Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Đốt lò kỳ 2: Chống tham nhũng để 'khôi phục đạo lý XHCN'

Đốt lò kỳ 2: Tổng bí thư chống tham nhũng còn để 'khôi phục đạo lý XHCN'
Bùi Thư BBC 27 tháng 7 2022 - 
"Lửa" trong lò của TBT Nguyễn Phú Trọng không những thiêu rụi sự nghiệp chính trị của những quan chức chính quyền địa phương và trung ương, các giám đốc điều hành doanh nghiệp quốc doanh mà còn lan sang cả những tướng lĩnh, sĩ quan công an và quân đội - đúng theo lời ông nói "không vùng cấm, không ngoại lệ".

Ông Trọng không chỉ nói suông những diễn ngôn hùng hồn cho công cuộc đốt lò, ông thực sự ban hành các chính sách và quy định chống tham nhũng nội bộ đơn cử Quy định 102-QĐ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2017.

Quy định nêu rõ rằng "tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời". Quyết liệt hơn, Quy định này còn nói rằng ngay cả các quan chức thuộc Đảng đã qua đời vẫn có thể bị xử lý kỷ luật nếu vi phạm của họ đặc biệt nghiêm trọng.

Giáo sư Carl Thayer nhận xét với BBC hôm 05/07/2022:

"Trong những năm sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng nghỉ từ Đại hội Đảng 12 (năm 2016), có vẻ những thuộc cấp được hưởng lợi từ giai đoạn nắm quyền lỏng lẻo của ông ta là mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng. Nhưng ngẫm lại, chiến dịch này đã giăng ra một cái lưới lớn hơn, nạn nhân của chiến dịch đến từ một số bộ, ngành ngày càng mở rộng ra. Gần đây phải kể đến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội,... Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được thành lập ở tất cả 63 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương."

Thời kỳ Đảng Cộng sản suy yếu

Khi bước vào thời kỳ Đổi mới, Việt Nam bắt đầu chuyển đổi mô hình sang kinh tế thị trường và điều này dẫn đến nhu cầu quản lý kinh tế - xã hội bằng pháp luật cũng như nhấn mạnh vai trò của chính phủ.

Nhà bình luận giấu tên từ Sài Gòn nói với BBC:

"Từ thời ông Võ Văn Kiệt, ông Phan Văn Khải và đỉnh điểm là ông Nguyễn Tấn Dũng, quyền lực của chính phủ đã mạnh lên rất nhiều. Quyền lực từ Văn phòng Trung ương Đảng sang Văn phòng Chính phủ với việc nhiều Ban Đảng đã phải giải thể hoặc sáp nhập. Nhiều ứng cử viên do Trung ương Đảng sắp xếp về làm Bí thư thành ủy các thành phố lớn đều thất cử. Nền chính trị Việt Nam có dấu hiệu ly khai của các phe phái khi Đảng suy yếu: phe chính phủ, phe quân đội, phe công an và thế lực chính quyền địa phương."

"Mô hình xã hội chủ nghĩa bị đe dọa, có nguy cơ sụp đổ nên ông Trọng - người mang sứ mệnh then chốt là xây dựng Đảng phải có nhiệm vụ thâu tóm quyền lực. Chiến dịch chống tham nhũng chỉ là một phần trong chiến dịch lớn hơn để xây dựng Đảng theo khuôn mẫu mà ông Trọng cho là lý tưởng. Chính nguy cỡ đổ vỡ trật tự khi các cơ cấu như chính phủ, quân đội, công an và chính quyền địa phương có xu hướng ly khai khỏi vòng kiềm tỏa của Đảng, mới đích thị là mối bận tâm lớn nhất của ông Trọng."

"Như vậy, dễ hiểu vì sao Nguyễn Phú Trọng lại khai hỏa một chiến dịch với quy mô và cường độ chưa từng thấy trước đó. Các quan chức chính quyền địa phương và trung ương đến các tướng lĩnh, sĩ quan công an và quân đội trước đó được miễn trừ đều bị đưa vào lò." nhà bình luận ở Sài Gòn nêu ý kiến.

David Hutt, nhà bình luận chính trị nói thêm với BBC:

"Việc củng cố quyền lực có lẽ là quan trọng nhất đối với ông Trọng trong năm 2016 và 2017, nhưng ông Trọng thực sự muốn khôi phục đạo đức và đạo lý của xã hội chủ nghĩa cho ĐCSVN. Ông ta muốn loại bỏ những người gia nhập Đảng chỉ để trục lợi nhờ vào chức vụ và làm giàu cho bản thân. Đó là một chiến dịch ý thức hệ chứ không đơn thuần là chống tham nhũng. Nhiệm vụ của ông Trọng là cứu rỗi ĐCSVN ra khỏi chính nó và ông ta rõ ràng nghĩ, chỉ mỗi ông ấy có thể dẫn dắt Đảng trong sứ mệnh này."

Về điểm này, Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng ông Trọng muốn thúc đẩy để cải cách các thủ tục Đảng nhằm loại bỏ quan tham chứ không phải xây dựng quyền lực cá nhân:

"Ông ta đã sửa đổi điều lệ và quy định Đảng, đưa ra danh sách 19 điều đảng viên không nên làm để củng cố chiến dịch xây dựng Đảng và đây sẽ là di sản của ông Trọng" GS nhận xét.

'Đưa Đảng về lại ngôi vị quyền lực'

Khởi điểm chính thức trong chiến dịch đốt lò của ông Trọng là một cuộc bỏ phiếu của đảng vào năm 2012. Theo đó, ông Trọng đã thành công nhận được ủng hộ của BCHTW chuyển giao việc phòng chống tham nhũng từ văn phòng thủ tướng sang một ban do đảng lập ra và quản lý, tức "Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng".

Nhà bình luận chính trị trong nước giấu tên cho đây là động thái ý chỉ Đảng thu quyền lực về tay mình, cụ thể là biến ông Trọng thành "người phán xử". Vì trước đó, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người giữ chức Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

"Ông Trọng đã thành công loại bỏ ông Dũng để kiểm soát phe chính phủ. Tiếp đó, ông Trọng đánh tới phe chính quyền địa phương bằng việc bắt bớ một dây lãnh đạo địa phương như Đà Nẵng, TP HCM, khiến những địa phương khác phải dè chừng" người này nói.

Sau đó, vụ án Vũ Nhôm - các công ty bình phong lo kinh tài cho phía công an với sự chống lưng của các thứ trưởng, trung tướng và tổng cục tình báo cũng bị lôi ra xét xử.

Các cựu Tư lệnh Vùng cảnh sát biển như Lê Xuân Thanh, cựu thiếu tướng Lê Văn Minh liên quan đường dây buôn lậu xăng dầu cũng bị đưa ra ánh sáng.

Những Tư lệnh, cựu Đô đốc Hải quân, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng như ông Nguyễn Văn Hiến cũng bị xử lý.

Vụ xử hai nhân vật tên tuổi như Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cũng đều là những vụ án điển hình. Ông Thăng trở thành đương kim ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên trong lịch sử ĐCSVN bị truy tố về tội tham nhũng.

Các cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông như Trương Minh Tuấn và người tiền nhiệm Nguyễn Bắc Son đều bị truy tố với cùng tội danh "nhận hối lộ" và thậm chí bị đề nghị án tử.

Thời điểm Đại hội 12 diễn ra, Nhà báo Huy Đức - tác giả cuốn 'Bên thắng cuộc' viết trên Facebook:

"Khi 75% ủy viên TW quay lưng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dồn phiếu cho TBT Nguyễn Phú Trọng (trong BCT cũng chỉ duy nhất 1 phiếu giới thiệu ông Dũng vào chức vụ TBT), có nghĩa là "giọt nước đã tràn ly". Đảng đang cầm quyền chứ không phải chỉ một người hay một gia đình chia chác và cầm quyền."

Theo đó, ông Trọng đã thành công thâu tóm quyền lực về tay Đảng, vốn bị suy yếu dưới thời cựu Thủ tướng.

Nhà quan sát từ Sài Gòn nêu: "Bây giờ nghe tới Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là nhiều cấp, bộ, ban ngành đều sợ. Sau thời ông Lê Thanh Hải thì Trung ương Đảng - cụ thể là Bộ Chính trị là nơi quyết định vị trí Bí thư TP HCM: Đinh La Thăng, Nguyễn Thiện Nhân và bây giờ Nguyễn Văn Nên. Những thế lực địa phương bây giờ không còn khả năng thâu tóm nữa."

"Hay như ở Đà Nẵng, lịch sử lâu nay chưa bao giờ có Bí thư là người ngoài vùng Quảng Nam, Đà Nẵng nhưng sau khi các cán bộ ở Đà Nẵng bị bắt, Trung ương lại cử một ông ở Hải Phòng (Nguyễn Văn Quảng) về làm Bí thư, phá vỡ quyền lực tại địa phương và cho thấy phe Đảng đang mạnh lên."

"Lâu giờ trong điều lệ Đảng quy định Tổng bí thư là kiêm bí thư quân ủy trung ương, tức nắm đảng ủy bên quân đội, nhưng sẽ không tham gia bên công an. Nhưng tới thời ông Trọng, ông ta tạo tiền lệ cho chính ông tham gia vào đảng ủy công an trung ương và cũng lần đầu tiên, ông tham gia họp thường kỳ bên chính phủ. Đây là những hiện tượng phản ánh xu hướng ông muốn khôi phục lại quyền kiểm soát của phe Đảng trong tất cả cơ cấu khác trong hệ thống chính trị. Như vậy, chiến dịch chống tham nhũng chỉ nằm trong một chiến dịch lớn hơn, là tái xác lập lại quyền lực của Đảng cũng như trật tự cộng sản vốn bị xói mòn trong giai đoạn buộc phải mở cửa vì kinh tế," nhà quan sát giấu tên nhận định.

Tiến sĩ Zachary Abuza, giáo sư tại National War College, Washington, DC, Hoa Kỳ gọi chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng là "đưa Đảng trở về ngôi vị quyền lực".

"Nguyễn Tấn Dũng không phải là một tín đồ của Đảng và bây giờ vẫn vậy. Dưới thời ông Dũng, nền kinh tế đã phát triển và trở nên quá phức tạp để Đảng có thể quản lý - rất nhiều quyền quyết định đã được trao cho các nhà kỹ trị. Điều này khiến vị Tổng bí thư hết sức khó chịu. Tại Đại hội 12, ông Trọng đã không thanh trừng ông Dũng, nhưng ông Trọng đã dành 5 năm tiếp theo để phá bỏ phe phái quyền lực của ông Dũng."

"Quan trọng hơn, tại Đại hội 12, ông Trọng tái khẳng định quyền ra quyết định là thuộc về ĐCSVN. Sự củng cố quyền lực này tiếp tục diễn ra ở Đại hội 13. Vì vậy, chiến dịch chống tham nhũng không chỉ là thù địch cá nhân hay chủ nghĩa bè phái, mà là một cuộc tranh đấu rõ ràng về vai trò độc tôn của ĐCSVN," tiến sĩ Abuza kết luận.

Câu hỏi đến nay là chống tham nhũng trong nội bộ ĐCSVN đến đâu thì đủ, và liệu tổ chức này còn có thể "chữa khỏi" căn bệnh tham nhũng khi cả hệ thống đang sống với kinh tế thị trường, hay là không?

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-62076566

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét