Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

Người khốn cùng vì COVID phải lên mạng xã hội cầu cứu

Người khốn cùng trong dịch COVID-19 phải lên mạng xã hội cầu cứu
Người dân TP.HCM đang sống trong những ngày được coi là lịch sử chưa từng thấy từ sau năm 1975. Do lệnh cấm ra đường để chống dịch, thành phố đông đúc, bận rộn nhất cả nước đang vắng bóng người. Các biện pháp cấm cản bị cho ‘mang tính cực đoan’ khiến nhiều người dân lâm vào cảnh khó khăn, đói khổ phải lên mạng cầu cứu.
Công an chặn đường nhắc người dân
 không ra đường sau 18 giờ ở TPHCM
Càng siết càng toang
Từ cuối tháng năm cho đến nay, TP.HCM đã trải qua năm đợt giãn cách xã hội theo các chỉ thị có mức độ tăng dần.

Cụ thể, lần một từ ngày 31/5, TP.HCM bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 trong vòng 15 ngày. Đến ngày 14/6, tiếp tục Chỉ thị 15 lần thứ hai cho đến hết ngày 29/6. Với Chỉ thị này, người dân được yêu cầu phải giữ khoảng cách hai mét, được tập trung tối đa 10 người, dừng các nơi kinh doanh dịch vụ, chỉ được mở các dịch vụ kinh doanh hàng thiết yếu.

Ngày 19/6, TP.HCM tăng cường các biện pháp chống dịch bằng Chỉ thị 10. Theo đó, thêm các chợ truyền thống buộc phải đóng cửa, xe khách và các phương tiện chở khách phải dừng hoạt động. Đó là đợt giãn cách thứ ba.

Lần thứ tư bắt đầu từ ngày 9/7, thành phố có nền kinh tế đứng đầu cả nước bắt đầu bước vào những ngày phong toả theo Chỉ thị 16. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải dừng hoạt động. Người dân chỉ được ra ngoài khi thật sự cần thiết, bao gồm mua thực phẩm, cấp cứu, người đi làm phải có giấy giới thiệu của công ty, giấy xét nghiệm âm tính và nhiều loại giấy tờ khác. Cảnh sát giao thông cùng với cán bộ công quyền thường xuyên kiểm tra, xử phạt hành chính những người ra đường “không cần thiết”.

Mười bốn ngày sau đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16. Đồng thời siết chặt thêm các hoạt động của đi lại của người dân, đặt lệnh giới nghiêm từ 18 giờ tối cho đến sáu giờ sáng hôm sau, yêu cầu mọi người không được ra khỏi nhà. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực cho đến ngày 1/8. Như vậy, hiện giờ TP.HCM đang ở trong thời gian giãn cách lần thứ năm, và vào ngày 28/7, Phó Bí thư Thường trực TP. HCM Phan Văn Mãi thông báo có thể sau 1/8 thành phố phải kéo dài biện pháp giãn cách thêm 1- 2 tuần nữa.

Đã gần hai tháng áp dụng các chỉ thị giãn cách xã hội, phong toả, thậm chí là giới nghiêm toàn thành phố, số ca nhiễm mỗi ngày vẫn tăng theo đường dốc đứng, từ 211 ca vào ngày 31/5 tăng dần đến hơn 6.500 ca vào ngày 27/7.

Qua những lần gia hạn các lệnh giãn cách, những quy định về phòng chống dịch bệnh ngày càng siết chặt đến mức cực đoan, bỏ qua cả những quyền và nhu cầu cơ bản của người dân, mà số ca nhiễm vẫn không giảm. TP.HCM trở thành ổ dịch lớn nhất cả nước.

Một người đàn ông sống trong khu vực phong toả nhận thực phẩm qua rào chắn ở TPHCM hôm 20/7/2021. Reuters

Y tế quá tải, Dân thiếu ăn

Hiện nay, báo chí Nhà nước mỗi ngày đều đưa tin về tình hình dịch bệnh ở TP.HCM và cả nước, về các chỉ thị, những phát biểu cường điệu của lãnh đạo. Ví dụ như Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND) TP.HCM Nguyễn Thành Phong khi bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố đã yêu cầu người dân phải nghiêm túc chấp hành các quy định chống dịch, phải “phát huy tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ. Mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”…

Tuyệt nhiên không có bất cứ một thông tin nào về thực trạng người dân nghèo, đói ăn đến mức phải lên mạng xã hội xin thức ăn qua ngày.

Cô Phương, hiện đang ở một xóm trọ ở quận Tám, chia sẻ với RFA rằng vợ chồng cô đều là lao động phổ thông. Vợ bán cà phê cóc trên lề đường, còn chồng là công nhân. Cả hai cùng mất việc từ hai tháng nay, khi thành phố có lệnh giãn cách. Gia đình cô còn có hai con nhỏ, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 15 tháng và một mẹ già mắc bệnh tiểu đường. Suốt thời gian dịch bùng phát, không có thu nhập, con không có sữa mà mẹ già cũng không còn thuốc uống. Cô nói, cũng sợ người ta nghĩ mình lừa gạt, nhưng cùng đường rồi mới phải lên mạng nhờ giúp đỡ. Sau đó, cô đã được mạnh thường quân tặng sữa và thực phẩm đủ ăn trong vài ngày:

Cái mùa dịch này thì theo lệnh của Chính phủ thì em không được bán, còn chồng em cũng không được đi làm, thành thử ra tụi em mất hết thu nhập, không có tiền để trang trải.

Còn lối xóm ở đây nhiều khi người ta thấy em không có đồ ăn thì người ta cũng cho bó rau hoặc vài miếng thịt để em nấu cho bé. Con em nó toàn ăn cháo gói không à, sữa cũng không có. Cũng tội nghiệp cho con em, không có sữa là nó khóc cũng tội nó lắm!

Bây giờ, em khổ đủ thứ, những gì em nói đều là sự thật. Bây giờ em khổ quá mới cầu cứu mọi người. Em suy nghĩ nhiều lắm em mới biết bài đăng lên cầu cứu mọi người giúp đỡ cho em, chứ em không phải em đem mấy đứa nhỏ ra để xin.”


Về y tế, không khó để tìm được nhiều hình ảnh, video do chính người dân đăng trên mạng xã hội phản ánh thực trạng quá tải, thiếu thốn thiết bị y tế tại các bệnh viện hay khu cách ly, khiến cho nhiều bệnh nhân trở nặng không được nhập viện.

Điển hình là một video được quay trong phòng bệnh điều trị các bệnh nhân COVID, có người đang hấp hối mà không có nhân viên y tế coi sóc. Còn có những bệnh nhân qua đời tại nhà mà vẫn chưa “đến lượt” được nhập viện.

Ngoài ra, hàng ngày có rất nhiều người đăng tin trên Facebook nhờ hỗ trợ máy trợ thở, bình ô-xy y tế hay cả thuốc men để tự chữa trị tại nhà.

Những thông tin này cũng không có bất kỳ tờ báo nào, mà Chính phủ cho là “chính thống”, nói tới. Thậm chí, ngày 19/7/2021, Sở Y tế TP.HCM đã gửi công văn đến các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Y tế cấm các bệnh viện trực tiếp nhận cứu trợ sau khi có những kêu gọi dân đóng góp.

100% lao động tự do đã nhận tiền hỗ trợ?

Cổng thông tin Chính phủ vào ngày 27/7 đưa tin cho biết Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM đã chi ngân sách hỗ trợ cho 284.465 người lao động tự do, chiếm 100% tổng số người lao động tự do, đã được nhận hỗ trợ, với tổng kinh phí là 426 tỷ đồng.

Tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu hôm 25/7 rằng trong lần bùng phát dịch bệnh này, người lao động không có giao kết hợp đồng, nhóm lao động tự do được xác định là bị ảnh hưởng sớm nhất, sâu nhất. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo để thực hiện linh hoạt, phân quyền mạnh cho địa phương để cơ sở giải quyết thật nhanh. Đến nay, trong điều kiện giãn cách xã hội toàn thành phố, chỉ trong 15 ngày, các cơ quan chức năng TP.HCM đã đến từng nhà, gặp gỡ từng đối tượng, tương đương 100% đối tượng đã được hưởng chính sách.

Chị T, là một công nhân đang ở trong khu nhà trọ trên đường Phan Đăng Giảng, phường Bình Hưng Hoà, Quận Bình Tân hôm 25/7 đăng video trên trang cá nhân nói rằng “công nhân tụi em nghỉ việc nay đã một tháng mấy rồi mà không ai cứu trợ hết, bên Chính quyền kêu tụi em ghi tên để phát tiền cho tụi em nhưng không thấy”.

Chia sẻ thêm với RFA tối 27/7, chị T cho biết cả dãy nhà trọ gần 14 phòng, chưa có một ai được Nhà nước cứu trợ cả.

Chủ nhà trọ có ghi giấy cho công nhân, hôm tới giờ là chưa có nhận được tiền, cả nguyên một dãy trọ chưa có ai nhận được tiền.

Nếu đợt này mà cô chủ nhà trọ đòi tiền thì tụi chị phải thiếu lại chứ không có khả năng để đóng. Tại vì mấy bữa nay cũng không có gì để ăn luôn thì tụi chị mới cầu cứu, xin rau để ăn.”


https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/people-in-destitute-situations-call-for-help-in-social-media-07282021170032.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét