Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Việt Nam không nên phá giá đồng tiền lúc này

Bài này khá tốt, tôi đồng ý với các ý kiến của TS Lực, nhất là ý kiến VN không nên phá giá vào lúc này. Phá giá là một biện pháp tiền tệ quan trọng và công hiệu của chính sách tiền tệ; nếu được thực hiện ở VN thì tin chắc sẽ có tác dụng tốt. Tuy nhiên, chủ động phá giá (như TQ đã làm) sẽ giống như tuyên chiến với nước khác, sẽ gây ra chiến tranh tiền tệ, nên cần rất thận trọng mỗi khi quyết định phá giá. Thứ hai, vì phá giá gây ra chiến tranh tiền tệ, nên nó chỉ được xem là giải pháp cuối cùng nếu như đất nước không còn giải pháp nào nữa (như trường hợp TQ vừa làm), trong khi theo tôi ở VN còn rất nhiều giải pháp khác tốt hơn nhiều so với phá giá; chỉ có điều Đảng và Nhà nước có muốn và có dám làm không, nhất là giải pháp đổi mới thực sự sang kinh tế thị trường. Có mấy điểm sau tôi không đồng ý với TS Lực (các đoạn bôi đỏ): (i) TS nói thiệt hại cho nhập khẩu, tức là giảm tốc độ tăng trưởng nhập khẩu. Đây là điều tốt cho nền kinh tế chứ đâu phải xấu, đây cũng là mục tiêu của chính sách phá giá nên giảm được là đúng mục tiêu; (ii) TS viết "giảm giá tiền đồng Việt Nam với xuất nhập khẩu của Việt Nam thì mối quan hệ rất thấp"; tôi thì đánh giá ngược lại; (iii) TS cho rằng "cái tích cực của Việt Nam ở đây chính là chính phủ và nhà nước Việt Nam đang rất quyết liệt chống tham nhũng, thứ hai là cũng đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh"; tôi thì đánh giá ngược lại. Tôi cho rằng những vụ bắt bớ quan chức hai năm qua chỉ là đánh vào quan chức của chính quyền trước, chính quyền của Ba Dũng, tức là chỉ đánh phe phái đối lập; chưa hề có quan chức đương chức đáng kể nào bị bắt vì tham nhũng do những lỗi gần đây. Vì thế không thể gọi là "đang rất quyết liệt chống tham nhũng". Mặt khác, môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh vẫn rất tồi tệ, thậm chí xấu hơn trước, ví dụ điển hình là nhà nước bắt hồi tố lại các vụ Mobiphone mua AVG hay Quốc Cường Gia Lai mua đất của doanh nghiệp thành ủy Sài Gòn. Đều là những vụ mua bán hợp pháp, do quan chức tham nhũng làm sai nên nhà nước thiệt thì nhà nước phải chịu, phải trừng phạt quan chức của mình chứ không thể hồi tố lại các hợp đồng kinh tế quá khứ. (iv) TS đề nghị "cải thiện mạnh môi trường kinh doanh để thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp". Tôi thì cho rằng chúng ta đã dựa vào vốn đầu tư nước ngoài quá khủng rồi, không nên đi theo con đường này nữa (dù đang có cơ hội) mà nên "cải thiện mạnh môi trường kinh doanh để thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong nước, trước hết là vốn đầu tư của khu vực tư nhân".
Việt Nam không nên phá giá đồng tiền trong lúc này
Thanh Trúc 2019-08-08 - 
Việt Nam, hiện nằm trong danh sách một trong 21 nước đang bị Mỹ theo dõi về việc thao túng tiền tệ, do đó Việt Nam không nên phá giá đồng bạc để bị Hoa Kỳ gắn nhãn thao túng tiền tệ như Trung Quốc, là kết luận bài nghiên cứu mới nhất của tiến sĩ Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả Viện Đào Tạo Và Nghiên Cứu Ngân Hàng BIDV ở trong nước. Trao đổi với đài Á Châu Tự Do, chuyên gia kinh tế tài chính Cấn Văn Lực giải thích trước hết về khái niệm thao túng tiền tệ:

Một nhân viên ngân hàng đang đếm 
số tiền có mệnh giá Việt Nam đồng
Thao túng tiền tệ, currency manipulation, có nghĩa là một quốc gia nào đó tận dụng chính sách về tỷ giá hối đoái để tạo lợi thế có thể nói là thiếu công bằng, không công bằng trong quan hệ thương mại với một hoặc nhiều nước khác. Ví dụ như nước đó giảm giá (devalue) đồng tiền của mình một cách có chủ ý nhằm tạo lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu sang nước khác với cường độ liên tục gây bất lợi cho nước khác. Theo quan điểm của Mỹ cũng như các nước, đó là hiện tượng thao túng tiền tệ, tạo cạnh tranh không công bằng trong quan hệ thương mại.

Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Cấn Văn Lực, với chủ đề Trung Quốc vừa bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ (ngày 5/8/2019) thì Việt Nam nên làm gì? Được biết, ông và nhóm tác giả Viện Đào Tạo Và Nghiên Cứu Ngân Hàng BIDV đã khẳng định Việt Nam không nên phá giá đồng tiền, xin cho biết lý do?
TS. Cấn Văn Lực: Có 3 lý do. Thứ nhất là mỗi khi Việt Nam cũng như các nước khác điều chỉnh tỷ giá thì cũng cần quan tâm đến nhiều mặt, không chỉ riêng xuất khẩu. Khi mà đồng tiền của một quốc gia yếu đi thì có lợi thế cho xuất khẩu nhưng lại thiệt hại cho nhập khẩu, rồi phải cân nhắc đến cả yếu tố vay nợ nước ngoài, cân nhắc liệu việc đó có làm tăng lạm phát hay không.
Lý do thứ hai không nên phá giá vì nếu phá giá thì vô hình chung Việt Nam bị xoáy vào vòng xoáy của cuộc chiến tiền tệ, có thể bị kết luận là nước thao túng tiền tệ và như vậy là bất lợi cho Việt Nam.
Mỗi khi Việt Nam cũng như các nước khác điều chỉnh tỷ giá thì cũng cần quan tâm đến nhiều mặt, không chỉ riêng xuất khẩu. Khi mà đồng tiền của một quốc gia yếu đi thì có lợi thế cho xuất khẩu nhưng lại thiệt hại cho nhập khẩu, rồi phải cân nhắc đến cả yếu tố vay nợ nước ngoài, cân nhắc liệu việc đó có làm tăng lạm phát hay không.
Lý do thứ ba, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng quan hệ giữa cái gọi là giảm giá tiền đồng Việt Nam với xuất nhập khẩu của Việt Nam thì mối quan hệ rất thấp. Bởi vì cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là càng xuất khẩu nhiều thì càng nhập khẩu nhiều do công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển chưa tốt, cũng như xuất khẩu ở đây chủ yếu đến 70% là do các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) đang thực hiện.
Thanh Trúc: Liên quan chuyện Trung Quốc phá giá đồng Nhân Dân Tệ và bị Hoa Kỳ quy kết thao túng tiền tệ, thì cái nhìn của ông và nhóm nghiên cứu BIDV về vấn đề này như thế nào?
TS. Cấn Văn Lực: Đó là một động thái có chủ ý của Trung Quốc, tuy nhiên nó chưa đến mức  được cho là thao túng tiền tệ bởi vì cái mức mà Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc cho phép đồng Nhân Dân Tệ ngày hôm kia giảm giá ở mức tầm 1,4% . Mức này thứ nhất cũng đâu đó phản ánh yêu cầu hay cái diễn biến trên thị trường trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đã và đang ở mức độ không thuận lợi hay là yếu kém hơn so với trước đây.
Ý thứ hai là sự rủi ro về chiến tranh thương mại Mỹ Trung, đặc biệt sau khi tổng thống Donald Trump tuyên bố vào ngày 1 tháng Tám sẽ áp thêm thuế đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, vì vậy thị trường cũng có nhiều phản ứng tiêu cực đối với kinh tế Trung Quốc nói chung và tiền tệ Trung Quốc nói riêng.
Tuy nhiên vì sao phía Mỹ lại cho rằng đó là thao túng tiền tệ, bởi vì đây là lần đồng Nhân Dân Tệ giảm giá  rất mạnh, 1,4% trong một ngày, vượt qua con số 7 gọi là “ranh giới đỏ - red line” mà chưa hề bị vượt qua trong vòng 11 năm qua. 
Cái thứ ba là nó lại xảy ra ở thời điểm sau khi Tổng thống Trump tuyên bố là sẽ áp thuế tiếp từ ngày 1 tháng Chín. Đấy là những nguyên nhân để Mỹ quyết định Trung Quốc đã thao túng tiền tệ.
Thanh Trúc: Việt Nam là một trong 21 quốc gia đang thuộc diện theo dõi của Mỹ trong việc thao túng tiền tệ. Theo ông, với tình trạng kinh tế như hiện nay, khi VN đã chạm 2 ngưỡng cán cân thương mại với Mỹ, thặng dư trên 20 tỉ USD, ông nghĩ liệu  Việt Nam sẽ là quốc gia sẽ có thể bị quy kết “thao túng tiền tệ”?
TS. Cấn Văn Lực: Như đã biết trong báo cáo hồi tháng Năm vừa qua thì Mỹ cũng đã công bố Việt Nam đã chạm 2 ngưỡng trong số 3 ngưỡng đối với một quốc gia theo cái nhìn của Mỹ được cho là thao túng tiền tệ. Thế thì đối với hướng thứ ba hiện nay của Việt Nam chính là có liên quan đến can thiệp thị trường ngoại hối liên tục. Ví dụ mua ròng ngoại tệ liên tục trong vòng 6 tháng, mức mua đó vượt quá 2% GDP của Việt Nam thì như vậy đã chạm 3 cái ngưỡng.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực
Tiến sĩ Cấn Văn Lực Courtesy of australiaawardsvietnam.org
Đấy là cái rủi ro và thách thức, tuy nhiên tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ điều hành chính sách tỷ giá cũng như chính sách thương mại để làm sao mà Mỹ không thể kết luận là Việt Nam thao túng tiền tệ. Lấy ví dụ như đối với cán cân thương mại với Mỹ chắc chắn Việt Nam sẽ cố gắng để cân bằng hơn, tức là giảm bớt đi mức độ thặng dư đối với Mỹ. Tất nhiên không thể ngày một ngày hai nhưng đó không phải là câu chuyện trong một vài năm tới.
Ý thứ hai là Việt Nam vẫn phải tiếp tục mua ngoại tệ bởi vì dự trữ ngoại hối của Việt Nam dù đã tăng khá nhiều trong thời gian qua nhưng cái mức của nó vẫn thấp theo khuyến nghị của IMF Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế. Chính vì thế Việt Nam phải tiếp tục mua ngoại tệ để tăng ngoại hối. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ thực hiện chính sách linh hoạt tỷ giá hối đoái và thực hiện động thái có mua có bán ngoại tệ. Tức là không phải một chiều mà là hai chiều và chỉ can thiệp những trường hợp cần thiết. 
Thứ ba là sẽ trao đổi với phía Mỹ một cách công khai, minh bạch, kể cả những bằng chứng để chứng minh với phía Mỹ rằng Việt Nam không hề giảm giá đồng tiền của mình một cách quá đáng, một cách chủ ý, và phía Mỹ không thể kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ.
Thanh Trúc: Thưa ông, Việt Nam thời gian qua đã liên tiếp có nhiều vụ tham nhũng kinh tế bị phanh phui, thiệt hại ngân sách nhà nước hàng ngàn tỉ USD, chưa kể đến khả năng ngân sách Nhà Nước phải bù lỗ cho hàng loạt dự án hạ tầng hàng ngàn tỷ đồng khác nữa. Thực trạng kinh tế như vậy theo ông có được coi là sáng sủa và khả quan không?
TS. Cấn Văn Lực: Thực ra thì vấn đề tham nhũng không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà xảy ra ở nhiều nước, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam. Nhưng cái tích cực của Việt Nam ở đây chính là chính phủ và nhà nước Việt Nam đang rất quyết liệt chống tham nhũng, thứ hai là cũng đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh. Chính vì vậy ta thấy niềm tin từ các nhà đầu tư, kể cả những tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody’s, S&P hoặc Fitch đều đã nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam năm ngoái và tháng Tư, tháng Năm năm nay.
Không nên phá giá vì nếu phá giá thì vô hình chung Việt Nam bị xoáy vào vòng xoáy của cuộc chiến tiền tệ, có thể bị kết luận là nước thao túng tiền tệ và như vậy là bất lợi cho Việt Nam.
Cái thứ hai là dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nó liên tục tăng trong thời gian qua, đặc biệt khi mà chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang diễn ra và leo thang thì trong 7 tháng đầu năm vừa qua dòng vốn đầu tư, từ Trung Quốc, từ Hồng Kông, của các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc ở Hồng  Kông đã và đang dịch chuyển một phần về Việt Nam. Điều đó thể hiện Việt Nam đang đi đúng hướng, trong cả môi trường kinh doanh cũng như chống tham nhũng.
Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Cấn Văn Lực, Việt Nam nên làm gì trong lúc này nhằm cân bằng cán cân thương mại, ổn định tiềm lực kinh tế để không bị chuyển sang nhóm quốc gia thao túng tiền tệ vào đợt kiểm tra kế tiếp của Mỹ vào tháng 9/2019 này?  Nếu bây giờ bắt đầu chuyển động thì liệu có kịp không?
TS. Cấn Văn Lực: Trước hết ta nên thấy có sự đối chiếu với 3 ngưỡng hoặc 3 điều kiện để phía Mỹ có thể kết luận một quốc gia nào đó thao túng tiền tệ. Thứ nhất, đối với cân bằng thương mại, tôi hiểu chính phủ cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa thiết bị từ phía Mỹ, thí dụ máy bay, lương thực thực phẩm, thiết bị y tế, thuốc men… từ Mỹ. Chúng tôi quan sát thấy nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về Việt Nam cũng tăng khá là mạnh những tháng đầu năm vừa qua.
Hy vọng với đà này, cộng thêm việc tận dụng những FTA Hiệp Định Tự Do Thương Mại đã ký kết với EU và với nhiều nước khác, Việt Nam cũng có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình, cũng là cách giảm bớt thặng dư thương mại với Mỹ.
Thứ hai, Việt Nam cần phải cập nhật và trao đổi thông tin với phía Mỹ, để chứng minh rằng mua hay làm tăng dự trữ ngoại hối, cái đặc thù của kinh tế Việt Nam là do dự trữ ngoại hối còn thấp, rằng Việt Nam can thiệp thị trường ngoại tệ cả hai chiều, đồng thời cũng minh bạch hóa những hoạt động can thiệp thị trường ngoại hối để Mỹ thấy rằng đó là những hoạt động hoàn toàn công khai minh bạch và không phải là thao túng tiền tệ.
Thứ ba là cần phải kiên quyết chống những hiện tương gọi là gian lận thương mại, đột lốt nhãn mác “Made In Vietnam” để xuất khẩu sang Mỹ nhằm mục đích trốn thuế. Chính phủ Việt Nam cũng đã có một đề án rất rõ, ban hành tháng Sáu vừa qua, để chống gian lận thương mại cũng như chống gian lận xuất xứ.
Tôi nghĩ với những cách làm như vậy thì chắc là Việt Nam đã thể hiện thiện chí và hoàn toàn có đủ cơ sở để không bị kết luận là thao túng tiền tệ.
Thanh Trúc: Tóm lại những biện pháp cấp thiết nào mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế nên vạch ra và tư vấn cho chính phủ trong thời gian ngắn và dài?
TS. Cấn Văn Lực: Trước mắt thì rõ ràng cần phải hết sức bình tĩnh và tỉnh táo để không bị xoáy vào vòng xoáy về chiến tranh tiền tệ, cố gắng cân bằng hơn về quan hệ thương mại với Mỹ, tiếp tục duy trì chính sách tỷ giá linh hoạt và chủ động như trong thời gian qua.
Thứ hai là cải thiện mạnh môi trường kinh doanh để thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp. Cũng cần phải có tiêu chí để sàng lọc tốt hơn những dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt những dự án gắn với công nghệ cao, gắn với thân thiện môi trường.
Thứ ba, những vấn đề liên quan đến thể chế, pháp lý để tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn hầu thu hút giới đầu tư trong và ngoài nước.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn chuyên gia kinh tế tài chính Cấn Văn Lực đã dành cho đài Á Châu Tự Do bài phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét