ĐỀ XUẤT THÊM MỘT LẦN NỮA
Kính gởi ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư thành ủy TPHCM
Xuân Sơn Võ Đọc báo Tuổi trẻ, thấy ông phát biểu “chúng ta xin nhân dân lượng thứ”. Thực tình thì tôi không hiểu lắm khi ông sử dụng đại từ “chúng ta”. Tuy nhiên, qua cách mô tả của Báo Tuổi Trẻ, thì đây là một phát biểu chân thành. Và tôi cảm động vì điều đó.Mặc dù chưa có quan chức nào như ông nói theo cách như vậy, nhưng tôi cho rằng, nói vẫn dễ hơn thực hiện. Cái mà nhân dân mong muốn, là những người nắm chính sách phải thấy được thực tế, và đưa ra những quyết sách mang lại kết quả thực sự. Nếu thực tâm, ông có thể tìm thấy đề xuất của tôi cách đây 1 tuần ở Sở Y tế TPHCM (tôi không rõ nó có được chuyển đến văn phòng của ông không). Hoặc ông có thể xem lại nó tại đây: https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/2079392185551230.
Tôi đề nghị hai vấn đề, thứ nhất là thay đổi cách chống dịch, thứ hai là bảo đảm an sinh cho người dân. Thực ra, hai vấn đề này liên quan mật thiết với nhau. Có những nội dung sau mà thành phố cần thực hiện:
Tôi đề nghị hai vấn đề, thứ nhất là thay đổi cách chống dịch, thứ hai là bảo đảm an sinh cho người dân. Thực ra, hai vấn đề này liên quan mật thiết với nhau. Có những nội dung sau mà thành phố cần thực hiện:
1. Tập trung giảm số lượng tử vong
- Chấm dứt ngay việc cách li F1, F2, chỉ khuyến cáo họ hạn chế tiếp xúc. Chỉ tiến hành cách li người đã có bằng chứng nhiễm (F0), và người có triệu chứng nhưng xét nghiệm âm tính và được bên y tế đánh giá là nghi nhiễm mức độ cao.
- Tiến hành cách li F0 và những người được y tế đánh giá là nghi nhiễm mức độ cao. Trong đó, F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ (theo phân độ 1 và 2 của Bộ Y tế theo quyết định 3416 /QĐ-BYT) chỉ cần cách li tại nhà. Riêng mức độ vừa (mức độ 3) thì có thể để chăm sóc tại nhà nếu có điều kiện theo dõi và điều trị tại nhà.
- Giải tán các khu cách li, chỉ giữ lại 2 hoặc 3 khu cách li, dành cho những người cần cách li nói trên nhưng không có nhà, hoặc nhà không có điều kiện tối thiểu để cách li (đây là việc khó vì nó liên quan đến lợi ích của một số người). Tập trung bảo đảm điều kiện sống và thuốc thiết yếu trong các khu cách li này. Đối với các khu cách li này chỉ cần có bác sĩ tư vấn từ xa.
- Chỉ cho nhập viện những người được y tế đánh giá mức độ 4 hoặc mức độ 5 (nặng và nguy kịch), hoặc mức độ 3 nhưng không có điều kiện chăm sóc tại nhà, cùng những người xét nghiệm âm tính nhưng có triệu chứng đủ nặng và được bên y tế đánh giá là nghi nhiễm mức độ cao.
- Kêu gọi nhân viên y tế về hưu tham gia, thành lập các đơn vị tư vấn từ xa cho những F0 cách li tại nhà, đề nghị các công ty truyền thông bảo đảm đường truyền để liên lạc thông suốt. Nhanh chóng ban hành hướng dẫn theo dõi F0 tại nhà chính thức, cho cả người nhiễm và bác sĩ tư vấn. Nếu Bộ Y tế chưa có thì Sở Y tế chịu trách nhiệm ban hành.
- Bảo đảm cung cấp đủ các phương tiện theo dõi như máy đo SpO2, kid thử kháng nguyên nhanh có thể cho tự thử tại nhà cho người F0 theo dõi và cách li tại nhà.
- Thành lập các đội phản ứng nhanh, bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên vận chuyển, xe cấp cứu dành cho các F0 theo dõi và cách li tại nhà. Có thể thành lập theo thành phố (như một bộ phận của cấp cứu 115), hoặc theo từng quận huyện. Các đội này phải giữ liên lạc với các nhóm tư vấn, và có thể hỗ trợ nhau, bảo đảm có mặt kịp thời theo yêu cầu của bác sĩ tư vấn. Các đội này có trách nhiệm cấp cứu, vận chuyển các F0 mức độ 4 hoặc mức độ 5 (nặng và nguy kịch), hoặc mức độ 3 nhưng không có điều kiện chăm sóc tại nhà đến bệnh viện. Các đội này cũng có quyền quyết định F0 nào đang ở mức độ 3 có thể được phép tiếp tục theo dõi và điều trị tại nhà hay phải nhập viện.
- Tập trung nhân lực, vật lực, vật tư y tế cho các bệnh viện điều trị các bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán mức độ 4 và 5.
- Tập trung chích vaccine cho nhân viên y tế với loại vaccine nhanh tạo ra kháng thể. Song song đó ưu tiên chích vaccine cho người lớn tuổi, người có bệnh nền, giới lái xe tải, lái taxi, xe công nghệ, giao hàng, người lao động trong ngành dịch vụ phải tiếp xúc nhiều như bán hàng, thu ngân, buôn bán tự do…
- Hỗ trợ tối đa để bảo toàn hệ thống y tế, cả công và tư.
2. Bảo đảm an sinh cho người dân.
Theo tôi, các biện pháp phong tỏa như hiện nay đang áp dụng, kể cả giới nghiêm, đều không có hiệu quả. Nếu số nhiễm có giảm thì đó là may mắn, do đã qua đỉnh dịch, số nhiễm giảm tự nhiên. Trong khi đó, các biện pháp phong tỏa và ngăn sông cấm chợ đã làm cho người dân khốn đốn, đặc biệt là những công nhân, người lao động tự do, người buôn bán nhỏ… Ngay cả khá đông nhân viên văn phòng, và cả nhân viên y tế cấp thấp hiện nay cũng rất khó khăn.
Hiện số này rất đông, nhà nước thì không có tiền để hỗ trợ. Nên biện pháp duy nhất là bảo đảm cho họ công ăn việc làm và bảo tồn khả năng kiếm sống cho họ. Nếu không bảo đảm cuộc sống, thì họ bắt buộc phải kiếm sống và không thể chấp hành các yêu cầu phong tỏa. Việc lén lút “xé rào” sẽ nguy hiểm nhiều hơn là nới lỏng phong tỏa nhưng kiểm soát 5K.
Từ đó tôi đề nghị:
- Bỏ phong tỏa, giới nghiêm tràn lan. Chỉ phong tỏa khu vực trong 2 trường hợp: (1) có chứng cứ rõ ràng, rằng tốc độ lây nhiễm đang tăng rất nhanh; và (2) tỉ lệ ca nhiễm đạt mức nguy hiểm.
- Siết chặt kiểm soát 5K, đặc biệt hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người, giữ khoảng cách vật lí tại các siêu thị, chợ… nhưng vẫn bảo đảm duy trì các hoạt động sản xuất, dịch vụ. Chỉ cấm hoặc hạn chế những dịch vụ không thiết yếu và không thể bảo đảm 5K.
- Xử lí nghiêm và nhanh chóng các hành vi của những người thi hành công vụ lợi dụng công tác chống dịch nhằm gây khó, nhũng nhiễu hoạt động làm ăn, kiếm sống, và sinh hoạt của người dân.
- Nhà nước hỗ trợ, và tạo điều kiện để người dân, các tổ chức từ thiện hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn. Tổ chức kiểm soát 5K trong công việc từ thiện, đồng thời xử lí các trường hợp cố tình gây khó cho công tác cứu trợ người dân khó khăn.
Đôi điều đề xuất. Với sự chân thành mà tôi cảm nhận từ phát biểu của ông thông qua cách diễn đạt của Báo Tuổi Trẻ, tôi hi vọng ông sẽ phản hồi cho tôi (địa chỉ, số điện thoại của tôi Sở Y tế TPHCM có đầy đủ), để tôi biết rằng ông có quan tâm đến đề xuất của tôi. Vì từ đó đến giờ tôi có hàng chục kiến nghị gởi Thành ủy TPHCM, nhưng chưa bao giờ nhận bất cứ phản hồi nào.
Vì tình hình thay đổi từng ngày, tôi không in ra rồi gởi đến văn phòng thành ủy TPHCM. Mong các bạn nào có điều kiện chuyển tiếp đến ông Nguyễn Văn Nên giùm tôi. Chân thành cám ơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét