Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Một công ty mạng gắn tên Weibo xuất hiện ở VN

Một công ty truyền thông mạng gắn tên Weibo xuất hiện ở VN
Một công ty truyền thông mạng xã hội gắn tên Weibo xuất hiện ở Hà Nội đang là tâm điểm quan tâm của báo chí và truyền thông Việt Nam. Hôm 09/8/2019, báo Tuổi trẻ Online đặt câu hỏi qua tựa đề "Có hay không mạng xã hội Việt - Trung Weibo ở Việt Nam?" và cho hay: "Một công ty đã đăng ký kinh doanh tại Hà Nội và một tên miền .vn đã được đăng ký gắn với tên Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc khiến nhiều người cho rằng mạng Weibo đã 'vào' Việt Nam."
Weibo được phát triển mạnh tại
 Trung Quốc trong nhiều năm qua
"Thông tin về một công ty đã đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và được cấp phép hoạt động với tên gọi là "công ty cổ phần Weibo" cùng với một tên miền Internet có đuôi. vn được chia sẻ trên mạng xã hội đang làm dấy lên những tranh cãi về việc phải chăng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã đặt chân vào Việt Nam?"

Tờ báo thuộc Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm theo thông tin được công bố trên trang mạng xã hội của một cá nhân có liên quan thì:

"Công ty cổ phần Weibo gắn với dòng chữ "truyền thông mạng xã hội Việt- Trung" có địa chỉ đăng ký tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.

Chính những thông tin này đang dẫn đến nghi ngại về việc mạng xã hội Weibo đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam."

Cùng ngày thứ Sáu, báo điện tử Thanh Niên cũng có bài báo liên quan công ty Công ty Weibo JSC nói trên, với tựa đề "Thực hư chuyện công ty tính làm mạng xã hội Weibo ở Việt Nam", cho hay đã tiếp cận và có câu trả lời từ đại diện pháp luật của công ty này giải thích về việc đặt tên của công ty:

"Ý tưởng dùng tên Weibo xuất phát từ việc tìm cách để định nghĩa một công ty làm truyền thông và nội dung số lấy nguồn từ Trung Quốc một cách trực diện nhất. Trong khi thực tế những trang mạng xã hội ở Trung Quốc phần lớn đều có tên riêng và chữ Weibo (trong tiếng Trung có nghĩa là "tiểu blog") đi kèm, ví dụ như Tencent Weibo, Sohu Weibo, NetEase Weibo... đặc biệt là Sina Weibo (của Alibaba), nên chúng tôi đăng ký tên miền weibo.vn. Nhân đây, chúng tôi rất xin lỗi nếu gây hiểu lầm tới cộng đồng mạng".

Theo tờ báo Thanh Niên, người đại diện này cũng cho biết thêm: "Công ty hiện tại sử dụng 100% vốn nhà đầu tư trong nước, chỉ có đối tác nội dung là từ Trung Quốc và đều là đối tác từng hợp tác... trong các dự án khác trước đó... Weibo JSC đầu tư nguồn lực vào lĩnh vực nội dung và truyền thông chứ không phải công nghệ, nên chúng tôi chưa có ý định làm sản phẩm về mạng xã hội".

'Chưa hề cấp phép'

Các Đại biểu Quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua một văn bản luật về an ninh mạng gây tranh cãi hôm 12/6/2018 tại Hà Nội

Không loại trừ khả năng các doanh nghiệp kiểu này chủ ý sử dụng tên gọi "nhạy cảm" nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng lẫn giới truyền thông để góp phần tiếp thị cho doanh nghiệp của họ - Tiền phong Online

Một bài báo trên VOA Tiếng Việt hôm 09/8 cho hay theo thông tin trên trang mạng của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, thì Công ty Weibo JSC đã hoạt động từ ngày 30/7/2019.

Tiền Phong online cho biết thêm:

"Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chưa hề cấp phép hay xét duyệt hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp nào có hoạt động liên quan đến mạng xã hội Weibo Trung Quốc.
"Trên thực tế, tên miền www.weibo.vn đã đăng ký gần một năm, nhưng chưa có nội dung hoạt động. Theo các chuyên gia, tên miền nói trên chỉ được đăng ký của riêng cá nhân, không liên quan đến hoạt động của mạng xã hội Weibo.

"Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho hay cho đến thời điểm này, Bộ chưa nhận được thông tin gì từ phía Weibo Trung Quốc về việc mở hoạt động tại Việt Nam."

Tờ Thanh Niên điện tử gợi ý cho rằng đây là cách đặt tên 'dễ gây tranh cãi':

"Tuy nhiên, diễn ra trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội ở Việt Nam sau khi mạng xã hội Gapo ra mắt với tuyên bố nhận khoản đầu tư 500 tỉ đồng, có thể thấy việc sử dụng tên miền và tên doanh nghiệp... dễ gây ra tranh cãi xuất phát từ những hiểu lầm không đáng có.

"Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng các doanh nghiệp kiểu này chủ ý sử dụng tên gọi "nhạy cảm" nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng lẫn giới truyền thông để góp phần tiếp thị cho doanh nghiệp của họ.

"Thiết nghĩ, từ các sự việc lùm xùm đã qua, các nhà quản lý cũng nên xem lại cách đặt tên của các doanh nghiệp trước khi cấp phép, qua đó giúp tránh tạo ra những phiền toái không đáng có cho chính họ và cả cộng đồng mạng."

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý mạng xã hội riêng của Việt Nam phải vượt trội và cao hơn hẳn triết lý của Facebook

Hôm thứ Bảy, một nhà quan sát chính trị không tiết lộ danh tính từ khu vực Đông Nam Á nói với BBC News Tiếng Việt là tại Singapore, mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã được 'cho hoạt động'.

Ý kiến này không đề cập tới diễn biến nói trên mà báo chí, truyền thông tiếng Việt đề cập, nhưng nhận định rằng: "Chính phủ Việt Nam không cấm Facebook, Weibo không cạnh tranh nổi!"

Trong khi đó một ý kiến khác cho rằng các hãng kinh doanh với thương hiệu quốc tế ở quốc tế hay khu vực 'rất nhạy bén' với những nguy cơ về mặt sở hữu công nghiệp mà 'xâm phạm bản quyền của họ', bao gồm cả tên gọi công ty.

"Nếu là Coca-Cola, hay Facebook, cứ thử dùng tên gọi đã đăng ký bản quyền của họ mà xem, người vi phạm có thể sẽ bị kiện ngay, với công nghệ mạng hiện nay, việc phát hiện vi phạm bản quyền, xâm phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp rất dễ dàng được phát hiện, trừ khi người bị xâm phạm không chủ động và chủ trương thưa kiện, khiếu nại mà thôi," ý kiến này bình luận.

Trong một diễn biến riêng rẽ, gần đây, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên lãnh đạo tập đoàn truyền thông quân đội Viettel và là người có quân hàm cấp Tướng, phát biểu ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần lập ra một mạng xã hội của riêng mình mà về mặt triết lý vượt cao hơn Facebook.

Có ý kiến bình luận tiếp theo đó đặt ra cho rằng không rõ Việt Nam sẽ sử dụng công nghệ lõi nào để phát triển mạng xã hội riêng siêu việt như thế đi cùng và thỏa mãn 'triết lý' mới này, và không rõ công nghệ hỗ trợ đó sẽ đến từ Trung Quốc, Nga hay từ đâu, chưa kể việc tài chính sẽ được lấy ra từ ngân sách, vốn vay ODA, tài trợ ưu đãi nước ngoài, hay nguồn riêng nào?

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49304556

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét