Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Buổi bảo vệ Luận Án Tiến Sĩ

Buổi bảo vệ Luận Án Tiến Sĩ
Một ngày cuối năm 1991. Thư viện, cũng là nơi dùng làm phòng họp, phòng dạy của Labo đã được trang hoàng và bày biện sẵn sàng cho buổi bảo vệ luận án của Kiểm Lâm. Hai ngày trước Kiểm Lâm đã trình bày thử, mọi việc suôn sẻ. Luận án của Kiểm Lâm vào thời đó là nghiên cứu tiên phong về Phả Hệ Phát Sinh các Động Vật Có Xương Sống bằng cách so sánh phân tử RNA của cấu phần nhỏ robosome. Đây là công trình được sự quan tâm của Trường đại học Orsay (Phòng Thí Nghiệm Sinh Học Tế Bào, nhóm Sinh Học Phân Tử), Viện Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Paris (ngành Ngư Học và ngành Cổ Sinh Vật Học). 
Kiểm Lâm nắm chắc chắn nội dung, từ những chủ đề chính tới từng chi tiết của luận án. Anh đã thuộc gần như nằm lòng bài trình bày. Anh đã nghiên cứu kỹ và thực tập cách trình bày, các ý tưởng sắp xếp ra sao, ngôn từ thế nào, cử chỉ ra sao… Phần lớn buổi trình bày sẽ đứng cạnh bảng chiếu, có những đoạn nào vừa đi vừa nói, có lúc nhìn bao quát khán phòng nói rõ và chậm, có lúc tạo một khoảng dừng, từng động tác của cánh tay ra sao… Nói chung Kiểm Lâm tự tin mình nắm vững nội dung lẫn cách trình diễn.

Sáng hôm ấy, chỉ còn sắp xếp lại vài cái ghế, các bạn đồng nghiệp đẩy anh ra cửa tiếp khách.

Một trong những người tới đầu tiên là anh Nghiêm Xuân Hải. Hôm ấy, anh vận chiếc áo sơ-mi trắng dài tay bỏ trong quần, bên ngoài khoác veste cùng màu với quần tây. Vậy là tương đối tươm tất lắm rồi, mọi ngày anh còn “bụi” hơn nữa.

– Tôi bận một lớp dạy, không thể tới với Kiểm Lâm. Tôi nghe họ nói về Kiểm Lâm, chắc chắn Kiểm Lâm sẽ thành công, thành công với nhận xét rất tốt của hội đồng giám khảo. Chắc chắn chút nữa Kiểm Lâm sẽ là tiến sĩ.

Và anh nhún vai:

– Thấy không, Tiến Sĩ là cái quái gì, có khác gì một chứng chỉ nghề nghiệp. Vậy mà người mình xem là ghê gớm lắm, gán cho nó một vị trí mà chưa chắc nó có, gắn cho nó một thiên chức nặng nề quá, như trách nhiệm nâng cao dân trí, giáo dục xã hội... Theo kiểu đó, bằng Tiến sĩ là cái lồng, người ta không thể phát triển ra ngoài được. Kiểm Lâm ở Tây lâu rồi thấy đó, mọi việc rất bình thường phải không, ai có việc nấy của riêng mình. Cách người Việt mình ở bển nhìn, hiểu sự việc rất khác với thế giới. Mình chẳng chịu giống người ta thì còn chậm tiến dài dài!

Trước khi bắt tay, ôm nhau chúc mừng cùng từ giã, anh Nghiêm Xuân Hải nói một câu mà tới giờ, ba chục năm sau, Kiểm Lâm vẫn nhớ và đánh giá là tiên tri:

– Tôi cá với Kiểm Lâm là nếu cứ tiếp tục tôn sùng, thở phụng bằng cấp như thế này, mười năm nữa sẽ có nạn buôn bán bằng cấp!

Luận án được Hội Đồng Giám Khảo đánh giá xuất sắc với lời khen đặc biệt. Cả phòng đứng lên dậy tiếng vỗ tay, từng người tới bắt tay, ôm hôn. Sau vài chục phút hàn huyên, chúc mừng… các đồng nghiệp lập tức thu xếp ghế, đẩy xe rượu, thức ăn, bánh kẹo ra giữa phòng chuẩn bị tiệc. Trong lúc chờ đợi…

André mời Roland và Kiểm Lâm vào phòng làm việc của ông.

– Tôi còn nhớ ngày anh mới tới. Bốn năm quá nhanh và kết quả đáng mừng. Những lời chúc mừng đã xong, tôi muốn nói với anh vài lời riêng…

Nhìn bên ngoài, buổi trình luận án của anh thành công tuyệt vời. Bây giờ, giữa chúng ta, tôi muốn nói những nhận xét thân tình nhất về hoạt động khoa học của anh bốn năm qua. Giữa chúng ta, tôi chắc chúng ta hiểu nhau rất rõ.

Năm đầu tiên anh đã thu thập gần hết kết quả của các thí nghiệm cần thiết. Chúng tôi hãnh diện về kết quả đó.

Tiếp theo, chúng ta đi vào phân tích kết quả và thảo luận. Tôi, Roland và anh bàn nhau phải tìm cho được câu trả lời tại sao có những nhánh sinh vật đặc biệt, cách xa nhau về mặt phân tử ARN ribosome trong khi gần nhau về cấu trúc bộ xương.

Trong thời gian này anh bỏ thì giờ cho công việc nhiều quá. Có lần cần một tài liệu tôi ghé lại Labo và thấy anh vẫn ngồi làm việc sau 21 giờ đêm. Mấy lần tôi quan sát anh làm việc, anh rất tập trung. Anh nhìn máy vi tính, liên tục gõ phím ý nghĩ của mình, quanh anh là mười mấy tập tài liệu mở sẵn xếp trên kệ. Đọc, gõ, đọc, gõ, đọc, gõ… cứ thế anh miệt mài. Hết xoay qua một giải thích này, thấy mâu thuẫn với một tài liệu, anh lại xoay qua một giải thích khác. Anh xoay liên tục để chiều ý các tài liệu anh đã đọc.

Nếu là anh, tôi dừng việc, bỏ đi tìm chỗ nghỉ ngơi. Tôi sẽ để tôi ở trạng thái nghỉ ngơi nhưng không đóng cửa với công việc. Thông thường, sau một tuần, hai tuần hay thậm chí một tháng, tôi có cơ hội bật ra ý nghĩ xuất sắc.

Còn anh, tôi thấy thay vì tự suy nghĩ khẳng định sự khác khác biệt của kết quả thực nghiệm của anh so với các kết quả trước kia, anh lại tìm cách chứng minh những khác biệt đó phù hợp với tìm tòi và lập luận của các bậc thầy đi trước!

André dừng lại, quan sát, nửa như hỏi Kiểm Lâm, nửa như tự hỏi:

– Lúc nào anh cũng bỏ nhiều thì giờ cho công việc. Nhưng mà, đó có phải là cách làm việc hữu hiệu nhất không? Triết lý và cách làm việc đó thúc đẩy hay cản trở đi tới?

Theo tôi, siêng năng góp chín mươi phần trăm vào thành quả, mười phần trăm còn lại là đổi mới, là sáng tạo. Chín mươi phần trăm chỉ tạo nên thành quả bình thường, còn mười phần trăm sáng tạo mới làm nên thành quả xuất sắc. Sáng tạo cần nghỉ ngơi, cần quên đi. Còn anh, anh dùng mười phần trăm đó để tiếp tục làm việc, tiếp tục nhớ!

Anh có chú ý rằng anh đọc và hiểu tài liệu nhanh hơn nhiều người. Trong chuyên môn của mình, anh có một khối kiến thức lớn so với người khác. Anh tổng hợp và trình bày điều anh đọc rõ ràng, mạch lạc. Khi giảng bài anh nhẹ nhàng, khéo léo, thuyết phục được người ta. Mà anh có chú ý rằng khi dùng kiến thức để tìm giải pháp độc đáo, những người khác lại dễ dàng hơn anh. Chính họ có giải pháp ra ngoài thông lệ. Tôi tự hỏi, điều đó do tư chất của cá nhân hay do văn hóa của xã hội.

Tôi không biết nên khuyên anh làm gì. Nếu thấy nhận xét của tôi có ý nghĩa, anh nên suy nghĩ nhiều. Theo tôi thấy, vấn đề của anh là làm sao đi ra khỏi cái khối kiến thức anh đã thụ đắc được.

André nhìn và cười tình cảm với Kiểm Lâm…

– Nếu anh làm chủ được nghệ thuật vừa ở trong những gì mình đã đọc, vừa di chuyển ra khỏi nó, anh sẽ tự thấy được giải phóng. Việc này là của mỗi cá nhân.

Đứng lên, thân mật quàng vai Kiểm Lâm, André nói thôi chúng ta ra ngoài ăn mừng bằng Tiến sĩ của anh.

Ba người bước vào thư viện. Trong tiếng cười nói xôn xao, trong những ánh mắt vui tình đồng nghiệp, bạn hữu, chai champagne được Cecile ấn vào tay Kiểm Lâm. Tiếng nổ đanh và bọt champagne bắn lên trời, Kiểm Lâm nhìn các bạn vỗ tay hoan hô, cũng nhóm người đó, tình thân đó, cũng trong thư viện đó nơi mỗi năm đôi ba lần tổ chức buổi ăn chung…

Anh bỗng mơ hồ thoáng thấy những ý nghĩ khác biệt. Những ý nghĩ khác biệt tới từ những lời André vừa nói với anh! Trước đây Roland cũng từng đề cập với anh việc này. Hình như hệ thống đào tạo nước anh có gì thiếu sót. Cũng chính hôm đó, lời bổ bã của người bạn thân cùng lớp, cùng trường Petrus Ký trở lại văng vẳng trong anh…

– Mày nghĩ kỹ lại coi, trường Pétrus Ký dạy tụi mình thành những thằng gì? Những thằng học giỏi và ngoan, chịu nghe lời, sợ có ý kiến khác biệt. Rồi ra trường đi làm cho người ta, đếch có thằng nào có phát kiến lớn, đếch có thằng nào làm lãnh đạo được! Lãnh đạo mấy thằng gà mái như tụi mình thì có!

Vừa dự tiệc mừng bảo vệ thành công luận án, Kiểm Lâm vừa nghĩ ngợi, nào chỉ trường Petrus Ký mà cả nền giáo dục, cả xã hội nước anh… Rất rụt rè khi phải có ý kiến khác biệt và rất kiên trì bảo vệ, theo đuổi bài học từ những tấm gương cũ kỹ xa xưa có khi nay đã ố mờ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét