Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

'Gói cứu trợ của CP phải hướng tới 'thay máu' nền kinh tế'

Đọc bài này của PGS-TS. Trần Đình Thiên thấy chán quá. Bác Thiên đã có thời là người anh lớn, người đồng nghiệp và là bạn rất tốt của tôi, nhưng càng ngày càng thấy bác quan tâm, chăm lo cho lợi ích của các doanh nghiệp tham nhũng hơn là lợi ích của người dân nên tôi rất thất vọng, hơn chục năm nay không gặp bác nữa. À, trừ một lần gặp bác ở Diễn đàn kinh tế mùa xuân năm 2015 do Ủy ban kinh tế của Quốc hội tổ chức ở KS Mường Thanh, Nghệ An. Chính phủ đã chi tiêu hàng triệu triệu tỷ đồng trong những năm qua mà nền kinh tế vẫn ỳ ạch, nan giải thì gói cứu trợ 26 nghìn tỷ mới đây có tác dụng gì mà bác Thiên yêu cầu phải hướng tới 'thay máu' nền kinh tế'. Nói thế đúng là để cho oai, để lừa cho dân tưởng bở đất nước nhờ gói này sẽ nhanh chóng thành thiên đường (được "thay máu" mà). Tôi hoàn toàn không đồng ý với các kiến nghị trong bài này của bác Thiên. Theo tôi, tiền ít vậy thì nên dành toàn bộ để cứu trợ người dân đang rất khó khăn, phần lớn được đưa trực tiếp đến tay dân chứ không qua các công trình, dự án (vừa không hiệu quả, vừa bị tham nhũng gần hết). Đặc biệt, không được dùng gói cứu trợ này để cứu các doanh nghiệp; nếu cần thì phải có một gói khác, và chỉ nên cứu trợ những doanh nghiệp có ý nghĩa sống còn với sự phát triển của đất nước, tức là cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công nghiệp, dịch vụ. Kiên quyết không hỗ trợ một xu nào cho các đại gia như bác Thiên khuyến nghị là Thaco Trường Hải, Vinfast hay BOT giao thông. Cũng không thể hỗ trợ thông qua các Hội nghề nghiệp - sản phẩm vì chúng đều là sân sau của các quan chức và đại gia chuyên ăn cắp. Các cơ quan chính phủ cần trực tiếp phân tích, lựa chọn đối tượng hỗ trợ dựa theo các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, theo chuẩn mực được chính tay Thủ tướng ký và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, thì các gói cứu trợ mới có tác dụng. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Nhà kinh tế học Scott Galloway nói về chính sách cứu trợ ở cuối bài này.
'Gói cứu trợ của Chính phủ phải hướng tới 'thay máu' nền kinh tế'
ANH TRUNG 21, Tháng 07, 2021 "Các gói cứu trợ phải rõ ràng, minh bạch, theo chuẩn mực cụ thể, tránh thất thoát, rủi ro. Ở các nước phát triển, hệ thống vận hành rất rõ ràng, tiền cứu trợ bao nhiêu, đi đâu cũng phải có quy chuẩn cụ thể", chuyên gia Trần Đình Thiên phân tích.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên 
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua thách thức COVID-19 đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Làm thế nào để các gói cứu trợ và các giải pháp hỗ trợ phát huy hiệu quả đang là câu hỏi được đặt ra và tranh luận không chỉ ở Việt Nam mà cả nhiều nước trên thế giới.

Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về chủ đề này.

Trong cuốn sách "Thời kỳ hậu Corona" được xuất bản mới đây, nhà kinh tế học danh tiếng của Mỹ Scott Galloway khẳng định rằng, gói cứu trợ của Chính phủ trước hết là phải cứu người lao động chứ không phải cứu doanh nghiệp, cứu các cổ đông giàu có. Ông có bình luận gì về quan điểm này?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: Trước tiên phải nói rằng, giữa ta với phương Tây có nhiều điểm khác nhau, vậy nên rập khuôn mô hình nào cũng không phù hợp.

Điều quan trọng đầu tiên là các gói cứu trợ phải rõ ràng, minh bạch, theo chuẩn mực cụ thể, tránh thất thoát, rủi ro. Nếu không làm được điều đó, chống dịch xong chưa biết sẽ có bao nhiêu cá nhân đi tù. Ở các nước phát triển, hệ thống vận hành rất rõ ràng, tiền cứu trợ bao nhiêu, đi đâu cũng phải có quy chuẩn cụ thể.

Ở nước ta, tiêu chí để cứu trợ đã được thảo luận nhiều. Mới đây, trước sự bùng nổ dịch COVID-19 lần thứ 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 NQ/CP ngày 1/7/2021. Theo đó, Chính phủ đã dành 26.000 tỷ đồng để cứu trợ cho các đối tượng chủ yếu như người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên việc xác định doanh nghiệp nào bị thiệt hại nặng nhất và nên cứu trợ bao nhiêu, cứu trợ như thế nào vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Ngoài các doanh nghiệp trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch như vận tải, du lịch, hàng không, dịch vụ ăn uống, nhà hàng…,
còn có nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nữa cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Chẳng hạn như nhà đầu tư BOT bỏ vốn làm đường nhưng xe cộ không chạy nên khốn đốn vì phương án tài chính bị đảo lộn.

Cứu doanh nghiệp BOT không phải cứu riêng doanh nghiệp ấy, mà cứu cả hệ thống ngân hàng vì các nhà đầu tư BOT sụp đổ thì ngân hàng cho vay cũng khó trụ nổi. Câu chuyện ở đây là không chỉ cứu doanh nghiệp mà phải đặt vấn đề cứu nền kinh tế.

Cứu ai để vực dậy nền kinh tế là cả một câu chuyện lớn. Ở đây có thang bậc ưu tiên rất khác nhau. Thang bậc này phải ưu tiên để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Cần ưu tiên cứu trợ những doanh nghiệp có triển vọng phát triển sau đại dịch, phù hợp với sự biến đổi mau lẹ của thời đại 4.0 hậu Corona. Việc cứu trợ những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không có cơ hội tồn tại, phát triển trong tương lai sẽ dẫn tới sự lãng phí tiền bạc, vì muốn cứu cũng không cứu được.

Đúng là Chính phủ phải cứu dân, nhưng theo nghĩa nào đó cứu doanh nghiệp cũng là cứu người lao động, cứu dân. Vấn đề là làm thế nào để việc cứu doanh nghiệp phải thực sự gắn với cứu dân và vực dậy nền kinh tế.

Việc xác định ngành nào cần được ưu tiên cứu trợ là vấn đề không dễ. Khi xây dựng kịch bản cứu trợ phải chịu khó tìm ra cái mạch, liên tục đặt câu hỏi và tranh luận để tìm câu trả lời cho các câu hỏi đó mới thay đổi được tư duy chính sách.

Ông có thể nói cụ thể hơn về điểm này?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: Có những giải pháp chính sách hỗ trợ, giải tỏa khó khăn cho tất cả mọi doanh nghiệp - như đã nói mở trên.

Nhưng trong điều kiện nguồn lực cứu trợ thiếu hụt, tình huống cứu trợ ngày càng khó khăn thì cần phải tính đến hiệu quả cứu trợ theo nghĩa để cứu nền kinh tế chứ không thể là cứu tất cả mọi doanh nghiệp. Làm sao để nền kinh tế Việt Nam sau dịch, thậm chí trong dịch, không bị sụp đổ, vẫn đứng dậy và tranh thủ được thời cơ bứt phá.

Để đạt được mục tiêu đó, tôi nghĩ cần tập trung ưu tiên nguồn lực cứu trợ cho các “tọa độ” quan trọng theo mấy tuyến sau.

Thứ nhất, cứu trợ theo chuỗi, tập trung nguồn lực hỗ trợ cho Doanh nghiệp “đầu chuỗi”. Ví dụ Thaco Trường Hải hay Vinfast là đầu chuỗi công nghiệp ô tô. Doanh nghiệp “đầu chuỗi” sẽ biết trong chuỗi mấy trăm, mấy nghìn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ai cần được hỗ trợ hơn cả, hỗ trợ bao nhiêu sẽ có tác động tích cực nhất đến chuỗi. Đây là cách làm kiểu “điểm huyệt”, rất hiệu quả nhưng đòi hỏi công khai minh bạch, tính giải trình phải cao, hệ thống giám sát phải chặt chẽ.

Thứ hai, thông qua các Hội nghề nghiệp - sản phẩm. Chỉ có Hội mới biết rõ tình hình thị trường sản phẩm – cả đầu ra, đầu vào, dự báo tình hình khả dĩ sát hợp. Hội cũng nắm chắc tình trạng các doanh nghiệp thành viên, ít nhất cũng tốt hơn các Ông làm chính sách ở các bộ, ngành. Khi đó, Chính phủ, thông qua các đội đặc nhiệm, thảo luận với các Hội để có giải pháp cứu trợ, hỗ trợ thích hợp nhất cho từng nhóm đối tượng.

Cả hai cách làm này đòi hỏi sự sâu sát, cụ thể, tinh thần trách nhiệm cao. Sẽ khó hơn nhiều để tìm kiếm được các giải pháp đúng. Nhưng chúng ta đang vượt qua thời kỳ khó khan chưa từng thấy cơ mà. Tình thế bất thường thì nỗ lực cũng phải khác thường chứ.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã từng nói, không thể cứu những doanh nghiệp mà kể cả không có COVID-19 cũng chết, vì do 4.0 nên chết chứ không phải do COVID-19. Điều này có vẻ trùng với điều ông vừa nói ở trên. Ý ở đây là có những doanh nghiệp vịn vào COVID-19, nhưng bản chất nếu không có COVID-19 sớm muộn cũng chết do không vượt qua được thách thức của thời đại?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: Sự thay đổi của thời đại buộc nhiều doanh nghiệp phải hy sinh, đó là chuyện bình thường, muốn cứu cũng không thể cứu được. Doanh nghiệp nào cần được cứu để vực dậy nền kinh tế thì phải bàn và có thái độ dứt khoát, không bàn theo kiểu băn khoăn, tiếc thương. Rõ ràng là không thể cứu tất cả doanh nghiệp được, bởi nếu dàn trải, tiền cứu trợ sẽ không giúp ích lâu dài cho nền kinh tế, doanh nghiệp và cả người dân.

Nền kinh tế sau dịch sẽ là một nền kinh tế khác, một nền kinh tế bắt đầu được thay máu. Cứu trợ doanh nghiệp phải hướng tới việc thay máu cho nền kinh tế để thích nghi với thời đại mới bằng việc xây dựng được các trụ cột, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nói khác đi, Ngân sách Nhà nước không chỉ ưu tiên cứu những doanh nghiệp "truyền thống - hiện hữu" mà còn phải đặc biệt ưu tiên hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây đích thực là dòng máu mới giúp nền kinh tế "hồi sinh" đúng theo tinh thần "bình thường mới", như đang diễn ra ở các nền kinh tế phục hồi và trỗi dậy mạnh mẽ "trong và sau COVID-19.

Sau gói cứu trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, nhiều người đang trông chờ vào các gói cứu trợ khác. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề, có nên tăng cường các gói cứu trợ khác?

PGS-TS. Trần Đình Thiên: Tôi nghĩ là những giải pháp như miễn giảm hoãn thuế, phí, tiền thuê đất… sẽ giảm bớt áp lực đè lên doanh nghiệp lúc rất khó khăn này. Hoặc việc ngân hàng giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cũng sẽ giúp doanh nghiệp "thoát hiểm". Nhưng đó là giải pháp cấp cứu, không phải là giải pháp phục hồi. Mà giải pháp cấp cứu thì bao giờ cũng chứa đựng rủi ro.

Ngân hàng phải cứu doanh nghiệp thì đúng rồi, nhưng nhiều doanh nghiệp vậy thì cứu thế nào? Phải chọn, khi chọn thì phải tính đến nguy cơ nợ xấu sinh ra. Lúc khó khăn, toàn những ông yếu kém vay tiền với điều kiện ưu đãi. Nguy cơ nợ xấu gia tăng rất lớn.

Một trong những giải pháp quan trọng để cứu trợ nền kinh tế lúc này là tháo gỡ các rào cản để giải ngân vốn đầu tư công. Đúng theo lý thuyết kinh tế học thôi. Nguồn lực này sẽ chảy vào nền kinh tế, thấm vào nền kinh tế thì các doanh nghiệp sẽ được "tiếp máu" và hưởng lợi. Đó là "máu" giúp doanh nghiệp hồi sinh.

Trân trọng cảm ơn ông!
----------------------------------------

Nhà kinh tế học Scott Galloway nói về chính sách cứu trợ:

"Chúng ta cần bảo vệ con người, không phải các công ty. Lựa chọn của tôi sẽ là theo mô hình của Đức. Theo chương trình "Kurzarbeit' của họ, người sử dụng lao động có thể cho phép người lao động nghỉ không lương trong thời gian đại dịch xảy ra, trong khi Chính phủ chịu trách nhiệm trả 2/3 tiền lương. Người lao động vận giữ được công việc, vì vậy họ có thể dễ dàng quay trở lại làm công việc của mình khi cần, nhưng không phải chịu áp lực làm việc khi không đủ an toàn. 

Có nghĩa là Chính phủ nói rằng bạn không cần phải lo lắng để kiếm ăn. Bạn đang ở một vị trí mà bạn có thể giãn cách an toàn mà không gây nguy hiểm cho gia đình. Bạn không cần phải đưa ra những quyết định tệ hại chỉ để nuôi sống gia đình. Và không có sự sợ hãi. Hạnh phúc không chỉ là những gì bạn có mà còn là những gì bạn không có – cụ thể là không có sự sợ hãi, sợ hãi vì lo mình không thể nuôi sống gia đình hoặc có thể bị bệnh nặng dẫn đến phá sản…"

"Khi bạn đưa tiền cho những người nghèo và tầng lớp lao động, bạn sẽ thấy hiệu ứng cấp số nhân ngay lập tức trong nền kinh tế - bởi vì họ chi tiêu số tiền đó. Họ mua thức ăn, trả tiền thuê nhà, mua giày mới và sửa tủ lạnh bị hỏng. Và người tiêu dùng là trọng tài tốt nhất để quyết định rằng công ty nào nên sống sót sau cuộc khủng hoảng, chứ không phải Chính phủ. Nếu bạn tin vào sức mạnh của thị trường, chúng ta nên đặt tiền vào tay người tiêu dùng chứ không phải các công ty…"

"Phần lớn các phản ứng kinh tế của chúng ta đối với đại dịch phải ở dưới hình thức bảo vệ những người có thể bị tổn thương khi dịch bệnh xảy ra. Bằng mọi cách, hãy hành động để đảm bảo rằng họ sẽ có việc làm trở lại khi dịch kết thúc. Nhưng hãy bắt đầu với người dân và đi dần lên. Đừng bắt đầu với các người đang nắm giữ cổ phần rồi đi xuống…".

(Trích từ cuốn Thời kỳ hậu Corona - NXB Thế giới, 2021, Tr.218-220-221).

https://nhadautu.vn/gap-go-thu-tu-goi-cuu-tro-cua-chinh-phu-phai-huong-toi-thay-mau-nen-kinh-te-d55211.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét