Cảnh báo của Adam Smith về nghệ thuật móc túi dân và trốn nợ
Hoàng Hải Vân - Phần lớn những cuốn sách được in ra nhằm phổ biến tri thức (không tính sách văn chương và giải trí), nếu không biết cách đọc thì hại nhiều hơn là lợi. Bởi vậy mà Khổng Tử nói tin tuyệt đối vào sách thì thà không có sách (tận tín thư bất như vô thư), còn Trang Tử thì bảo sách là “đôi dép mục” của tiền nhân.Một trong những tác phẩm của ông, cuốn “The Wealth of Nations” (Của cải của các quốc gia) là cuốn sách khai thiên lập địa của kinh tế học, có ảnh hưởng lớn nhất vào sự thịnh vượng của phương Tây gần 250 năm qua. Ông không chỉ cho ai cách thức làm giàu, không vẽ ra các “chiến lược kinh tế-xã hội” để đi đến thịnh vượng. Ông chỉ nói rằng, chính hành vi tư lợi của chúng ta làm cho xã hội trở nên giàu có, rằng nếu như loại bỏ được mọi ngăn cản để cho mọi người được tự do chạy theo tư lợi của mình, miễn là hành vi đó không làm hại đến người khác, thì sẽ có một bàn tay vô hình tạo nên thịnh vượng chung cho xã hội. Ông vén một bức màn để mọi người tự nhìn thấy năng lực và đức hạnh vốn có của mỗi cá nhân, rằng bản năng tự nhiên của mỗi chúng ta chính là sự “định hướng” tốt nhất cho nền văn minh hơn bất kỳ những lý thuyết đạo đức cao siêu nào.
Con người về bản chất là có sự cảm thông với đồng loại, chính “tính bản thiện” đó giúp con người tự tiết chế hành vi của mình để sống hài hòa trong xã hội. Tuy nhiên, xã hội vẫn cần có luật pháp để ngăn chặn kẻ này lên cơn làm hại kẻ kia và cần có quốc phòng để ngăn chặn những kẻ ăn cướp từ bên ngoài. Bởi vậy, chính phủ không bao giờ thất nghiệp và bởi vậy người dân phải nộp thuế để chính phủ bảo vệ mình. Ông viết : "Chỉ cần một vài điều kiện là có thể đưa một đất nước từ tình trạng dã man lên trạng thái phú cường nhất, đấy là hòa bình, thuế khóa dễ chịu và việc thực thi công lý có thể chấp nhận được : tất cả những điều còn lại sẽ xảy ra một cách tự nhiên".
Mặc dù phản đối những người vô chính phủ nhưng Adam Smith cũng cảnh báo sự “tự diễn biến tự chuyển hóa” của những người cầm quyền tha hóa thành những kẻ lạm dụng quyền lực. Muốn lạm dụng quyền lực thì phải tự gán thêm sứ mệnh cho mình để phình to bộ máy nhà nước, mà muốn phình to bộ máy nhà nước thì phải tăng thuế (hoặc vay nợ). Ông cảnh báo : “Không có nghệ thuật nào mà một chính phủ lại học được từ một chính phủ khác nhanh hơn là nghệ thuật móc tiền từ túi người dân”.
Việc tăng thuế để làm những việc quá chức năng cần thiết là vô đạo đức. Nhưng theo Smith, như vậy vẫn chưa đủ. Các chính trị gia còn muốn gia tăng quyền lực bằng vay nợ, bởi vì thuế không thể tăng vô hạn độ. Và họ tìm cách trốn nợ, bằng cách nhắm mắt đẩy cho thế hệ sau ai trả thì trả. Nợ công, theo ông, không phải là chuyển vốn một cách nhân từ từ nhóm người này sang nhóm người khác, mà là mối đe dọa đối với tự do và thịnh vượng.
Gần 1/4 thiên niên kỷ qua đi, những cảnh báo của Adam Smith vẫn trường tồn và vẫn thời sự ở mọi quốc gia.
HOÀNG HẢI VÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét