Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

GS Long nhận định về nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch

Dư luận VN và thế giới đánh giá cao ông Nguyễn Cơ Thạch về khí phách của ông khi đàm phán với Trung Quốc và các nước phương Tây, nhất là ông Thạch không chấp nhận việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc với tư cách là một nước chư hầu yếu ớt, mà muốn bình thường hóa trên quan hệ bình đẳng giữa hai nước, mặc dù Trung Quốc nhất định Việt Nam phải tôn trọng Trung Quốc trong vai trò nước lớn và phải chấp nhận những điều kiện tiên quyết của Trung Quốc trước khi đàm phán. Tôi có gặp ông Thạch 2 lần trong các năm 1987 và 1988 khi sang Bộ ngoại giao báo cáo ông các kết quả nghiên cứu kinh tế dựa trện các mô hình toán. Hồi đó ông Thạch cũng như nhiều bác Ủy viên Bộ chính trị khác rất mê toán kinh tế nên hay mời chúng tôi đến trình bày. Qua tiếp xúc, tôi thấy ông Thạch có kiến thức rất rộng, tôn trọng các nhà khoa học và mong muốn ứng dụng khoa học trong cuộc sống vì ông quan niệm "khoa học kỹ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất vật chất trực tiếp" nên không có lý do gì không tham gia sản xuất trực tiếp. Trong bài dưới đây GS Long có nhắc tới việc ông Thạch đề nghị nhóm của GS dịch cuốn "Kinh tế học " của Paul Samuelson để ông đưa về trong nước và đưa về cho Bộ Chính trị. Trong lần gặp năm 1988 ông Thạch cũng đưa cho chúng tôi 2 tập in roneo bản dịch này, tôi còn giữ mãi đến gần đây mới vứt đi. Hồi đó dự luận cho rằng ông Thạch trước sau cũng lên làm Thủ tướng nên ông đang thu thập quân tướng ở tất cả các ngành, lĩnh vực để khi lên làm Thủ tướng sẽ bố trí họ trấn giữ các bộ ngành giúp ông quản lý đất nước. Có lẽ chính vì vậy mà ông đã thẳng thắn đề nghị chúng tôi chuyển sang làm việc ở Bộ Ngoại giao, ông sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu kinh tế ở Bộ để chúng tôi sử dụng các phương pháp toán phân tích và xây dựng chính sách kinh tế cho ông. Tuy nhiên, tôi nói với sếp là không nên vâng lời ông vì 3 lý do: (i) Ông không hiểu về kinh tế thị trường và toán kinh tế, cho nên ông không biết các kiến nghị chính sách của chúng tôi đúng hay sai. Ông cũng mắc vào sai lầm của hầu hết các nhà lãnh đạo và khoa học lúc đó là quan niệm cứ sao chép y nguyên một mô hình đẹp nào đó của phương tây về rồi thay thông tin số liệu Việt Nam vào là có mô hình tốt cho Việt Nam; (ii) Ông quá cứng nhắc và quyết đoán (như ông Lê Duẩn) nên nghe anh em khoa học trình bày nhiều mà không tiếp thu được bao nhiêu (khác với ông Kiệt rất biết tiếp thu ý kiến anh em khoa học); (iii) Dư luận năm 1988 đồn đại ông Thạch đã bắt đầu bị thất sủng vì những phát biểu công khai quá thẳng thắn về tình hình đất nước và vì những tham vọng quá lớn; nếu như ông thất sủng thì nhóm toán kinh tế chúng tôi về làm với ông ở Bộ Ngoại giao cũng sẽ bị thất sủng. Kết quả chúng tôi không chuyển về Bộ Ngoại giao với ông; có lẽ đây là một quyết định sáng suốt.
GS Ngô Vĩnh Long nhận định về nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch
16 tháng 8 2021 - 
Ông Nguyễn Cơ Thạch đã và đang được nhiều lời ngợi khen 'ca tụng', nhưng sinh thời ông cũng có những lúc 'đã chọn sai về thời điểm' khiến để lại hệ lụy, mặc dù đã được 'can gián, khuyên nhủ', một học giả từ Hoa Kỳ nói với BBC. Trao đổi diễn ra trong dịp Việt Nam đang đánh dấu 76 năm thành lập ngành ngoại giao dưới chính quyền cách mạng và 100 năm sinh của vị cố Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN kiêm Ngoại trưởng.

Cố Ngoại trưởng VN Nguyễn Cơ Thạch từng đồng thời là Ủy Viên Bộ Chính trị ĐCSVN và là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Phó Thủ Tướng Chính phủ) trước đây

Trao đổi với một hội luận chuyên đề Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 12/8/2021 với chủ đề 'Ngoại giao Việt Nam từ Nguyễn Cơ Thạch đến hiện tại', Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu lịch sử và bang giao quốc tế nói:

"Tôi quen với ông Nguyễn Cơ Thạch nhiều và sau năm 1975, mỗi lần ông Thạch đến New York hay đến Mỹ, tôi vẫn thường gặp ông.

"Ngoài vấn đề ngoại giao, ông Thạch có một vấn đề rất quan trọng, ông biết rằng ngoại giao không thể mạnh được nếu đất nước không thể mạnh.

"Mà đất nước phải mạnh về kinh tế, cho nên chẳng hạn trong suốt thời gian mà ông làm việc ở Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông đặt hàng cho chúng tôi; chúng tôi có một tổ nghiên cứu ở Mỹ mà mỗi lần ông Thạch sang, chúng tôi gặp và trình bày với ông các vấn đề: vấn đề phát triển trong khu vực, vấn đề kinh tế v.v...

"Kể cả những sách về kinh tế học như của Paul Samuelson này khác là chúng tôi dịch và đưa cho ông, ông nói cần chúng tôi dịch và ông đưa về trong nước và ông đưa về cho Bộ Chính trị.

"Riêng bản thân tôi, tôi nghiên cứu về chính sách ngoại giao của Mỹ và đường lối phát triển, thì mỗi một lần ông Thạch đến, chúng tôi bỏ rất nhiều thời gian làm việc và chúng tôi cung cấp nhiều tài liệu cho ông.

"Thì đây là một vấn đề tôi nghĩ là rất quan trọng, bởi vì không chỉ là vấn đề ngoại giao thôi, mà vấn đề là làm sao đất nước có thể phát triển, đất nước có sự tự tin, đất nước có sự ủng hộ của dân chúng thì lúc đó ngoại giao mới mạnh, cái đó là một vấn đề mà tôi nghĩ là ông Thạch rất hiểu."

Chọn sai thời điểm và vấn đề?


Binh sỹ Việt Nam rút khỏi Campuchia tại Siem Reap hôm 21/9/1989 sau 11 năm ở quốc gia láng giềng

Còn một khía cạnh nữa, theo nhà sử học từ Đại học Maine Hoa Kỳ là mặc dù được nhiều ý kiến ngợi khen đến nay, sinh thời cố Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, cũng đã có một số vấn đề để lại hệ lụy:

"Một vấn đề thứ hai nữa, mặc dầu nhiều người đã ca tụng ông Nguyễn Cơ Thạch, cái đó cũng đúng thôi, nhưng ông Thạch có một vài lúc, về thời điểm ông đã chọn sai.

"Chẳng hạn năm 1988, ông Thạch sang Mỹ, lúc đó tôi đang ở trong một số cơ quan của Mỹ để bàn về chính sách của Mỹ, năm đó Mỹ nói là nếu Việt Nam muốn rút ra khỏi Campuchia, thì phải có Trung Quốc, phải có đại diện của Mỹ, đại diện của Trung Quốc ở ngay tại Campuchia để xem Việt Nam rút quân như thế nào.

"Vấn đề này là họ muốn cho Việt Nam bị mất mặt, ông Thạch không muốn Việt Nam mất mặt, ông Thạch muốn cho Việt Nam đơn phương rút quân ra khỏi Campuchia, tôi đã cảnh báo ông Thạch rằng nếu ông làm như vậy thì Mỹ và Trung Quốc sẽ không ủng hộ ông và có thể những người ở trong nước cũng sẽ đánh ông.

"Ông Thạch nói rằng: 'Để cho họ đụng đầu vào tường thì họ biết đổ máu là như thế nào!' Tôi nói rằng: 'Có thể như vậy, nhưng nó sẽ nguy hiểm đến địa vị của anh', thì ông Thạch nói: 'Làm sao bây giờ?'

"Như vậy, ngay trong vấn đề này, lẽ dĩ nhiên không chỉ một mình ông Thạch, ông Thạch phải vận động những người khác ở trong Bộ Chính trị, trong đó có ông Võ Văn Kiệt và một số người khác, khi mà Việt Nam rút quân ra với sự ủng hộ của ông Kiệt, có thể mấy ông khác sẽ 'đánh' ông Thạch nhiều hơn nữa.

"Cho nên ông Thạch là giỏi về vận động nước ngoài và cũng giỏi về vận động trong nước, mà nói về vận động trong nước, tôi xin nói thêm là ông vận động những người khác trong Bộ Chính trị mở ra với những nước trong Đông Nam Á trước, mở ra với khối này trước thì mới có thể mở ra đối với Mỹ.

"Thì đây là một vấn đề quan trọng và trong việc này ông Võ Văn Kiêt ủng hộ ông Thạch rất nhiều, cho nên khi người ta nói về ông Thạch, cũng phải nói rằng ông biết vận động ở trong nước."

Bị 'đánh' bởi ai, vì sao?


Ông Nguyễn Cơ Thạch (bên phải) từng được sự khen ngợi của nhân vật quyền lực, ông Lê Đức Thọ (giữa), cố Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN, theo học giả từ Đại học Maine, Mỹ

Khi được hỏi cụ thể hơn về hệ quả của vấn đề được cho là 'chọn sai thời điểm' ở trên của cố Ngoại trưởng Việt Nam ra sao ở trong nước khi đó, dẫn đến việc chính trị gia này bị 'tấn công', Giáo sư Ngô Vĩnh Long đáp trên quan điểm riêng:

"Tôi có thể nói là ông Lê Đức Anh 'đánh' ông Nguyễn Cơ Thạch và tôi cũng có thể nói một vài người khác nữa. Và kể cả ông Lê Đức Thọ là người mà lúc trước rất khen ông Thạch, thì đến những năm 1980's đó cũng không ủng hộ ông Thạch.

"Đây là chuyện bên trong và tôi nói ra như vậy, nếu tôi sai thì các vị ở trong nước sẽ sửa cho tôi, nhưng tôi nghĩ rằng trong những năm 1987, 1988, đầu năm 1989, ông Thạch bị rất nhiều áp lực," Giáo sư Long nói với Bàn tròn thứ Năm.

Bình luận về ý kiến trên ngay tại cuộc hội luận, từ Hà Nội, bà Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà nghiên cứu Trung Quốc và con gái của cố Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc - Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nói với BBC:

"Tôi thì không 'sửa' ý kiến của Giáo sư Long, nhưng tôi chỉ thông cảm với những người như ông Nguyễn Cơ Thạch, là những người ở trong chính quyền này... làm những gì theo ý kiến của mình, nhưng lại phải được vừa lòng của những người khác.

"Những người khác có thể đã không hiểu được suy nghĩ sâu xa của ông Thạch và cũng có những người hiểu được, nhưng người ta lại rất sợ hãi chuyện này, chuyện khác, rồi người ta cũng mang nặng ý thức hệ, cho nên làm sao mà ông Thạch có thể thoải mái làm những việc như mình muốn được. Cho nên, theo tôi không thể nói cái này, cái kia là sai lầm được."

Từ Thụy Sỹ, ông Đặng Xương Hùng, cựu Lãnh sự Việt Nam tại Geneva, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, đưa ra bình luận với hội luận của BBC về ý kiến của học giả từ Mỹ:


Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch cùng phu nhân, Dược sỹ Phan Thị Phúc, tại Sydney, Úc hôm 14 tháng 3 năm 1984

"Việc này tôi bổ sung rất nhanh rằng đúng là như thế, đúng là giới quân đội đã 'đánh' và ngay lúc đó chúng ta cũng thấy rằng chiều hướng của lãnh đạo của Việt Nam là lùi bước đối với Trung Quốc.

"Và nhất là những sự việc như bị chiếm đảo Gạc Ma, rồi chuyện ông Lê Đức Anh chỉ huy là không được nổ súng với 'bạn' Trung Quốc.

"Cái đó thì chắc chắn là ông Nguyễn Cơ Thạch không chấp nhận việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc như là một nước chư hầu, mà ông Thạch muốn bình thường hóa quan hệ trên quan hệ bình đẳng giữa hai nước, mặc dù Trung Quốc nhất định rằng Việt Nam phải tôn trọng Trung Quốc trong vai trò nước lớn, tuy nhiên không thể chấp nhận là Việt Nam quy phục Trung Quốc như dạng Hội nghị Thành Đô được.

"Và chúng ta thấy rằng người ta đã gạt ông Thạch ra để tiến tới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc theo lối của người ta và hậu quả là có Hội nghị Thành Đô và hậu quả là các hiệp ước sau này, nhất là hiệp ước về Biên giới, Việt Nam thua thiệt rất nhiều cũng từ đây," ông Đặng Xương Hùng bình luận với BBC trên quan điểm riêng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58231314

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét