HỘI THẢO “THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI”
Văn Giá - Thơ là hoa của chúng sinh. Hiện nay, nói riêng trong khu vực lục bát, có sự lẫn lộn giữa hoa và rác. Hoa dẫu nhiều cũng chẳng mấy được ghi nhận, nhưng thói thường rác dù có ít thì vẫn bị ăn đòn. Tuy nhiên, để chỉ ra đâu là hoa là rác, cũng không hẳn lúc nào cũng dễ dàng. Lại phải tùy vào cách đọc dựa trên tri kiến, dựa vào độ tinh nhạy thẩm mỹ… Cho nên, không thể nào khác, người làm thơ lục bát, cả người đọc lục bát không ngừng nâng cao văn hóa thơ, không biết khi nào là đủ mới hy vọng có sự tiến bộ”.Sáng ngày 24/12/2020, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (nòng cốt là Khoa Viết văn – Báo chí) đã tiến hành tổ chức Hội thảo “Thơ lục bát Việt Nam đương đại”. Hội thảo thu hút sự có mặt khá đông đảo các nhà nghiên cứu phê bình, các nhà văn, nhà thơ, các bạn đọc yêu thơ, đại diện CLB Thơ trẻ Hà Nội, đại diện CLB Thơ Facebach, các thầy cô giáo và sinh viên.
Về giới nghiên cứu, lý luận, phê bình có mặt: GS. Trần Đình Sử, PGS. TS. La Khắc Hòa, Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, PGS. TS. Phan Diễm Phương, PGS. TS. Lê Dục Tú, PGS. TS. Đỗ Lai Thúy, PGS. TS. Hỏa Diệu Thúy, TS. Nguyễn Thị Tính, Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, TS. Nguyễn Thanh Tâm, nhà giáo Nguyễn Kim Rẫn…
Về giới sáng tác, có mặt một số nhà thơ như: Nguyễn Việt Chiến, Phạm Đình Ân, Hoàng Xuân Tuyền, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Trần Hưng, Hoàng Liên Sơn, Đỗ Anh Vũ và nhiều gương mặt khác…
Sau lời phát biểu chào mừng của TS. Đỗ Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Viết văn – Báo chí –, là báo cáo Đề dẫn do TS. Mai Anh Tuấn (Chủ nhiệm bộ môn Viết văn) trình bày. Báo cáo đề dẫn cho biết đã nhận được hơn 20 tham luận gửi đến Hội thảo từ trong nước và cả ở nước ngoài (Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Hàn Chung). Hội thảo tập trung vào ba vấn đề chính:
+ Nhận thức lại về đặc tính thơ lục bát và các hướng tiếp nhận.
+ Nhận diện đặc điểm nổi bật và một số trường hợp: trong nước và hải ngoại.
+ Những thủ pháp làm mới thơ lục bát hiện nay.
Về vấn đề thứ nhất, một số ý kiến tập trung nhận diện, khái quát thơ lục bát Việt Nam dưới góc nhìn thể loại trong sự tương tác với bối cảnh văn học và văn hóa Việt Nam.
PGS. Đỗ Lai Thúy cho rằng lục bát có cái mã của nó, mà người nghiên cứu phải có nhiệm vụ thám mã. Về cơ bản hiện nay có ba mã lục bát: Thứ nhất, mã lục bát dân gian (cơ bản): vần, nhịp 2 là nhịp cơ bản của văn hóa Việt tâm thức Việt, nó đi ra từ cầu cúng tâm linh… Đã từng có những lý giải lục bát xuất phát từ lao động. Nếu điều này đúng, nó chỉ có ý nghĩa phái sinh, chứ gốc gác của nó phải đi từ hoạt động tâm linh của con người.
Thứ hai, mã lục bát trung đại, mà đỉnh cao là Nguyễn Du. Ở Nguyễn Du, ông vừa theo vừa phá vỡ nhịp cơ bản 2/2 đó. Phá nhịp đôi thành 3/3, 4/4, 1/5… Ông đưa vào lục bát các phép đối, đối xứng… Ông xây dựng lục bát trên cơ sở chữ Hòa: hòa giữa nôm na – bác học. Về mặt tư tưởng, có liên quan đến sự hài hòa của tam giáo đồng nguyên. Phan Ngọc cho thơ lục bát Nguyễn Du đã thành cổ điển, tất cả ai làm lục bát đều theo mã Nguyễn Du. Nguyễn Khuyến cũng rất giỏi tiếng Việt thế nhưng do cần phải tránh mã Nguyễn Du, nên rất ít làm thơ lục bát.
Muốn mã lục bát thay đổi thì thời đại thay đổi. Thời đại thay đổi lục bát phải tương thích. Người viết lục bát là phải có tài và nắm được tinh thần thời đại thì mới có khả năng tạo ra mã mới. Cho nên Tản Đà là người đã có khả năng chuyển mã để tạo ra mã lục bát thứ ba là mã lục bát hiện đại. Thời Thơ mới, có hai mã: hiện đại mang tính bác học (Huy Cận), và dân gian (Nguyễn Bính).
Sang đến hôm nay, các nhà thơ lục bát đa số mang mã dân gian: Đồng Đức Bốn, Nguyễn Duy… Thay đổi lớn nhất về thơ lục bát là thay đổi về mặt thị giác: nhiều dòng, thơ cụ thể (xếp hình). Nếu lục bát trung đại coi trọng chữ Hòa thì lục bát hiện đại là “bất hài hòa”. Nó đang đi tìm sự hài hòa mới, khi nào tìm được nó sẽ lại kết thúc để lại đi tìm mô hình khác thay thế…Về các mô hình, có thể thay đổi, phá bỏ, xây dựng mô hình khác, liên tục.
GS. Trần Đình Sử nêu một ý kiến rất đáng chú ý. Ông cho rằng giới nghiên cứu về thơ lục bát ở ta chưa có ý thức phân biệt giữa “thể thơ lục bát” và “thơ lục bát”.
Khi nói về thơ lục bát, ta hiểu đó là thơ lục bát trữ tình. Còn thể thơ lục bát nó có thể để vè, để kể, để tuyên truyền. Thơ lục bát thì sánh ngang với các thể khác như thơ Đường chẳng hạn. Thơ lục bát đương đại không theo lối truyện thơ. Tôi e là không có trường ca lục bát. Trường ca thường là có sự phối xen của nhiều thể thơ.
Vậy thơ lục bát trữ tình ra đời khi nào? Lê Đức Mao thế kỷ XV. Vào lúc ấy, thơ lục bát, song thất lục bát, hát nói đang nguyên hợp, mãi sau mới tách ra.
Trăm năm sau (đầu XVII), người ta chưa biết vận dụng thơ lục bát để kể chuyện. Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 mới có Truyện Kiều. Nguyễn Du không dùng thơ lục bát để làm thơ trữ tình, ông chỉ biết lục bát để kể chuyện; ông làm thơ trữ tình bằng chữ Hán. Hồ Xuân Hương không có thơ lục bát. Nguyễn Công Trứ chỉ có bài Vịnh cây thông. Nguyễn Khuyến, Tú Xương viết rất ít lục bát. Tú Xương chỉ có Sông Lấp. Đầu thế kỷ 20 thể thơ trữ tình mới sử dụng thơ lục bát. Tản Đà có hai thể lục bát: thứ nhất, lục bát trường thiên (du ký, chứ không phải trữ tình; bài Non nước lại nằm trong tác phẩm tự sự, liên châu, do nhiều người viết ra); thứ hai, ông làm câu lục bát ngắn như một thể thơ tự do phóng khoáng hơn về mặt tư tưởng.
Vậy thơ lục bát trữ tình lần đầu tiên xuất hiện là ở Tản Đà, sau đó là Á Nam Trần Tuấn Khải.
Như vậy, thơ lục bát như một thể thơ xuất hiện thế kỷ 16. Đầu 20 mới có thơ trữ tình lục bát, nhưng dẫu sao vẫn cổ. Phải đến Nguyễn Bính, Huy Cận… mới có được thơ trữ tình lục bát. Điều đặc biệt trong Thơ mới, lục bát có vị trí vững chắc để trở thành thơ lục bát trữ tình. Hiện nay lục bát kế thừa lục bát trữ tình Thơ mới.
Muốn nhận diện lục bát đương đại phải đối lập với cái trước đó. Cho nên, phải quan tâm tới thi pháp, cách tư duy, tư tưởng của nó mới nhận diện được.
Cũng trên tinh thần nhận thức lại/thêm về thể thơ lục bát dưới góc nhìn lịch sử và thi pháp thể loại, PGS. La Khắc Hòa đặt vấn đề: Thơ lục bát ở đâu mà ra? Ông cho rằng dựa vào kết cấu thơ lục bát, âm luật và vần luật có nguyên tắc, nhưng thơ lục bát tuân theo nguyên tắc hồi hoàn vần, nên làm cho văn bản kéo dài đến vô cùng. Nhưng kéo dài văn bản thì phải mở rộng nghĩa. Lục bát vận dụng nguyên tắc lũy tích nghĩa của đồng dao. Nhưng ý kiến này của tôi cũng chỉ là phỏng đoán.
Hội thảo, mục đích chính của nó là nghiên cứu lục bát chứ không phải để vinh danh lục bát. Thế nên, chúng ta cũng phải trả lời câu hỏi: Thơ lục bát vận động thế nào?
Hiện nay có quá trình rút lui của lục bát, chứ không bung ra. Nó được trọng dụng và đắc dụng vào thế kỷ 18, nó chuyển từ thịnh thời sang mạt thế: thời đại mang tinh thần thi ca nhường chỗ cho thời đại mang tinh thần văn xuôi. Tự sự lúc bấy giờ viết bằng chữ Hán. Thơ lúc bấy giờ gánh lấy việc của văn xuôi để biểu đạt đời sống thế tục (…). Câu lục bát là đơn vị của thơ, có lúc gánh nhiệm vụ của văn xuôi. Sau này, khi văn xuôi hiện đại ra đời, ngâm khúc và câu thơ lục bát hết vai trò của nó, nó di chuyển vào ý thức siêu cá thể: Tản Đà, Huy Cận… Cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình bộc lộ trực tiếp, đến lúc này mới có.
Xét về công năng: lục bát đã đi từ ngâm, rồi đến truyện thơ, cuối cùng là trữ tình siêu cá thể.
Nêu mô tả sự vận động lục bát theo phong cách, trên cơ sở lý thuyết của B. Eikhenbaum nghiên cứu về nhạc điệu câu thơ Nga (GS. Trần Đình Sử ứng dụng trong nghiên cứu thơ Tố Hữu) thì ta thấy: câu thơ khởi đầu là điệu ca (hát cửa đình) – điệu ngâm (đọc một cách trịnh trọng) – điệu nói (mỗi câu thơ có từ đánh dấu giọng; khi nói cái cú pháp giọng át cú pháp logic). Theo đó, thơ không còn diễn đạt cái trinh trọng nữa. Nguyễn Duy có chỗ “phá nát” thơ lục bát ra để chơi…
Đặt lục bát vào bối cảnh văn hóa của dân tộc, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đưa ra những nhận xét bước đầu có tính gợi ý nhưng khá thú vị. Ông nói: “Đi vào công năng lục bát, thể thơ này đại diện một cách xuất sắc cho Văn hóa Việt. Thứ nhất: người Việt trọng lệ mà chưa/không trọng luật. Lục bát tuân thủ lệ, tức là theo quy ước, theo thói quen. Các thơ khác có luật. Lục bát chỉ có lệ, lệ chính là ứng xử văn hóa Việt.
Thứ 2: lục bát giống văn hóa một cách kỳ lạ, nó vận động từ tối thiểu đến tối đa: số lượng từ 2 câu trong ca dao đến 8316 câu trong Thiên nam ngữ lục.
Thứ 3 là về nhịp, nhịp lục bát cơ bản 2/2. Ấy thế mà từ đó truyện Kiều có mấy trăm loại nhịp khác nhau. Thứ 4, vần lục bát chỉ có một loại cơ bản là vần bằng. Nhờ cơ chế bện thừng của nó, nó sẵn sàng khai thác kho vần một cách vô tận. Thứ 6, vấn đề đối xứng: 4 tình thế đối xứng ở câu sáu; 8 tình thế ở câu 8. Từ đó nó có vô vàn đối xứng. Nó là nghệ thuật, nhận thức, là tồn tại của vũ trụ. Thứ 7, về luật hài thanh, có trắc và bằng. Nhưng lục bát thì rất lạ: có thể 6 chữ bằng câu 6, 7 chữ của câu 8 đều là vần bằng. Tất cả rơi vào tình thế của lệ, tùy biến, chứ không phải là luật.
Thứ 8, lục bát bao gồm tất cả các phương thức: tự sự, trữ tình, kịch. Thứ 9, lục bát có ở trong tất cả dân ca người Việt, có đến 80%. Hò Lệ Thủy – Quảng Bình chỉ có lục bát và song thất lục bát.
Thứ 9, về khả năng biểu cảm thảm mỹ: lục bát có sự nhịp nhàng, sự xô lệch… tạo nên vô vàn mỹ cảm khác nhau.
Thứ 10, về sự trường tồn của lục bát, có từ thời cụ Nguyễn Trãi, mà vẫn cứ biến hóa đến tận hôm nay, mãi mãi. Thứ 11, thơ lục bát có thể dùng để dịch bất cứ thơ của ngôn ngữ nào.
Và cuối cùng, thị trường cho lục bát là vô cùng mênh mông. Xin lấy một ví dụ, hiện nay phong trào phục dựng, phát triển lễ Tết lễ hội là rất mạnh, bà con có nhu cầu hát. Các nhà thơ chuyên nghiệp có thể giúp họ phần thơ lục bát để họ hát. Tôi viết quanh năm không đủ cho các biểu diễn. Lục bát tự xé mình ra từng mảnh để hiến mình cho lễ hội…
Tôi đi Đà Nẵng thấy các bà tập thể dục toàn mở nhạc Tàu, tôi cảm thấy nhục. Tại sao ta có mà lại phải theo họ? Có một nhóm nhảy mở nhạc Hồng Kông. Tôi nghĩ cách, lấy lục bát để phổ vào dân ca của mình để thay thế cái bản nhạc Hồng Kông kia. Cuối cùng tôi thắng, đẩy bài Hồng Kong kia ra, đưa hò khoan vào lục bát vào. Đó, lục bát đã góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc.
Trong tư cách một chuyên gia, PGS. Phan Diễm Phương là người đã viết nhiều công trình nghiên cứu về thơ lục bát và song thất lục bát. Bà nói rằng nếu ai quan tâm, xin hãy đọc các công trình của bà. Tuy nhiên bà muốn khẳng định: Thơ lục bát là thể thơ cách luật, mà là âm luật. Nó có nguyên tắc của nó. Nếu phá (cách tân – VG) đến đâu đi nữa vẫn cứ phải tuân thủ nguyên tắc. Nếu không thì không còn thơ lục bát nữa. Tôi yêu và hàm ơn thế hệ các nhà thơ Việt Nam đã xây dựng và sáng tạo thể thơ này. Ở Việt Nam mình có 4 thể thơ là sáng tạo của dân tộc: lục bát, song thất lục bát, thơ hát nói, thơ tám chữ; đó là những thứ đặc sắc của Việt Nam.
Trong phần còn lại của bản lược thuật này, chúng tôi xin gộp hai chủ đề dưới đây đã được trình bày trong Hội thảo làm một vấn đề chung: Nhận diện đặc điểm nổi bật thơ lục bát đương đại đối với một số trường hợp: trong nước và hải ngoại, và những thủ pháp làm mới thơ lục bát hiện nay.
Nhà nghiên cứu phê bình Phạm Xuân Nguyên lên tiếng cho rằng chủ đề Hội thảo nhấn mạnh vào thực thể là “thơ lục bát đương đại”, nên chúng ta cần đi ngay vào các trường hợp để trả lời xem họ đang thế nào, Nguyễn Bảo Sinh thế nào, Nguyễn Phúc Lộc Thành… thế nào? Chứ phần lớn các ý kiến từ đầu đến giờ ta đang đi lùi.
Tôi cho rằng, bây giờ không có lục bát biến thể nữa. Cái làm mới đầu tiên của thơ lục bát là phá vỡ chịp chẵn đều đều của nó. Nguyễn Việt Chiến ngắt câu bằng dấu chấm. Tương tự cái này thì nhà thơ Du Tử Lê đã ngăn cách các chữ trên dòng thơ bằng các gạch chéo… Nó nhấn vào nhịp, góp phần tạo nghĩa. Nó cũng đưa lại ấn tượng thị giác. Có một cách làm mới mà các vị sáng tác nên tham khảo: kết hợp thể thức của một số thể thơ của nước ngoài với lục bát Việt. Trên tinh thần đó, Nguyễn Trọng Tạo đã viết Sonnet buồn (bao gồm 3 khổ 4 câu, 2 khổ tiếp 2 câu. Đây là một sáng tạo riêng của Nguyễn Trọng Tạo. Hay trường hợp nhà thơ Nhật Chiêu, đã kết hợp thơ lục bát với thơ Haiku Nhật Bản, cũng thấy được.
Tiếp liền là tham luận của TS. Nguyễn Thị Tính (ĐH Sư phạm Hà Nội 2) trình bày tham luận: “Duyên tình thơ đôi đồng phương, một haiku một lục bát của Nhật Chiêu”. Tham luận cho biết nhà thơ Nhật Chiêu đã viết 95 bài theo kiểu này và đã đăng trên mạng xã hội. Đây là một cách mở rộng khả năng sáng tạo của thơ lục bát. Thơ Haiku vốn chỉ có 17 âm tiết được ngắt ra làm 3 dòng (5+7+5). Khi đi vào thơ của Nhật Chiêu thì ba câu Haiku nằm ở phần trên của bài, sau đó kết bằng một cặp câu lục bát đặt ở phần dưới/kết, vần cuối của câu Haiku bắt vần với chữ cuối của câu sáu trong lục bát. Khi định dạng một bài thơ như vậy, nhìn về mặt thị giác, bài thơ giống hình một ngọn núi, có chân và đỉnh; hoặc như một phối cảnh sơn thủy hữu tình; hoặc cũng có thể như những song trùng kết hợp (cây, hoa, núi, sông…). Dạng thơ kết hợp này chính là một hình thức kết hợp âm /dương (tính âm của lục bát, tính dương của Haiku) trong văn hóa phương Đông. TS. Nguyễn Thị Tính khẳng định: dạng thơ kết hợp này của Nhật Chiêu, ở những tác phẩm thành công nhất đã tạo nên những nét duyên tình thú vị: thứ nhất là duyên tình về cái đẹp tình yêu, vừa có cái tinh tế, trang nhã, lại vừa có cái đẹp của sex rất táo bạo; thứ hai, loại thơ này cho phép người tiếp nhận đọc theo cách liên văn bản, giúp độc giả thoải mái đồng sáng tạo. Sáng tác độc đáo này của Nhật Chiêu khẳng định hình thức chơi thơ tài hoa và độc đáo của nhà thơ.
PGS. TS. Hỏa Diệu Thúy đã trình bày tham luận Thơ lục bát đương đại nhìn từ thi pháp thể loại. Đây là một tham luận được chị thực hiện cùng với nghiên cứu sinh của mình: Nguyễn Thị Dịu. Tham luận cho rằng hiện này các cây bút lục bát có hai xu hướng sáng tác: 1) Phỏng lại cái đã có trong khuôn khổ: thi liệu quen thuộc; tuân thủ vần, nhịp truyền thống; ở vài trường hợp thêm giọng giễu nhại (Mai Văn Phấn, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Bảo Sinh, Trương Nam Hương); 2) xu hướng cách tân: lạ hóa thi liệu, lạ hóa cấu trúc bài thơ, nhịp thơ (Nguyễn Duy, một phần Bảo Sinh, Nguyễn Thế Hoàng Linh). Theo tác giả tham luận, nhìn chung thơ lục bát hiện nay mới đang có những tác phẩm đạt được cái lạ hóa chứ chưa thực sự có cách tân.
Tác giả Vi Thùy Linh (một nghiên cứu sinh của Đại học Sư phạm Hà Nội, chứ không phải là nhà thơ Vi Thùy Linh – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) mang đến Hội thảo bằng tham luận: Giọng hài hước trong thơ lục bát thế kỷ 21 (qua sáng tác của Văn Thùy, Bảo Sinh, Nguyễn Thế Hoàng Linh). Cô cho rằng thơ lục bát hiện nay có hai kiểu giọng: Giọng nghiêm trang và giọng phi nghiêm trang; trong giọng phi nghiêm trang lại có giọng hài hước bên cạnh giọng châm biếm. Sau khi luận về cơ sở hình thành giọng hài hước, tham luận chỉ ra những biểu hiện của giọng hài hước. Đối với Văn Thùy, giọng hài hước đặt vào tình duyên; ở Bảo Sinh thì nhà thơ lại đặt hài hước vào những mặt trái của đời sống; còn đối với Nguyễn Thế Hoàng Linh, anh đặt tiếng cười hài hước trước những sinh hoạt thường nhật. Riêng về phương thức biểu hiện của mỗi tác giả tuy có khác nhau, nhưng họ đều gặp nhau mấy điểm: đều cách tân ngôn ngữ (theo lối khẩu ngữ, ngôn ngữ mạng…), đặc biệt là sự lên ngôi điệu nói.
Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền không kịp viết tham luận, anh nói trực tiếp. Anh không nói đến cái hay, cái ưu thế của lục bát, mà anh chỉ nói đến cái oái ăm của nó: “Tôi thấy Việt Nam mình chả có gì thật sự đáng kể để đóng góp cho thế giới, chỉ có tí lục bát. Mà lục bát thì rất nhiều bài dở, do là ai cũng làm. Lục bát cứ bùng nhùng, không bứt hẳn lên được. Nên các nhà thơ ngại viết lục bát. Họ nghĩ, thôi thì cứ làm cái tự do, viết ngắn dài, bùng nhùng thế nào cũng được, người ta đọc lại bảo đấy là thơ đổi mới… Tôi nghĩ, cái hay của lục bát là cái hay một cách vu vơ: Nguyễn Bính chẳng hạn, rất vu vơ… “Anh đi đấy anh về đâu/Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm”… Lục bát Phạm Công Trứ hay một cách rất tự nhiên, nhuần nhuyễn, bất ngờ. Theo tôi, thơ lục bát muốn hay, phải đạt được ba phẩm chất: tình sâu, ý hiếm, cách lạ.”
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong vai trò thành viên Ban điều hành Hội thảo có ý kiến cho rằng: Muốn nói gì thì nói, cái quan trọng nhất, căn cốt nhất là mỗi nhà thơ lục bát là phải có bài thơ hay. Cách tân không chỉ thay đổi cấu trúc, mà phải đưa được đời sống vào thơ trong một trường mỹ cảm riêng, thỏa mãn nhu cầu của người sáng tạo và công chúng… Ông đọc bài thơ lục bát có nhan đề “Đấu bò tót”, nói rằng đây là một thể nghiệm lục bát mới nhất của ông.
Ý kiến phát biểu cuối cùng là của TS. Nguyễn Thanh Tâm đến từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh cho rằng vấn đề cách tân liên quan mật thiết đến việc nhà thơ khi sáng tác đã lựa chọn cái gì, loại bỏ cái gì. Có những cái nói ra chưa chắc đã là quan trọng, mà có khi ở cái chưa nói ra… Sự lựa chọn của thơ cần những cái hay nhất, đẹp nhất, đúng nhất… Trên thực tế, có những lựa chọn không đúng mình (nói dối, nói điều mà mình không thích, nói những điều không đúng với mình…). Cho nên để đổi mới thơ lục bát rất cần sự thành thật với chính mình, và sự can đảm.
***
Hội thảo diễn ra trong khung khổ một buổi sáng (8.30-12g00), nên còn khá nhiều các tham luận không có cơ hội được trình bày và và một số cử tọa không kịp phát biểu.
Đặc biệt, chúng tôi xin dẫn ra một số tham luận dưới đây, mà tác giả của chúng ở xa không có mặt được, hoặc không có cơ hội trình bày (các tham luận này, chúng tôi sẽ tiến hành hoàn thiện lần cuối để in và phát hành, dự kiến cuối quý 1/2021): TS. Đoàn Minh Tâm: Một vài khuynh hướng nghiên cứu thơ lục bát; PGS. TS. Lê Dục Tú: Thơ lục bát Việt Nam đương đại – những cách tân nhìn từ truyền thống; PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn: Nguyễn Phúc Lộc Thành và Giấc mơ sông Thương; Mai Văn Phấn: Thơ lục bát của hai nữ sĩ đất Cảng; Đỗ Trọng Khơi: Nghệ thuật sáu và tám; TS. Nguyễn Mạnh Quỳnh: Tiếng lòng trong thơ Trần Xuân Trường; Nguyễn Thế Kiên: Lục bát Khúc Hồng Thiện: từ Chênh chao tích chèo đến Cùng nhau nhân từ; TS. Trần Xuân Toàn: Thơ lục bát, điệu hồn dân tộc. Chúng tôi đặc biệt trân trọng khi nhận được bài tham luận gửi tới Hội thảo của nhà thơ Nguyễn Hàn Chung (hiện đang sống và viết tại Mỹ), và bài viết của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (hiện sống và viết tại Canada) – mới được treo trên FB cá nhân, anh cho phép đưa về góp tiếng nói tham dự Hội thảo. Trong bài viết Những tác giả cách tân thơ lục bát ngoài nước Việt, tác giả Nguyễn Hàn Chung đã điểm danh các cây bút lục bát có nhiều thành tựu và có ý thức làm mới thơ lục bát: Cung Trầm Tưởng, Viên Linh, Du Tử Lê, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn. Tuy bài viết chưa có điều kiện phân tích sâu và khái quát lớn về những cách tân thơ lục bát của các nhà thơ kể trên, nhưng cũng có giá trị gợi ý cho bạn đọc trong nước và những ai quan tâm tìm đến và nghiên cứu. Trong bài viết, ông dành ít dòng ở phần cuối cùng nói về thơ lục bát của chính mình (gần đây ông đã công bố tập thơ lục bát có tên Lục bát tản thần với khá nhiều tìm tòi đặc sắc). Tác giả bài viết có lời phi lộ: “Thật ra, ở hải ngoại còn nhiều tác giả làm thơ lục bát, nhưng họ thỉnh thoảng chỉ viết đôi ba bài và không chủ trương cách tân thơ lục bát, nên người viết bài này không trích dẫn. Họ có thể là những nhà thơ tài hoa khi sử dụng nhiều thể loại thơ hiện đại hơn, nhưng ở thơ lục bát thì tôi chưa cảm nhận được. Hơn nữa, thời gian và dung lượng bài viết không cho phép nên chỉ giới thiệu một số tác giả ở trên với bạn đọc trong nước”.
Tác giả Nguyễn Đức Tùng có bài viết Huy Tưởng, lục bát, nhận định và đánh giá những nét đặc sắc và giá trị của thơ lục bát Huy Tưởng qua cách ông lựa chọn và phân tích 9 bài thơ tiêu biểu. Nguyễn Đức Tùng là người viết nhiều về thơ, nhất là công trình Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại, trong đó có bài viết về thơ của tác giả Nguyễn Hàn Chung vừa nói ở trên. Anh cũng là người có bài phỏng vấn dạng trò chuyện khá thú vị với nhà thơ trẻ Nguyễn Thế Hoàng Linh, in trong cuốn Thơ đến từ đâu (Nxb Lao động, 2009), trong đó bạn đọc thấy được nhiều quan niệm thú vị về thơ và thơ lục bát của Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Một hội thảo diễn ra trong mùa chạy Covid-19, thấp thỏm Covid-19, khó có thể quy tụ được đông đảo các nhà khoa học văn học, các nhà sáng tác và những người quan tâm tham gia viết bài và có mặt tham dự. Thêm nữa, không có một hội thảo nào có thể giải quyết xong xuôi các vấn đề mà mục đích hội thảo đề ra. Chúng tôi quan niệm rằng, hội thảo chỉ là nơi nêu lên và cọ xát các ý tưởng, kích hoạt các ý tưởng để tất cả cùng nghĩ tiếp, cùng sáng tạo. Với một tinh thần như vậy, thiết nghĩ, hội thảo của chúng tôi cũng đã đạt được thành công nhất định. Một Kỷ yếu dày dặn chắc chắn sẽ ra mắt bạn đọc sớm, hy vọng đáp ứng được phần nào những kỳ vọng của những ai quan tâm về thơ lục bát Việt Nam hiện nay.
***
Tôi, người thực hiện bản lược thuật Hội thảo này, cũng có một tham luận mang tên Một số nhận diện, định danh thể thơ lục bát hiện/đương đại (nhưng không trình bày, vì khoa chúng tôi trong các kỳ cuộc hội thảo, luôn dặn nhau “nhịn miệng đãi khách”), sau khi điểm duyệt và một số phân tích về cái cách mà các nhà nghiên cứu phê bình, các nhà thơ gọi tên, định danh thơ lục bát với các kiểu/dạng thơ thuộc về tác phẩm và tác giả, tôi có mấy lời kết trong đó, và cũng xin được trích ra đây xem như là phần kết của bài lược thuật:
“Tất cả những nhận diện, định danh trên (của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, các tác giả khác – VG) xuất phát từ nhiều cái nhìn, nhiều quan điểm, nhiều tầm mức khác nhau, và không trên cùng hệ thống. Cho nên, trước khi xác lập giá trị, hãy xem các định danh này là những ý kiến khác biệt hoặc tương cận, có giá trị tham khảo, chứ chưa thể là những xác quyết. Ví dụ, khi chính nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh không nhận mình là “nhà thơ dân gian” (như cách nói của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) mà phải là “nhà thơ bác học mượn hình thức diễn đạt dân gian” thì cũng cần phải được bình tĩnh phản tư. Chắc gì là nhà thơ dân gian hay nhà thơ bác học đã hơn hay kém nhau? Việc liệt kê trên kia của chúng tôi cũng có ý nghĩa chỉ chỗ cho những ai muốn tiến hành một lịch sử vấn đề nghiên cứu nếu thấy cần thiết.
Các kiểu/dạng/hình thái lục bát trên kia ở Việt Nam đều tồn tại theo hướng đồng tồn, nghĩa là cùng lúc có mặt, chứ không tuyến tính. Tuy nhiên, để làm nên những dấu mốc riêng, độc đáo, chắc chắn phải biết vượt qua những phép tắc, mô hình đã có để tạo ra những mô hình mới, tiếp đó cái mô hình mới này dần lại bị hóa thạch và cần một mô hình khác thay thế, và cứ thế, mãi mãi. Hiện nay, một trong những cách để làm khác/mới thơ lục bát chính là cách nỗ lực bước sang hệ hình của tư duy thơ hậu hiện đại với một tinh thần tự do, khai phóng, không cố chấp, luôn luôn trạng thái mở, đang là… Trong mô hình hậu hiện đại, lại có tinh thần trò chơi ngôn ngữ như một gợi ý. Tuy nhiên, để thủ đắc được tinh thần này và biến nó thành một thực hành độc đáo thì phải cần rất nhiều điều kiện, trước nhất là tinh thần tự do cá nhân mạnh mẽ trong sáng tạo, một ý thức triết – mỹ học đủ mạnh.
Do thể lục bát vừa quen vừa lạ, quen ở thể thức, lạ ở sáng tạo độc sáng, nên nhiều người viết không thấy được thử thách chết người của thể thơ này: ai cũng có thể bẻ vần làm ra một câu lục bát, nhưng không phải bao giờ cũng thành thơ, và không phải bao giờ cũng là thơ có giá trị. Cho nên, ý thức đầu tầu (tiên phong) của những nhà thơ hằng tâm niệm “sống thơ lục bát” rất nên biết tiết chế, có kỷ luật, không theo kiểu tiện miệng bạ đâu cũng bẻ vần bẻ vè để rồi làm mồi cho truyền thông, bị truyền thông loan ra làm cho thơ lục bát mất mặt. Chính những người chuyên lục bát có khi lại rẻ rúng hoặc làm hỏng lục bát. Thơ là hoa của chúng sinh. Hiện nay, nói riêng trong khu vực lục bát, có sự lẫn lộn giữa hoa và rác. Hoa dẫu nhiều cũng chẳng mấy được ghi nhận, nhưng thói thường rác dù có ít thì vẫn bị ăn đòn. Tuy nhiên, để chỉ ra đâu là hoa là rác, cũng không hẳn lúc nào cũng dễ dàng. Lại phải tùy vào cách đọc dựa trên tri kiến, dựa vào độ tinh nhạy thẩm mỹ… Cho nên, không thể nào khác, người làm thơ lục bát, cả người đọc lục bát không ngừng nâng cao văn hóa thơ, không biết khi nào là đủ mới hy vọng có sự tiến bộ”.
Hà Nội, ngày Noel 25/12/2020
VG
http://vanviet.info/van-de-hom-nay/luoc-thuat-hoi-thao-tho-luc-bt-viet-nam-duong-dai/
Sau lời phát biểu chào mừng của TS. Đỗ Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Viết văn – Báo chí –, là báo cáo Đề dẫn do TS. Mai Anh Tuấn (Chủ nhiệm bộ môn Viết văn) trình bày. Báo cáo đề dẫn cho biết đã nhận được hơn 20 tham luận gửi đến Hội thảo từ trong nước và cả ở nước ngoài (Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Hàn Chung). Hội thảo tập trung vào ba vấn đề chính:
+ Nhận thức lại về đặc tính thơ lục bát và các hướng tiếp nhận.
+ Nhận diện đặc điểm nổi bật và một số trường hợp: trong nước và hải ngoại.
+ Những thủ pháp làm mới thơ lục bát hiện nay.
Về vấn đề thứ nhất, một số ý kiến tập trung nhận diện, khái quát thơ lục bát Việt Nam dưới góc nhìn thể loại trong sự tương tác với bối cảnh văn học và văn hóa Việt Nam.
PGS. Đỗ Lai Thúy cho rằng lục bát có cái mã của nó, mà người nghiên cứu phải có nhiệm vụ thám mã. Về cơ bản hiện nay có ba mã lục bát: Thứ nhất, mã lục bát dân gian (cơ bản): vần, nhịp 2 là nhịp cơ bản của văn hóa Việt tâm thức Việt, nó đi ra từ cầu cúng tâm linh… Đã từng có những lý giải lục bát xuất phát từ lao động. Nếu điều này đúng, nó chỉ có ý nghĩa phái sinh, chứ gốc gác của nó phải đi từ hoạt động tâm linh của con người.
Thứ hai, mã lục bát trung đại, mà đỉnh cao là Nguyễn Du. Ở Nguyễn Du, ông vừa theo vừa phá vỡ nhịp cơ bản 2/2 đó. Phá nhịp đôi thành 3/3, 4/4, 1/5… Ông đưa vào lục bát các phép đối, đối xứng… Ông xây dựng lục bát trên cơ sở chữ Hòa: hòa giữa nôm na – bác học. Về mặt tư tưởng, có liên quan đến sự hài hòa của tam giáo đồng nguyên. Phan Ngọc cho thơ lục bát Nguyễn Du đã thành cổ điển, tất cả ai làm lục bát đều theo mã Nguyễn Du. Nguyễn Khuyến cũng rất giỏi tiếng Việt thế nhưng do cần phải tránh mã Nguyễn Du, nên rất ít làm thơ lục bát.
Muốn mã lục bát thay đổi thì thời đại thay đổi. Thời đại thay đổi lục bát phải tương thích. Người viết lục bát là phải có tài và nắm được tinh thần thời đại thì mới có khả năng tạo ra mã mới. Cho nên Tản Đà là người đã có khả năng chuyển mã để tạo ra mã lục bát thứ ba là mã lục bát hiện đại. Thời Thơ mới, có hai mã: hiện đại mang tính bác học (Huy Cận), và dân gian (Nguyễn Bính).
Sang đến hôm nay, các nhà thơ lục bát đa số mang mã dân gian: Đồng Đức Bốn, Nguyễn Duy… Thay đổi lớn nhất về thơ lục bát là thay đổi về mặt thị giác: nhiều dòng, thơ cụ thể (xếp hình). Nếu lục bát trung đại coi trọng chữ Hòa thì lục bát hiện đại là “bất hài hòa”. Nó đang đi tìm sự hài hòa mới, khi nào tìm được nó sẽ lại kết thúc để lại đi tìm mô hình khác thay thế…Về các mô hình, có thể thay đổi, phá bỏ, xây dựng mô hình khác, liên tục.
GS. Trần Đình Sử nêu một ý kiến rất đáng chú ý. Ông cho rằng giới nghiên cứu về thơ lục bát ở ta chưa có ý thức phân biệt giữa “thể thơ lục bát” và “thơ lục bát”.
Khi nói về thơ lục bát, ta hiểu đó là thơ lục bát trữ tình. Còn thể thơ lục bát nó có thể để vè, để kể, để tuyên truyền. Thơ lục bát thì sánh ngang với các thể khác như thơ Đường chẳng hạn. Thơ lục bát đương đại không theo lối truyện thơ. Tôi e là không có trường ca lục bát. Trường ca thường là có sự phối xen của nhiều thể thơ.
Vậy thơ lục bát trữ tình ra đời khi nào? Lê Đức Mao thế kỷ XV. Vào lúc ấy, thơ lục bát, song thất lục bát, hát nói đang nguyên hợp, mãi sau mới tách ra.
Trăm năm sau (đầu XVII), người ta chưa biết vận dụng thơ lục bát để kể chuyện. Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 mới có Truyện Kiều. Nguyễn Du không dùng thơ lục bát để làm thơ trữ tình, ông chỉ biết lục bát để kể chuyện; ông làm thơ trữ tình bằng chữ Hán. Hồ Xuân Hương không có thơ lục bát. Nguyễn Công Trứ chỉ có bài Vịnh cây thông. Nguyễn Khuyến, Tú Xương viết rất ít lục bát. Tú Xương chỉ có Sông Lấp. Đầu thế kỷ 20 thể thơ trữ tình mới sử dụng thơ lục bát. Tản Đà có hai thể lục bát: thứ nhất, lục bát trường thiên (du ký, chứ không phải trữ tình; bài Non nước lại nằm trong tác phẩm tự sự, liên châu, do nhiều người viết ra); thứ hai, ông làm câu lục bát ngắn như một thể thơ tự do phóng khoáng hơn về mặt tư tưởng.
Vậy thơ lục bát trữ tình lần đầu tiên xuất hiện là ở Tản Đà, sau đó là Á Nam Trần Tuấn Khải.
Như vậy, thơ lục bát như một thể thơ xuất hiện thế kỷ 16. Đầu 20 mới có thơ trữ tình lục bát, nhưng dẫu sao vẫn cổ. Phải đến Nguyễn Bính, Huy Cận… mới có được thơ trữ tình lục bát. Điều đặc biệt trong Thơ mới, lục bát có vị trí vững chắc để trở thành thơ lục bát trữ tình. Hiện nay lục bát kế thừa lục bát trữ tình Thơ mới.
Muốn nhận diện lục bát đương đại phải đối lập với cái trước đó. Cho nên, phải quan tâm tới thi pháp, cách tư duy, tư tưởng của nó mới nhận diện được.
Cũng trên tinh thần nhận thức lại/thêm về thể thơ lục bát dưới góc nhìn lịch sử và thi pháp thể loại, PGS. La Khắc Hòa đặt vấn đề: Thơ lục bát ở đâu mà ra? Ông cho rằng dựa vào kết cấu thơ lục bát, âm luật và vần luật có nguyên tắc, nhưng thơ lục bát tuân theo nguyên tắc hồi hoàn vần, nên làm cho văn bản kéo dài đến vô cùng. Nhưng kéo dài văn bản thì phải mở rộng nghĩa. Lục bát vận dụng nguyên tắc lũy tích nghĩa của đồng dao. Nhưng ý kiến này của tôi cũng chỉ là phỏng đoán.
Hội thảo, mục đích chính của nó là nghiên cứu lục bát chứ không phải để vinh danh lục bát. Thế nên, chúng ta cũng phải trả lời câu hỏi: Thơ lục bát vận động thế nào?
Hiện nay có quá trình rút lui của lục bát, chứ không bung ra. Nó được trọng dụng và đắc dụng vào thế kỷ 18, nó chuyển từ thịnh thời sang mạt thế: thời đại mang tinh thần thi ca nhường chỗ cho thời đại mang tinh thần văn xuôi. Tự sự lúc bấy giờ viết bằng chữ Hán. Thơ lúc bấy giờ gánh lấy việc của văn xuôi để biểu đạt đời sống thế tục (…). Câu lục bát là đơn vị của thơ, có lúc gánh nhiệm vụ của văn xuôi. Sau này, khi văn xuôi hiện đại ra đời, ngâm khúc và câu thơ lục bát hết vai trò của nó, nó di chuyển vào ý thức siêu cá thể: Tản Đà, Huy Cận… Cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình bộc lộ trực tiếp, đến lúc này mới có.
Xét về công năng: lục bát đã đi từ ngâm, rồi đến truyện thơ, cuối cùng là trữ tình siêu cá thể.
Nêu mô tả sự vận động lục bát theo phong cách, trên cơ sở lý thuyết của B. Eikhenbaum nghiên cứu về nhạc điệu câu thơ Nga (GS. Trần Đình Sử ứng dụng trong nghiên cứu thơ Tố Hữu) thì ta thấy: câu thơ khởi đầu là điệu ca (hát cửa đình) – điệu ngâm (đọc một cách trịnh trọng) – điệu nói (mỗi câu thơ có từ đánh dấu giọng; khi nói cái cú pháp giọng át cú pháp logic). Theo đó, thơ không còn diễn đạt cái trinh trọng nữa. Nguyễn Duy có chỗ “phá nát” thơ lục bát ra để chơi…
Đặt lục bát vào bối cảnh văn hóa của dân tộc, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đưa ra những nhận xét bước đầu có tính gợi ý nhưng khá thú vị. Ông nói: “Đi vào công năng lục bát, thể thơ này đại diện một cách xuất sắc cho Văn hóa Việt. Thứ nhất: người Việt trọng lệ mà chưa/không trọng luật. Lục bát tuân thủ lệ, tức là theo quy ước, theo thói quen. Các thơ khác có luật. Lục bát chỉ có lệ, lệ chính là ứng xử văn hóa Việt.
Thứ 2: lục bát giống văn hóa một cách kỳ lạ, nó vận động từ tối thiểu đến tối đa: số lượng từ 2 câu trong ca dao đến 8316 câu trong Thiên nam ngữ lục.
Thứ 3 là về nhịp, nhịp lục bát cơ bản 2/2. Ấy thế mà từ đó truyện Kiều có mấy trăm loại nhịp khác nhau. Thứ 4, vần lục bát chỉ có một loại cơ bản là vần bằng. Nhờ cơ chế bện thừng của nó, nó sẵn sàng khai thác kho vần một cách vô tận. Thứ 6, vấn đề đối xứng: 4 tình thế đối xứng ở câu sáu; 8 tình thế ở câu 8. Từ đó nó có vô vàn đối xứng. Nó là nghệ thuật, nhận thức, là tồn tại của vũ trụ. Thứ 7, về luật hài thanh, có trắc và bằng. Nhưng lục bát thì rất lạ: có thể 6 chữ bằng câu 6, 7 chữ của câu 8 đều là vần bằng. Tất cả rơi vào tình thế của lệ, tùy biến, chứ không phải là luật.
Thứ 8, lục bát bao gồm tất cả các phương thức: tự sự, trữ tình, kịch. Thứ 9, lục bát có ở trong tất cả dân ca người Việt, có đến 80%. Hò Lệ Thủy – Quảng Bình chỉ có lục bát và song thất lục bát.
Thứ 9, về khả năng biểu cảm thảm mỹ: lục bát có sự nhịp nhàng, sự xô lệch… tạo nên vô vàn mỹ cảm khác nhau.
Thứ 10, về sự trường tồn của lục bát, có từ thời cụ Nguyễn Trãi, mà vẫn cứ biến hóa đến tận hôm nay, mãi mãi. Thứ 11, thơ lục bát có thể dùng để dịch bất cứ thơ của ngôn ngữ nào.
Và cuối cùng, thị trường cho lục bát là vô cùng mênh mông. Xin lấy một ví dụ, hiện nay phong trào phục dựng, phát triển lễ Tết lễ hội là rất mạnh, bà con có nhu cầu hát. Các nhà thơ chuyên nghiệp có thể giúp họ phần thơ lục bát để họ hát. Tôi viết quanh năm không đủ cho các biểu diễn. Lục bát tự xé mình ra từng mảnh để hiến mình cho lễ hội…
Tôi đi Đà Nẵng thấy các bà tập thể dục toàn mở nhạc Tàu, tôi cảm thấy nhục. Tại sao ta có mà lại phải theo họ? Có một nhóm nhảy mở nhạc Hồng Kông. Tôi nghĩ cách, lấy lục bát để phổ vào dân ca của mình để thay thế cái bản nhạc Hồng Kông kia. Cuối cùng tôi thắng, đẩy bài Hồng Kong kia ra, đưa hò khoan vào lục bát vào. Đó, lục bát đã góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc.
Trong tư cách một chuyên gia, PGS. Phan Diễm Phương là người đã viết nhiều công trình nghiên cứu về thơ lục bát và song thất lục bát. Bà nói rằng nếu ai quan tâm, xin hãy đọc các công trình của bà. Tuy nhiên bà muốn khẳng định: Thơ lục bát là thể thơ cách luật, mà là âm luật. Nó có nguyên tắc của nó. Nếu phá (cách tân – VG) đến đâu đi nữa vẫn cứ phải tuân thủ nguyên tắc. Nếu không thì không còn thơ lục bát nữa. Tôi yêu và hàm ơn thế hệ các nhà thơ Việt Nam đã xây dựng và sáng tạo thể thơ này. Ở Việt Nam mình có 4 thể thơ là sáng tạo của dân tộc: lục bát, song thất lục bát, thơ hát nói, thơ tám chữ; đó là những thứ đặc sắc của Việt Nam.
Trong phần còn lại của bản lược thuật này, chúng tôi xin gộp hai chủ đề dưới đây đã được trình bày trong Hội thảo làm một vấn đề chung: Nhận diện đặc điểm nổi bật thơ lục bát đương đại đối với một số trường hợp: trong nước và hải ngoại, và những thủ pháp làm mới thơ lục bát hiện nay.
Nhà nghiên cứu phê bình Phạm Xuân Nguyên lên tiếng cho rằng chủ đề Hội thảo nhấn mạnh vào thực thể là “thơ lục bát đương đại”, nên chúng ta cần đi ngay vào các trường hợp để trả lời xem họ đang thế nào, Nguyễn Bảo Sinh thế nào, Nguyễn Phúc Lộc Thành… thế nào? Chứ phần lớn các ý kiến từ đầu đến giờ ta đang đi lùi.
Tôi cho rằng, bây giờ không có lục bát biến thể nữa. Cái làm mới đầu tiên của thơ lục bát là phá vỡ chịp chẵn đều đều của nó. Nguyễn Việt Chiến ngắt câu bằng dấu chấm. Tương tự cái này thì nhà thơ Du Tử Lê đã ngăn cách các chữ trên dòng thơ bằng các gạch chéo… Nó nhấn vào nhịp, góp phần tạo nghĩa. Nó cũng đưa lại ấn tượng thị giác. Có một cách làm mới mà các vị sáng tác nên tham khảo: kết hợp thể thức của một số thể thơ của nước ngoài với lục bát Việt. Trên tinh thần đó, Nguyễn Trọng Tạo đã viết Sonnet buồn (bao gồm 3 khổ 4 câu, 2 khổ tiếp 2 câu. Đây là một sáng tạo riêng của Nguyễn Trọng Tạo. Hay trường hợp nhà thơ Nhật Chiêu, đã kết hợp thơ lục bát với thơ Haiku Nhật Bản, cũng thấy được.
Tiếp liền là tham luận của TS. Nguyễn Thị Tính (ĐH Sư phạm Hà Nội 2) trình bày tham luận: “Duyên tình thơ đôi đồng phương, một haiku một lục bát của Nhật Chiêu”. Tham luận cho biết nhà thơ Nhật Chiêu đã viết 95 bài theo kiểu này và đã đăng trên mạng xã hội. Đây là một cách mở rộng khả năng sáng tạo của thơ lục bát. Thơ Haiku vốn chỉ có 17 âm tiết được ngắt ra làm 3 dòng (5+7+5). Khi đi vào thơ của Nhật Chiêu thì ba câu Haiku nằm ở phần trên của bài, sau đó kết bằng một cặp câu lục bát đặt ở phần dưới/kết, vần cuối của câu Haiku bắt vần với chữ cuối của câu sáu trong lục bát. Khi định dạng một bài thơ như vậy, nhìn về mặt thị giác, bài thơ giống hình một ngọn núi, có chân và đỉnh; hoặc như một phối cảnh sơn thủy hữu tình; hoặc cũng có thể như những song trùng kết hợp (cây, hoa, núi, sông…). Dạng thơ kết hợp này chính là một hình thức kết hợp âm /dương (tính âm của lục bát, tính dương của Haiku) trong văn hóa phương Đông. TS. Nguyễn Thị Tính khẳng định: dạng thơ kết hợp này của Nhật Chiêu, ở những tác phẩm thành công nhất đã tạo nên những nét duyên tình thú vị: thứ nhất là duyên tình về cái đẹp tình yêu, vừa có cái tinh tế, trang nhã, lại vừa có cái đẹp của sex rất táo bạo; thứ hai, loại thơ này cho phép người tiếp nhận đọc theo cách liên văn bản, giúp độc giả thoải mái đồng sáng tạo. Sáng tác độc đáo này của Nhật Chiêu khẳng định hình thức chơi thơ tài hoa và độc đáo của nhà thơ.
PGS. TS. Hỏa Diệu Thúy đã trình bày tham luận Thơ lục bát đương đại nhìn từ thi pháp thể loại. Đây là một tham luận được chị thực hiện cùng với nghiên cứu sinh của mình: Nguyễn Thị Dịu. Tham luận cho rằng hiện này các cây bút lục bát có hai xu hướng sáng tác: 1) Phỏng lại cái đã có trong khuôn khổ: thi liệu quen thuộc; tuân thủ vần, nhịp truyền thống; ở vài trường hợp thêm giọng giễu nhại (Mai Văn Phấn, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Bảo Sinh, Trương Nam Hương); 2) xu hướng cách tân: lạ hóa thi liệu, lạ hóa cấu trúc bài thơ, nhịp thơ (Nguyễn Duy, một phần Bảo Sinh, Nguyễn Thế Hoàng Linh). Theo tác giả tham luận, nhìn chung thơ lục bát hiện nay mới đang có những tác phẩm đạt được cái lạ hóa chứ chưa thực sự có cách tân.
Tác giả Vi Thùy Linh (một nghiên cứu sinh của Đại học Sư phạm Hà Nội, chứ không phải là nhà thơ Vi Thùy Linh – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) mang đến Hội thảo bằng tham luận: Giọng hài hước trong thơ lục bát thế kỷ 21 (qua sáng tác của Văn Thùy, Bảo Sinh, Nguyễn Thế Hoàng Linh). Cô cho rằng thơ lục bát hiện nay có hai kiểu giọng: Giọng nghiêm trang và giọng phi nghiêm trang; trong giọng phi nghiêm trang lại có giọng hài hước bên cạnh giọng châm biếm. Sau khi luận về cơ sở hình thành giọng hài hước, tham luận chỉ ra những biểu hiện của giọng hài hước. Đối với Văn Thùy, giọng hài hước đặt vào tình duyên; ở Bảo Sinh thì nhà thơ lại đặt hài hước vào những mặt trái của đời sống; còn đối với Nguyễn Thế Hoàng Linh, anh đặt tiếng cười hài hước trước những sinh hoạt thường nhật. Riêng về phương thức biểu hiện của mỗi tác giả tuy có khác nhau, nhưng họ đều gặp nhau mấy điểm: đều cách tân ngôn ngữ (theo lối khẩu ngữ, ngôn ngữ mạng…), đặc biệt là sự lên ngôi điệu nói.
Nhà thơ Hoàng Xuân Tuyền không kịp viết tham luận, anh nói trực tiếp. Anh không nói đến cái hay, cái ưu thế của lục bát, mà anh chỉ nói đến cái oái ăm của nó: “Tôi thấy Việt Nam mình chả có gì thật sự đáng kể để đóng góp cho thế giới, chỉ có tí lục bát. Mà lục bát thì rất nhiều bài dở, do là ai cũng làm. Lục bát cứ bùng nhùng, không bứt hẳn lên được. Nên các nhà thơ ngại viết lục bát. Họ nghĩ, thôi thì cứ làm cái tự do, viết ngắn dài, bùng nhùng thế nào cũng được, người ta đọc lại bảo đấy là thơ đổi mới… Tôi nghĩ, cái hay của lục bát là cái hay một cách vu vơ: Nguyễn Bính chẳng hạn, rất vu vơ… “Anh đi đấy anh về đâu/Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm”… Lục bát Phạm Công Trứ hay một cách rất tự nhiên, nhuần nhuyễn, bất ngờ. Theo tôi, thơ lục bát muốn hay, phải đạt được ba phẩm chất: tình sâu, ý hiếm, cách lạ.”
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong vai trò thành viên Ban điều hành Hội thảo có ý kiến cho rằng: Muốn nói gì thì nói, cái quan trọng nhất, căn cốt nhất là mỗi nhà thơ lục bát là phải có bài thơ hay. Cách tân không chỉ thay đổi cấu trúc, mà phải đưa được đời sống vào thơ trong một trường mỹ cảm riêng, thỏa mãn nhu cầu của người sáng tạo và công chúng… Ông đọc bài thơ lục bát có nhan đề “Đấu bò tót”, nói rằng đây là một thể nghiệm lục bát mới nhất của ông.
Ý kiến phát biểu cuối cùng là của TS. Nguyễn Thanh Tâm đến từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh cho rằng vấn đề cách tân liên quan mật thiết đến việc nhà thơ khi sáng tác đã lựa chọn cái gì, loại bỏ cái gì. Có những cái nói ra chưa chắc đã là quan trọng, mà có khi ở cái chưa nói ra… Sự lựa chọn của thơ cần những cái hay nhất, đẹp nhất, đúng nhất… Trên thực tế, có những lựa chọn không đúng mình (nói dối, nói điều mà mình không thích, nói những điều không đúng với mình…). Cho nên để đổi mới thơ lục bát rất cần sự thành thật với chính mình, và sự can đảm.
***
Hội thảo diễn ra trong khung khổ một buổi sáng (8.30-12g00), nên còn khá nhiều các tham luận không có cơ hội được trình bày và và một số cử tọa không kịp phát biểu.
Đặc biệt, chúng tôi xin dẫn ra một số tham luận dưới đây, mà tác giả của chúng ở xa không có mặt được, hoặc không có cơ hội trình bày (các tham luận này, chúng tôi sẽ tiến hành hoàn thiện lần cuối để in và phát hành, dự kiến cuối quý 1/2021): TS. Đoàn Minh Tâm: Một vài khuynh hướng nghiên cứu thơ lục bát; PGS. TS. Lê Dục Tú: Thơ lục bát Việt Nam đương đại – những cách tân nhìn từ truyền thống; PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn: Nguyễn Phúc Lộc Thành và Giấc mơ sông Thương; Mai Văn Phấn: Thơ lục bát của hai nữ sĩ đất Cảng; Đỗ Trọng Khơi: Nghệ thuật sáu và tám; TS. Nguyễn Mạnh Quỳnh: Tiếng lòng trong thơ Trần Xuân Trường; Nguyễn Thế Kiên: Lục bát Khúc Hồng Thiện: từ Chênh chao tích chèo đến Cùng nhau nhân từ; TS. Trần Xuân Toàn: Thơ lục bát, điệu hồn dân tộc. Chúng tôi đặc biệt trân trọng khi nhận được bài tham luận gửi tới Hội thảo của nhà thơ Nguyễn Hàn Chung (hiện đang sống và viết tại Mỹ), và bài viết của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (hiện sống và viết tại Canada) – mới được treo trên FB cá nhân, anh cho phép đưa về góp tiếng nói tham dự Hội thảo. Trong bài viết Những tác giả cách tân thơ lục bát ngoài nước Việt, tác giả Nguyễn Hàn Chung đã điểm danh các cây bút lục bát có nhiều thành tựu và có ý thức làm mới thơ lục bát: Cung Trầm Tưởng, Viên Linh, Du Tử Lê, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn. Tuy bài viết chưa có điều kiện phân tích sâu và khái quát lớn về những cách tân thơ lục bát của các nhà thơ kể trên, nhưng cũng có giá trị gợi ý cho bạn đọc trong nước và những ai quan tâm tìm đến và nghiên cứu. Trong bài viết, ông dành ít dòng ở phần cuối cùng nói về thơ lục bát của chính mình (gần đây ông đã công bố tập thơ lục bát có tên Lục bát tản thần với khá nhiều tìm tòi đặc sắc). Tác giả bài viết có lời phi lộ: “Thật ra, ở hải ngoại còn nhiều tác giả làm thơ lục bát, nhưng họ thỉnh thoảng chỉ viết đôi ba bài và không chủ trương cách tân thơ lục bát, nên người viết bài này không trích dẫn. Họ có thể là những nhà thơ tài hoa khi sử dụng nhiều thể loại thơ hiện đại hơn, nhưng ở thơ lục bát thì tôi chưa cảm nhận được. Hơn nữa, thời gian và dung lượng bài viết không cho phép nên chỉ giới thiệu một số tác giả ở trên với bạn đọc trong nước”.
Tác giả Nguyễn Đức Tùng có bài viết Huy Tưởng, lục bát, nhận định và đánh giá những nét đặc sắc và giá trị của thơ lục bát Huy Tưởng qua cách ông lựa chọn và phân tích 9 bài thơ tiêu biểu. Nguyễn Đức Tùng là người viết nhiều về thơ, nhất là công trình Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại, trong đó có bài viết về thơ của tác giả Nguyễn Hàn Chung vừa nói ở trên. Anh cũng là người có bài phỏng vấn dạng trò chuyện khá thú vị với nhà thơ trẻ Nguyễn Thế Hoàng Linh, in trong cuốn Thơ đến từ đâu (Nxb Lao động, 2009), trong đó bạn đọc thấy được nhiều quan niệm thú vị về thơ và thơ lục bát của Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Một hội thảo diễn ra trong mùa chạy Covid-19, thấp thỏm Covid-19, khó có thể quy tụ được đông đảo các nhà khoa học văn học, các nhà sáng tác và những người quan tâm tham gia viết bài và có mặt tham dự. Thêm nữa, không có một hội thảo nào có thể giải quyết xong xuôi các vấn đề mà mục đích hội thảo đề ra. Chúng tôi quan niệm rằng, hội thảo chỉ là nơi nêu lên và cọ xát các ý tưởng, kích hoạt các ý tưởng để tất cả cùng nghĩ tiếp, cùng sáng tạo. Với một tinh thần như vậy, thiết nghĩ, hội thảo của chúng tôi cũng đã đạt được thành công nhất định. Một Kỷ yếu dày dặn chắc chắn sẽ ra mắt bạn đọc sớm, hy vọng đáp ứng được phần nào những kỳ vọng của những ai quan tâm về thơ lục bát Việt Nam hiện nay.
***
Tôi, người thực hiện bản lược thuật Hội thảo này, cũng có một tham luận mang tên Một số nhận diện, định danh thể thơ lục bát hiện/đương đại (nhưng không trình bày, vì khoa chúng tôi trong các kỳ cuộc hội thảo, luôn dặn nhau “nhịn miệng đãi khách”), sau khi điểm duyệt và một số phân tích về cái cách mà các nhà nghiên cứu phê bình, các nhà thơ gọi tên, định danh thơ lục bát với các kiểu/dạng thơ thuộc về tác phẩm và tác giả, tôi có mấy lời kết trong đó, và cũng xin được trích ra đây xem như là phần kết của bài lược thuật:
“Tất cả những nhận diện, định danh trên (của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình, các tác giả khác – VG) xuất phát từ nhiều cái nhìn, nhiều quan điểm, nhiều tầm mức khác nhau, và không trên cùng hệ thống. Cho nên, trước khi xác lập giá trị, hãy xem các định danh này là những ý kiến khác biệt hoặc tương cận, có giá trị tham khảo, chứ chưa thể là những xác quyết. Ví dụ, khi chính nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh không nhận mình là “nhà thơ dân gian” (như cách nói của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) mà phải là “nhà thơ bác học mượn hình thức diễn đạt dân gian” thì cũng cần phải được bình tĩnh phản tư. Chắc gì là nhà thơ dân gian hay nhà thơ bác học đã hơn hay kém nhau? Việc liệt kê trên kia của chúng tôi cũng có ý nghĩa chỉ chỗ cho những ai muốn tiến hành một lịch sử vấn đề nghiên cứu nếu thấy cần thiết.
Các kiểu/dạng/hình thái lục bát trên kia ở Việt Nam đều tồn tại theo hướng đồng tồn, nghĩa là cùng lúc có mặt, chứ không tuyến tính. Tuy nhiên, để làm nên những dấu mốc riêng, độc đáo, chắc chắn phải biết vượt qua những phép tắc, mô hình đã có để tạo ra những mô hình mới, tiếp đó cái mô hình mới này dần lại bị hóa thạch và cần một mô hình khác thay thế, và cứ thế, mãi mãi. Hiện nay, một trong những cách để làm khác/mới thơ lục bát chính là cách nỗ lực bước sang hệ hình của tư duy thơ hậu hiện đại với một tinh thần tự do, khai phóng, không cố chấp, luôn luôn trạng thái mở, đang là… Trong mô hình hậu hiện đại, lại có tinh thần trò chơi ngôn ngữ như một gợi ý. Tuy nhiên, để thủ đắc được tinh thần này và biến nó thành một thực hành độc đáo thì phải cần rất nhiều điều kiện, trước nhất là tinh thần tự do cá nhân mạnh mẽ trong sáng tạo, một ý thức triết – mỹ học đủ mạnh.
Do thể lục bát vừa quen vừa lạ, quen ở thể thức, lạ ở sáng tạo độc sáng, nên nhiều người viết không thấy được thử thách chết người của thể thơ này: ai cũng có thể bẻ vần làm ra một câu lục bát, nhưng không phải bao giờ cũng thành thơ, và không phải bao giờ cũng là thơ có giá trị. Cho nên, ý thức đầu tầu (tiên phong) của những nhà thơ hằng tâm niệm “sống thơ lục bát” rất nên biết tiết chế, có kỷ luật, không theo kiểu tiện miệng bạ đâu cũng bẻ vần bẻ vè để rồi làm mồi cho truyền thông, bị truyền thông loan ra làm cho thơ lục bát mất mặt. Chính những người chuyên lục bát có khi lại rẻ rúng hoặc làm hỏng lục bát. Thơ là hoa của chúng sinh. Hiện nay, nói riêng trong khu vực lục bát, có sự lẫn lộn giữa hoa và rác. Hoa dẫu nhiều cũng chẳng mấy được ghi nhận, nhưng thói thường rác dù có ít thì vẫn bị ăn đòn. Tuy nhiên, để chỉ ra đâu là hoa là rác, cũng không hẳn lúc nào cũng dễ dàng. Lại phải tùy vào cách đọc dựa trên tri kiến, dựa vào độ tinh nhạy thẩm mỹ… Cho nên, không thể nào khác, người làm thơ lục bát, cả người đọc lục bát không ngừng nâng cao văn hóa thơ, không biết khi nào là đủ mới hy vọng có sự tiến bộ”.
Hà Nội, ngày Noel 25/12/2020
VG
http://vanviet.info/van-de-hom-nay/luoc-thuat-hoi-thao-tho-luc-bt-viet-nam-duong-dai/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét