Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Trường quốc tế là gì?

Trường quốc tế là gì?
Nguyễn Trang Nhung 2019-08-09 -  Một trường quốc tế bắt đầu hình thành, với các đặc điểm: (1) Đào tạo trẻ em xa xứ ở nhiều quốc gia khác nhau; (2) Cung cấp giáo dục dựa trên giá trị (values-based education) (mà tuyên ngôn sứ mệnh điển hình bao gồm các cụm từ như 'công dân toàn cầu có trách nhiệm', 'tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn', 'giáo dục vì sự hiểu biết quốc tế', 'trở thành công dân thế giới tích cực'); (3) Việc học trong nhiều trường hợp được xây dựng dựa trên một hay nhiều chương trình giáo dục quốc tế của IB hoặc của các tổ chức quốc tế như Fieldwork Education và Cambridge International Examinations.

Hình minh họa.
Câu hỏi này được người viết đặt ra sau vụ trường quốc tế Gateway, với những thông tin báo chí cho hay tên gọi 'quốc tế' là do trường tự đặt.[1] Không có một câu trả lời rõ ràng và thống nhất cho câu hỏi này, tuy nhiên, ít nhất có một vài tiêu chí để phân định hay nhận diện một trường quốc tế. George Walker, nguyên tổng giám đốc của tổ chức Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate, IB) cho chúng ta biết các tiêu chí như vậy qua bài viết 'What is an international school?'.[2]

Hãy bắt đầu từ lịch sử của các trường quốc tế và sau đó là các tiêu chí cho trường quốc tế, theo sự dẫn dắt của Walker:
  • Vào năm 1924, hai trường đầu tiên trên thế giới có tên gọi 'quốc tế', một ở Geneva, Thụy Sỹ, và hai ở Yokohama, Nhật Bản, đã mở cửa. Trước đó, một số thử nghiệm về giáo dục quốc tế đã ra đời song tồn tại không lâu. Thế nhưng, hai trường ở Geneva và Yokohama đã phát triển nhanh chóng và ngày nay vẫn lớn mạnh.
  • Hai trường này đã nắm bắt cơ hội tạo ra điều gì đó mới và khác – đó là giáo dục đối đãi với sự pha trộn của các học viên quốc tế như là một tài nguyên được hoan nghênh hơn là một gánh nặng về quản lý. Động lực cho giáo dục ở Yokohama là thương mại quốc tế trong khi ở Geneva là mưu cầu hòa bình thế giới dưới sự bảo vệ của Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc).
  • Giáo dục quốc tế từ những ngày đầu tiên đã cân bằng giữa những người thực dụng và những người mơ mộng, và các tuyên ngôn sứ mệnh của hầu hết các trường quốc tế đều hàm chứa cam kết 'làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn'.
  • Sự phát triển nhanh chóng của thương mại quốc tế và ngoại giao sau Thế chiến thứ hai đã dẫn đến sự tăng nhanh tương ứng về số lượng các trường quốc tế. Vào năm 1949, một hội nghị các hiệu trưởng của các trường quốc tế thu hút chỉ 15 người tham dự. Hai mươi năm sau, số các trường quốc tế được nhận diện bởi một nhà nghiên cứu kinh nghiệm là 372. Năm 1968, Chương trình Văn bằng Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate Diploma Program) đã ra đời và hiện tại có mặt tại hơn 4000 trường trên thế giới.
  • Bức tranh về một trường quốc tế bắt đầu hình thành, với các đặc điểm: (1) Đào tạo trẻ em xa xứ ở nhiều quốc gia khác nhau; (2) Cung cấp giáo dục dựa trên giá trị (values-based education) (mà tuyên ngôn sứ mệnh điển hình bao gồm các cụm từ như 'công dân toàn cầu có trách nhiệm', 'tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn', 'giáo dục vì sự hiểu biết quốc tế', 'trở thành công dân thế giới tích cực'); (3) Việc học trong nhiều trường hợp được xây dựng dựa trên một hay nhiều chương trình giáo dục quốc tế của IB hoặc của các tổ chức quốc tế như Fieldwork Education và Cambridge International Examinations.
  • Mô tả trên đây, tuy nhiên, không còn được thỏa mãn trong trường hợp của Atlantic College, khi trường này ra đời vào năm 1962 tại Wales nhưng không có kết nối nào với cộng đồng xa xứ. Là trường đầu tiên trong nhóm United World Colleges (UWC), Altlatic College chào đón học viên từ khắp nơi trên thế giới. Sự phát triển của Atlantic College đã ảnh hưởng đến sự phát triển của IB vào những năm đầu tiên. Ngày nay, có 17 trường trong UWC với sứ mệnh '...truyền cảm hứng cho các học viên tạo ra một tương lai hòa bình và bền vững'. Đối với nhiều người, UWC đại diện cho tiêu chuẩn vàng cho các trường quốc tế.
  • Vào năm 2012, một tổ chức nghiên cứu được nể trọng đã nhận diện không ít hơn 6400 trường tự xưng là 'quốc tế'. Nguồn gốc của sự phát triển lạ thường này nằm ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và các vương quốc Ả Rập Thống nhất, các quốc gia mà ở đó tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng. Trong nhiều trường hợp, các trường được gọi là quốc tế thường được lãnh đạo bởi các chuyên gia nói tiếng Anh có trình độ với kinh nghiệm quốc tế và được cung cấp bởi các tổ chức vì lợi nhuận như GEMS, Nord Anglia Education và Cognita.
Như vậy, với sự ra đời của ngày càng nhiều trường quốc tế, tên gọi 'quốc tế' đã không còn song hành trọn vẹn với các tiêu chí (hay các đặc điểm chung) ban đầu cho các trường quốc tế. Dù vậy, trong 3 tiêu chí kể trên, nếu tiêu chí thứ nhất về trẻ em xa xứ (sống ở nước ngoài hơn là ở nước mình) có thể là không nhất thiết, thì tiêu chí thứ hai và thứ ba vẫn còn quan trọng. Bên cạnh đó, cần kể thêm các tiêu chí như tính liên thông giữa các trường, sự công nhận (sau khi thẩm định) bởi ít nhất một tổ chức giáo dục quốc tế.
Với các tiêu chí này, các trường quốc tế trên thế giới ngày nay là tập hợp của các trường quốc tế thực sự lẫn các trường quốc tế tự phong và/hoặc có yếu tố nước ngoài hay có định hướng quốc tế. (Trường quốc tế Gateway mặc dù là thành viên của Hội đồng Các Trường Quốc tế (Council of International Schools, CIS) nhưng chưa được tổ chức này công nhận,[3] và nếu cũng chưa được tổ chức giáo dục quốc tế nào khác công nhận, nó chưa nên được xem là trường quốc tế).
Ngoài ra, theo Walker, một trường quốc tế cần được đánh giá dựa trên bản chất hay chất lượng của việc học của học viên, và tuy có tranh cãi về chủ đề này, song có sự đồng thuận mạnh mẽ đối với các tiêu chí sau đây:
  • Năng lực và động lực để xem xét các vấn đề từ góc độ toàn cầu cũng như quốc gia; hiểu và tôn trọng các ý kiến khác; tiếp thu kỹ năng đàm phán và thỏa hiệp.
  • Hiểu biết văn hóa dựa trên những gì có thể khi tiếp xúc trực tiếp, hoặc, dựa trên những cơ hội gián tiếp như nghiên cứu văn học, nghệ thuật và kịch nghệ quốc tế.
  • Chính sách ngôn ngữ bao gồm hỗ trợ ngôn ngữ mẹ đẻ, ngôn ngữ giảng dạy và khuyến khích học ngôn ngữ bổ sung.
  • Dịch vụ cộng đồng liên quan đến trải nghiệm trong lớp học với thực tế của cuộc sống hàng ngày trong các xã hội đang ngày càng bị phân cực về kinh tế và xã hội.
  • Kỹ năng tư duy phản biện giúp học viên phản ánh bản chất của kiến thức, nguồn gốc, độ tin cậy và các tiêu chí khác nhau cho sự thật.
Cuối cùng, như Walker cho biết, những người tiên phong thuở đầu trong lĩnh vực giáo dục quốc tế đã sử dụng diễn ngôn 'tư duy quốc tế' để mô tả trường của họ, và theo người viết, nếu các trường thực sự hướng tới điều này, họ sẽ đặt lên hàng đầu việc đào tạo con người, và tên gọi 'quốc tế' chỉ trở nên là một nhu cầu sau khi họ đã đạt được các tiêu chí vừa nêu.
Chú thích:
[1] Trường Gateway "tự phong" là trường quốc tế
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/truong-gateway-tu-phong-la-...
[3] Thư mục thành viên của CIS
https://www.cois.org/membership-directory
*  Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét