Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Loa phường và bật lửa

Loa phường là di sản đáng quý của thời chiến và thời bao cấp. Có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ xung quanh thiết bị đã có thời rất hiệu quả này. Do đó, rất cần đưa chúng vào các viện bảo tàng để làm chứng tích cho một thời hào hùng và oanh liệt. Tuy nhiên, thời buổi 4.0 hiện nay là lúc không nên tiếc nuối dĩ vãng mà tiếp tục dùng chúng nữa. Sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận trên mạng và qua điều tra xã hội học là thực tế không thể chối cãi. Họ kiên quyết từ chối thứ phương tiện truyền thông quá lạc hậu và vi phạm quyền con người này. Rất mong rằng các nhà lãnh đạo trung ương và địa phương ghi nhận và tiếp thu ý kiến chính đáng của người dân.
Loa phường và bật lửa
Quỳnh Thư 28/07/2022 (KTSG Online) – Mấy ngày nay, sau khi báo chí đưa tin Hà Nội sẽ “phủ sóng” loa phường từng ngõ ngách của thủ đô vào năm 2025, tin này cũng lập tức “phủ sóng” dư luận.

Tựu trung, bạn đọc phân thành hai luồng trái ngược nhau. Nhóm ủng hộ thì cho rằng loa phường là “kênh thông tin sát dân nhất”, “là kênh thông tin không thể thay thế được”, trong khi nhóm phản đối lại nói chọn loa phường là “sử dụng công nghệ 0.4 trong thời đại 4.0”, là “một hình thức ô nhiễm âm thanh”.

Có lẽ tiêu biểu cho những người thuộc nhóm ủng hộ đã được báo chí tường thuật là viên chức chính quyền. Điều đó cũng dễ hiểu nếu nhìn vào tác dụng của kênh thông tin này trong đại dịch Covid-19 còn mang tính thời sự. Tuy nhiên, cần phân biệt rạch ròi hai vấn đề rất khác nhau trong trường hợp này. Đó là sự cần thiết của loa phường – về phía chính quyền – như là một phương tiện thông tin đến người dân, và nhu cầu của người dân có muốn nghe hàng ngày những gì hệ thống loa này phát ra hay không.

Một vị tiến sĩ từng có 20 năm kinh nghiệm về giảm thiểu rủi ro do thiên tai đã từng có thời gian nghiên cứu tại Nhật viết bài cho biết loa phường không phải độc quyền ở Việt Nam(1). Cho đến nay, nước Nhật vẫn duy trì hệ thống loa công cộng của họ. Đáng lưu ý là tác giả bài viết cũng nêu rõ rằng hệ thống này chỉ nhằm để cảnh báo người dân về nguy cơ thảm họa thiên tai luôn rình rập quốc gia này. Bài viết cũng cho biết người ta cho hệ thống này hoạt động mỗi ngày, nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, chừng 15 giây, để sửa chữa nếu hỏng hóc, chứ không phát thông tin gì khác.

Bài viết nêu trên rất đáng cho những người có trách nhiệm tham khảo nếu muốn sử dụng hệ thống loa phường như là một kênh đưa thông tin đến người dân trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, theo người viết, trong điều kiện bình thường, không có lý do gì để hệ thống này phát sáng tối mỗi ngày, hay năm ngày một tuần/ngày hai lần, bởi lẽ đã có nhiều phương tiện khác thay thế.

Hơn nữa, cấp phường không phải là cơ quan truyền thông nên nội dung phát là một vấn đề phải mổ xẻ đến nơi đến chốn. Ngoài chuyện tốn kém, duy trì hệ thống loa phát thông tin thường xuyên còn đòi hỏi phải có nội dung để phát. Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về vấn đề này nhằm tránh cho người dân không bị bắt phải nghe những điều không thực sự cần thiết đối với họ?

Cũng xin nói thêm là, nếu hệ thống loa này chỉ phát khi cần thiết, người dân mới chú ý lắng nghe. Nếu cứ phát mỗi ngày, thì chẳng có mấy người chú ý nữa. Cứ nghĩ lại thời chiến, người dân lắng nghe như thế nào với hệ thống báo động máy bay địch. Lúc đó, bằng sống bắng chết họ cũng bảo vệ những chiếc loa này. Nhưng với tình hình hiện nay, đem lại không khí tương tự thời chiến cho mọi người có thực sự cần thiết hay không?

Vấn đề thứ hai muốn bàn ở đây liên quan đến việc báo chí dẫn lời một vị lãnh đạo phường cho biết “hầu hết người dân trên địa bàn đều có ý kiến tích cực rằng, qua hệ thống loa truyền thanh họ nắm bắt được thông tin cần thiết, hữu ích”(2). Như đã nói ở trên, chính quyền có thể xem xét việc duy trì hệ thống loa phường như một kênh thông tin khẩn cấp vì đó thuộc chức năng của mình; tuy nhiên, nói rằng đa số người dân đồng tình với điều này là một vấn đề rất khác.

Thiết nghĩ, muốn đi đến kết luận như trên cần có điều tra, thăm dò ý kiến với số mẫu có đủ độ tin cậy theo khoa học thống kê. Không thể chỉ căn cứ trên một số phát biểu của vài người rồi kết luận là cần thiết đối với mọi người. Năm 2017, Hà Nội đã từng tổ chức lấy ý kiến người dân về việc duy trì loa phường, kết quả là gần 90% số người trả lời cho là “không cần thiết”. Đây là điều có thể kết luận được.

Mới ngày hôm qua, báo mạng Dân Trí cũng làm một cuộc thăm dò ý kiến bạn đọc về vấn đề Hà Nội “phủ sóng” loa phường. Cho đến sáng sớm hôm nay, 4.505 ý kiến trong số 5.504 người tham gia không đồng tình với việc “phủ sóng”, chiếm 82%. Trong khi đó, chỉ có 999 người đồng tình (chiếm 18%). Đây cũng là một điều có thể kết luận được.

Tóm lại, nếu thăm dò cho thấy người Hà Nội thích nghe loa phường, đó là quyền lựa chọn của họ. Tuy nhiên, cũng không nên xem đó là một khuôn mẫu để nhân rộng ra nơi khác.

Nếu chúng ta một mặt hô hào toàn dân phải có tài khoản ngân hàng, sử dụng điện thoại thông minh, trong khi mặt khác vẫn kiên quyết giữ quan điểm cần đưa thông tin đến người dân bằng hệ thống loa của thế kỷ trước, phải chăng đó là điều rất mâu thuẫn? Điều này cũng giống như chuyện hộp diêm và bật lửa. Ngày nay, dù hộp diêm đã gần như được thay thế hoàn toàn bởi bật lửa, vẫn có một số người thích dùng hộp diêm. Tuy nhiên, hỏi ý kiến những người vẫn dùng hộp diêm rồi kết luận rằng cần phải tổ chức một hệ thống rộng rãi để bán hộp diêm thì liệu có hợp logic hay không?

https://thesaigontimes.vn/loa-phuong-va-bat-lua/
————–

(1)https://dantri.com.vn/blog/tu-loa-cong-cong-nhat-ban-nghi-ve-loa-phuong-ha-noi-20220727105229740.htm

(2)https://dantri.com.vn/xa-hoi/loa-phuong-truyen-thanh-huu-ich-hay-cong-nghe-04-lam-kho-nguoi-nghe-20220727065040914.htm

(3)https://dantri.com.vn/xa-hoi.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét