Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Chuyện Tố Hữu và tờ tiền 30 đồng

Chuyện Tố Hữu và tờ tiền 30 đồng
Một số bạn bình luận và đặt câu hỏi trên FB của tôi về lịch sử tờ tiền 30 đồng. Trên thế giới, ở đâu người ta đều chỉ phát hành những tờ tiền mệnh giá mang số 1, 2, 5 (và các số 0) mà không dùng các số khác tại vì nó là ước số của 10 (100, 1000, 10000,...) nên dễ kiểm đếm, tính toán. Thế nhưng, vào năm 1980 Việt Nam đã cho phát hành tờ tiền 30 đồng, đây là tờ tiền giấy rất đặc biệt vì không chỉ ở Việt Nam mà trọng lịch sử thế giới, chưa có nhà nước nào phát hành tiền có mệnh giá lẻ 30 như vậy.
Có thể là hình ảnh về 1 ngườiKhông có mô tả ảnh.Có thể là hình ảnh về 1 ngườiKhông có mô tả ảnh.
Sách Lịch sử đồng tiền Việt Nam cho biết: Sau đợt phát hành năm 1978, tới năm 1980, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành bổ sung 4 loại tiền giấy: 2 đồng, 10 đồng, 30 đồng và 100 đồng. Như vậy, đợt phát hành năm 1980 có tiền giấy 30 đồng. Tiền giấy 30 đồng này có kích thước 144 x 71 mm, màu tím hồng. Trong tư liệu ảnh có hình tiền giấy 30 đồng, seri chữ lớn in vào năm 1980 và tiền giấy 30 đồng seri chữ nhỏ in vào năm 1980.

Cũng theo sách Lịch sử đồng tiền Việt Nam, tới năm 1985, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đợt phát hành tiền tiếp theo. Đợt này có điểm đặc biệt là Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định cho phép Ngân hàng Nhà nước đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước cũ bằng 1 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước mới. Đợt đổi tiền này bắt đầu từ 14.9.1985, là một phần trong cuộc tổng điều chỉnh giá, lương, tiền nhằm mục đích điều chỉnh và ổn định sức mua của đồng tiền.

Lần thu đổi tiền này chỉ thực hiện với các loại tiền có mệnh giá từ 20 đồng trở lên và chỉ phát hành tiền giấy, không phát hành tiền kim loại. Các mệnh giá tiền gồm: 5 hào, 1 đồng, 3 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 30 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng.

Như vậy, ở đợt phát hành tiền năm 1985, Việt Nam tiếp tục có tiền giấy 30 đồng. Tờ tiền này kích thước 150 x 75 mm, màu xanh - hồng. Mặt trước in mệnh giá ba mươi đồng và số 30. Mặt sau in hình ảnh chợ Bến Thành.

Khi đó đã có nhiều người phản đối nhưng Tổng giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Duy Gia giải thích rằng: Chúng ta đã tiêu loại tiền 30 đồng thấy bình thường, bà con nào muốn tròn thì cứ kẹp 3 loại tờ 5, 2 và 3 đồng là thành một xấp tròn 10 đồng.

Đây là giai đoạn nhà thơ Tố Hữu làm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Phó Thủ tướng). Ông giữ chức này từ năm 1981 đến năm 1986. Ngoài ra Tố Hữu còn là Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, uỷ viên Bộ Chính trị 2 khoá liền (1976-1986), nên là một trong vài người có thực quyền nhất đất nước.

Vì trong giai đoạn này Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có thực quyền nên về kinh tế, Tố Hữu thực chất là nhà lãnh đạo cao nhất. Do đó, nhiều người cho rằng Tố Hữu là người đồng ý cho phép Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành tờ tiền này.

Nhưng ông bà ta xưa có câu: "Khó quá cho qua", vậy nên phát hành chưa được bao lâu thì Ngân hàng Nhà nước đã phải thu hồi tờ giấy bạc 30 đồng chỉ vì trên thực tế không ai muốn dùng.

Nhiều người đã đặt câu hỏi ông Tố Hữu giỏi thơ nhưng dốt toán hay ông có suy nghĩ gì khác mà cho phép phát hành tờ tiền kỳ lạ như vậy ?

Tuy nhiên câu chuyện dường như đã sớm được dư luận làm sáng tỏ khi một số bồi bút đã lên tiếng phân tích ý nghĩa của con số 30 lúc đó (1985):

• Số 3 biểu thị cho 3 miền Bắc-Trung- Nam thống nhất, non sông thu về một mới.
• Số 3 biểu thị cho mong ước Độc lập-Tự do-Hạnh phúc của nước Việt Nam mới.

• Số 30 biểu thị cho “Ba mươi năm dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công”.
• Số 30 biểu thị cho năm ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương 1930.

• Số 30 biểu thị cho việc năm 1920, Bác Hồ đọc được “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lenin, xác định được con đường cứu nước. Lúc đó, Bác Hồ tròn 30 tuổi.

• Năm 1985 (năm in tiền) đánh dấu mốc tròn 30 năm miền Bắc hoàn toàn giải phóng, công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc đã đi được một chặng đường dài 30 năm. (Ngày 16-5-1955, toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng, và đến ngày 22-5-1955 thì rút khỏi đảo Cát Bà. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng).

Nhận thức được những ý nghĩa chính trị nêu trên mới thấy được sự thâm thúy , sự thông thái của "Nhà thơ làm kinh tế Tố Hữu".

Khi người ta giao cho 1 nhà thơ “cách mệnh” xã hội chủ nghĩa làm nhà lãnh đạo tối cao về kinh tế của một quốc gia, thì việc phát hành tiền tệ cũng có thể trở nên "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, để tâm hồn treo ngược trên cành cây..." như thơ ca đã viết.

Rõ ràng thực tế đã chứng minh khả năng sáng tạo tờ tiền 30 đồng của thi sĩ Tố Hữu đã và sẽ mãi mãi không đụng hàng với bất kỳ nhà kinh tế nào trong lịch sử thế giới.

Thế giới không có bất cứ đâu và không bao giờ làm được tờ tiền như vậy, nên chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào đất nước đã sản sinh ra được một "Nhà thơ làm kinh tế" vĩ đại như Tố Hữu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét