Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Quyết định tạm đình chỉ công tác ông Chung vi hiến?

Quyết định tạm đình chỉ công tác ông Nguyễn Đức Chung vi hiến?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới ra quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Tôi chưa thấy văn bản nên không biết nó dựa trên cơ sở pháp lý nào, nhưng theo lý thì ít nhất cũng phải dựa trên Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ.

Nhưng ở đây có một vấn đề rất lớn.
Khoản 3 Điều 98 của Hiến pháp 2013 trao cho Thủ tướng Chính phủ quyền hạn sau: “phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Hoàn toàn không có thẩm quyền “đình chỉ công tác”.

Nhưng Luật Tổ chức Chính phủ 2015 lại mở rộng quyền của thủ tướng chính phủ.

Khoản 7 Điều 28 quy định về thẩm quyền của thủ tướng chính phủ: “Phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

Về nguyên tắc, Hiến pháp là đạo luật cao nhất, xác lập ranh giới quyền hạn của chính quyền nói chung và các vị trí trong chính quyền nói riêng, trong đó có quyền hạn của thủ tướng. Các văn bản khác chỉ được quy định chi tiết hơn, chứ không được vượt ra ngoài ranh giới đó.

Một số điều khoản của Hiến pháp có quy định thòng “theo quy định của pháp luật” hay “do luật định”, để dẫn chiếu Hiến pháp xuống các văn bản thấp hơn và khiến vấn đề trở nên khó xác định hơn. Nhưng điều khoản về quyền hạn của thủ tướng không có quy định thòng này.

Vì vậy, Luật Tổ chức Chính phủ, với việc mở rộng quyền hạn của thủ tướng, là vi hiến. Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vi hiến theo.

Luật Tổ chức Chính phủ không phải văn bản duy nhất mở rộng quyền hạn của chính quyền so với Hiến pháp. Trước đây, Luật Đất đai 1993 cũng tự ý bổ sung thêm một trường hợp nhà nước được thu hồi đất so với Hiến pháp 1992, đó là trường hợp vì “lợi ích công cộng”, và đến Luật Đất đai 2003 thì bổ sung thêm trường hợp “phát triển kinh tế”. Hiến pháp 2013 đã sửa chữa lỗi lầm này, bằng cách bổ sung cả hai trường hợp trên vào Hiến pháp.

***

Cái chuyện thủ tướng có quyền về nhân sự đối với chủ tịch tỉnh thật là… lộn xộn.

Chủ tịch là chức danh do hội đồng nhân dân địa phương bầu ra, nhưng thủ tướng lại có quyền phê chuẩn, rồi thủ tướng lại có cả quyền đình chỉ, cách chức.

Nhẽ ra cơ quan nào bầu ra thì cơ quan đó có quyền miễn nhiệm. Cho thủ tướng cái quyền nắm đầu địa phương như vậy thì sinh ra hội đồng nhân dân cho vui, khi cần thì lôi ra “làm nhân sự”.

Trong một thể chế bình thường, chủ tịch tỉnh, thành nên do người dân địa phương đó bầu trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua hội đồng nhân dân. Và mọi quyết định nhân sự là của địa phương đó, trung ương không xía vào.

Trường hợp có điều tra hình sự đi chăng nữa thì chủ tịch vẫn được hưởng quyền suy đoán vô tội và được tại nhiệm ít nhất là cho đến khi tòa tuyên án. Mà điều tra thì phải có quyết định khởi tố bị can. Cho đến nay, chưa ai nghe thấy ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố bị can trong bất kỳ vụ án nào.

Mấy tháng nay bên Đài Loan có vụ người dân Cao Hùng đi bỏ phiếu phế truất thị trưởng Hàn Quốc Du, rồi sau đó lại tổ chức bầu cử để bầu ra thị trưởng mới. Chính quyền trung ương có thể can thiệp trong giai đoạn ba tháng chuyển tiếp, chứ không quyết định thay cho người dân Cao Hùng được.

***

Mấy chuyện này thực ra bàn cho vui vậy thôi, chứ ở nước ta, ai cũng biết người “làm nhân sự” trên thực tế là ai.

Trần Hà Linh
(Luật Khoa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét