Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Khái niệm về tinh thần dân tộc

Tinh thần dân tộc Việt Nam được kết tinh bằng một lý trí thực tiễn, một tình cảm chân thành và một ý chí bất khuất. Nhờ có tinh thần quật khởi và độc lập, dân VN ta mới có ý niệm quốc gia, biết yêu quê hương và đồng bào chủng tộc, biết bảo vệ được cái hay cái đẹp sẵn có của dân tộc mình.
Khái niệm về tinh thần dân tộc
(Trích Quốc Văn 12ABCD, 1974) - Kể từ khi lập quốc, do hoàn cảnh địa lý cũng như lịch sử cùng những kinh nghiệm, thói quen trong nếp sinh hoạt hằng ngày tích lũy dần dần tạo cho mỗi dân tộc có một sắc thái tnh thần đặc biệt gọi là tinh thần dân tộc. Sự hưng thịnh hay suy vong của một dân tộc thường đặt căn bản trên sức mạnh tinh thần của dân tộc đó.

(Sách dạy Quốc Văn lớp 12 các Ban A,B,C,D. 
Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hoà, năm 1974)
Riêng nước Việt Nam ta về phương diện địa lý có một hoàn cảnh đặc biệt: ở giữa núi cao biển rộng và bị kềm hãm giữa hai khối Trung Hoa và Ấn Độ. Phía Bắc giáp với Trung Hoa, một nước có nhiều dân và một nền văn minh rực rỡ từ lâu đời. Dân tộc Trung Hoa lại có khả năng đồng hóa các dân dộc lân bang. Phía nam gặp nền văn minh Ấn Độ. Dân tộc Chiêm Thành (chịu ảnh hưởng đậm đà của văn hóa Ấn), là một dân tộc hùng mạnh mà trong quá khứ đã nhiều phen làm ta điêu đứng. Phía Đông giáp biển Thái Bình Dương rộng rãi mênh mông. Phía Tây là dãy Trường Sơn dài, rộng, cao và hiểm trở. Lưu vực sông Hồng hà lại quá chật hẹp. 

Trong hoàn cảnh địa lý khắc khe như thế muốn được tự tồn tất phải có đấu tranh gian khổ cho nên lịch sử của dân tộc Việt Nam là một lịch sử đấu tranh. Đấu tranh vói thiên nhiên để tránh cảnh lụt lội triền miên của dòng sông Hồng quái ác, chống trả với sự đồng hóa của dân tộc Trung Hoa ở phương Bắc và phải vất vả nhiều với cuộc Nam tiến để được sinh tồn. Sau hơn hai ngàn năm lập quốc, hiện tại về phía Bắc ta dã ngăn chặn được kẻ hiếu chiến Trung Hoa, về phía Nam đã mở rộng bờ cõi đén tận vịnh Thái lan. Lập được những thành tích vẻ vang đó tức nhiên nhờ vào sức mạnh tinh thần dân tộc ta. Nhưng tinh thần đó như thế nào?

Hơn một ngàn năm Bắc thuộc và hơn tám mươi năm Pháp thuộc, tuy ngoại nhân tìm đủ mọi cách để đồng hóa dân ta, nhưng nhờ tinh thần ĐỘC LẬP và QUẬT KHỞI dân ta vẫn giữ nguyên bản sắc cố hữu và lần lượt đuổi được kẻ xâm lăng.

Tinh thần độc lập tự chủ khiến cho dân ta biết tự cao về nòi giống, biết yêu thương đồng bào và tổ quốc, biết đoàn kết và tương trợ, biết biến đổi các tinh hoa tư tưởng ngoại lai để cho hợp với dân tộc tính. Thật thế tinh thần đọc lập đã được thể hiện trong câu nói khẳng khái của Trần Bình Trọng ‘thà làm quỷ nước nam, không thèm làm vương đất bắc”. Trong bài thơ phá Tống ào hùng của Lý thường Kiệt:

“Nam quốc sơn hà Nam đé cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”


Ngoài sự tôn trọng non sông dân tộc, dân ta cón có tinh thần đoàn kết tương trợ. Trong gia đình thì chị ngã em nâng, ngoài xã hội thì lá lành đùm lá rách. Trong lúc thường thì chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác, khi biến động thì nằm gai nếm mật chung nỗi ân ưu và muôn tấm lòng cùng đồng thanh Sát Thát. Hai câu thơ sau đây đã nói lên được tinh thần độc lập và đoàn kết của dân tộc ta:

“Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy,
Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương”

Cũng vì có tinh thần độc lập nên dân ta biết hòa đồng các sắc thái ngoại lai. Trong khi đưa tau tiếp nhận gió muôn phương vẫn cố giữ những sắc hương riêng biệt. Trong tinh thần đó ta đã cố gắng biếng đổi những tinh hoa văn hóa của nước người cho thích hợp với tâm tình dân Việt Nam. Thí dụ người Trung Hoa dạy ta chữ Hán thì ta mượn chữ Hán để tạo thành chữ Nôm, người Pháp cho ta biết thể cách của thơ Pháp thì ta mượn thể cách ấy để sáng tạo thành thơ mới. Suy rộng ra từ cách trang phục, ẩm thực, kiến trúc… đến triết học, tư tưởng, tôn giáo… đều có sự biến đổi để cho hợp với dân tộc tính của ta.

Nhưng quan hệ nhất là tinh thần QUẬT KHỞI của dân ta. Đó là một khả năng kỳ diệu giúp chúng ta không bị diệt vong dù trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Một người ngoại quốc, Paul Mus đã nhận định về tinh thần quật khởi như sau: “Dân tộc Việt Nam đã thụ hưởng của dân tộc láng giềng phía Bắc cái sức mạnh thắng mọi kẻ địch ở phía Nam. Nhưng không biết họ đã thừa hưởng được của ai cái năng lực chống đối lại chính cái dân tộc mà họ đã bắt chước để lật đổ ách đô hộ về chính trị của một ngàn năm nô lệ? Ngay từ khi lập quốc tất cả then chốt của lịch sử Việt Nam đều ở cả các tinh thần chống đối. Các tinh thần chống đối đó là một phối hợp kỳ diệu giữa một sức đồng hóa lạ lùng với năng lực quật khởi quốc gia không chịu khuất phục mặc dầu bị thụa trận, bị phân tán, bị chinh phục.” 

Quả thật cái tinh thần quật khởi ấy là nền tảng của ý chí kiên cường để tranh đấu chống ngoại xâm. Trưng Vương trong hoàn cảnh bi đát của đất nước vẫn vùng lên “Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân”. Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở lối khai đường cho nền độc lập huy hoàng của quốc gia dân tộc. Hưng Đạo Vương đã cản được bước tiến của quân Mông Cổ, một đạo quân bách chiến bách thắng từ Á sang Âu. Lê Lợi hy sinh cả gia đình và tài sản mười năm gian khổ chống trả giặc Minh giải phóng giống nòi, giành quyền tự chủ. Vua Quang Trung một sớm một chiều đã phá tan hai mươi vạn quân Thanh giữa một trời Xuân minh mị.

Tất cả những chiến thắng vẻ vang đó đã nối tiếp nhau tạo thành những trang sử vàng son của dân tộc và truyền thống anh dũng bất khuất của giống nòi. Thế rồi ngọn gió Tây Phương thổi tới, gót giày xâm lược của Pháp in dấu khắp quê hương. Trước sức mạnh của nền văn minh cơ giới đất nước lần lần lọt vào tay người Pháp. Nhưng từ đó trở đi không lúc nào là dân ta không nuôi chí chống quân thù.

“Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở,
Bủa lưới săn nai cũng có ngày…
(Phan Văn Trị)

Những cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định, Thủ khoa Huận, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám đã gây biết bao khó khăn cho Pháp. Từ chiến thắng hỏa hồng Nhật Tảo đến tiếng bom Sa Điện, từ bài thơ Đập đá Côn Lôn đến mười ba tiếng hô Việt Nam Vạn tuế… các anh hùng liệt sĩ Việt Nam đã làm cho ngoại nhân khiếp sợ trước tinh thần quật khởi của dân ta.

Ngoài tinh thần quật khởi, dân ta còn có tinh thần chống đối. tinh thần chống đối nfay nhận xét kỹ chỉ là một khía cạnh của tinh thần quật khởi mà dân ta dùng để bảo tồn cái hay cái đẹp sẵn có. Chính nhờ tinh thần này mà dân ta không bị đồng hóa diệt vong. Có khi chống đối âm thầm sự bất chính của kẻ quyền thế trong triều đình như Truyện Trê Cóc, có khi chống đối công khai những thói hư tật xấu của người ngoài xã hội như:

“Sơ khảo khoa nầy bác Cử Nhu
Thật là vừa dốt lại vừa ngu
Văn chương nào phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu!”


Và đặc biệt nhất là chống đối bằng những lời nói bông đùa nhưng mỉa mai kín đáo:

“Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian sự thường”


Cuối cùng dân ta còn có một tinh thần thực tế. Không cần để ý đến những điều cao xa chỉ lo lắng đến những ngu cầu thực tiễn:

“Nhất sĩ nhì nông
Hết gạo chạy rông
Nhất nông nhì sĩ.”

Chỉ để ý đến cái chắc chắn hiện tại chớ không tha thiết đến những cái đẹp hão huyền vượt khỏi tầm tay:

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi. Bờm cười!

Tóm lại, qua những điều nhận xét trên, ta thấy tinh thần dân tộc Việt Nam được kết tinh bằng một lý trí thực tiễn, một tình cảm chân thành và một ý chí bất khuất. Nhờ có tinh thần quật khởi và độc lập dân ta mới có ý niệm quốc gia, biết yêu quê hương và đồng bào chủng tộc. Kế đến nhờ có tinh thần chống đối thể hiện trong các tác phẩm trào lộng mà dân ta bảo vệ được cái hay cái đẹp sẵn có của mình. Cuối cùng nhờ tinh thần thực tế dân ta có được thái độ khôn ngoan cần thiết trong khi xử kỷ tiếp vật.

(nhatbook.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét