Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

Xã hội hoá y tế và chăm sóc y tế cho người nghèo

Bs Võ Xuân Sơn trả lời hay quá. Tôi đặc biệt tán thành hai ý kiến sau của Bs. (i) Phải phân biệt rõ công tư, tách biệt dịch vụ y tế công và dịch vụ y tế tư. Điều này cần thực hiện trong tất cả các lĩnh vực có xã hội hóa, từ y tế, giáo dục, BOT giao thông tới quốc phòng an ninh. Trường công, bệnh viện công riêng; trường tư, bệnh viện tư riêng... Có như vậy tài chính mới rạch ròi, minh bạch, dễ kiểm tra giám sát; (ii) Nên xoá bỏ hệ thống Ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ dành riêng cho cán bộ và đảng viên, nhất là cán bộ và đảng viên cấp cao. Hệ thống này vừa bất công, vừa quá tốn kém cho xã hội; cán bộ cấp cao quen sinh hoạt không cần tính đến hiệu quả kinh tế nên sử dụng dịch vụ ưu đãi của nhà nước rất lãng phí; (iii) Tôi nhấn mạnh thêm điểm thứ 3 bài này không nếu, đó là phải công khai, minh bạch, cho phép người dân tự do giám sát toàn bộ quá trình thu chi bảo hiểm y tế. Nguồn tiền này rất lớn, không biết có được bảo vệ chặt chẽ không hay được chuyển sang cho các mục chi khác của nhà nước hoặc được đầu tư sai mục đích (ví dụ xây trụ sở, khách sạn cho ngành y tế...). Về nguyên tắc, nguồn tiền này phải được dùng để chi trả viện phí cho các đối tượng mua thẻ bảo hiểm khám chữa bệnh và mua sắm trang thiết bị Y tế. Mặt khác, phải giám sát quá trình chi tiêu, không để khai vống giá trị trang thiết bị Y tế lên hàng chục lần như đã xảy ra ở nhiều nơi.
Xã hội hoá y tế và chăm sóc y tế cho người nghèo
fb Bs Võ Xuân Sơn - Phóng viên của một tờ báo có gởi câu hỏi phỏng vấn tôi. Nhưng sau khoảng một tuần không thấy đăng bài. Có thể là bài trả lời này không phù hợp với tiêu chí của báo. Tôi có sửa lại một vài câu chữ và đưa lên đây để mọi người cùng bàn luận.

Câu hỏi 1:  Xã hội hóa y tế là chủ trương lớn được thực hiện nhiều năm trở lại đây. Một trong những khía cạnh của xã hội hóa trong y tế là mua sắm trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện. Việc này được thực hiện như thế nào? Điều kiện nào lựa chọn đối tác để xã hội hóa?

Trả lời:

Việc đầu tiên phải khẳng định, xã hội hoá y tế là một chủ trương đúng. Bất cứ nước nào, dù giàu có đến đâu, cũng thực hiện xã hội hoá y tế. Những nước mà chính phủ chi rất nhiều tiền cho y tế như Úc, cũng vẫn thực hiện xã hội hoá y tế.

Tuy nhiên, ngành y là một ngành đặc thù. Nó vừa là một ngành dịch vụ, nhưng lại vừa liên quan đến an sinh xã hội, nên có nhiệm vụ phải bảo đảm cho những người nghèo nhận được dịch vụ này. Vì vậy, ở các nước phát triển, họ xã hội hoá bằng cách mời gọi xã hội tham gia vào hệ thống dịch vụ tư, chăm sóc cho những người có khả năng chi trả phí dịch vụ. Nhà nước sẽ dành phần ngân sách tiết kiệm được do xã hội hoá để tập trung cho mảng dịch vụ công, chăm lo cho người nghèo, người không có khả năng chi trả cho dịch vụ y tế, nhưng vẫn có quyền được hưởng sự chăm sóc y tế.

Trên góc độ đó, chúng ta thấy, việc xã hội hoá y tế bằng cách tập trung mua sắm một số loại trang thiết bị y tế cho các bệnh viện lớn từ nguồn vốn xã hội hoá hoàn toàn không mang tính chất tạo nguồn kinh phí để phục vụ người nghèo, mà là sử dụng tài nguyên công, bao gồm mặt bằng, thương hiệu, nhân lực… kết hợp với nguồn vốn xã hội hoá, phục vụ cho những người có khả năng chi trả cao, thu lại lợi nhuận cho một nhóm, bao gồm cả các nhà đầu tư tư nhân. Với cách làm ấy, quá trình xã hội hoá đã không mang lại lợi ích cho người nghèo, mà còn làm họ thiệt hại hơn với việc một phần tài nguyên y tế công bị mang ra để lấy lợi nhuận.

Câu hỏi 2: Lợi ích bệnh viện, bệnh nhân nhận được khi thực hiện xã hội hóa thiết bị y tế?

Trả lời:

Trên thực tế, quá trình xã hội hoá đã làm cho nhiều bệnh viện có thể phát triển được một số chuyên ngành cần sử dụng máy móc, trang thiết bị đắt tiền. Nhiều bệnh nhân đã được hưởng lợi từ điều đó. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, những bệnh nhân được hưởng lợi từ việc xã hội hội hoá trong mua sắm trang thiết bị y tế đều là những người có khả năng chi trả. Những người nghèo chỉ có thể ước ao, khát khao… và ao ước, khao khát mà thôi.

Do vậy, quá trình xã hội hoá bằng cách mua sắm trang thiết bị y tế đắt tiền cho một số bệnh viện sẽ làm phân hoá các bệnh viện. Bệnh viện nào có sẵn y hiệu mạnh, sẽ trở thành thương hiệu để tư nhân đua nhau vào làm xã hội hoá, y hiệu và thương hiệu lại càng được nâng cao, lợi nhuận càng nhiều. Khả năng chuyên môn và uy tín của những bệnh viện khác, mà vì lí do nào đó, chẳng hạn do phân cấp trong y tế, không cao bằng, sẽ ngày càng bị ảnh hưởng xấu.

Câu hỏi 3: Thực tế đã có sai phạm xảy ra trong quá trình xã hội hóa thiết bị y tế. Vụ việc nổi bật và gần đây nhất xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai. Nguyên nhân nào khiến tiêu cực xảy ra? Phải chăng do hành lang pháp lý còn có lỗ hổng?

Trả lời:

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những sai phạm như đã xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua. Tôi tin là, nếu không có quá trình xã hội hoá y tế, mà cách thức quản lí, đạo đức xã hội như hiện nay thì vẫn có những sai phạm tương tự. Xã hội hoá y tế chỉ là một trong các điều kiện để các tiêu cực dễ có cơ hội xảy ra.

Câu hỏi 4: Ông từng phản ánh về các mặt trái trong xã hội hoá y tế. Ông có thể chia sẻ lại những tiêu cực đó là gì?

Trả lời:

Mặt trái của xã hội hoá y tế không chỉ góp phần vào các tiêu cực xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai. Trước đây, trong một vụ án lớn của ngành y, nó đã cho thấy mặt trái rất khốc liệt. Đó là những gì xảy ra trong thảm hoạ y khoa về lọc thận, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Một tiêu cực nữa, mang tính hệ luỵ, là cách làm xã hội hoá y tế hiện nay làm cho các bệnh viện công trở thành chốn thương trường. Không phải bây giờ chúng ta mới thấy những tiêu cực tại bệnh viện do quá trình xã hội hoá mang lại.

Trước đó, ngay tại Bạch Mai, khi tìm ra ổ dịch trong bệnh viện, chúng ta mới biết, việc duy trì sự nhếch nhác của bệnh viện bằng việc bán từng phích nước sôi, là do quá trình xã hội hoá ý tế trong bệnh viện công mang lại. Trong khi đó, ngay cả những bệnh viện cấp quận huyện đã có thể trang bị máy lọc nước có nước sôi cung cấp miễn phí cho bệnh nhân. Hoặc vụ việc xe cấp cứu bên ngoài không thể vô bệnh viện chở bệnh nhân nặng…

Câu hỏi 5: Theo ông, tiêu cực lớn nhất trong vấn đề này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là gì?

Trả lời:

Có rất nhiều ảnh hưởng của quá trình xã hội hoá y tế theo cái cách chúng ta đang làm gây ra. Nó biến nhà thương thành cái chợ, nó bộc lộ sự phân hoá giàu nghèo ở nơi nhạy cảm nhất của xã hội, nó biến một số thầy thuốc với chức nghiệp cao quí thành con buôn, biến các lãnh đạo bệnh viện thành thành viên của các nhóm lợi ích. Nhưng nghiêm trọng nhất, nó làm xói mòn niềm tin của người dân vào thể chế, vào xã hội, vào những giá trị tư tưởng tốt đẹp của dân tộc ta mà tổ tiên, ông cha ta đã đổ bao nhiêu công sức và xương máu để xây dựng nên…

Câu hỏi 6: Giải pháp nào tránh trục lợi, tiêu cực trong xã hội hóa thiết bị y tế?

Trả lời:

Như đã nói, xã hội hoá y tế là việc nên làm, và tất cả các nước phát triển đều làm. Để tránh những tiêu cực do xã hội hoá y tế mang lại, điều cần thiết nhất là phải phân biệt rõ công tư, tách biệt dịch vụ y tế công và dịch vụ y tế tư.

Hiện nay tại Úc, một trong những nước mà chính phủ chi nhiều tiền nhất cho y tế, người ta khuyến khích giao các bệnh viện, phòng khám nơi có khả năng sinh lời cho tư nhân đầu tư, quản lí, và thu lợi nhuận. Ở những nơi khả năng thu lợi nhuận kém, họ giao các lĩnh vực có thể thu lợi nhuận cho tư nhân đầu tư, quản lí và khai thác. Nhà nước tập trung vào các lĩnh vực, hoặc khu vực không sinh lợi nhuận, tư nhân không quan tâm. Khi đó, nhà nước sử dụng nguồn lực tiết kiệm được để đầu tư trang thiết bị cho hệ thống công của mình.

Còn nhiều những giải pháp nữa cần thực hiện. Nhưng một trong các giải pháp quan trọng là xoá bỏ bất công trong y tế. Nếu xoá bỏ hệ thống Ban bảo vệ sức khoẻ dành riêng cho cán bộ và đảng viên, thì những người hoạch định chính sách y tế cho nhân dân sẽ có điều kiện thấy rõ những vấn đề của y tế, để có thể hoạch định chính sách đúng đắn hơn.

Bs Võ Xuân Sơn
https://www.facebook.com/bssonexson

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét