Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

Hà Nội nói gì về việc tiếp tục phủ sóng loa phường?

Tôi cực lực phản đối loa phường vì nó vừa không có tác dụng, vừa lãng phí tốn kém và vừa ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân. Tôi đang sống ở phường Xuân Tảo, trước thì ở các phường Trương Định và Xa La (Hà Nội), có nhiều giai đoạn hầu như sáng tối ngày nào tôi cũng phải nghe loa phường nhưng chẳng hiểu gì mấy vì âm thanh lúc rõ lúc không, nội dung chán phèo, rất ít liên quan. Đi trên phố ở Hà Nội còn nghe loa phường quảng cáo lãi suất cho các ngân hàng thương mại... Bà Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, trong bài dưới đây rất ngụy biện khi bảo vệ chủ trương tiếp tục phủ sóng loa phường. Đầu tiên bà bảo "loa phường là chủ trương lớn của Chính phủ"; điều này tôi khá nghi ngờ vì các chính phủ thời ông Khải, ông Dũng không coi loa phường là chủ trương lớn nên không quan tâm; không biết có phải từ thời ông Phúc hay ông Chính làm Thủ tướng mới coi loa phường là chủ trương lớn hay không ? Thứ 2, bà bảo sẽ giảm số loa tại một điểm và tránh trường học, đoàn ngoại giao và nơi ở có người già cũng như thay đổi về thời lượng phát sóng... Tôi cho rằng cứ có loa là điếc tai và thảm họa cho những gia đình ở gần. Tránh được mấy nơi trên nhưng còn bao nhiêu nơi khác thì sao ? Thêm nữa ở đâu mà không có người già, hôm nay họ chưa già thì vài năm nữa họ sẽ già, chẳng lẽ đến lúc đó lại tháo loa đem đi mắc chỗ khác ? 15 phút mỗi buổi thì cung cấp được thông tin gì đáng kể trong khi người dân có thể xem tin tức họ cần bất cứ lúc nào qua điện thoại thông minh. Ba là bà nói "sẽ xây dựng hệ thống thông tin nguồn từ Trung ương đến địa phương; 1 thông tin từ Trung ương chỉ cần bấm nút là ở cơ sở có thể nhận được và phát đồng bộ". Điều này có nghĩa là thông tin chung, các phường cùng đọc tin như nhau; vậy thì mất hoàn toàn ý nghĩa của loa phường vì loa phường có chức năng thông tin đặc thù cần thiết cho người dân trong phường. Bốn là "các phát thanh viên, người làm công tác vận hành loa phường ở sở đều làm kiêm nhiệm chứ không có chuyên trách". Khi đã không chuyên trách thì chất lượng sẽ rất thấp. Cuối cùng bà khẳng định "Ở nhiều nước như Nhật Bản vẫn được duy trì hệ thống loa". Tôi không nhớ ở Nhật có loa phường hay không, nhưng ở các nước châu Á, Âu và Mỹ tôi đã qua, chẳng thấy đâu có loa phường cả. Tôi nghĩ rằng loa phường chỉ là một dự án chi ngân sách dễ dàng nên quan chức thích làm vẽ ra mà thôi.
Bị phản ứng dữ dội, Sở TT-TT Hà Nội nói gì về việc tiếp tục phủ sóng loa phường?
27-07-2022 - (NLĐO)- Lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội cho biết TP sẽ điều chỉnh giờ phát "loa phường" để tránh ảnh hưởng tiếng ồn. Ngày 27-7, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội, cho biết việc hiện đại hóa thông tin cơ sở, trong đó có loa phường là chủ trương lớn của Chính phủ, đã được cụ thể hóa trong chiến lược của Bộ TT-TT. Đến nay, đã có 20 địa phương triển khai, trong đó có Hà Nội.

Loa phường đang được sử dụng tại một số quận huyện Hà Nội - Ảnh: ĐT

Theo bà Hương, Hà Nội chưa dừng hoạt động hệ thống loa phường tại 579 xã/phường/thị xã mà thời gian qua chỉ điều chỉnh để không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Cụ thể, giảm bớt cụm loa, các địa phương được căn cứ nhu cầu, quyết định số lượng và vị trí lắp đặt loa, thời lượng phát sóng.

Lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội cho hay qua các giai đoạn khác nhau, hệ thống phát thanh cơ sở đều có những hình thức hoạt động sao cho phù hợp, nhưng đúng là có bức xúc về tiếng ồn. Thực tiễn cho thấy có lúc, có nơi, người dân còn bức xúc với loa truyền thanh phường do nội dung chưa phong phú, chất lượng phát thanh chưa cao, bố trí khung thời gian, chương trình chưa hợp lý. Vì thế, hiện loa phường đã thay đổi nhiều hình thức truyền thông.

Khi cuộc sống đã thay đổi thì cách vận hành loa phường cũng hướng đến thân thiện với người dân. Cách chuyển đổi là trước đây cụm loa lớn, có 10 loa. Nhưng đề án đã giảm thiểu và duy trì chỉ có 2 loa/ cụm. Hà Nội cũng có quyết định để các địa phương căn cứ truyền thông. Việc lắp đặt loa có nguyên tắc tránh trường học, đoàn ngoại giao và nơi ở có người già cũng như thay đổi về thời lượng phát sóng. Thành phố cũng đã điều chỉnh thời lượng phát thanh như sau: ở nội thành, loa phường chỉ phát thanh 15 phút/ buổi, một ngày phát tối đa 2 buổi, trừ khi có trường hợp đặc biệt. Một tuần chỉ phát 5 ngày, dừng phát ngày thứ bảy, chủ nhật, trừ trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn…

Về việc những ngày qua, mạng xã hội đã nhắc đến loa phường nhưng thông tin không khách quan, thậm chí thông tin sai lệch chủ trương của thành phố, có ý bôi nhọ, Lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội cho biết loa phường đưa các thông tin cơ sở đến người dân hiệu quả và khu trú được các thông tin thiết yếu, cần thiết nhất. Đây là loại hình truyền thông quan trọng ở cơ sở, "không thể thay thế được". Loa phường chỉ là một trong các kênh truyền thông ở cơ sở, bên cạnh các kênh truyền thông khác. Ở nhiều nước như Nhật Bản vẫn được duy trì hệ thống loa.

Về kỹ thuật, Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống thông tin nguồn từ Trung ương đến địa phương. Việc sử dụng các hệ thống truyền thanh mới sẽ giảm thiểu nhân lực, thay vì một xã phải bố trí một người soạn, đọc bài mà có thể 1 thông tin từ Trung ương chỉ cần bấm nút là ở cơ sở có thể nhận được và phát đồng bộ… Đây là một bước tiến, cũng là mong muốn hướng tới phát huy hiệu quả của loa phường.

Ứng dụng công nghệ sẽ giảm được số lượng nhân sự, nhân công làm công tác này. Mặt khác, theo bà Hương, các phát thanh viên, người làm công tác vận hành loa phường ở sở đều làm kiêm nhiệm chứ không có chuyên trách nên không làm tăng biên chế. Dù đã kiêm nhiệm nhưng khi có dịch bệnh hay các công việc khác, đội ngũ này vẫn được huy động tham gia…

Trước đó, ngay khi có thông tin Hà Nội tiếp tục phủ sóng loa phường, dư luận đã lên tiếng chỉ trích, phản ứng trước quyết định này của Hà Nội.

https://nld.com.vn/thoi-su/bi-phan-ung-du-doi-so-tt-tt-ha-noi-noi-gi-ve-viec-tiep-tuc-phu-song-loa-phuong-2022072713045718.htm

1 nhận xét:

  1. Thời đại 4.0, muốn chuyển tải thông điệp nào đó đến người dân thì có thể lập ra trang thông tin của phường (zalo, web, facebook,...) ad nick của một số thành viên chủ chốt trong mỗi hộ gia đình vào đó, khi muốn truyền tải thông điệp nào đó thì cứ đưa lên thông tin mạng (zalo, web, facebook,...) là OK. Loa phường ai nghe, vừa ồn vừa khó chịu, dân ai muốn nghe, mỗi lần bị tra tấn, người ta ko muốn đập mẹ nó đi còn nghe thông tin gì, hả trời?

    Trả lờiXóa