Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Việt Nam chống dịch Covid bằng chiến lược “đánh đùng"

Việt Nam chống dịch Covid bằng chiến lược “đánh đùng"
Tại vùng dịch lớn nhất là TP. HCM và nhiều nơi khác, nhiều quyết sách được đưa ra theo chiến lược “đánh đùng": “đùng một cái trong đêm”; “đúng một cái sau một ngày"; sáng ra văn bản, chiều ra văn bản thu hồi văn bản buổi sáng, đến tối ra văn bản thu hồi hai văn bản trong sáng và chiều cùng ngày... Mỗi một quyết sách “đánh đùng" không được nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng, thiếu tư vấn bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn sẽ làm cạn kiệt thêm sức chịu đựng và bào mòn tâm lý của người dân đã trải qua gần 3 tháng giãn cách xã hội.
TP. HCM tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, ngày 25/6. (Ảnh: Bạch Lâm)

1) Tình hình lây nhiễm 

Một kịch bản “vá víu" cùng quyết sách “đánh đùng" không được nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng, thiếu tham vấn từ các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, sẽ làm cạn kiệt thêm sức chịu đựng và bào mòn tâm lý của người dân sau một thời gian dài giãn cách xã hội. Điều này sẽ gây nên những bất ổn âm ỉ trong cộng đồng.

Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam đã trải qua hơn 120 ngày kể từ ngày 27/4. Mặc dù nhiều tỉnh, thành đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội với nhiều cấp độ tăng cường nhưng số ca mắc mỗi ngày vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Việt Nam được cho là đã thành công trong chiến lược phòng dịch COVID-19 ở làn sóng dịch vào năm 2020. Đến làn sóng thứ 4 này, nhiều biến chủng virus mới xuất hiện, đặc biệt là chủng biến thể Delta với đặc tính lây lan nhanh, chiến lược truy vết, khoanh vùng, cách ly của Việt Nam dường như đang bị suy giảm hiệu quả.

Từ mốc 1.102 ca mắc được ghi nhận vào ngày 5/7, số ca mắc mỗi ngày có xu hướng tăng dần. Từ ngày 19/8 đến nay, số ca mắc mới đều ghi nhận ở mức hơn 10.000 ca mỗi ngày.

Tâm dịch trong đợt dịch thứ 4 di chuyển dần từ Hà Nam, Đà Nẵng, Hà Nội đến các địa phương có nhiều khu công nghiệp như: Bắc Ninh, Bắc Giang, rồi tới TP. HCM bắt đầu giãn cách xã hội từ ngày 31/5. Số ca mắc tăng nhanh từ TP. HCM lan nhanh ra các tỉnh, thành lân cận, biến ba tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai thành ba “điểm nóng" cùng với các tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam.

Dịch bệnh càng kéo dài càng cho thấy nhiều bất ổn trong chính sách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam, bộc lộ nhiều quy định không đồng nhất từ Trung ương tới địa phương. Đặc biệt, sự thay đổi chính sách quá nhanh và manh mún đã gây nên nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp và người dân tại nhiều tỉnh, thành rơi vào tình cảnh khốn đốn.

2) Chiến lược “đánh đùng", “thủng ở đâu vá chỗ đó"

Tại vùng dịch lớn nhất là TP. HCM, nhiều quyết sách được đưa ra theo chiến lược “đánh đùng": “đùng một cái trong đêm”; “đúng một cái sau một ngày"; sáng ra văn bản, chiều ra văn bản thu hồi văn bản buổi sáng, đến tối ra văn bản thu hồi hai văn bản trong sáng và chiều cùng ngày...

Mỗi một quyết sách “đánh đùng" không được nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng, thiếu tư vấn bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn sẽ làm cạn kiệt thêm sức chịu đựng và bào mòn tâm lý của người dân đã trải qua gần 3 tháng giãn cách xã hội.

Việt Nam đã lên kế hoạch hành động cho kịch bản dự báo khoảng 10.000 ca mắc COVID-19 vào tháng 5, kịch bản tăng lên 30.000 ca vào tháng 6.

Tuy nhiên, ngay ở kịch bản ứng phó với 30.000 ca mắc COVID-19, chiến lược chỉ tập trung vào việc truy vết, khoanh vùng và cách ly tập trung, dường như “để ngỏ" việc dự phòng chi tiết về cung ứng lương thực - thực phẩm, an sinh xã hội…

Khiếm khuyết này đã bị “chọc thủng" trước sự xuất hiện bất ngờ của biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh. Số ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Việt Nam tính đến ngày 29/8 lên đến 435.132 ca (gấp hơn 43 lần so với kịch bản đầu tiên) chỉ sau 4 tháng mặc dù TP. HCM và các tỉnh, thành phía Nam đã áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo nhiều cấp độ tăng cường.

Tốc độ lây lan quá nhanh của chủng biến thể mới khiến nhiều chuỗi lây nhiễm mất dấu F0.

Biến thể Delta được ghi nhận là biến thể không có độ nguy hiểm gây chết người cao nhưng có tốc độ lây lan nhanh, khiến hệ thống y tế quá tải, không chữa trị kịp thời cho bệnh nhân mắc COVID-19 và các bệnh nhân cấp cứu khác, khiến số ca tử vong trực tiếp do COVID-19 và các nguyên nhân khác tăng cao.

Tỉ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19 của Việt Nam được Bộ Y tế cập nhật trong bản tin hàng ngày ở mức thấp hơn hoặc tương đương với thế giới đến ngày 24/8. Từ ngày 25/8, tỉ lệ này của Việt Nam bắt đầu cao hơn so với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới. Chỉ số này của Việt Nam ở mức 2,4 - 2,5%, trong khi thế giới là 2,1%.

Trước áp lực về lương thực, thực phẩm cùng gánh nặng kinh tế khi không thể đi làm, không có thu nhập, từ trung tuần tháng 7 đến đầu tháng 8, sau gần hai tháng TP. HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, người dân các tỉnh, thành đã lũ lượt tự đi xe máy về quê. Đoàn người bỏ lại mọi thứ, mang theo gia đình trốn chạy khỏi “vùng đất hứa" trong đêm để lại nhiều ám ảnh.

Tới ngày 15/8, tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong hơn 2.000 người dân đi xe máy từ TP. HCM và các tỉnh phía Nam về quê có hơn 400 người dương tính với SARS-CoV-2. Tình huống này khiến hệ thống y tế của tỉnh Ninh Thuận không thể ứng phó được, buộc tỉnh phải gửi công văn khẩn cấp “nhờ" hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận trợ giúp.

Ninh Thuận nhờ tỉnh Đồng Nai “giữ chân", chăm sóc người dân Bình Thuận tại Đồng Nai, nhờ Bình Thuận kiểm soát các chốt nghiêm ngặt, không để người dân Ninh Thuận từ các địa phương phía Nam có dịch được qua chốt trở về Ninh Thuận cho đến khi hết giãn cách xã hội.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Hôm 20/8, tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận 13 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 8 người tự đi về từ các tỉnh phía Nam và 1 người đi về từ tỉnh Bình Dương bằng máy bay ngày 8/8.

3) Dân có gạo nhưng không thể nấu thành cơm, chuỗi logistic đứt gãy

Việc cấp Giấy đi đường cùng các “giấy phép con" khác nhau tại mỗi tỉnh thành khiến Bộ NN&PTNT phải kêu lên không tiêu thụ được nông sản trong khi giá vật tư đầu vào như: thú y, thức ăn gia súc, phân bón… tăng cao. Bộ Công Thương kêu chuỗi cung ứng hàng hoá, logistic bị đứt gãy.

Nhu cầu về lương thực, thực phẩm cung ứng cho TP. HCM trong thời gian giãn cách xã hội đã không được tính toán kỹ từ trước. “Bầu sữa" từ vựa lúa miền Tây không những không thể tiếp tế được hiệu quả cho TP. HCM mà còn bị đổ bỏ, không thể tiêu thụ được bởi những quy định giãn cách liên tỉnh.

Tại TP. HCM, chỉ trong ba ngày: 22, 23 và 24/8, Sở Công Thương loay hoay với “trái banh" giấy đi đường, “đá qua” UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức rồi “bẻ lái” về Công an thành phố. Các quy định này khiến doanh nghiệp và người dân bối rối, không kịp biết phải xin giấy đi đường ở đâu, thủ tục đăng ký và hiệu lực như thế nào.

Hàng hoá không thể lưu thông. Nông sản không thể xuất khẩu. Người dân có gạo nhưng không thể nấu thành cơm vì nhà hết gas, cửa hàng gas không thể đi giao hàng vì chờ được cấp giấy đi đường.

Với quy định cấp giấy đi đường nghiêm ngặt hơn, ngay cả nhiều công ty thiết bị y tế cũng không thể hoạt động và cung ứng vật tư y tế như: khí oxy, bình oxy, máy tạo oxy, máy giúp thở, máy ECMO, hoá chất xét nghiệm… cho các bệnh viện, các bệnh nhân mắc COVID-19 đang nguy kịch tại nhà.

4) Chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu thêm bế tắc

Một việc tưởng chừng bình thường như đi chợ cũng cho thấy một kịch bản “vá víu" khác. Bộ đội “đi chợ hộ” cho 2,1 triệu hộ dân TP. HCM từ ngày 23/8 là sự thiếu chuyên nghiệp trong việc quản lý và vận hành chuỗi cung ứng.

Trong khi thành phố có khả năng huy động được 25.000 shipper chuyên nghiệp hoạt động được quản lý theo các phần mềm ứng dụng thì bộ đội từ Hà Nội, Quân khu 7 được huy động để lên đơn, vận đơn và giao hàng thủ công. Chưa tính đến việc các quân nhân được điều chuyển từ các tỉnh, thành khác về không thông thuộc đường đi ngõ, hẻm ở TP. HCM, phải đi cùng người phụ trách tổ dân phố.

Sau 5 ngày, đến ngày 28/8, Sở Công Thương TP. HCM đề xuất cho dịch vụ shipper hoạt động trở lại và hoạt động liên quận, được hoạt động trong cả “vùng đỏ" ở TP. Thủ Đức và 7 quận, huyện khác.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP. HCM, tính đến 0h ngày 28/8, thành phố có 17.449 shipper đã tiêm vắc xin mũi 1 tại khu vực 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức. Mỗi shipper có thể giao 20 - 25 đơn hàng/ngày. Nếu huy động được 25.000 shipper, lực lượng này có thể phục vụ nhu cầu mua sắm của khoảng 500.000 - 625.000 hộ gia đình.

Vậy là quyết sách “đánh đùng" vòng đi rồi lại vòng về. Mặc dù hoàn cảnh ứng phó với dịch COVID-19 cùng biến thể Delta đặt ra những tình huống khẩn cấp chưa từng có, nhưng nếu như các cơ quan chức năng có thể tham vấn từ nhiều chuyên gia y tế và các chuyên gia trong lĩnh vực ngành nghề khác, thì các quyết sách có thể được hoàn thiện, đa diện hơn, từ đó giúp giữ sức dân và giảm tải được nhiều chi phí hơn.

Trước những diễn biến dịch bệnh phức tạp tại TP. HCM và các tỉnh, thành phía Nam, TP. Hà Nội đã có những phản ứng nhanh, sớm và mạnh hơn trong chiến lược phòng dịch.

Hà Nội đã áp dụng cách ly xã hội từ 6h sáng ngày 24/7 khi thành phố ghi nhận 689 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và tiếp tục thêm hai lần kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến ngày 6/9.

Hôm 28/8, Sở GTVT TP. Hà Nội đã lên phương án huy động hơn 3.000 phương tiện vận tải cho kịch bản thành phố có hơn 30.000 ca mắc COVID-19. Theo phương án dự phòng, Sở GTVT Hà Nội lên kế hoạch chi tiết số lượng phương tiện vận tải cần huy động cho từng công việc cụ thể trong tình huống dịch bệnh phát sinh.

Có vẻ như, Hà Nội “đi sau" đã đúc rút được thêm nhiều bài học kinh nghiệm và lên kịch bản ứng phó sớm hơn.

Mặc dù vậy, Việt Nam dường như vẫn còn thiếu một kịch bản nữa.

5) Shipper tại TP. HCM được hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện từ hôm nay

Các shipper tại TP. HCM sẽ được hoạt động trở lại ở tất cả các quận, huyện nhưng đi kèm với một số điều kiện cụ thể. Trong đó, ở “vùng đỏ” TP. Thủ Đức và 7 quận, huyện, các shipper phải đáp ứng tiêm đủ 1 mũi vắc xin và xét nghiệm hàng ngày.

Tối 29/8, UBND TP. HCM ra văn bản khẩn cho phép lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) được lưu thông ra đường theo phạm vi một quận, huyện, TP. Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Đây là những shipper có trong danh sách của Sở Công Thương.

UBND thành phố giao Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp quản lý shipper yêu cầu cung cấp danh sách, thực hiện nghiêm các điều kiện chích ngừa vắc xin phòng COVID-19 và xét nghiệm nhanh âm tính để được hoạt động.

Cụ thể:

Đối với shipper lưu thông trong thời gian giãn cách ở “vùng đỏ” TP. Thủ Đức và 7 quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn: phải đảm bảo đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin và thực hiện test nhanh hàng ngày (mẫu gộp 3) từ 5 đến 6h sáng. Việc lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện, giám sát bởi lực lượng quân y ở các trạm y tế lưu động của 312 phường, xã.

Tại 14 quận, huyện còn lại: shipper đang hoạt động phải đảm bảo được xét nghiệm 2 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người do lực lượng quân y ở các trạm y tế lưu động của 312 phường, xã thực hiện.

Theo quy định mới, các shipper chỉ hoạt động trong phạm vi một 1 quận, huyện, TP. Thủ Đức. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thường xuyên hoạt động của các shipper theo hình thức tra cứu trực tuyến.

Công an TP. HCM cũng cấp bổ sung cho Sở Công Thương khoảng 20.000 giấy đi đường của các nhân viên hệ thống bán lẻ để bổ sung thêm các lực lượng chuẩn bị đơn hàng và thực hiện các gói combo, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.

Các nhân viên được cấp giấy đi đường cũng phải đảm bảo tiêm ít nhất một mũi vắc xin, xét nghiệm nhanh 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế và phải có phân chia ca, thời gian hoạt động.

Các shipper tại TP. HCM sẽ thực hiện quy định mới bắt đầu từ ngày 30/8 đến khi có thông báo mới.

Trước đó, từ ngày 23/8, TP. HCM đã tạm ngưng hoạt động shipper tại TP. Thủ Đức và các quận: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Đối với các quận, huyện còn lại, shipper chỉ được hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định.

Tới ngày 28/8, Sở Công Thương đã kiến nghị UBND TP. HCM cho phép 25.000 shipper công nghệ giao hàng hóa đến người dân. Theo tính toán của Sở Công Thương, trung bình mỗi shipper giao được 20 - 25 đơn hàng/ngày. Theo đó, lực lượng này sẽ có thể giao hàng cho 500.000 - 625.000 hộ gia đình mỗi ngày.

Trước đề xuất của Sở Công Thương, nhiều shipper trong khu vực “vùng đỏ” TP. Thủ Đức và 7 quận, huyện bị rối và có phần e ngại vì quy định phải test nhanh hàng ngày từ 5 – 6h sáng. Có shipper cho rằng việc xét nghiệm mỗi ngày như vậy là gây tốn kém và có nhiều bất tiện. Chi phí xét nghiệm không biết do cá nhân hay nhà nước chi trả.

Có shipper cho hay, trong mùa dịch, mỗi ngày có thể lời được khoảng 500.000 đồng, nhưng với tần suất test nhanh hàng ngày như vậy thì tiền lời chỉ còn khoảng một nửa, trong khi phải đối diện với rủi ro và rất vất vả khi phải qua nhiều chốt kiểm soát dịch.

Nguồn: Tổng hợp từ các báo mạng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét