Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai, hình ảnh ngoại giao mới của Việt Nam
Kính Hòa RFA 2019-02-06 - Cả hai quốc gia Việt Nam và Bắc Hàn cũng từng cùng đứng chung một quan điểm ý thức hệ chống lại Hoa Kỳ vào thời chiến tranh lạnh. Đây là một điểm mà Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập tại Singapore, cho rằng đã thúc đẩy Bình Nhưỡng chọn Việt Nam như là nơi để gặp Hoa Kỳ. Ông nói với RFA: “Họ với Mỹ lủng củng với nhau từ 1951, đến giờ vẫn chưa xong. Việt Nam lôi thôi với Mỹ từ 1952 đến 1975 thì xong, sau đó lại bình thường hóa quan hệ. Từ 1994 đến nay quan hệ phát triển rất tốt. Họ (Bắc Hàn) muốn tìm hiểu bằng cách nào mà hai quốc gia thù nhau mà tiến tới thành bạn như vậy. Đó là một bài học.”
Tổng thống Donald Trump (phải) và lãnh tụ
Bắc Hàn Kim Jong Un. Singapore 6/2018. AFP
Tối 5/2/2019, giờ miền Đông Hoa Kỳ, trong thông điệp liên bang của Tổng thống Hoa Kỳ, ông đã xác nhận ông và lãnh tụ Bắc Hàm Kim Jong Un sẽ gặp nhau tại Việt Nam trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai, dự kiến diễn ra vào hai ngày 27-28/2. Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng xác nhận và hoan nghênh việc này. Trước đó trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói Việt Nam sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ này.Lý do cuộc gặp thượng đỉnh được tổ chức ở Việt Nam được nhiều nhà quan sát và các cơ quan truyền thông quốc tế đưa ra từ khi giới chức Mỹ và Bắc Hàn còn chưa công bố địa điểm tổ chức.
Việt Nam là một trong rất ít quốc gia trên thế giới đang giữ tốt quan hệ ngoại giao với cả Hoa Kỳ và Bắc Hàn.
-Bưu Điện Hoa Nam.
Tờ Bưu điện Hoa nam, xuất bản ở Hong Kong, trong số ra ngày 27/1/2019 nói rằng Việt Nam là một trong rất ít quốc gia trên thế giới đang giữ tốt quan hệ ngoại giao với cả Hoa Kỳ và Bắc Hàn.
Bản tin ngày 6/2/2019 của hãng tin Pháp AFP cũng ghi nhận điểm này sau khi Tổng thống Trump xác nhận Việt Nam sẽ là nơi ông và ông Kim gặp nhau vào cuối tháng 2/2019. Hãng AFP cũng sơ lược lại mối quan hệ giữa Việt Nam và Bắc Hàn trong gần 70 năm qua, với tư cách là những đồng minh rất thân thiết với nhau.
Bắc Hàn là quốc gia đầu tiên công nhận chính thể cộng sản Việt Nam dân chủ cộng hòa, tức là Bắc Việt Nam, từ năm 1950. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Bắc Hàn đã gửi phi công chiến đấu bên cạnh Bắc Việt Nam chống lại Nam Việt Nam và đồng minh Hoa Kỳ.
Ông Kim Nhật Thành, ông nội của đương kim lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un (Kim Chính Ân) cũng đã thăm chính thức Bắc Việt Nam vào năm 1958.
Theo những con số được một nhà nghiên cứu Bắc Hàn, người Hungary là ông Szalontai đưa ra trên một tạp chí nghiên cứu về Bắc Hàn, thì vào đỉnh điểm của sự nồng ấm Bắc Việt Bắc Hàn, 1968, có đến 2500 sinh viên Việt Nam học tại Bắc Triều Tiên.
Cả hai quốc gia Việt Nam và Bắc Hàn cũng từng cùng đứng chung một quan điểm ý thức hệ chống lại Hoa Kỳ vào thời chiến tranh lạnh.
Đây là một điểm mà Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập tại Singapore, cho rằng đã thúc đẩy Bình Nhưỡng chọn Việt Nam như là nơi để gặp Hoa Kỳ. Ông nói với RFA:
“Họ với Mỹ lủng củng với nhau từ 1951, đến giờ vẫn chưa xong. Việt Nam lôi thôi với Mỹ từ 1952 đến 1975 thì xong, sau đó lại bình thường hóa quan hệ. Từ 1994 đến nay quan hệ phát triển rất tốt. Họ (Bắc Hàn) muốn tìm hiểu bằng cách nào mà hai quốc gia thù nhau mà tiến tới thành bạn như vậy. Đó là một bài học.”
Cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra từ năm 1951 đến 1953 thì ngưng, giữa một bên là Trung Quốc với đồng minh Bắc Hàn, bên kia là Nam Hàn cùng đồng minh Hoa Kỳ. Về mặt chính thức, cuộc chiến này vẫn chưa được tuyên bố kết thúc.
Một lý do khác được nhiều nhà quan sát đề cập việc chọn lựa Việt Nam làm nơi tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim là lý do mô hình phát triển kinh tế.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapre, được AFP trích lời cho rằng ông Kim Jong Un rất muốn nhìn thấy Việt Nam để suy nghĩ về chuyện cải cách ở Bắc Hàn.
Cả hai nước Việt Nam và Bắc Hàn hiện nay đều theo mô hình độc đảng cộng sản lãnh đạo, nhưng Việt Nam đã thực hiện cải cách kinh tế theo kiểu thị trường và tạo ra nhiều thay đổi lớn.
Cuối năm 2018, một đoàn cán bộ cao cấp Bắc Hàn do Ngoại trưởng Ri Yong Ho dẫn đầu đã đến Việt Nam tham khảo mô hình phát triển kinh tế.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế tại Hà Nội, thì việc Bắc Hàn tham khảo mô hình Việt Nam đã diễn ra từ khá lâu. Ông nói với RFA vào tháng 1/2019:
“Thụy Điển có một chương trình mời các quan chức Bắc Triều Tiên đến Việt Nam nghiên cứu về phát triển kinh tế, do Giáo sư Ari Koko của Thụy Điển phụ trách. Ông đã mời tôi đến giảng hai lần cho đoàn Bắc Triều Tiên, và tôi thấy họ rất quan tâm.”
Ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ cũng từng nói với các đồng nhiệm Bắc Hàn rằng nên theo đuổi mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong thời gian hơn 20 năm qua Bắc Hàn bị quốc tế cấm vận do thử vũ khí hạt nhân, thì Việt Nam thường tỏ thái độ trung lập. Việt Nam cũng một mặt tuân thủ lệnh cấm vận quốc tế, nhưng mặt khác cũng là quốc gia cung cấp lương thực cho Bắc Hàn. Cả hai ông Lê Đăng Doanh và Hà Hoàng Hợp đều xác nhận chuyện này.
Về phía Washington, việc đồng ý chọn Việt Nam như là nơi trung gian trong cuộc đàm phán với Bắc Hàn, cũng được một số nhà quan sát cho là để chứng tỏ với Bắc Kinh rằng Bắc Kinh không có quyền gì đối với Bình Nhưỡng, và hơn nữa việc chọn lựa này đối với Mỹ như là để cân bằng chiến lược với Trung Quốc ở Biển Đông.
Đó là nhận định của ông Cheon Seong Whun, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chính sách Châu Á ở Hàn Quốc, được AFP trích lời.
Việt Nam vốn được xem như đã và đang thực hiện một chiến lược “đu dây” ngoại giao cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trưng Quốc trong khu vực Biển Đông và Châu Á. Bên cạnh đó Việt Nam cũng cố gắng thể hiện vị thế của mình trên trường quốc tế trong nhiều lãnh vực và cấp độ.
Sau khi tin Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức thượng đỉnh Trum-Kim, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch hiệp hội du lịch Thành phố Đà Nẵng, nơi rất có khả năng tổ chức cuộc gặp này, đã trả lời tờ Bưu Điện Hoa Nam rằng việc tổ chức này sẽ thu hút du lịch đến Việt Nam.
Ông Huỳnh Tấn Vinh cũng là Giám đốc khu nghỉ mát Furama trên bãi biển Đà Nẵng, nơi đã tổ chức hội nghị kinh tế Châu Á Thái Bình Dương vào năm 2017 với sự hiện diện của Tổng thống Trump. Đây cũng là nơi được dự đoán sẽ tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai.
Đây là cơ hội để Việt Nam vừa thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, vừa giúp nâng cao hình ảnh và vị thế về mặt đối ngoại của Việt Nam.
-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.
Ông Lê Hồng Hiệp nói với RFA:
“Đây là cơ hội để Việt Nam vừa thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, vừa giúp nâng cao hình ảnh và vị thế về mặt đối ngoại của Việt Nam, trong đó có vấn đề liên quan đến ứng xử với Trung Quốc trên Biển Đông.”
Sau khi có thông tin Việt Nam chính thức là nơi tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim lần 2, hai quốc gia châu Á có liên quan đến Bắc Hàn nhất là Nhật Bản và Nam Hàn đã có những phản ứng tích cực, mong muốn thượng đỉnh lần này sẽ đưa ra những kết quả cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như chấm dứt cuộc chiến tranh tại đây một cách chính thức.
Trước đó, vào giữa tháng 1/2019, khi nói chuyện với RFA về khả năng tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim tại Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng Việt Nam không những cung cấp tài chính, địa điểm để tổ chức mà còn có thể tác động để hai bên đi đến kết quả cụ thể dễ dàng hơn, điều đã không xảy ra tại Singapore vào tháng sáu năm 2018, trong cuộc thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhất.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trump-kim-2-vietnam-new-diplomacy-face-02062019111327.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét