Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

CDC cảnh báo COVID-19 có thể biến thể kháng vaccine

CDC cảnh báo COVID-19 có thể biến thể kháng vaccine
Theo các nguồn tin hôm thứ Ba ngày 27/7, Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky cảnh báo rằng COVID-19 có thể tiếp tục đột biến và tạo các biến thể mới có khả năng kháng vaccine. Bà Walensky cho biết các loại vaccine COVID-19 hiện tại có hiệu quả tốt đối với các ca bệnh nghiêm trọng, bao gồm cả những trường hợp do các biến thể đã biết của nó gây ra. Tuy nhiên, sự lây lan tiếp tục của virus có thể cho phép căn bệnh này biến thể vượt ra ngoài khả năng bảo vệ của vaccine, New York Post cho hay.

Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm 
Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.
“Mối quan ngại lớn nhất của chúng tôi trong ngành y tế công cộng và khoa học là virus và các biến thể tiềm ẩn của nó… [có] khả năng kháng vaccine, kháng lại sự bảo vệ của vaccine khỏi tình trạng nhiễm bệnh nghiêm trọng và tử vong”, bà Walensky nói tại một cuộc họp báo.

Bà cũng cho biết, dù ngay lúc này, may mắn là các biến thể chưa kháng vaccine vì các loại vaccine vẫn đang hoạt động rất tốt trong việc bảo vệ chúng ta khỏi mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong do dịch bệnh. 

Người đứng đầu cơ quan CDC cho biết, những người nhiễm biến thể Delta, dù đã tiêm chủng hay chưa tiêm chủng, đều có tải lượng virus cao hơn so với nhiễm những biến thể SARS-CoV-2 khác. Điều này có nghĩa là ngay cả những người đã tiêm chủng cũng có thể lây truyền virus cho những người khác.

Cũng tại cuộc họp báo hôm thứ Ba, CDC đã ban hành các hướng dẫn mới về đeo khẩu trang trong nhà để giúp làm chậm sự lây lan của virus ở những nơi đang có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bà Walensky cho biết: “Ở những khu vực đang gia tăng sự lây nhiễm đáng kể, CDC khuyến cáo những người đã được tiêm chủng đầy đủ nên đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, trong nhà để giúp ngăn ngừa sự lây lan của biến thể Delta và bảo vệ những người khác”. Bà Walensky đề cập đến chủng virus Delta hiện là biến thể lây lan nhanh nhất và chiếm khoảng 83% các ca nhiễm mới ở Mỹ.

Theo Business Insider, tất cả các virus đều biến thể theo thời gian khi chúng phát triển bên trong thân chủ bị lây nhiễm. Bởi vậy, có vô số phiên bản đột biến của virus SARS-CoV-2 vẫn đang lưu hành và mỗi phiên bản đang sản sinh nhờ những thay đổi nhỏ trong mã di truyền. Virus càng lây nhiễm cho nhiều người thì nó càng có cơ hội đột biến thành biến thể mới nguy hiểm hơn.

Cho đến nay, biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ là biến thể gây lây nhiễm nhanh nhất và đáng lo ngại nhất. Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây đã gọi Delta là “biến thể mạnh nhất” vì nó dễ lây lan và có thể khiến bệnh phát triển nghiêm trọng hơn, cũng như tăng nguy cơ nhập viện hơn so với các biến thể khác như Alpha, được phát hiện ở Anh.

Theo một nhà nghiên cứu sự phát triển của các bệnh truyền nhiễm tại Đại học bang Pennsylvania, mặc dù Delta là biến thể lây lan nhanh nhất, một phiên bản đột biến của biến thể Delta là Delta Plus đã bắt đầu xuất hiện và có thể có khả năng lây truyền cao hơn cả Delta.

Ngoài ra, cũng có khả năng 2 biến thể riêng biệt, ví dụ như Delta và Alpha, có thể kết hợp các đột biến để tạo ra một biến thể dễ lây truyền hơn.

nguồn: Trên mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét