“Trí thức Việt” thời loạn văn bằng…
RFA 2019-08-07 - Sự việc Đại học Đông Đô tại Hà Nội buôn bán văn bằng giả hiện đang gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã quyết đinh khởi tố bị can, bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét chỗ ở của 4 thành viên trường Đại học Đông Đô về tội ‘Giả mạo trong công tác’. Những người này bao gồm Hiệu trưởng Dương Văn Hòa; Phó trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên - ông Trần Ngọc Quang; cùng 2 cán bộ là bà Lê Thị Lương và Phạm Vân Thùy.
Cần bằng cấp hơn năng lực
Theo truyền thông trong nước, bốn người nêu trên đã cung cấp bằng đại học chính quy nhưng không cần tham gia học cho những người cần văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ như nâng lương, nâng ngạch, thăng hạng, thi vào biên chế…
Ở Việt Nam quá chuộng bằng cấp nên người ta bằng mọi giá phải có được bằng cấp mà không có thước đo chuẩn mực năng lực thật sự liên quan đến bằng cấp ấy. - Dương Trung Quốc
Đáng tiếc là hàng ngàn người đang sử dụng những tấm bằng giả của Đại học Đông Đô lại đang có mặt đâu đó trong hệ thống công quyền Việt Nam. Và không chừng, ngay trong bộ máy quan chức hiện nay cũng có thể có những tiến sĩ, giáo sư được thăng hàm nhờ những bằng cấp giả đó. Trong khi đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của ngành giáo dục vừa được diễn ra hôm 6 tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Muốn chuyển biến đất nước, phát triển ngành, địa phương một cách bền vững thì giáo dục và đào tạo phải đi trước”.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, thầy giáo Đỗ Việt Khoa nói rằng, không riêng gì trường Đông Đô mà nhiều trường khác cũng có hình thức liên kết đào tạo đại học tại chức, cấp phát bằng hết sức dễ dãi, đại bộ phận là văn bằng 2, văn bằng tại chức, thậm chí đi học qua loa vài buổi rồi cấp bằng. Tình trạng này rất nghiêm trọng ở Việt Nam, ảnh hưởng nhiều đến nền giáo dục, xã hội.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, người đứng đầu trường đại học đã có những việc làm phi pháp như vậy thì giáo dục còn gì để bàn. Ông giải thích, sự việc trường Đại học Đông Đô bị phanh phui không phải là mới, nhưng đã phản ảnh phần nào đến tình trạng lạm dụng bằng cấp, được xem là rất cần thiết trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
“Ở Việt Nam quá chuộng bằng cấp nên người ta bằng mọi giá phải có được bằng cấp mà không có thước đo chuẩn mực năng lực thật sự liên quan đến bằng cấp ấy. Gần như cơ quan nào cũng muốn đánh giá cán bộ của mình chủ yếu thông qua hệ thống bằng cấp, mà không quan trọng năng lực phục vụ xã hội thế nào. Vấn đề này nằm trong bộ máy công chức.”
Theo thông tin đăng tải trên trang điện tử của báo Công an nhân dân, hiện những người đang sử dụng văn bằng 2 của trường Đại học Đông Đô có 5 trường hợp nộp vào các đơn vị đào tạo như Học viện Báo chí – Tuyên truyền, Học Viện Khoa học Xã hội, có những người là cán bộ chủ chốt trong các cơ quan ở Hà Nội… Hầu hết những người này đều có học vị thạc sĩ và nghiên cứu sinh.
Đáng chú ý, nhiều người còn làm trong bộ máy nhân sự của trung ương, nơi cung cấp các nhân viên cho hệ thống lãnh đạo cấp phường, xã...
Từ góc nhìn của một người dân, anh Minh hiện đang sống ở Sài Gòn nói với truyền thống rằng, cứ theo kiểu ‘cha truyền con nối’, ‘con ông cháu cha’ và sử dụng các mối quan hệ để thăng tiến trong bộ máy nhà nước như hiện nay thì cán bộ chẳng dại gì tốn công ngồi trong lớp học như những người chính quy đàng hoàng. Họ chỉ cần lo lót bằng giả là xong, và nghiễm nhiên vị trí lãnh đạo sẽ thuộc về họ. Dù biết thực trạng như vậy, nhưng anh vẫn bày tỏ sự thất vọng:
“Chính những người không có bằng cấp lãnh đạo như vậy nên Việt Nam biết bao nhiêu vụ giờ phanh phui ra nhiều. Nói chung kể về vấn đề này rất dài dòng, bức xúc. Nói tóm lại anh thấy những ông chủ chốt ở Việt Nam toàn nhờ gì đâu đi lên, chứ thực tài ít người, hiếm, cũng có nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên phát biểu gì đa số bị (dân) chửi.”
Xác nhận thực tế này, thầy Đỗ Việt Khoa nói rõ:
“Nhiều lãnh đạo tại các địa phương đa số là đại học tại chức hoặc sau đó đi học thêm bằng lý luận chính trị cao cấp xong rồi làm lãnh đạo. Còn những người giỏi thật sự đã không vào được cấp đó. Không thấy Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh nào ở nước này có bằng chính quy, có trình độ đại học. Đây là một thực trạng ở Việt Nam, mua bán bằng, hợp pháp hóa bằng.
Nghiêm trọng nhất là gần đây chính phủ có những chính sách công nhận bằng tại chức và bằng chính quy có giá trị như nhau, bổ túc và trung học phổ thông cũng có giá trị bằng nhau. Đấy là một cách có lẽ những đối tượng quan chức được hưởng lợi sẽ có lợi vô cùng để họ hợp pháp hóa. Tình hình cho thấy trình độ lãnh đạo của Việt Nam thấp, không thể chối cãi được.”
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lý giải việc để cho những người không có thực tài đứng đầu cơ quan công quyền sẽ gây ra phản ứng dây chuyền:
“Những người lãnh đạo không những trình độ thấp mà phẩm chất đạo đức xấu thì tất nhiên người ta sẽ sử dụng những loại người như thế. Dẫn đến phản ứng dây chuyền tạo ra một chuỗi các tác động tiêu cực trong xã hội.”
Dân trí cao là vấn đề hãnh diện của một đất nước nhưng tại Việt Nam theo thống kê mới được công bố hôm 6 tháng 8 thì tỉ lệ người học đại học ở Việt Nam là 28,3%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (49,3%); Nhật Bản (63,3%), Hàn Quốc (93,8%) hay Mỹ (88,8%).
Thực dụng hay thực tài?
Đối với những sai phạm trong việc cung cấp văn bằng giả của trường Đại học Đông Đô, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chú tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh nhận định cần phải xử lý nghiêm các cán bộ quan chức có hành vi vi phạm pháp luật mua bằng giả của trường đại học này.
Với kinh nghiệm luật sư lâu năm, ông Hậu cho rằng 4 nhân viên trường Đại học Đông Đô sẽ bị xử phạt từ 10 năm trở xuống, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội:
“Làm giả tài liệu và con dấu của cơ quan tổ chức bị phạt 100 triệu và phạt từ từ 6 tháng – 2 năm. Đó là khung thứ nhất. Nếu hoạt động có tổ chức thì khung hình phạt có thể từ 2-5 năm tù. Riêng với các đồng phạm cũng có thể bị xử lý về mặt hình sự với vai trò như một người giúp sức để thực hiện hành vi đó thì pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Bộ Luật hình sự cũng xử phạt tương ứng với mức hình phạt như vậy.”
Những ông chủ chốt ở Việt Nam toàn nhờ gì đâu đi lên, chứ thực tài ít người, hiếm, cũng có nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên phát biểu gì đa số bị (dân) chửi. - Minh
Bên cạnh đó, những người mua bằng giả nếu bị bắt thì cũng bị xử lý theo pháp luật Việt Nam hiện nay:
“Nếu lừa dối các cơ quan, tổ chức khác, làm giả tài liệu, con dấu, với vai trò của họ thì thấp nhất là 6 tháng – 3 năm tù, mức thứ hai là từ 2-5 năm tù. Người phạm tội này sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong lĩnh vực họ làm, tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện nếu vi phạm hành chính, bị cấm làm nhiệm vụ từ 1-5 năm.”
Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, việc tuyển chọn nhân sự tại Việt Nam rất dễ gặp vấn đề với văn bằng giả. Ví dụ trường hợp những nghề không cần đến ngoại ngữ nhưng người ta đưa ra yếu tố phải có ngoại ngữ, hay những bằng cấp liên quan đến ngành nghề mang tính thực tiễn rất thấp như lý luận… tạo ra một nhu cầu giả, dẫn đến chất lượng giả.
“Bên cạnh việc rà soát hệ thống giáo dục, cần xây dựng hệ thống giá trị tuyển chọn, thường xuyên giám sát kiểm tra, thẩm tra chất lượng xem những đầu tư vào việc học ấy có cần thiết phục vụ trực tiếp mà người đó đảm nhận hay không, nhất là hệ thống công chức.”
Do đó, ông Dương Trung Quốc cho rằng các cơ quan tuyển dụng cần lấy thực tiễn làm thước đo, không nên quá chú tâm vào bằng cấp. Vì để kéo đủ tiêu chuẩn theo quy định, người ta sẵn sàng đi mua bằng hoặc bằng giả, chất lượng không có. Cuối cùng, Việt Nam có một đội ngũ có rất nhiều học hàm, học vị, bằng cấp nhưng chất lượng phục vụ, chất lượng thực hành rất kém.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét