trực tiếp cho đến các lớp học online đều được rất nhiều người đăng ký theo học. Học phí cho mỗi khóa học dao động từ 1 triệu đến 5 triệu đồng tùy vào thời gian theo học.


Lớp học cải thiện giọng nói này thu hút khá đông học viên.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, giám đốc một trung tâm luyện giọng trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, trước kia đa phần mọi người thường chỉ tập trung nhiều vào học kiến thức chuyên môn nhưng ngày nay, khách hàng đến với trung tâm của chị đều nhận thấy rất rõ vai trò các kỹ năng mềm, đặc biệt là giọng nói. "Những người đến gặp tôi đều gặp vấn đề trong công việc, kỹ năng nói - giao tiếp - thuyết trình còn hạn chế nên họ thường đánh mất cơ hội thăng tiến, gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ. Không những vậy còn có những người thường xuyên bất đồng, thị phi trong cuộc sống hàng ngày do bản thân không thể, không biết truyền đạt 1 cách chính xác, khéo léo những điều mình mong muốn", chị Nga nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhu cầu cải thiện giọng nói được chia thành nhiều cấp độ. Cấp thứ nhất là những người đang mắc lỗi phát âm cơ bản như giọng địa phương, ngọng N, L, sai nguyên âm (e thành ie, o thành oa…) hoặc các vấn đề như nói lắp, nói lặp, nói nhịu. Cấp thứ hai là những người quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giọng nói để có một chất giọng hay, thu hút, ứng dụng được vào đời sống và công việc. Cấp thứ ba là những người mong muốn trở thành nhà diễn thuyết, thuyết trình chuyên nghiệp.

Bà Trần Thị Hải, huấn luyện viên luyện giọng tại Hà Nội cho rằng, nói là một hạnh phúc, nói là quyền thể hiện cao nhất. Vậy sao chúng ta không tận dụng từng phút từng giây để nói cho đúng, cho hay, giàu cảm xúc và làm hài lòng người nghe. Bà Hải chia sẻ: "Tôi đã mày mò tìm hiểu kỹ thuật luyện giọng, cách nói của những người thành công để áp dụng cho mình. Tôi thay đổi giọng nói rồi mở lớp, giúp các bạn trẻ tại Hà Nội có được giọng nói như ý. Khi tham gia học luyện giọng, các học viên sẽ trải qua phần luyện tập lấy hơi thở từ bụng, nói bằng giọng bụng, nói trong khoang miệng để có độ vang, to, chuẩn và giàu cảm xúc. Từ đó giúp tăng giá trị của nội dung mà người nói muốn truyền tải".

Vốn làm việc trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng của một số công ty, ban đầu bà Hải chỉ có ý định mở lớp huấn luyện kỹ năng ứng xử và chăm sóc khách hàng. Bà Hải kể: "Lớp đầu tiên, tôi nhờ một giáo viên thanh nhạc huấn luyện. Tôi nhận thấy các học viên tuy là giao dịch viên, nhân viên tư vấn, bán hàng... nhưng phát âm chưa chuẩn, nói không đúng dấu, các phụ âm". Sau đó, giảng viên này nghỉ sinh con nên bà Hải làm "liều", tìm đọc các tài liệu luyện giọng. Lớp tiếp theo, thấy học viên hào hứng, cố gắng để luyện giọng tốt hơn nên bà bị hút vào nghề này.

Trong một bài chia sẻ của mình trên truyền thông, Bác sĩ Trần Thu Trang (đơn vị thanh học Bệnh viện Tai mũi họng TP. Hồ Chí Minh) cho hay, gần đây lượng người đến luyện giọng theo nhu cầu công việc ngày càng tăng. Việc luyện giọng cho học viên đòi hỏi cả người luyện và người học phải hết sức kiên nhẫn. "Việc luyện tập dựa trên mong muốn của người học, người học phải trả lời được vấn đề về giọng nói sẽ ảnh hưởng đến vấn đề gì của người học (công việc, đời sống...). Chúng tôi phải nhận thấy cả ưu điểm và khuyết điểm trong giọng nói của người học, luôn động viên khuyến khích học viên theo đuổi việc tập luyện để đạt kết quả", bác sĩ Trang chia sẻ.


Tại các lớp cải thiện giọng nói các học viên còn được đào tạo cả các kỹ năng về hình thể.

Theo bác sĩ Trang, không phải ai cũng có thể cải thiện hoàn toàn vì sau 18 tuổi, giọng nói và cách nói đã thành thói quen khó sửa. "Vì vậy nếu thấy giọng mình có vấn đề, mọi người nên có biện pháp điều chỉnh sớm. Ngoài ra, để giữ giọng nói cần hạn chế thức khuya, uống ít nhất 2 lít nước/ngày, không hút thuốc, không ăn trước khi đi ngủ 3 tiếng vì như vậy sẽ bắt dạ dày làm việc, khi nằm ngủ axit từ dạ dày sẽ trào lên, có thể dẫn đến viêm họng", bác sĩ Trang lưu ý.

Trong khi đó, ông Trần Nam Anh, giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh phân tích, với người phải nói nhiều, nếu không biết cách lấy hơi sẽ rất mệt, cổ bị khàn, nói không rõ. Khẩu hình khi nói rất quan trọng, một cô gái đẹp nhưng khi nói khẩu hình xấu sẽ là một bất lợi. Chính vì thế các bạn phải học cách lấy hơi, cách để nói ra trông khuôn miệng thật duyên, thật xinh và quan trọng là giọng nói chuẩn, rõ, dễ nghe. "Ngoài việc luyện giọng, người huấn luyện viên cần cung cấp kiến thức liên quan đến tiếng Việt, biết phân biệt giọng từ miền, cái sai của từng miền. Thật thú vị khi biết rằng hầu như rất ít người Việt nói đúng tiếng Việt, mỗi vùng miền có cái sai riêng. Sau khóa học, mình có thể nói chuẩn giọng miền Nam, miền Bắc, điều này rất có lợi cho công việc của mình hiện nay", ông Nam Anh cho biết thêm.

https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/no-ro-cac-lop-hoc-cai-thien-giong-noi-doi-giong-de-doi-doi-20220721092804928.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét