Đàn ông đàn bà trong thân phận lứa đôi (1)
Ngyễn Văn Lục - Một thời kỳ hồng hoang lịch sự đầy vẻ đẹp và quyến rũ, đầy giá trị văn hóa bầy đàn của thời kỳ hái lượm. Nó là thứ vườn địa đàng của Adong-Eve trước khi họ sa ngã, mất sự sủng ái của Thượng Đế. Ít ai nhìn thấy được cái vẻ đẹp thuần khiết, tự nhiên, thong dong và tự tại, triển nở mà không bị bất cứ một ràng buộc, một huấn lệnh, một cấm kỵ nào ngăn cản. Đến với nhau như một thu hút của cây kim nam châm, hòa vào nhau như hai vật có súc tác, quyện vào nhau như da với thịt, như đói thì ăn, khát thì uống. Mỗi lần là một chan hòa, một nhịp sống theo tiếng trống bập bùng, ngọn lửa than hồng còn bùng cháy cho đến lúc lụi tàn cũng là lúc tàn cuộc. Keo sơn, khít vào nhau mà không một đòi hỏi, không một làm khó dễ, không phải kỳ kèo tính toán, không một đố kỵ, ghen tuông tranh dành như một mảnh đất chung. Mọi sự là của chung, của bầy đoàn, kiếm ăn chung, chia xẻ chung, cùng làm cùng hưởng. Không có ý thức cá nhân nên không có tinh thần cất giữ riêng, dấu diếm che đậy. Thân xác người đàn bà cũng vậy là của chung nên là một mảnh đất màu mỡ ai vào cũng được và nếu có mang bầu thì đứa con là thuộc bầy đoàn, không của riêng ai.
Nguồn: Afrique En Cirque
Đã thế, còn có một số rất ít phụ nữ ảnh hưởng tây học, coi ly dị là một nghề không vốn. Không dám nói là một thứ kỹ nghệ không khói. Nhưng mỗi lần gặp may, mát phận thì người phụ nữ giầu ra. Ba lần ráp nối có ba căn nhà. Bài viết này là sự góp nhặt những giai thoại dông dài xảy ra trong cuộc đời với những kinh nghiệm, những cảm nghĩ rời, trải dài không hệ thống, và nhất là do sự đọc của tác giả từ thời trẻ đến nay.Sẽ có một thiệt thòi chung khi một cộng đồng, một đất nước chỉ muốn tiếp nhận những gì giống mình thì đất nước ấy sẽ chỉ “nghèo đi” vì không thêm được gì. Và một đất nước, một cộng đồng mở cửa như đón nhận gió muôn phương, chấp nhận sự đa dạng khác biệt thì nó có thể có nhiều cơ hội “ giàu lên”. Bởi vì, nhận thức là đa dạng, là nhiều mặt, nhiều lẽ, nhiều bề.
Tự thân, sự thật, chân lý là cái dấu ẩn mà cái phơi bày ra chỉ là hiện tượng. Vì vậy người ta thường nói, hành trình của nhận thức là lên đường, đi tìm là chính yếu; phải tra hỏi và câu hỏi có khi quan trọng hơn câu trả lời.
Cho nên, theo đà tiến bộ, sự toàn cầu hóa không phải chỉ trong phạm vi kinh tế mà còn trong tư tưởng, hiểu biết và chia xẻ do sự tràn ngập thông tin.
Cái gì con người ngày nay cũng có thể thông suốt, cũng đào sâu, cững biết đến tận cội nguồn. Ngay cả trong phạm vi y học mà lục phủ ngũ tạng con người mà nay đều được khám phá, thử nghiệm và nhiều hy vọng thắng được bệnh tật, ngay cả ung thư vốn được coi là bất trị cũng có hy vọng chữa khỏi.
Vậy mà chỉ riêng sự hiểu biết về chính con người thì lại chậm lụt nhất. Tôi là ai, anh là ai, chúng ta là ai? Câu hỏi thì có mà câu trả lời đôi khi mơ hồ khựng lại trong do dự và ngập ngừng .
Các khoa học về con người như các loại sách: dạy làm người, sách Đắc Nhân tâm chỉ là những hướng dẫn thực tiễn nhằm thành công ở đời mà không phải để hiểu đời.
Các khoa tâm lý trị liệu, khoa tâm thần học xem ra còn quá sơ sài. Mắc bệnh tâm thần, vào nhà thương điên là chỉ có chết mòn.
Triết học có đào sâu đấy, nhưng chỉ là những hệ thống, những trường phái đối lập nhau mà thực sự không biết nó đưa dẫn tư tưởng con người đi về đâu? Khoa Xã hội học là khoa hoa lá cành chán ngắt và vô bổ vì lý thuyết suông. Nhân chủng học có những tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn còn quá mới mẻ chỉ là những bước dò dẫm khám phá từng vùng, từng chủng loại của một thời kỳ nhất định. Tâm Lý học và Phân tâm học thì nhiều phần đi chệch hướng, càng đào sâu, càng không thể đưa ra một kết luận nào.
Và một trong những hiểu biết về người khác phái – như người nam, người nữ – còn nhiều tắc nghẽn vì đường vào nhiều ngõ chặn, uẩn khúc.
Câu châm ngôn L’homme, cet inconnu từ xưa đến nay xem ra vẫn còn đúng.
Đấy là những phát biểu của đại triết gia, các nhà tư tưởng lớn không phải của người thường. Tác giả còn nhớ, khi còn trẻ, ngạc nhiên vì không hiểu tại sao con người lại bí hiểm đến như thế!!
Còn về phía phụ nữ thì người viết cũng phải thú nhận càng lớn, càng tiếp xúc, càng thấy sự xa lạ đến phải thốt ra rằng: Ôi, đàn bà, kẻ xa lạ ấy.
Càng gần, càng liên hệ gần gũi càng mệt, càng không hiểu họ.
Từ những vấn đề cổ lỗ xĩ như tiết trinh, vấn đề giải phóng phụ nữ hay chỉ là giải phóng cái âm hộ, đến vấn đề đòi hỏi bình quyền, vấn đề cột trụ một vợ một chồng càng ngày càng cho thấy sự phôi pha và vô hiệu quả của nó.
Có nghĩa là, vấn đề nào của con người, đụng vào là thấy rắc rối như tơ vò.
Nhưng có lẽ vấn đề gay go nhất hiện nay là vấn đề ly dị.
Nó phá vỡ cái tương quan nền tảng gia đình vốn được tôn trọng như thể những nguyên lý bất di bất dịch. 100 người trong hôn nhân thì nay số ly dị là 50 đến 70% . Và hơn thế nữa. Cái số còn lại ít ỏi thì cũng khập khiễng, ẩn nhẫn và chịu đựng theo cái kiểu chin bỏ làm mười.
Vài con số thống kê của Canada về vấn đề li dị. Nguồn: www.vanierinstitute.ca
Bề ngoài như vậy bề trong khóc thầm. Không chính thức ly dị thì sinh ra tệ nạn ăn vụng, sống ngoài hôn nhân.
Tại sao con người sống cần nhau, sống có nghĩa là sống với người khác như một cộng sinh, như một định mệnh như một lý lẽ căn thiết ở đời mà lúc nào cũng có thể vở đổ, chia lìa?
Đã trót ly dị rồi thì chắp nối lại; tưởng yên, tưởng đã kinh nghiệm, đôi khi lại rắc rối thêm. Càng chắp nối đôi khi càng rắc rối thêm. Đã một lần đứt gánh thì đã một thì sinh hai, hai sinh ba, ba sinh bốn, bốn sinh năm mà cứ thế mà sinh mãi ra.
Trầm luân và hệ lụy! Phải chăng đây mới thật sự là kiếp nhân sinh?
Phải chăng đây có phải là một thất bại của cá nhân hay của một trật tự một vợ-một chồng đã đến lúc tan rã?
Và đặt thẳng vấn đề: Hôn nhân với một vợ-một chồng có còn là căn bản tối ưu của cuộc sống lứa đôi nữa hay không?
Trong hôn nhân sự trung thành là một đòi hỏi tất yếu, đòi hỏi không điều kiện, điều không có không được.
Nhưng khi biết rằng một ngày nào đó sẽ phôi pha, sẽ muốn thay đổi, sẽ muốn chấm dứt thì phải chăng: Không bao giờ chúng ta trung thành với chúng ta cho bằng chính lúc chúng ta thay đổi?
Và phải chăng chính lúc thay đổi mới là lúc ta trung thành! Thay đổi mà vẫn đóng kịch trung thành che đậy bề ngoài thì đó chỉ là ngụy trang, đánh lừa, dối trá?
Đó phải chăng đó là một khủng hoảng lớn nhất, phổ biến nhất trên toàn thế giới liên quan đến nền tảng của một gia đình và xã hội hiện nay?
Trong anh em, trong vòng liên thuộc, trong bạn bè, hàng xóm, trong mọi giai tầng, trong mọi lứa tuổi đều có những người ly dị. Với những đứa con, bơ vơ lạc lõng – nhiều phần hỏng đời – không học hành, nếp sống buông thả, không ai hướng dẫn kiểm soát!
Chúng sẽ là gánh nặng cho xã hội.
Đã thế, còn có một số rất ít phụ nữ ảnh hưởng tây học, coi ly dị là một nghề không vốn. Không dám nói là một thứ kỹ nghệ không khói. Nhưng mỗi lần gặp may, mát phận thì người phụ nữ giầu ra. Ba lần ráp nối có ba căn nhà.
Nền tảng gia đình ngày nay là một sự mong manh dễ đổ vỡ nhất!
Ngày nay, người ta có thể bảo hiểm bất cứ thứ gì, từ bệnh tật đến trộm cướp.ngay cả thiên tai, như hạn hán, bão lụt.
Nhưng có một thứ không bảo hiểm được, không ai dám bảo hiểm là hạnh phúc lứa đôi, tính chung thủy một vợ một chồng.
Cách đây cũng đã lâu, tác giả có viết một bài trên Talawas về một bữa tiệc Noel. Nó phản ảnh đúng cái xã hội phiền đa và phức tạp ngày nay. Cảnh rổ rá cặp lại, cảnh con ông con bà, cảnh lấy nhau tròng chéo, Cảnh hai ba đời chồng, hai bà đời vợ ráp nối lại sẽ gây biết bao phiền toái trong một bữa tiệc Noel. Xin đọc cả câu truyện mới thấy rõ được.
Nhan đề câu chuyện là, “Câu chuyện mời ăn “rê vây ông” của Marie”.
Do Marie ly dị đôi lần và những đối tác của cô cũng ly dị tương tự như vậy. Rồi di sản – ngoài tài sản vật chất có thể cắt xẻ, chia ba, chia tư, chia năm – là những đứa con như những cái De trop lại không thể chia đôi, chia ba như cái bánh. Chúng không chịu “không xếp hàng theo bên này, bên kia”. Có thể sau này chúng là “ thứ con ông, con bà, con tôi, con người ta và con chúng ta” trở thành những vấn đề đau đầu về huyết thống, về pháp lý, về gène, về tương lai, về nạn ghép giống, về di truyền, về cá tính và về tương lai nền tảng gia đình.
Chúng từ những lần sinh đẻ ngoài ý muốn hay từ những kết hợp thiện ý tưởng không thể tách rời, nay về mặt xã hội danh nghĩa ai là cha, ai là mẹ, ai là anh em, ai là máu mủ trong liên hệ được nhìn nhận và bảo bọc càng ngày càng trở nên một nỗi thao thức, nỗi lo âu của các bậc phụ mẫu sinh thành.
Câu chuyện bắt đầu như thế này:
“Hôm nay đã là 23, không phải là lúc tìm lỗi phải về ai mà lo đi mua sắm cho kịp thức ăn cho bữa tối 24-12. Gà tây cho cục cưng Peter, cho Jane. Món Tourtière, món ăn truyền thống của người Québec cho Sylvie, Roger, rồi Pierre, Michel và Nancy. Đã hết đâu, còn món Ý cho Cifelli nữa. Không có là không được với anh chàng này. Dân Ý chính hiệu Sicilia.
Đối với Marie, đây là bữa ăn “Rê vây ông” nhớ đời. Không ngờ tập họp được đông như vậy. Cô mỉm cười ra xe: Phải đi chợ mau kẻo không kịp. Chẳng hiểu có sự sắp xếp của Chúa hay Ông già Noel hay không? Nghĩ bụng xứ người thật rắc rối thật!”
(Nguyễn văn Lục, Talawas, 2004)
Phần phụ nữ, cuộc hùn vốn thổi cơm chung không phải chỉ là căn nhà, cái xe hơi mà còn cái “vốn thân xác” cần đuợc trả giá, tính lời lỗ sao đây? Chữ trinh – theo các cụ đáng giá ngàn vàng chứ đâu có cho không? Chữ trinh giữ gìn cả một đoạn đời, chỉ có ngần ấy thôi nào có thể cho không, biếu không. Cô Kiều nát bấy đời hoa gặp lại Kim Trọng còn thỏ thẻ quyết liệt: “Chữ trinh còn một chút này”. Chút này là chút gì? Một chút tính ra vàng, ra đô la là bao nhiêu?
Gớm cụ Nguyễn Du sao khéo nịnh cụ bà Hồ Xuân Hương thế!
Trong chuyện chăn gối, đàn ông ví như ngón tay, đàn bà như cái lỗ mũi đang bị ngứa. Ngón tay ngoáy lỗ mũi thì ngón tay sướng hay lỗ mũi sướng? Các phụ nữ lấp liếm: ngón tay sướng! Thế thì còn nói gì được nữa.
Trong một chương trình truyền hình của TV Trung Hoa, có chiếu một câu chuyện một cặp vợ chồng mà người chồng là một nghệ sĩ, say mê đàn hát. Nhưng đến lúc người vợ không chấp nhận đời sống hôn nhân túng thiếu nên đòi chia tay. Chị đẩy một cái xe nhỏ có đứa con gái nhỏ độ 3 tuổi và chị đang mang thai để ra khỏi nhà. Khi ra đến cửa, chị còn ngoái lại đòi anh chồng trả cho cái: tình phí, tức là phí chia tay. Sau khi đã nhận Tình phí chị mới bỏ đi cái một, không ngoái đầu lại.
Cuộc chia tay thật bẽ bàng: có tiền thì còn tình nghĩa, hết tiền thì tình nghĩa cũng cao bay chạy xa.
Thường người nào muốn chia tay thì phải trả cái tình phí ấy và phần đông đàn ông thường khởi động nên phải trả. Chuyện hôn nhân ở nước Tàu là chuyện gả bán trên căn bản Tình và Tiền. Có khi tình phí tốn kém đến 2 triệu Nhân dân tệ, tương đương với số tiền 31.4000 USD. Nhiều đấy chứ.
Câu hỏi nền tảng, quyết liệt là: Tại sao Nam-Nữ được an bài như một định mệnh mà quyền thế con người đôi khi không tháo gỡ được lại trở thành nan đề chia lìa?
Sợi chỉ tơ hồng tưởng không tháo gỡ được, nay dễ quá có thể tháo tung.
Chưa kể còn bao nhiêu lời ước thệ trên giấy trắng mực đen? Đó là những vấn đề chẳng những liên quan đến tôn giáo, xã hội mà còn thuộc bản chất con người. Đó là vấn đề của vấn đề mà đôi khi cách đặt vấn đề, cách đối diện vấn đề quan trọng hơn chính vấn đề.
Người viết sẽ cố gắng lần lượt tìm hiểu. Nhưng như một lời thú nhận công khai, nói trước: Chính thói quen, sự nhàm chán là nguồn gốc mọi duyên cớ? Có mới nới cũ. Cái gì dùng mãi cũng chán. Cái áo quần, món ăn ngon, cái xe, cái nhà luôn luôn cần thay đổi.
Nhưng con người làm sao thay đổi như cái áo?
Có lẽ, phải thay đổi tâm lý cái đầu, thay đổi cách nhìn. Phải làm thế nào mà mỗi lần “đụng trận” thì như thể lần đầu? Người đời đã hoài công đưa ra những “ kỹ thuật” mới, nhưng càng nhiều kỹ thuật càng đi đến chỗ nhàm chán bế tắc!
Hay tại lòng tham của con người? Tham giàu, tham danh thì tại sao không tham nhiều vợ, nhiều chồng? Nếu vậy có lẽ cần một thứ “Triết lý chấp sinh” của Nguyễn Công Trứ.
Một triết lý quân bình. “Không Phật, không tiên, không vương tục”. Một hiện sinh tự tại. Một hiện sinh Nhân bản. Một Hiện sinh toàn diện. Trong cái biết, chính cái biết đủ trong đó đã mặc định là loại trừ lòng tham.
(Tham khảo thêm Vũ Đình Trác, “Triết lý Chấp sinh của Nguyễn Công Trứ” , Hội Hữu xuất bản, California 1988)
Có lẽ ta cần một thứ triết lý “loại trừ lòng tham”. Nhưng không khéo lại rơi vào triết lý vô vi của Lão Tử.
Bài học mới đây nhất: Vợ chồng môt tỷ phú gia giàu nhất nước Mỹ, lấy nhau 25 năm, 4 mặt con, nay vừa mới tuyên bố ly dị? Sau đó, ông chồng tuyên bố có vợ mới, theo cái kiểu cũ người mới ta.
Điều gì khiến họ quyết định ly dị? tiền bạc, vật chất, sắc đẹp, tính tình, thói quen, sự tham lam hay sự nhàm chán?
Bắt đầu vào chuyện.
Để đi lại từ đầu, chúng ta tìm hiểu xem tổ tiên con người đã có mặt và sống như thế nào? Họ có sống vui không? Sống hòa điệu không?
Trời đã sinh ra con người gồm đàn ông và đàn bà. Đàn ông được coi là con đực, đàn bà được coi là con cái. Nói như thế có điều gì xúc phạm không nhỉ? Thực sự nó là như thế trong muôn loài muôn vật mà do một Đấng quyền năng đã tạo thành. Nó không thể từ chỗ không có làm ra có. Nó có một khởi đầu. Một chỗ khởi đầu còn mù khơi, hỗn mang chi sơ.
Cái hỗn mang chi sơ với vật chất với năng lượng vật lý khởi đầu có thể cách đây 13 tỉ rưỡi năm. Còn trái đất ta ở cũng tròm trèm 4 tỉ rưỡi năm. Các sinh vật có trước con người 3 tỉ 8 năm.
Có con người thì mới vào khoảng 2 triệu rưởi năm.
(Xem thêm Yuval Noah Harari, “Sapiens. A brief history of mankind”. Lược sử loài người. Bản dịch của Nguyễn Thủy Chung. Hiệu đính Võ Minh Tuấn, nxb Trí Thức, trang 336)
Con người xuất hiện muộn nhất so với muôn loài. Nhưng con người xem ra trội vượt nhất.
Đọc đến đây, không biết người khác nghĩ thế nào? Chứ bản thân người viết bài này, thật sự choáng váng đến rùng mình rúng sợ không dám nghĩ tiếp nữa. Run sợ trước cái vô cùng lớn cũng như cái vô cùng nhỏ của vũ trụ. Về cái thời gian miên viễn kéo dài như vô tận.
Người viết cảm thấy sự nhỏ bé và hèn mọn của con người. Cảm nhận mình không chắc có bằng một hạt cát trên cõi đời này. Ôi, một hạt cát trên tỉ tỉ hạt cát trước và sau thì cuộc đời một cá nhân có nghĩa lý gi? Như bị choáng ngợp! Như bị ngập ngụa trong cõi vô biên!
Người viết như mọi người đã chứng kiến biết bao nhiêu hạt cát được coi là “đứng nhân tài” đã ra đi và không để lại gì?
Đây hẳn là một cảm nghiệm siêu hình mà hầu như là một cảm giác có thật, có thể sờ thấy về cái mong manh của kiếp người.
Cho nên, người viết nghĩ thầm trong bụng: Nói hay không nói, viết cái gì cũng chỉ là sự bập bẹ ú a ú ớ về một điều ngoài sức hiểu biết.
Kiếp sống con người thời xưa mong manh biết là chừng nào! Có là đấng quyền uy “đầu đội trời, chân đạp đất” đi nữa thì chết vẫn là hết. Con vua cháu Chúa chết cũng là chết.
Nếu chấp nhận tính cách phù vân của kiếp nhân sinh, tại sao con người vẫn chấp nê, so bì, bon chen, tị hiềm, tính toán như thế, chia lìa lứa đôi như thế? Được gì và ích gì?
Đặt vấn đề tổ tiên loài người đã sống như thế nào? Họ đã để lại bài học gì? Và ta học được gì?
Con vua cháu chúa đi nữa cũng không quả khỏi kiếp người! Các bậc vua chúa thời xưa như vua nước Anh Edward nước Anh I (1237-1307) có 16 người con, độ tuổi thọ trung bình là 12.4 tuổi.
10 trong số 16 người con – 62% chết ở tuổi ấu thơ. Chỉ có 6 người sống quá 11 tuổi. và chỉ có ba người –18% sống quá tuổi 40.
(Xem Yuval Noah Harari. Ibid., trang đầu)
Phần tác giả, trước đây khi viết về các công chúa nhà Nguyễn (1802-1945) trong một bài viết nhan đề: “Tấm vải bọc điều”. Người viết nhận thấy số tử vong nơi các công chúa còn thấp hơn nhiều. Độ tuổi thọ trung bình của các công chúa là 8.7 tuổi.
Khi chết ở độ tuổi lên 5, lên 6 thì có là con ông Trời nghĩ lại cũng chẳng ích gì?
(Nguyễn Văn Lục, “Tấm vải bọc điều”, Talawas. Năm 2004)
Một cuộc sống sinh ra và chưa kịp sống thì đã lụi tàn, như “hoa sớm nở tối tàn” thì liệu cách ứng xử nào là thích hợp nhất?
Từ cái chỗ mù khơi vô cùng không biết từ bao giờ – có thể là hai con người. Vâng, phải có hai mới thành giống người mà ta gọi là nhân loại. Và loài người đã có mặt từ lâu – từ triệu năm trở lên như nói ở trên với con người Homo nói chung – Xuất phát từ Châu Phi mà tỏa ra cùng thế giới. Có 6 loại người Homo trước khi có lịch sử con người Homo Sapiens ngày nay.
Trong khi đó các thể chế tôn giáo mới chỉ xuất hiện hơn 2000 năm trước đây.
Tại sao tôn giáo lại xuất hiện muộn màng như thế? So với sự có mặt của con người như thế thì nào có lâu là gì?
Đây là những thắc mắc trăn trở đặt ra trong tâm tư người viết. Thế thì sự có mặt của con người cả vạn năm trước không lẽ không được cứu rỗi vì các tôn giáo chưa có mặt?
Trong Triết học, triết gia Karl Jaspers đã nhận ra rằng trong lịch sử loài người có một thời kỳ huy hoàng, sáng chói hơn bao giờ hết. Ông gọi đó là Thời kỳ Trục. Như cái Trục của một bánh xe, nơi nan hoa đồng quy; khi bánh xe lăn thì lăn quanh một cái trục. Bánh xe lịch sử cũng được ví như vậy. Cái gọi là Thời Trục (Période axial), cái bình minh của lịch sử nhân loại mà cùng một thời điểm xuất hiện những nhà tư tưởng vĩ đại những vị khai sáng ra các tôn giáo lớn, không hẹn mà gặp cùng gặp nhau ở một điểm đồng quy (Oméga) với những tên tuổi như Socrate xuất hiện ở Hy Lạp (399 trước Tây lịch), Khổng Tử khởi đi từ Trung Quốc (551 trước Tây lịch), Chúa Giê su Cứu thế xuất hiện làm người ở xứ Judeée nhỏ bé của Do Thái (bắt đầu Tây lịch), Phật Thích ca có mặt ở Ấn Độ (c. 563/480 – c. 483/400 trước Tây lịch).
Không ai có thể lý giải tại sao “các đấng thiên tài” không hẹn nhau mà gặp ở xít xoát một thời điểm và đưa ra những “tuyên ngôn tuyệt sắc” có một không hai để lại những thông điệp mà hàng tỉ người trên trái đất ngày nay còn tuân thủ?
Và đặc biệt cả hai vị đặc sứ là Jesus và Phật thì hầu như không để lại một sách vở nào và được coi như hai người mù chữ. Các lời rao giảng của họ sau này do các đệ tử chép lại.
Phật thì nói bâng khuâng, tổng quát nhất. Ngài phán trong Tứ Diệu Đề, đời là bể khổ mà trong đó bể khổ là sinh lão bệnh tử.
Theo suy luận của người viết, bốn vế tóm lược đời sống của Phật xem ra không chỉnh.
Có thể đúng ba vế sau mà không chắc vế đầu. Sinh ngày nay chưa hẳn đã khổ mà trong đó nhiều người còn không muốn đẻ. Tỉ lệ sinh sản có nơi là 1.3, 1.5. Chẳng lẽ như thế, chỉ phụ nữ mới gặp đủ bốn cái khổ? Đàn ông chỉ có ba. Ngày nay, nhiều phụ nữ cũng từ chối việc sinh đẻ thì sao? Rồi sau này có cấy giống, có truyền sinh nhân tạo thì cái “Phòng cho thuê đẻ” có thể ế vì không có người thuê?
[“Sinh” trong bể khổ nhà Phật, “sinh lão bệnh tử” là một bị động từ chứ không phải là chủ động từ; con người (được) sinh ra, rồi (có thể) mang bệnh, và già (dần đi) và đến lúc nào đó sẽ chết. – DCVOnline.]
Theo thiển ý, giá thay được chữ Sinh bằng chữ Sống thì tuyệt vời. Sống là khổ. Cả cuộc đời là lăn lộn để sống, lam lũ, tranh đua, sướng chưa thấy đâu, khổ thì muôn vàn.
Cho nên, sống mới là nguồn cội của khổ.
Nhất là sống với nhau. Sống với người khác phái trong tương giao vợ chồng!
Còn Chúa thì luôn có giọng điệu răn đe con người.
Mà đối với người viết, câu nói tuyệt chiêu của Ngài là:
“Thằng nào, con nào có ngon thì cứ việc lấy đá mà ném chết người đàn bà – mà các ngươi coi là con đĩ ngựa này đi.”
Không một đứa nào dám ném cả và lấm lét bỏ đi hết.
Điều đó cho thấy, Chúa là người thấu rõ “cái tẩy sất” của con người. Đã là con người thì đều phạm tội mà tội to lớn nhất, như cái sà trong mắt mọi người là tội liên quan đến tình dục. Người đời phạm đủ thứ tội, nhưng tội tình dục là nhiều nhất, phổ cập nhất hầu như không mấy ai thoát khỏi như trong câu chuyện vừa kể trên
Trong các tôn giáo, kẻ đi sau lẹt đẹt như Hồi giáo thì mới có từ 1400 năm trở lại! Tiên tri Muhammad sống khoảng 570-632 sau Tây lich
(Xin xem cuốn “L’Islam d’hier et aujourd’hui”, Bernard Lewis, phần Prologue)
Các tôn giáo ấy cho đến thế kỷ 18, trong đó khoa học chưa phát triển, do ám ảnh về sự chết yểu nên có một xu hướng tự nhiên, coi sự chết như một định mệnh an bài. Ai sống đến 50 tuổi được coi là lão, cụ già. Trong cái tinh thần ham sống sợ chết, tôn giáo như một giải pháp cứu rỗi, như một dọn đường cho con người tìm về thế giới bên kia được coi như một quê hương đích thực và vĩnh cửu.
Cái chết đóng vai trò trung tâm của cuộc sống. Sống là để sống về. Như thể sống gửi thác về. Sống trong ít năm nên chỉ là tạm gửi. Chết là trở về quê thật là cái vĩnh hằng. Con người cho dù đang an mạnh mà lúc nào cũng đứng bên bờ tử sinh..
Nhưng nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ, xã hội văn minh đã kéo dài sự sống con người như hiện nay – sống đến 80, 90 tuổi – thì theo thiển ý, những bận tâm về cái chết đã giảm nhẹ và cũng cùng một lẽ ấy, có lẽ tín đồ tôn giáo cũng giảm theo?
Tôn giáo trở nên không cần thiết vì con người không bám víu vào thế giới đời sau như giải thoát, một cứu cánh nữa.
Có một tỷ lệ nghịch giữa sống thọ và niềm tin vào tôn giáo, như một lẽ sống đời sau không còn là một bận tâm của con người?
Khi đói khát, nghèo đói chiến tranh với chết chóc gần kề, trước mặt, mỗi ngày thì hơn bao giờ hết, người ta tìm đến một bám víu đời sau. Khi no cơm ấm cật, tiền bạc dư thừa, sống lâu trăm tuổi thì cần gì đến sự cứu vớt của thần linh?
Không lạ gì nhà thờ nay chỉ là chốn vãng lai của người cao tuổi gần đất xa trời!
Giáo hội tại vùng của người viết – nhà thờ thì nhiều – giáo dân ngày càng thưa thớt như buổi chợ chiều. Ơn gọi làm linh mục ngày một hiếm hoi, nên họ có chính sách kêu gọi các linh mục tại các nước Châu Phi, Nam Mỹ đến để bù khuyết vào chỗ trống linh mục bản địa!
Điều đó theo thiển ý chỉ là một trám chỗ nhất thời mà không giải quyết được từ căn nguyên cội nguồn, tại sao người tín hữu lìa xa nhà thờ?
Nhiều khi chúng ta vô tình hay cố ý quên những điều đó như vừa nêu trên. Quên có thể được coi như một tội ác đối với tổ tiên loài người.
Nhìn lại quan niệm đôi lứa thời tổ tiên con người. Thời hồng hoang lịch sử với những nét đẹp quyến rũ.
Loài Homo sapiens, tổ tiên loài người, sở dĩ vượt lên trên các chủng loại khác là nhờ có bộ não lớn, dáng đứng thẳng, biết dùng đá và cuối cùng điều vô cùng quan trọng là biết dùng lửa.
Dùng lửa. Nguồn: Quest for Fire.
Cái mối tương quan và diễn biến quan trọng trong loài Homo sapiens là biểu tượng giữa hai nhân vật Adam và Eve- được người Thiên Chúa Giáo cho là ông tổ của loài người. . Sự diễn biến mối tương quan đàn ông- đàn bà trong suốt chu kỳ ấy diễn ra như thế nào xin được trình bày tóm lược ở đây một phần qua hình tượng Adam và Eve.
Điều người viết thất vọng là chúng ta ngày nay biết quá ít, nếu không nói quá sơ sài về tổ tiên loài người. Vì thế ngày nay, đã có quá nhiều những “ phụ tính” được gán ghép vào trong quan hệ lứa đôi.
Vì thế, sự tìm hiểu mối tương quan đàn ông-đàn bà chỉ thật sự hữu ích nếu chúng ta cố gắng “bỏ vào trong ngoặc” những thành kiến, những thói quen suy nghĩ mòn, những định kiến tôn giáo, luân lý và tabou đủ loại.
Những khung suy nghĩ trên chúng chẳng giúp gì cho việc tìm hiểu về mối tương quan hữu cơ ấy mà chỉ dẫn đưa tới những ngộ nhận, những hiểu lầm, những tranh cãi vô tich sự. Bỏ tạm những thứ lỉnh kỉnh ấy đi, nó sẽ mở ra cho chúng ta một thời kỳ hồng hoang lịch sự đầy vẻ đẹp và quyến rũ, đầy giá trị văn hóa bầy đàn của thời kỳ hái lượm. Nó là thứ vườn địa đàng của Adong-Eve trước khi họ sa ngã, mất sự sủng ái của Thượng Đế.
Ít ai nhìn thấy được cái vẻ đẹp thuần khiết, tự nhiên, thong dong và tự tại, triển nở mà không bị bất cứ một ràng buộc, một huấn lệnh, một cấm kỵ nào ngăn cản.
Đến với nhau như một thu hút của cây kim nam châm, hòa vào nhau như hai vật có súc tác, quyện vào nhau như da với thịt, như đói thì ăn, khát thì uống.
Mỗi lần là một chan hòa, một nhịp sống theo tiếng trống bập bùng, ngọn lửa than hồng còn bùng cháy cho đến lúc lụi tàn cũng là lúc tàn cuộc. Keo sơn, khít vào nhau mà không một đòi hỏi, không một làm khó dễ, không phải kỳ kèo tính toán, không một đố kỵ, ghen tuông tranh dành như một mảnh đất chung. Mọi sự là của chung, của bầy đoàn, kiếm ăn chung, chia xẻ chung, cùng làm cùng hưởng.
Không có ý thức cá nhân nên không có tinh thần cất giữ riêng, dấu diếm che đậy.
Thân xác người đàn bà cũng vậy là của chung nên là một mảnh đất màu mỡ ai vào cũng được và nếu có mang bầu thì đứa con là thuộc bầy đoàn, không của riêng ai.
Hãy để cho tiếng nói thiên nhiên phát xuất từ lòng đất, từ trồi non, từ cơn mưa đầu nguồn, từ tiếng chim líu lo, từ cánh rừng bạt ngàn cất lên.
Vì thế, người viết vẫn chu đáo thích ngầm những câu thơ của Hàn Mạc Tử:
“Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều, để nghe tiếng nước hồ reo.” – Đà Lạt trang mờ, Hàn Mạc Tử (1912-1940).
Chính trong cái tinh thần đó ta đọc được một cách thích thú đời sống hoang dã của tổ tiên loài người và không khỏi mơ mộng một cuộc sống quay trở lại sống hòa với thiên nhiên..
Cũng lại chính trong tinh thần đó mà người viết mê mẩn với những cánh rừng Amazone, với mầu sắc chói lòa rực rỡ, bãi cát bạt ngàn, âm nhạc nhộn nhạo hưng phấn của điệu Samba, sắc thái đa chủng tộc, đa văn hóa. Sự đề cao vẻ đẹp khỏe mạnh tươi mát của thân xác với vú ngực, với chiếc mông đít quá khổ mà co thể gọi chung là một thứ văn hóa “Le culte du corsp” (Sự ca tụng thân xác), ca tụng vẻ đẹp của nó dưới nhiều hình sắc và vượt qua hàng rào giai cấp phân biệt giàu-nghèo.
Và nếu được hỏi dân tộc nào, chủng tộc nào sung sướng thì câu trả lời của tác giả đã có sẵn.
Trong dịp mùa hè vừa qua, người viết có dịp ra ngồi ở một công viên rộng lớn – hôm đó có lễ hội gì không biết – chỉ thấy sự nhộn nhịp hưng phấn – mà hôm ấy có dịp quan sát ông đi qua bà đi lại. Ở khoảng cuối hay đầu của công viên, có dựng lên một sân khấu nổi với tiếng nhạc, nhất là tiếng trống cung cách Phi Châu hay Nam Mỹ..
Người viết đã có dịp quan sát nhiều giới trẻ đủ sắc dân diễn hành qua mặt.
Với những người phụ nữ phần đông là da mầu, vẻ mặt họ vui tươi, hồn nhiên, hớn hở, không mặc cảm, ăn mặc rất bắt mắt, ngực nở, mông to lũ lượt đi qua mặt .
Thú thực, người viết không thấy cái gì là “dơ dáy” cả trong cách phục sức ấy. Họ có hở nữa cũng vẫn lồ lộ một vẻ đẹp Trời cho. Chỉ thấy như hiển lộ vẻ đẹp tự nhiên của thân xác. Như ngắm một bông hoa. Như ngắm một chồi nụ. Như ngắm cảnh tiên nữ tắm ở suối tiên.
Trong khi đôi khi nhìn mấy nữ ca sĩ Việt Nam trẻ hát trên sân khấu, mặc áo dài hở hang, tự nhiên cảm nhận một sự “dơ dáy” đến khó chịu, không muốn nhìn. Một thứ body language rất hạ cấp! Tại sao vậy? Chỉ vì một bên tự nhiên, một bên cố tình làm bộ.
Nhiều người trong số các phụ nữ sắc tộc còn vừa đi vừa hát và họ sẽ hòa nhập vào đám đông nhảy múa ở sân khấu đằng kia trong chốc lát nữa đây. Họ đến đây là để hòa nhịp vào dòng sông văn hóa, nhảy múa và ca hát như đã làm như thế nơi những xứ sở xa xăm, núi rừng bạt ngàn. Mà một thời họ đã sống trong các bộ lạc mà đôi khi chưa có bước chân người ngoại thuộc dẫm lên các vùng núi thiêng liêng ấy.
Trong khi đó, có thể là một số phụ nữ Hồi giáo lại chùm đầu, trải tấm vải nhựa cùng con cái ngồi thiu thỉu riêng một góc, không ai nói với ai, xa lạ và cô quạnh.
Quý bạn tự có câu trả lời ai trong số họ ai là người sống hạnh phúc? Một thứ hạnh phúc miên viễn, tự nhiên, không cần che đậy.
Ở đây người viết cũng đố kỵ không muốn bàn tới những quan niệm Nhị Nguyên tính về con người vốn đã lỗi thời, phân biệt hồn xác như hai thực thể đối lập trong cùng một con người. Con người là một, một xác thể và một tinh thần. Đề cao cái nào, hạ bệ cái kia đều là thái độ bất xứng cả.
Nhiều lúc cũng thú thực là chán ngấy với sự giao cảm văn hóa nghèo nàn trong thân phận người Á Châu với rào cản, với khung giáo điều, với ngăn cấm làm khô héo cuộc sống như một sa mạc rạn nứt vì hạn hán. Một Á Châu buồn hiu mà lý lẽ tồn tại chỉ lấy chiến tranh làm lẽ sống dân tộc, tự hào một cách vĩ cuồng lấy áp bức đè nén cho một sự đầy đọa con người nhân danh con người.
Cái cụm từ “thú đau thương” xem ra thích hợp với tâm tình người Việt.
Người Homo, tổ tiên con người đã sống tranh đấu và vật lộn với thiên nhiên ở giai đoạn nguyên thủy. Và đó cũng trở thành quy luật chung của mọi loài trên trái đất này. Từ con người Homo-chỉ chung giống người tiền sử- nói chung đến con người Homo Sapiens được chúng ta gán cho danh hiệu: Người tinh khôn là một chặng đường dài.
Dài lắm, dài ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Tầm mắt của chúng ta không thể đo được chiều dài ấy.
Những điều mà chúng ta đang sống thực hữu ngày hôm nay, tưởng rằng đã có từ đời xửa, đời xưa, tưởng rằng đó là quy luật ngàn đời bất di dịch. Không. Không hẳn như thế. Đừng ngây thơ, đừng vọng tưởng. Cuộc sống được coi là văn minh, tiến bộ so với lịch sử loài người không biết có bằng một thời khắc ngủ một đêm thức dậy hay không?
Nhưng con người đã có mặt trên trái đất này nói chung đã có hàng vạn năm thì lịch sử con người Homo Sapiens mà chúng ta đang tự hào có khác gì một cái chớp mắt so với chiều dài lịch sử?
Đối với người Việt nói chung. Người ta sống bằng dư luận, vì dư luận, uốn nắn chiều chuộng theo dư luận. Cái tiếng để đời là thế, nhất là khi ta sống khép kín trong làng xóm. Nhưng cũng may là cái thời đó đã qua.
Người trước dư luận hiện nay là một trong những đề tài nóng bỏng của thế giới |Người Việt. Nó nẩy sinh ra nhiều tệ đoan khôn lường. Đó là những ông bà đi buôn chuyện và người đi mua chuyện. Đi đâu cũng thấy những ông những bà nhân danh tự cao, tự đại vỗ ngực và sẵn sàng vào cuộc để phát ngôn bừa bãi, hoặc chửi bới hoặc chụp mũ người khác.
Con người trở thành chó sói giữa người với người.
Hay nói theo kiểu triết lý hiện sinh: Hỏa ngục chính là cái nhìn của kẻ khác.
Nhìn cây thấy rừng, phải rồi. Nhưng đôi khi phải vào rừng mới biết cây thế nào.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
http://www.dcvonline.net/2019/01/11/dan-ong-dan-ba-trong-than-phan-lua-doi-1/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét