Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

"Từ bi hỉ xả" và "Tham sân si"

"Từ bi hỉ xả" và "Tham sân si"
FB Lê Việt Đức - Thư giãn nhân ngày mùng một đầu tháng bảy năm Nhâm Dần 2022. Hôm nay vào quán ăn sáng, tình cờ tôi gặp lại một cô bạn cũ trước đây đã có thời rất thân, nhưng nhiều năm nay không gặp. Cô này thời đi học khá giỏi, lại rất xinh đẹp và con nhà khá giả, nên cô có quyền mơ ước toàn những thứ đẹp. Dĩ nhiên điều này đúng, tôi ủng hộ. 
Tuy nhiên cô mơ nhiều quá, tôi sợ là rất khó đạt. Tôi biết cô mơ lấy được chồng tài giỏi, giầu có, chức tước cao và hộ khẩu Hà Nội. Nhưng đấy chỉ là ước mơ phụ. Giấc mơ chính của cô là tự cô sẽ làm lên sự nghiệp lớn khiến người đời phải trầm trồ thán phục. Tự cô sẽ làm ra rất nhiều tiền, sẽ có chức vụ cao trong bộ máy nhà nước, sẽ có bằng giáo sư tiến sĩ... 

Tôi thì xuất thân nhà nghèo, đủ ăn là may rồi, nên chỉ mơ được sống như những người trung bình trong xã hội là hạnh phúc rồi. Vì thế tan trường là chúng tôi mỗi người một hướng, hiếm khi gặp nhau. 

Giờ tình cờ gặp lại, nghe cô buồn rầu tâm sự những thất bại trong cuộc đời; dù đã rất cố gắng lao động vất vả nhưng kết quả tình, tiền, chức quan, học hàm học vị... mỗi thứ đều có nhưng chả ăn thua gì so với mơ ước, và nhất là nhìn lại các bạn cũ thấy đa số thành công hơn mình nhiều, làm cô đâm ra buồn rầu, xấu hổ...

Tôi lại phải nhắc lại cho cô bạn những điều ngày xưa tôi đã nói với cô: Phật giáo dạy chúng ta luật nhân quả, vì chúng ta đã tạo nhân trong quá khứ nên giờ chúng ta đang hưởng quả, tức là số phận đã được an bài ngay khi chúng ta sinh ra. 

Nếu trong đường đời, chúng ta sống từ bi hỉ xả và tích đức thì càng ở cuối đời hay ở kiếp sau chúng ta sẽ càng được hưởng lộc. Ngược lại, nếu chúng ta sống tham sân si và làm những điều bất nghĩa như quá tham tình, tham tiền, tham chức vụ, tham danh tiếng,... dẫn tới coi thường đạo lý, bỏ mặc cha mẹ anh em, thì càng về cuối đời sẽ càng thêm khổ. 

Tôi luôn luôn nói "người làm phật nhìn". Đừng tưởng khi chúng ta chà đạp lên luân thường đạo lý để đạt cho bằng được những tham vọng của mình thì vẫn có thể giấu kín không ai biết. Người không biết nhưng có trời, có phật biết đấy. Và trời, phật sẽ cập nhật chúng vào số phận sau này của mỗi người.


Tôi rất thích những câu truyện triết lý như thế này:

Người ta luôn diễn giải hạnh phúc là “CÓ”: Có nhà, Có xe, Có tiền, Có quyền, Có tình, Có danh...

Nhưng thật ra hạnh phúc lại là “KHÔNG”: Không lo lắng, Không muộn phiền, Không bệnh tật, Không tai hoạ...

“Có“ là thứ chủ yếu cho người khác xem. Còn “không" mới là thứ thuộc về mình.

Tôi thường dạy cho sinh viên: Đời là cống hiến, hãy cố gắng làm theo năng lực của mình để cống hiến hết mình cho xã hội và đừng quan tâm nhiều tới lợi ích của mình. Khi mình đã cố gắng hết mình thì tự nhiên lợi ích sẽ đến, nó sẽ đến một cách tự nhiên và bất ngờ, làm chúng ta hạnh phúc. Đấy là quy luật nhân quả. Chúng có thể đến ngay trong kiếp này, và thường là như thế vì cuộc đời con người rất dài, tới gần trăm năm; nhưng chúng cũng có thể đến vào kiếp sau nếu như kiếp trước chúng ta đã lỡ gây ra nghiệp quá lớn mà kiếp này đang phải gánh chịu.

Chưa bao giờ lòng tham và sân si của người Việt lớn như bây giờ. Cái gì họ cũng muốn lấy làm của riêng, cái gì họ cũng muốn vô địch thế giới. Tham sân si quá lớn thì hậu quả cũng kinh hồn. Ra đường ở VN bây giờ buồn lắm.

Tôi không phải là phật tử. Tôi vào chùa là để vãn cảnh chứ không cầu cúng xin xỏ gì. Đời tôi sống theo nguyên tắc trung bình là tốt nhất. Giầu có quá, chức to quá cũng không tốt mà nghèo khổ quá, vị thế xã hội kém quá cũng không tốt. Với phật giáo cũng vậy, tin và làm theo những điều phật dạy, nhưng đừng si mê cả ngày chạy theo phật mà lú lẫn quên đời. Phật giáo cũng như thuốc phiện, dính vào quá cũng hỏng, nhất là thứ phật giáo cộng sản thời nay. Tôi vẫn bảo ở đâu đạo quá phát triển, ở đó sẽ rất nghèo.

Nghĩ đến cô bạn lại thấy buồn và thương. Giờ nghỉ hưu rồi, chồng con không có, không biết cuộc đời còn lại của cô sẽ ra sao.

Chúc các bạn một ngày mới an lành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét