Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

NẾU NGHE TIẾNG DÂN CHUYỆN ĐÃ KHÁC

NẾU NGHE TIẾNG DÂN CHUYỆN ĐÃ KHÁC
Mấy hôm nay, người già ở Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột… hoảng kinh với sự ngập lụt khủng khiếp bởi trời mừa lớn. Họ không cho đó là hiện tượng thiên nhiên mà chửi thẳng mấy cái đầu quy hoạch chỉ biết ăn đất, ăn tiền, còn hệ lụy thì toàn xã hội phải gánh chịu. Từ một hòn đảo có sông, có suối, gần biển nước thoát dễ dàng sao có thể bị ngập lụt, trong khi hàng ngàn năm qua chưa bao giờ có. Hay như phố núi Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Pleiku trên cao như vậy, nhưng bê tông hóa, phá nát cây xanh, phá trọc đồi núi thì sao không gây ngập lụt cho được.

Đây rõ là tác hại của qui hoạch tham lam vô tội vạ, phá rừng, ngăn dòng tự nhiên ồ ạt. Bê tông hoá không tính toán làm phá vỡ cảnh quan và hệ trọng nhất là “bóp cổ” thiên nhiên không có chỗ thở. Ngập lụt không còn là đặc trưng của TPHCM, Hà Nội nữa, nó đã, đang và sẽ trở thành “đặc sản” của quốc gia, bởi hiện diện khắp 63 tỉnh - thành phố. 

Theo đại bộ phận dân chúng, nếu lãnh đạo mà có lắng nghe một chút phản ảnh của dân thì sự việc sẽ khác. Họ cứ làm, dân thưa kiện thì mặc kệ, vì toàn chiến hữu không học chung cái này thì học chung cái khác, ít ra cũng học chung nghị quyết của Đảng. Do vậy, sự việc cứ dai dẳng diễn ra theo chiều hướng ngày càng xấu đi.

Đất đai là của dân, nhưng chủ sở hữu lại là Nhà nước. Chính vì vậy, cán bộ đã lợi dụng ban hành chính sách, tổ chức thực hiện theo doanh nghiệp, gây hệ lụy bao nỗi dân oan bị mất đất, mất nhà, tan tác gia đình, mà đến nay vẫn cứ kéo dài triền miên. 

Lâu nay, ai cũng thấy rõ quá trình thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, triển khai dự án, những quy định của pháp luật, hành vi của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước và một bộ phận công chức, viên chức và nhà đầu tư… hầu hết chưa bao giờ coi trọng đúng mức đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Quá nhiều ý kiến có lý, có tình của người dân, nhưng không được các cấp chính quyền chủ động quan tâm dẫn đến oan sai, bất hợp lý, gây bức xúc trong nhân dân, tác động xấu đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội và cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch, trong một số dự án.

Cả nước hiện có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ một đến 6 lần, có dự án tới 9 lần. Dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội), là trường hợp điển hình của việc điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích người dân.

Các địa phương, chủ đầu tư cấu kết với lãnh đạo để lấy đất của người dân dưới chiêu bài phát triển kinh tế, nhưng thực tế là phân lô, xây cao ốc làm giàu cho 1 nhóm người, nhưng hệ lụy thì toàn xã hội phải gánh chịu. Tiếc rằng, thành phần này thì nhiều vô kể, còn quan chức thì cùng lắm là bị khiển trách hoặc cảnh cáo để làm cho hết nhiệm kỳ. Phía người dân thì cứ ca thán, ngày càng dài thêm nỗi oan khiên, đến nỗi đất bằng phải “dậy sóng” như hiện nay.

Huy Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét