Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Lịch sử dịch ko lặp lại 100%, nhưng là “bài học cũ”

Lịch sử dịch bệnh không lặp lại 100%, nhưng “bài học cũ” sẽ đến nếu...
02/03/2020 - Bài học lịch sử dạy chúng ta đừng hốt hoảng, nhưng cũng đừng lặp lại chính nó. Việt Nam là “điểm nóng” của bệnh truyền nhiễm, ai cũng biết điều này. Ngoài các bệnh dịch nay đã biến thành bệnh mùa, bệnh lưu hành, thì dù cho y học có tiến bộ đến đâu, triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu đến mấy, cũng không thể tránh khỏi sự đe dọa của dịch bệnh. Lịch sử dịch bệnh ở nước ta nếu được thống kê và hệ thống một cách đầy đủ, nghiêm túc, hẳn sẽ là một kho tàng đồ sộ mang ý nghĩa lớn giúp mọi người có cái nhìn thấu đáo hơn, ít hoảng loạn hơn, trước các “ôn dịch, thần chết”.
Đùng một cái, Triều Tiên “xuất hiện” gần 7.000 ca nghi nhiễm COVID-19 (SARS-CoV-2). Trong ảnh, một người dân Triều Tiên đeo khẩu trang đang được kiểm tra nhiệt độ. Đây là những hình ảnh chụp lại đoạn tin tức trên Đài Truyền hình trung ương nhà nước Triều Tiên phát hôm 27/2 - Ảnh: Yonhap

“Né” dư luận hay lưu trữ vụn vặt?

Một thực tế trong mùa dịch COVID-19, khi tìm tư liệu về các trận dịch lớn tại Việt Nam, chúng tôi đều nhận được cái “lắc đầu” của giới chức y tế. Các lãnh đạo cục, viện trực thuộc Bộ Y tế, đều đùn đẩy trách nhiệm cung cấp, phân tích những vấn đề mang tính rút tỉa kinh nghiệm trong thời điểm cả nước “căng mình” chống dịch. Thậm chí có lãnh đạo cục nói luôn: “Hiện tại cục chưa có số liệu lưu trữ các đại dịch”. Thế nhưng, đáng ngạc nhiên, ai trong các vị ấy cũng thừa nhận lịch sử dịch bệnh cực kỳ hữu ích cho việc đánh giá diễn tiến, chủng vi-rút… để phòng chống tốt hơn.

Có thể các vị có trách nhiệm đang “né” bởi vấn đề dịch bệnh đang quá nhạy cảm, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống. Nhưng theo chuyên gia dịch tễ, thực ra rất khó tìm hiểu về lịch sử dịch bệnh tại Việt Nam. Những năm gần đây, trước mỗi dịch bệnh, các văn bản chỉ đạo “dọc, ngang” luôn tới tấp, nhưng về mặt tổng hợp, thống kê thì thông tin chỉ ở mức độ sự kiện, số liệu vụn vặt, tản mát hoặc gói gọn trong nội bộ các cấp quản lý. Về mặt học thuật, trên thế giới dù không xem lịch sử dịch bệnh là một bộ môn chính thức, nhưng luôn có những chuyên gia nghiên cứu cho từng ngành, hoặc vấn đề mà mình quan tâm. Ở nước ta có rất ít người như vậy, theo vị này.

Tính từ năm 1975, các bệnh truyền nhiễm chỉ có thể được tạm “thống kê” theo trí nhớ của giới chuyên môn - những người hiếm hoi đồng ý trao đổi với yêu cầu không được nêu tên.

Thập niên 1980, nổi lên bệnh sốt rét ác tính, viêm ruột hoại tử, viêm não mô cầu. Đáng kể, gây dịch lớn trong giai đoạn này là sốt xuất huyết. Tay chân miệng xuất hiện năm 2002, gây “đại dịch” năm 2011, với số tử vong khá cao. Trước đó, năm 2000, xảy ra dịch tả. Các bệnh này trở thành bệnh lưu hành, riêng tay chân miệng “quay lại” bất thường vào năm 2017 với số ca ở miền Bắc gia tăng. Sốt xuất huyết thỉnh thoảng cũng bùng phát.

Năm 2002 và 2009, nước ta gặp dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1. Năm 2014, sởi bùng phát, dù là bệnh có vắc-xin phòng ngừa. Lần đó, sởi đã làm hàng trăm bệnh nhi tử vong tại phía Bắc. Một trong những nguyên nhân là do chủ quan trong tiêm phòng và nhiễm trùng bệnh viện.

“Đỉnh cao” phải kể là dịch SARS-CoV năm 2003, Việt Nam đã khống chế vi-rút Corona “đời đầu” thành công ngoạn mục. Và trong niềm vui “thắng chiến dịch mở màn đầu tiên” trước COVID-19, hay còn gọi SARS-CoV-2, đang gieo rắc cái chết toàn cầu, một số quan chức Bộ Y tế trấn an dư luận rằng họ đã có nhiều kinh nghiệm.

Lịch sử cho thấy, ngoài những nỗ lực tuyệt vời, thành công của Việt Nam hồi đại dịch năm 2003 dường như còn kèm sự may mắn khi vi-rút được “nhận dạng” ở nước ta, dù bệnh khởi phát từ Trung Quốc. Các ca bệnh đã được ghi nhận từ tháng 11/2002 ở miền Nam nước này, nhưng không được báo cáo.

Vi-rút lây ra toàn cầu bởi một bác sĩ ở Quảng Đông đang điều trị cho người nhiễm tại đại lục. Ông đến Hồng Kông ăn đám cưới vào tháng 2/2003 và lây cho 16 người ngụ cùng khách sạn. Những người này sau đó đã đến Canada, Singapore, Đài Loan, một doanh nhân quá cảnh tại Việt Nam. Từ đây, thế giới mới biết đến vi-rút Corona gây hội chứng suy hô hấp cấp nặng, vì thế nó được gọi tắt thành SARS-CoV.

Đến Hà Nội, doanh nhân có dấu hiệu ho, sốt liên tục. Ông vào viện với chẩn đoán viêm phổi nặng. Bác sĩ người Ý Carlo Urbani trực tiếp theo dõi và nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường. Nghi ngờ chủng vi-rút mới, Urbani tìm cách gửi mẫu ra nước ngoài. Chính ông là người đầu tiên báo cáo về SARS-CoV cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để công bố dịch. Bác sĩ Urbani mất vì bệnh này vài tuần sau đó. Hai điều dưỡng Việt Nam cùng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân này với bác sĩ Urbani cũng nhiễm vi-rút. Một người đã không qua khỏi lưỡi hái tử thần.

Tổng cộng tại Việt Nam, có 65 người nhiễm SARS-CoV, 5 ca tử vong. Dịch đã lan ra khoảng 20 quốc gia và chấm dứt vào tháng 12/2003. Nhiều bác sĩ cho rằng, nếu không phải là một nhà dịch tễ như Carlo Urbani, có thể phải rất lâu sau SARS-CoV mới được “gọi tên”. Bởi viêm phổi chết trong bệnh viện là bình thường, chả ai nghĩ đến nghiên cứu vi sinh.

Hình ảnh một bệnh viện thời đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 có giúp những con người đang quay cuồng trong dịch bệnh COVID-19 ngay tại "tâm dịch" Vũ Hán kịp thức tỉnh và can đảm vượt qua?


Hãy nghiên cứu quá khứ nếu không muốn lịch sử lặp lại

Năm 2020, chúng ta đang đối đầu với SARS-CoV-2, một vi-rút mang “hào quang” biến chủng, có thời gian ủ bệnh gấp đôi “đời đầu” (14 so với 7 ngày) và “tiên tiến” hơn khi có thể lây ngay khi người nhiễm chưa có triệu chứng. Dự báo dịch cũng sẽ kéo dài và chia làm nhiều đợt theo chu kỳ ủ bệnh, khởi bệnh, toàn phát và lụi tàn.

Đến đây, cần nhắc bài học từ đại dịch cúm năm 1918, gây ra bởi dòng vi-rút Influenza lây trong không khí, một đặc tính không có đối với SARS-CoV 2003, nhưng lại đang có nhiều báo cáo cho thấy “tính năng” này cũng xuất hiện với vi-rút SARS-CoV-2.

Nếu như vào thế kỷ XXI, Trung Quốc bị cả thế giới lên án vì thói quen giấu bệnh, gây thiệt hại lớn cho toàn cầu, thì năm 1918, tất cả các nước đều “ém” thông tin về dịch cúm. Bởi từ hậu phương cho đến tiền tuyến khi đó đang là những “cỗ máy chiến tranh” phục vụ đệ nhất thế chiến. Chỉ có Tây Ban Nha không chiến tranh, bèn công bố vào tháng 3/1918, nên bị gọi là “cúm Tây Ban Nha”. Thực tế, bệnh đã lan ra cả châu Âu và Mỹ trước đó. Mãi đến gần đây, con số tử vong mới chính thức được xác nhận, khoảng 50 triệu người. Vào “tháng Mười đen” năm đó, dự báo nếu tốc độ lây lan và tử vong kéo dài thêm vài tuần nữa, nhân loại sẽ kết thúc.

Hai bài học có thể “nghe qua” từ đại dịch kinh hoàng trên để dễ “hình dung”: Thứ nhất là bài học cách ly. Tại Mỹ, trong đợt đầu, một hiệu trưởng khẳng định học sinh an toàn nhất khi ở trường. Và vị này đã triển khai khá tốt việc giám sát từng em tại cơ sở của mình. Bà đã thắng trong trận đầu. Tuy nhiên, đến đợt dịch thứ hai, khi mỗi thành phố có trung bình 1.400 người chết/ngày, không ai còn dám “liều lĩnh” để trẻ đến trường với ý nghĩ là nơi an toàn nhất.

Trong môi trường ổn định, việc cho trẻ em đi học hay không, không quan trọng lắm hiểu theo khuyến cáo của y văn về nguy cơ tử vong, lây nhiễm chung. Tuy nhiên, xin lưu ý các điều kiện tại trường học của Việt Nam rất khác so với các nước cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Một điều quan trọng nữa, cho học sinh sinh viên nghỉ học cũng là một cách “nâng mức” cảnh báo rất khôn ngoan. Tự động toàn xã hội phải cảnh giác và tích cực tham gia công tác phòng chống dịch.

Thứ hai là bài học về kiểm soát cửa khẩu. Trong khi phân nửa thổ dân trên đảo Samoa bị chết vì cứ tiếp tục tự do giao thương với tàu bè nước ngoài, do không biết thông tin về đại dịch thì ở hòn đảo gần đó, có người da trắng biết về dịch, nên đã chủ động kiểm soát, cách ly các bến cảng. Kết quả, họ bảo toàn tính mạng.

Tính chất lây lan quá nhanh của Corona lần này khiến nhiều nhà khoa học đặt vấn đề nó có “lai” vi-rút Influenza gây cúm? Và chẳng thừa, nếu hiểu rằng, đại dịch cúm hoành hành cả thế giới năm 1918 khi y khoa đã rất tiến bộ. Thế giới đã biết đến vi trùng học, các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, cái cách mà nhân loại đã xử trí đối với bệnh cúm thời điểm đầu thế kỷ XX vẫn y hệt như cách đối đầu với các dịch bệnh khác xảy ra 500 năm trước.

Bài học lịch sử dạy chúng ta đừng hốt hoảng, nhưng cũng đừng lặp lại chính nó. Đến thời điểm này của COVID-19, Việt Nam đã làm tốt, triệt để hơn nhiều nước. Đến nỗi, có người còn hồ nghi liệu ta có đang phòng ngừa thái quá hay không? Thưa rằng, chẳng có gì thái quá trước một thứ mà chúng ta không thể dự đoán bất cứ điều gì như SARS-CoV-2.

Nhà khoa học William Osler nói: “Y khoa là khoa học của sự không chắc chắn và là công trình của những điều có thể”. Dịch bệnh chết người luôn đi trước những tiến bộ của một ngành khoa học không chắc chắn như thế. Cuối cùng, “nếu muốn hiện tại khác với quá khứ, hãy nghiên cứu quá khứ” - đó là nhắn nhủ của Baruch Spinoza, triết gia duy lý từ thế kỷ XVII.

Quốc Ngọc

https://www.phunuonline.com.vn/lich-su-di-ch-be-nh-khong-lap-lai-100-nhung-bai-hoc-cu-se-den-neu--a1404475.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét