Doanh nghiệp lo ngại 'hụt hơi' nếu kéo dài phương án '3 tại chỗ'
V.Dũng, 22/7/2021, (KTSG Online) - Để duy trì hợp đồng, chuỗi cung ứng các doanh nghiệp sản xuất ở TPHCM đã phải chạy đôn chạy đáo đáp ứng đủ điều kiện vận hành sản xuất “3 tại chỗ” theo quy định của thành phố. Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần áp dụng, nhiều doanh nghiệp đã cho rằng sẽ "hụt hơi" nếu kéo dài tình trạng này.Doanh nghiệp áp dụng phương án "3 tại chỗ" không đơn giản chỉ là vấn đề ăn, ngủ cho nhân viên mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh và duy trì hoạt động ổn định trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuỗi cung ứng tắc nghẽn khiến việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm đảm bảo bếp ăn cho hàng ngàn công nhân khá vất vả. Thêm vào đó, chi phí để thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động cũng đang là gánh nặng cho doanh nghiệp.
Áp lực với chi phí xét nghiệm hàng tuần
Hiện nay, để duy trì sản xuất theo quy định "3 tại chỗ", bên cạnh chi phí sinh hoạt cho công nhân, doanh nghiệp còn nặng gánh thêm khoản tiền xét nghiệm lớn. Theo quy định, các doanh nghiệp thực hiện phương án 3 tại chỗ thì cứ 7 ngày phải xét nghiệm 1 lần. Nếu doanh nghiệp có đơn hàng lớn và duy trì lượng công nhân nhiều để đảm bảo sản xuất thì chi phí lại càng đội lên cao.
Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất với 500 công nhân thực hiện "3 tại chỗ" sẽ phải mất khoảng 75 triệu đồng cho chi phí một lần xét nghiệm (150.000 đồng/kit test). Nếu doanh nghiệp có 1.000-2.000 công nhân số tiền đó sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba. Và phương án này kéo dài thì một tháng doanh nghiệp mất hàng trăm triệu đồng cho chi phí này.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony, cho biết vì tiến độ đơn hàng gấp rút phải thực hiện nên các doanh nghiệp xoay xở mọi cách để áp dụng “3 tại chỗ”. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất trong giai đoạn này đều nghĩ về việc duy trì bạn hàng, đối tác chứ chi phí để sản xuất đã bào mòn phần lớn lợi nhuận.
“Nhưng doanh nghiệp cũng chỉ gồng gánh trong một khoảng thời gian ngắn, còn nếu tình trạng sản xuất như thế này kéo dài thì sẽ rất khó khăn, nhất là chi phí xét nghiệm hàng tuần”, ông Quang Anh cho hay.
Trước khi cho nhân viên ở tập trung, ông Trương Chí Thiện, Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho rằng chi phí tăng thêm để lo ăn ở cho công nhân phải chấp nhận. Công ty chỉ mong muốn thành phố có thể xem xét lại, bỏ quy định cứ 7 ngày lại lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra Covid-19 một lần vì có thể chưa cần thiết và gây tốn phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quy định này không thay đổi và đến nay sau 7 ngày đầu tiên thực hiện “3 tại chỗ”, Vĩnh Thành Đạt cũng đã bỏ thêm chi phí để xét nghiệm lại cho hơn 150 nhân viên.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, bà Nguyễn Thị Thảo Viên, Giám đốc nhân sự của CJ Food Việt Nam và CJ Cầu Tre, cho biết việc duy trì hoạt động theo "3 tại chỗ" gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí xét nghiệm 7 ngày/lần cho gần 700 công nhân đang hoạt động tại nhà máy là rất nặng bên cạnh những chi phí sinh hoạt khác. Lượng công nhân lớn mà phương án sản xuất này kéo dài cả tháng thì chi phí sẽ đội lên cao.
Hiện nay Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM có quy định được sử dụng phương pháp xét nghiệm gộp mẫu (mẫu gộp 5) để giảm chi phí xét nghiệm. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp phản ánh đến nay họ vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào để thực hiện. Việc thực hiện xét nghiệm nhanh như phương pháp hiện tại tương đối khó để tầm soát.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho rằng doanh nghiệp nào sử dụng dịch vụ xét nghiệm thì chi phí cao hơn (khoảng 350.000-400.000 đồng/lần/người). Thậm chí chi phí xét nghiệm RT-PCR còn cao hơn chi phí nêu trên gấp nhiều lần.
Để hỗ trợ cho những doanh nghiệp không thể chủ động về nguồn cung các bộ xét nghiệm (kit), HUBA đã ký hợp tác với Hội thầy thuốc trẻ TPHCM để tiến hành xét nghiệm tại doanh nghiệp. Cụ thể, hợp đồng xét nghiệm này được giảm với giá chỉ 280.000 đồng/lần/người. Tiếp đó, HUBA sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan nhà nước thấu hiểu cho doanh nghiệp để đề ra các chính sách, giải pháp chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn.
Doanh nghiệp bị động trong tình huống xuất hiện rủi ro
Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực thực hiện "3 tại chỗ" nhưng để duy trì ngày một khó khăn vì rất nhiều vướng mắc phát sinh. Trong đó gồm khó khăn trong khâu vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa lẫn việc tổ chức thu mua, nhập hàng và đặc biệt căng thẳng trong việc chăm lo, ổn định sinh hoạt. Nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp hội viên, HUBA đã kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng hướng dẫn thực hiện "3 tại chỗ" thế nào để thuận lợi hơn trong việc tổ chức hoạt động.
"Trước đây, thành phố đã ban hành 6 bộ tiêu chí phòng chống dịch cho các doanh nghiệp, nay đề nghị thành phố ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn tổ chức sản xuất theo "3 tại chỗ" cho phù hợp. Tháo gỡ các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu, kho bãi, hỗ trợ phục hồi các chuỗi cung ứng trong nước. Cùng với đó là cung cấp nguồn vốn, chính sách giãn nợ thuế”, ông Chu Tiến Dũng nói.
Yêu cầu về xét nghiệm định kỳ cho người lao động đang gây áp lực lớn cho doanh nghiệp "3 tại chỗ". Ảnh minh họa: SGGP
Chia sẻ với các doanh nghiệp hội viên, ông Dũng nhìn nhận diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp. Các chuyên gia y tế đánh giá từ nay đến giữa tháng 8, tình hình dịch mới giảm mạnh. Nếu kéo dài "3 tại chỗ" đến lúc đó thì nhiều doanh nghiệp không chịu đựng nổi. Với tình hình hiện tại, nguy cơ chuỗi cung ứng tại thị trường nội địa bị đứt gãy ngày càng cao, buộc doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu nước ngoài về để sản xuất. Điều này dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp cung ứng trong nước sẽ mất thị phần.
Cũng lo lắng khả năng doanh nghiệp không thể kéo dài "3 tại chỗ" đến 30-40 ngày, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM, cho rằng nhà nước đã có những chính sách rất tốt tháo gỡ vướng mắc về thuế, ngân hàng, giao thông… nhưng doanh nghiệp cần biết kế hoạch chống dịch của thành phố để chủ động chuẩn bị.
Bà Chi đặt vấn đề, trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ" phát hiện F0 thì sẽ xử lý sao? Thực tế, đã có doanh nghiệp phát hiện ca F0 trong lúc thực hiện "3 tại chỗ" nhưng báo với chính quyền các cấp đều không được hướng dẫn xử lý kịp thời. Điều này, khiến doanh nghiêp rất bị động, lo lắng đưa F0 đi rồi có được phun khử khuẩn, cho sản xuất tiếp không, các bước triển khai thế nào?
"Thành phố cần trao quyền về cho chính quyền phường trong việc xử lý ca F0. Nếu có ca F0 tại doanh nghiệp là phường xử lý ngay để doanh nghiệp ổn định sản xuất", bà Chi kiến nghị.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tổ chức “3 tại chỗ” cũng cho biết đang có khó khăn trong việc thiết lập "xã hội doanh nghiệp" một cách ổn định. Dự báo mâu thuẫn nội bộ trong những ngày "3 tại chỗ" sẽ nảy sinh, nếu có mà chủ doanh nghiệp không kịp giải quyết thì sẽ rất phức tạp.
“Người lao động không được về nhà và mang nhiều lo lắng, ức chế sẽ dồn nén dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao, thậm chí không hiệu quả. Áp dụng "3 tại chỗ thì chi phí sản xuất lẫn kinh doanh đều tăng và không thể kéo dài" - ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Bidrico, nói
https://www.thesaigontimes.vn/td/318674/doanh-nghiep-lo-ngai-hut-hoi-neu-keo-dai-phuong-an-3-tai-cho.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét