Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

'Chi phí làm cao tốc ở miền Tây gấp 1,5 lần nơi khác'

'Chi phí làm cao tốc ở miền Tây gấp 1,5 lần nơi khác'
31/5/2022, Suất đầu tư ở Đồng bằng sông Cửu Long gấp 1,3-1,5 lần nơi khác khiến khu vực này mới chỉ có 91 km cao tốc, chiếm 7% cả nước, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải. Thông tin được Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm nói tại hội thảo Xóa trắng cao tốc - phát huy lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long, sáng 31/5. Chi phí đầu tư cao là khó khăn khiến số lượng công trình giao thông, xây dựng ở khu vực chưa nhiều, việc kêu gọi nhà đầu tư cũng bị hạn chế...

Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm nói tại hội thảo, sáng 31/5. Ảnh: Gia Minh

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh thành, gần 20 triệu dân, được xem là vùng kinh tế quan trọng khi góp gần 18% GDP cả nước. Nơi này có nhiều lợi thế, đặc biệt về nông nghiệp, thuỷ hải sản và du lịch. Tuy nhiên, kinh tế xã hội các tỉnh thành trong khu vực phát triển chưa xứng với tiềm năng, nguyên nhân chính do hạ tầng giao thông yếu kém.

Cách đây gần hai thập kỷ, tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước TP HCM - Trung Lương dài 40 km, nối đô thị 10 triệu dân với tỉnh Tiền Giang được xây dựng và khai thác từ năm 2010. 12 năm sau, miền Tây mới có thêm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dài hơn 51 km. Trục đường này giúp rút ngắn thời gian từ TP HCM đi Mỹ Thuận từ ba tiếng còn khoảng 1 giờ 45 phút.

Theo ông Lâm, địa hình miền Tây nhiều sông ngòi, địa chất yếu, biến đổi khí hậu... khiến chi phí đầu tư cao. Vì vậy, Trung ương đã dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng nơi đây nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu. Hiện, tổng chiều dài cao tốc ở miền Tây chưa đến 100 km trong tổng số gần 1.240 km trên cả nước, khiến tính kết nối vùng nhiều điểm nghẽn.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), nói Đồng bằng sông Cửu Long địa chất sâu phía dưới chủ yếu là cát, 80% nền đất phía trên cũng yếu, sụt lún nhanh. Đây là thách thức khi xây các công trình giao thông, bởi thời gian thường kéo dài, tốn chi phí xử lý nền đất...

Ngoài ra, theo ông Đông, vật liệu xây dựng ở miền Tây khan hiếm, vận chuyển xa, kênh rạch chằng chịt... cũng là khó khăn lớn khi triển khai dự án hạ tầng. Các vấn đề trên làm hiệu quả đầu tư ở khu vực thấp hơn nhiều nơi khác, do vậy cần các chính sách, điều kiện tốt hơn để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp.


Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nói tại hội thảo, sáng 31/5. Ảnh: Độc Lập

Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhìn nhận các tỉnh miền Tây đang là "vùng trũng" về kinh tế và hạ tầng giao thông so với nhiều nơi khác. Thời gian gần đây, vốn đầu tư công cho khu vực được tập trung bố trí, nhưng chỉ chiếm khoảng 17% cả nước, bằng mức trung bình với nhiều khu vực khác, trước đó mức đầu tư còn thấp hơn rất nhiều.

Cũng theo ông Lịch, vùng tồn tại sự "bất cân xứng" khi chỉ gắn kết TP HCM và Đông Nam Bộ theo quốc lộ 1 đang thường xuyên quá tải. Trong khi đường sắt TP HCM - Cần Thơ có "vai trò chiến lược", song nhiều năm chưa triển khai.

"Đây là dự án đặc biệt quan trọng nối hai trung tâm kinh tế TP HCM và Cần Thơ", ông Lịch nói và cho rằng nếu đầu tư sớm cùng với hình thành các trục cao tốc ở khu vực sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm chi phí logistics, giúp phát triển lâu dài cho khu vực.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết, cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đã giúp giảm kẹt xe trên quốc lộ 1, rút ngắn thời gian đi lại của người dân, giảm chi phí logistics... Tuy nhiên, các tỉnh miền Tây vẫn thiếu rất nhiều cao tốc khác, nên khu vực còn điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội.


Hệ thống cao tốc ở miền Tây. Đồ hoạ: Thanh Nhàn

Cùng quan điểm, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhìn nhận khu vực hiện rất cần ba dự án cao tốc gồm Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và đường sắt tốc độ cao TP HCM - Cần Thơ. Đây là những công trình đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp Cần Thơ và các địa phương xung quanh phát triển mà còn tạo các trục ngang, dọc, liên kết vùng, có vai trò chiến lược cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, dự kiến giai đoạn 2021-2025, các tỉnh miền Tây sẽ hoàn thành cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài 30 km), giúp nối liền hệ thống cao tốc trục dọc từ TP HCM đến Cần Thơ. Tuyến Cần Thơ - Cà Mau, dài 109 km, tổng đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng cũng cơ bản hoàn thành.

Ngoài ra, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dài 188 km, kinh phí gần 44.700 tỷ đồng dự kiến hoàn thành năm 2027; dự án Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km dự kiến khởi công năm 2023. "Ước tính hết năm 2025, thêm khoảng 460 km cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cơ bản hoàn thành, nâng tổng chiều dài các tuyến trong vùng lên 550 km", ông Lâm nói.

Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng duyệt, khu vực này sẽ tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; chú trọng phát huy thế mạnh giao thông đường thủy. Cùng với cao tốc, vùng sẽ có 4 sân bay; 13 cảng biển; 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Gia Minh

https://vnexpress.net/chi-phi-lam-cao-toc-o-mien-tay-gap-1-5-lan-noi-khac-4470170.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét