Những ngày này, ngôi nhà nằm khuất sâu trong con ngõ ở thôn Phú Trường (xã Đông Mỹ, huyện Thanh TrìHà Nội), nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gắn bó cả tuổi thơ của mình, có nhiều bà con ghé lại. Cách đó không xa, khu mộ nơi an nghỉ của cố Tổng Bí thư cũng đã hoàn thành để chờ đón người con của quê hương trở về với đất mẹ.
Ngôi nhà đơn sơ của cố Tổng Bí thư
Ngôi nhà cấp bốn của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười nằm giữa những hàng cây rợp bóng với sân gạch đỏ đã úa màu thời gian. Ông Nguyễn Duy Yên (cháu gọi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười bằng bác ruột) nhiều ngày nay đã túc trực ở đây để trò chuyện với bà con. Rót chén trà vối được lấy từ cây trong vườn, ông Yên kể: Ngôi nhà này được xây từ những năm 1940, đến năm 1981 thì bắt đầu xuống cấp nên đã được gia đình sửa lại.
Hỏi về những lần sửa nhà, ông Yên bấm ngón tay rồi lắc đầu: Không nhớ được bao nhiêu lần vì sửa nhiều lắm rồi. Ngôi nhà có nhiều kỷ niệm của cố Tổng Bí thư giờ các bức tường đã được ốp bằng nhựa bên ngoài nhưng bên trong nhiều lớp vôi vữa đã bong tróc. Ông Yên kể nhiều lần con cháu đã xin phép cụ cho xây lại nhà nhưng cụ không cho, lý do được cố Tổng Bí thư đưa ra là: “Ngôi nhà vẫn đang ở tốt, xây mới làm gì cho lãng phí”. Chỉ lên mái lợp fibro xi măng của ngôi nhà, ông Yên giải thích thêm: “Nhiều người hỏi sao không lợp ngói mà lợp fibro xi măng, đơn giản là vì nó nhẹ, do gỗ thì đã mục hết rồi không thể chịu được mái ngói”.
Lần cuối cùng ông Yên được gặp cố Tổng Bí thư là năm 2016. Lần đó, sau khi thắp hương cho ông bà tổ tiên xong, cố Tổng Bí thư trò chuyện với mọi người được chừng 30 phút rồi trở về. “Lúc còn khỏe, mỗi lần về làng cụ còn đi chỗ này chỗ kia nữa. Trước khi về nhà, cụ gặp xã, huyện chúc tết rồi mới về. Với con cháu, cụ lúc nào cũng dặn dò phải phấn đấu học hành làm sao đừng để ảnh hưởng đến bác, gia đình và dòng họ” - ông Yên hồi tưởng.
Bác Đỗ Mười trong lòng dân Đông Mỹ - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc Tết và chúc thọ cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng và đón Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018. Ảnh: TTXVN

Ngôi nhà đơn sơ nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười lớn lên. Ảnh: VNN
“Bao giờ về quê, cụ cũng để ô tô ngoài làng”
Ở không xa ngôi nhà tuổi thơ, phần mộ của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng đã chuẩn bị xong để đón người con của quê hương trở về. Dọc đường từ nhà cố Tổng Bí thư đến khu mộ là chợ Đông Mỹ, vẫn được người dân gọi là chợ Nhót, khi còn nhỏ cố Tổng Bí thư đã cùng mẹ buôn bán ở đây.
Khu mộ nằm giữa cánh đồng rộng lớn với những ruộng đào và cây cối xanh tốt. Ông Trần Văn Thân, năm nay 75 tuổi, có mặt ở đây từ rất sớm, ông tâm sự: “Tôi là người làng, cảm nhận của tôi về cố Tổng Bí thư là một người giản dị và thân tình. Mỗi lần về quê, gặp ai ông cũng chào hỏi. Được tin cụ về đây, tôi cũng muốn đến thăm một lần. Ai cũng vậy, khi nhắm mắt xuôi tay được về lại quê nhà an nghỉ là tốt nhất”.
Nhắc đến kỷ niệm về cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Thân nhớ nhất những lần ông về lại làng: “Mỗi lần ông về nhà đều đỗ xe ở đầu làng rồi đi bộ qua đình, qua chùa chứ không bao giờ đi xe vào làng cả”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Tuấn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ, bày tỏ việc cố Tổng Bí thư Đỗ Mười chọn quê hương làm nơi an nghỉ khiến người dân rất cảm động. Theo ông Minh, từ khi còn hoạt động cách mạng đến lúc nắm giữ nhiều cương vị cao của Đảng và Nhà nước, cố Tổng Bí thư luôn dành tình cảm đặc biệt đối với bà con nhân dân xã Đông Mỹ.
Mỗi lần về thăm quê, Bác luôn ân cần thăm hỏi tình hình địa phương, công tác chăm lo đời sống, tinh thần cho người dân, đặc biệt là các gia đình chính sách cũng như hộ nghèo. Bác cũng lưu ý địa phương không được để dân thiếu ăn, đói nghèo… “Bác nói làng ta từ trước đến nay sống bằng nghề buôn bán nên phải đẩy mạnh thương nghiệp, dịch vụ, có như vậy đời sống của nhân dân mới phát triển được…” - ông Minh nhớ lại.
Đối với lãnh đạo địa phương, bác cũng luôn căn dặn làm người lãnh đạo phải suốt đời tận tụy với dân, với nước. Đặc biệt, phải chăm lo cho dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, trẻ em thì được học hành đầy đủ. Bên cạnh đó, bác luôn dặn dò cán bộ xã phải đoàn kết, chỉ có đoàn kết mọi việc mới thành công.
“Với trách nhiệm là bí thư xã và từng giữ cương vị chủ tịch xã, chúng tôi luôn khắc ghi lời căn dặn của bác để làm sao mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nhờ vậy, xã Đông Mỹ được công nhận là nông thôn mới, không còn hộ nghèo…” - ông Minh kể.
Tình cảm của cố Tổng Bí thư với con cháu quê nhà
Vừa lau lại bức tượng Tổng Bí thư Đỗ Mười do một nghệ sĩ điêu khắc yêu mến bác đắp tặng từ nhiều năm trước, ông Nguyễn Duy Yên, cháu ruột của Tổng Bí thư Đỗ Mười, cho biết cả một đời lao động, kỷ vật ông để lại tại ngôi nhà thờ nhỏ nơi quê nhà chỉ có bức tượng này và đôi hoành phi câu đối treo bên bàn thờ tổ tiên.
Dù là một nhà lãnh đạo lớn của đất nước nhưng với con cháu trong nhà, ông là một người cha, người ông mẫu mực, một tấm gương sáng của sự giản dị, tận tụy và liêm khiết. Ông luôn dạy con cháu phải chăm chỉ học hành, phải có trình độ và tay nghề lao động, tự thân lập nghiệp, không nên trông chờ, ỷ lại vào ai.
Ông Nguyễn Duy Yên kể lại: Năm 1971, khi Tổng Bí thư Đỗ Mười đang là bộ trưởng Bộ Xây dựng, ngôi nhà thờ tổ tiên xuống cấp trầm trọng, ông Yên có đến gặp bác mình, xin ông giúp đỡ để gia đình được mua ngói lợp thay cho lớp lá gồi từ lâu đã dột nát. Ông liền bảo: “Dân ta còn nghèo, các cháu miền núi còn không có trường mà học, không có áo mà mặc ấm, nhà ta lợp lá gồi đã là rất tốt, cháu hãy về cắt rơm rạ mà lợp lại mái, đừng hoang phí”.
Nhớ về những kỷ niệm với ông, các con cháu đều xúc động, kính trọng và tự hào. Không giấu được nỗi buồn, ông Phạm Thận (80 tuổi), em họ của Tổng Bí thư Đỗ Mười, chia sẻ tuy là người giữ chức vụ cao nhất của Đảng nhưng trong quan hệ với anh em, họ hàng, ông luôn giữ thái độ rất gần gũi, thân mật.
Mỗi lần về quê ông đều vào đình, chùa trong làng thắp hương trước rồi mới về nhà làm lễ tổ tiên và thăm mọi người. Ông luôn căn dặn con cháu, nhắc nhở người dân quê hương phải phấn đấu học hành, làm ăn, phát triển kinh tế sao cho xứng đáng với người con của mảnh đất anh hùng.
(Theo MINH NGHĨA - MAI LINH, TTXVN)
Năm đặc điểm của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười
Ông Đỗ Mười có 19 năm tham gia Hội đồng Bộ trưởng, ba năm làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, năm khóa tham gia Bộ Chính trị, làm thường trực Ban Bí thư, rồi cả cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Ông Đỗ Mười có năm đặc điểm rất quan trọng, có thể nói là năm đặc điểm khác người. Thứ nhất là dù không được đào tạo cơ bản nhưng ông Đỗ Mười rất giỏi, đọc sách rất hay, đọc mọi thứ rồi nghiền ngẫm. Chưa bao giờ ông Đỗ Mười rời sách! Vì kinh qua nhiều chức vụ, ở nhiều lĩnh vực nên cái gì ông Đỗ Mười cũng hiểu. Từ kinh tế, quốc phòng, an ninh đến lĩnh vực xây dựng đảng, ngay cả những vấn đề chuyên ngành như điện, thương nghiệp… Trước khi qua đời, ông còn nhắc: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì điện phải đi trước một bước.
Đặc điểm thứ hai là ông Đỗ Mười rất chịu khó lắng nghe, ủng hộ cái đúng, không định kiến cán bộ. Người ông đã tin là ông tin tuyệt đối. Người không tin thì ông ít gặp nhưng không bao giờ trù dập hay thành kiến.
Thứ ba là ông Đỗ Mười rất thương cán bộ là con em liệt sĩ. Với nhiều trường hợp, ông Đỗ Mười nâng đỡ đến cùng. Thứ tư là ông Đỗ Mười năng động, sáng tạo, nói là làm. Thứ năm là trong quan hệ với Trung Quốc, ông Đỗ Mười nhất quán quan điểm phải giữ được độc lập, tự chủ. Ông ấy kỹ càng trong quan hệ với Trung Quốc lắm, nhất là khi tiếp nhận những lời mời.
Ông NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG,
nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương
CHÂN LUẬN ghi
V.THỊNH - V.LONG - T.PHƯƠNG
http://plo.vn/van-hoa/ho-so-phong-su/bac-do-muoi-trong-long-dan-dong-my-796212.html