Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

Chùa Tây Phương - Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt

Tháng trước tôi có đến chùa Tây Phương dạo chơi vì xem ảnh thấy chùa nằm trên đồi và trông cũng đẹp. Tuy nhiên đến nơi thì hoàn toàn thất vọng. Đầu tiên là mua vé vào cửa 10.000 đồng. Lúc tôi đến, có 3-4 người nói to hay cãi nhau ầm ĩ trong phòng bán vé, rất thiếu văn hóa nơi chùa chiền và du lịch. Mua vé xong, bước qua cửa tam quan (trong ảnh) thì nhìn thấy bảng thông báo người cao tuổi (trên 60 tuổi) được giảm 50% giá vé. Thế là tôi phải quay lại nhắc nhở nhân viên cần phải đặt bảng đó ngay quầy vé hoặc phải thông báo cho khách nếu khách có vẻ là người cao tuổi. Tuy nhiên, nhân viên không tiếp thu, họ bảo trước khi mua khách phải hỏi và đưa chứng minh thư... Tiếp theo, hóa ra cả quả đồi đã biến thành nhà dân đầy ắp, chùa nằm luôn giữa làng. Khách phải vượt qua 239 bậc lát đá rong rêu bẩn thỉu và hôi thối chắc là vì nhà dân hai bên đổ nước ra. Thêm nữa, hàng quán trải dọc lối lên, thấy khách là mời mua. Trông người bán nhiều tuổi, dáng vẻ rất nghèo, muốn mua ủng hộ nhưng hàng hóa chẳng có gì đặc sắc, mà xung quanh bẩn và hôi thối thế thì rất chán, chỉ muốn đi qua cho nhanh. Cuối cùng lên chùa, cũng bẩn thỉu, nhếch nhác, ẩm thấp, chỉ mỗi cái sân cạnh 3 tòa nhà chùa như trong ảnh là tương đối sạch. Đi một vòng quanh chùa cũng bẩn thỉu, nhếch nhác, ẩm thấp vậy. So với các chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Trăm Gian... thì văn hóa của chùa Tây Phương kém xa. Tóm lại là không nên đến. Rất ngạc nhiên là Nhà nước vừa nâng cấp chùa này thành Di tích quốc gia đặc biệt. Thật không hiểu tại sao ? Có lẽ là nhờ những ông tượng, nhưng quả thật mình chỉ xem lướt qua chứ không có hứng.
Vẻ đẹp chùa Tây Phương - Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt
19/07/2022 (PetroTimes) - Chùa Tây Phương là một công trình kiến trúc độc đáo vào hạng nhất trong các ngôi chùa ở Việt Nam, với sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống và không gian sinh cảnh tự nhiên.

Chùa Tây Phương (tên chữ là Sùng Phúc tự).
Chùa Tây Phương (tên chữ là Sùng Phúc tự), nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây, theo Đại lộ Thăng Long, qua ngã tư Chùa Thầy, rẽ phải khoảng 5 km, sau đó rẽ trái 1 km nữa, là đến di tích.

Ngôi chùa nằm trên một ngọn núi thấp, có độ cao khoảng hơn 100m, muốn đến cổng chùa, quý khách phải vượt qua 239 bậc lát đá. Dựa vào thế núi từ thấp lên cao, kiến trúc chùa Tây Phương được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm ba ngôi chùa song song với nhau dọc theo sườn núi , mỗi chùa cách nhau 1,6m: Chùa Hạ, Chùa Trung và Chùa Thượng. Mặc dù mỗi ngôi chùa mang một kiến trúc riêng biệt nhưng lại kết hợp thành một quần thể hài hòa, thống nhất giữa không gian núi rừng trầm tịch và thoáng đãng.



Mỗi tòa có hai tầng, mái kiểu chồng diêm, tường xây toàn bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần tạo thành một không khí rất thô sơ mộc mạc, điểm những của sổ tròn với biểu tượng sắc và không; các cột gỗ đều kê trên đá tảng xanh trong khắc hình cánh sen.

Mái chùa Tây Phương rất đặc biệt có những góc đao cong vút lên.

Mái chùa Tây Phương rất đặc biệt có những góc đao cong vút lên, được tạo thành bởi hai lớp ngói: mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót hình vuông sơn ngũ sắc như màu áo cà sa xếp trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông vắn đều đặn. Xung quanh diềm mái của ba tòa nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung, các đầu đao mái cũng bằng đất nung đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng phượng giàu sức khái quát và khả năng truyền cảm.


Bàn thờ trong chùa Thượng.


Một trong số các vị La Hán ở chùa Tây Phương.

Điểm nổi bật nhất ở chùa Tây Phương là hơn 70 pho tượng cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Tiêu biểu là các pho Tuyết Sơn, Thập bát vị La Hán, Bát Bộ kim cương, có niên đại từ thế kỷ 18. Ngoài ra còn có nhiều pho tượng nổi tiếng khác, thuộc thế kỷ 19, cũng vô cùng ấn tượng. Có thể nói, chùa Tây Phương là một bảo tàng về tượng Phật giáo Việt Nam có giá trị tiêu biểu, xuất sắc về tượng gỗ, đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013. Hằng năm, chùa Tây Phương tổ chức hội chùa từ ngày mùng 6 đến mùng 10/3 âm lịch, thu hút du khách ở khắp mọi nơi đến chiêm bái.

Chùa Tây Phương là minh chứng một nền văn hóa lâu đời của xứ Đoài, không chỉ ở sự cổ kính qua truyền thuyết và lịch sử, nó còn nổi tiếng ở cảnh quan mê hồn. Mới đây, chùa Tây Phương đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt.

Kim Anh (T/h)
https://petrotimes.vn/ve-dep-chua-tay-phuong-diem-du-lich-di-tich-quoc-gia-dac-biet-660356.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét