1/1/2019: Người Việt sẽ trở thành những con vật hai chân?
Nếu Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng được Thủ tướng Việt Nam ký và ban hành, 96 triệu người Việt, kể cả đảng viên, cán bộ các cấp sẽ trở thành những con vật hai chân vì nhân quyền (quyền được sống, quyền tự do – bao gồm tự do ngôn luận và thể hiện, tự do tín ngưỡng và nhận thức, tự do lập hội, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền bình đẳng trước pháp luật) vốn được xem như tất nhiên, không thể bị tước bỏ bởi bất kỳ lý do nào sẽ bị thủ tiêu. Phẩm giá đã không còn thì con người có khác gì con vật?
Hình minh họa.
Bất kể khuyến cáo của nhiều chuyên gia, nhân sĩ, trí thức trong và ngoài Việt Nam, bất chấp cảnh báo của chính phủ nhiều quốc gia, tổ chức hoạt động vì nhân quyền trên thế giới, trung tuần tháng sáu vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã gạt cả Hiến pháp Việt Nam lẫn các cam kết với cộng đồng quốc tế về việc bảo vệ, thăng tiến nhân quyền sang một bên để thông qua Luật An ninh mạng. Luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Mới đây, Bộ Công an Việt Nam đã trình Thủ tướng Việt Nam Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng.Đã từng có những phân tích rất cặn kẽ, thấu đáo về sự càn rỡ và những nguy hại mà Luật An ninh mạng sẽ gây ra cho kinh tế - xã hội, triển vọng phát triển của Việt Nam, trong số này có những bài viết đáng đọc như loạt bài của ông Hoàng Xuân Phú (một Giáo sư làm việc tại Viện Toán học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) (1), mới đây, khi Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng lọt ra ngoài đã có thêm những ý kiến khác, vạch trần dã tâm biến xã hội Việt Nam trở thành một ốc đảo lạc hậu, man rợ kiểu Bắc Hàn, biến công dân Việt Nam trở thành những con vật hai chân, chẳng hạn như bài của Dương Ngọc Thái (chuyên gia công nghệ thông tin, sống và làm việc tại Mỹ (2) nhưng hình như đa số người Việt ngại đọc, ngại nghĩ nên hết sức thờ ơ.
***
Ngày 2 tháng 12 năm 2015, Syed Rizwan Farook – nhân viên một cơ quan y tế của quận San Bernadino, tiểu bang California và vợ là Tashfeen Malik đã xả súng vào một bữa tiệc do cơ quan này tổ chức. Vụ thảm sát đó làm 14 người chết và 21 người bị thương. Cả hai đã bị cảnh sát bắn chết trên đường đào tẩu. Các cơ quan bảo vệ luật pháp của Mỹ tin rằng Farook và Malik có quan hệ với những tổ chức khủng bố. Đó là lý do FBI đề nghị Apple – nhà sản xuất iPhone – soạn thảo phần mềm, hỗ trợ mở khóa iPhone loại 5s của Farook để mở rộng điều tra nhưng Apple từ chối.
Cho dù đề nghị của FBI hoàn toàn vì lợi ích chung là an ninh công cộng, mở khóa iPhone loại 5S của Farook sẽ giúp truy tìm – ngăn chặn âm mưu rõ ràng đang đe dọa lợi ích quốc gia và tính mạng của nhiều công dân Mỹ hiệu quả hơn, song lợi ích chung chưa đủ cả lý lẫn tình để ép Apple phải hợp tác. Bên cạnh lợi ích chung liên quan tới quốc gia, cộng đồng, chính quyền Mỹ còn phải tôn trọng những lợi ích khác, ví dụ lợi ích của các cá nhân, lợi ích doanh nghiệp. Nếu Apple hợp tác với FBI, sự hợp tác này có thể tạo thành tiền lệ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có quyền yêu cầu các thông tin mang tính riêng tư của một cá nhân, ảnh hưởng tới phẩm giá của họ. Chưa kể việc Apple hợp tác với FBI còn khiến thiên hạ (cả ở Mỹ lẫn bên ngoài lãnh thổ Mỹ) lo ngại các cơ quan bảo vệ pháp luật của Mỹ sẽ được Apple hỗ trợ thu thập thông tin về đời tư, công việc của họ. Apple khó mà giữ được đất sống, nói gì tới phát triển.
Đó cũng là lý do chẳng phải chỉ có những Microsoft, Google, Facebook,… mà chuyên gia nhiều giới cùng lên tiếng ủng hộ Apple. FBI chỉ còn một đường, đưa vụ này ra Tòa nhờ Tòa phân xử. Tất nhiên là Bộ Tư pháp của chính phủ Mỹ ủng hộ FBI hết mình trong vụ FBI kiện Apple đòi Apple hỗ trợ, song Tòa của Mỹ hoạt động độc lập thành ra không ai dám chắc “mèo nào cắn mỉu nào”. Tháng 3 năm 2016, FBI đơn phương hủy vụ kiện vì cuối cùng, một công ty mà FBI thuê đã mở được khóa để FBI có thể truy cập iPhone 5S của Farook (3)...
Chẳng phải chỉ có Mỹ, chính phủ của tất cả các quốc gia văn minh trên thế giới đều hiểu rằng, họ không thể nhân danh lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng để xâm hại các quyền căn bản của một con người. Đối với hệ thống công quyền ở các quốc gia văn minh, bảo vệ nhân quyền không phải đặc ân, đó là loại nghĩa vụ vừa được minh định bằng Hiến pháp để thực thi trong phạm vi quốc gia, vừa phải tham gia bảo vệ trên bình diện quốc tế theo đúng tinh thần Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
***
Luật An ninh mạng vốn đã tước bỏ các quyền căn bản của một con người, không chỉ cấm các cá nhân chia sẻ thông tin, bày tỏ những ý kiến có thể nguy hại cho “chủ trương, chính sách” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, bất kể “chủ trương, chính sách” đó “phi luân, bại lý” đến đâu, mà còn phải nhìn trước, ngó sau, ngăn chặn thông tin, ý kiến của người khác để những thông tin, ý kiến ấy không gieo họa cho mình. Giờ, nếu Thủ tướng Việt Nam ký và ban hành Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng theo đúng nội dung do Bộ Công an Việt Nam soạn thảo, Cục An ninh mạng của Bộ Công an sẽ trở thành cơ quan siêu quyền lực.
Trong bối cảnh cả hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, lẫn hoạt động kinh tế - xã hội, sinh hoạt cá nhân càng ngày càng phụ thuộc vào công nghệ thông tin – viễn thông, việc giao cho Cục An ninh mạng quyền quyết định doanh nghiệp nào (bất kể doanh nghiệp Việt Nam hay ngoại quốc) được cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên Internet tại Việt Nam, buộc các doanh nghiệp này phải lưu giữ và trong vòng ba năm phải cung cấp toàn bộ “nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch” của tất cả khách hàng, quyền yêu cầu cung cấp tất cả dữ liệu mà những doanh nghiệp đó có được về một cá nhân – sẽ đặt 96 triệu người Việt, kể cả đảng viên, cán bộ các cấp dưới sự giám sát, khống chế của Cục An ninh mạng.
Khoan bàn đến viễn cảnh chi phí tăng, sức cạnh tranh giảm, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, thất nghiệp tràn lan, kinh tế suy thoái trầm trọng hơn, giới đầu tư ngoại quốc tháo chạy vì phần còn lại của thế giới không thể chơi theo kiểu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam muốn, khoan bàn đến viễn cảnh không còn cơ hội sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của những doanh nghiệp ngoại quốc (chẳng hạn gmail, facebook,…), liệu viễn cảnh toàn bộ sinh hoạt, quan hệ xã hội, kể cả những yếu tố hết sức riêng tư của mỗi cá nhân sẽ được bày ra trước mặt Cục An ninh mạng, cơ quan này muốn dùng thế nào cũng được, muốn khai thác ra sao cũng chẳng ai thắc mắc – có đáng bận tâm không?
Có thể yên tâm khi Cục An ninh mạng, Bộ Công an toàn quyền thu thập, sử dụng toàn bộ thông tin của tất cả cá nhân, kể cả đảng viên, cán bộ các cấp, của các cơ quan, tổ chức kể cả các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền? Scandal Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) của Bộ Quốc phòng Việt Nam hồi thập niên 2000, từng khiến ông Phạm Văn Xô (một trong những lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, cựu Phó Ban Tổ chức Ban Chấp hành Trung ương – BCH TƯ - Đảng CSVN), 12 ông tướng quân đội, bao gồm ba Đại tướng (Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Nguyễn Quyết) và hàng trăm “lão thành cách mạng” đồng loạt lên tiếng phản đối, đòi điều tra – xử lý kỷ luật cả về mặt đảng lẫn truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân tạo điều kiện cho Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng bí mật thu thập thông tin, ngụy tạo thông tin, khống chế, lũng đoạn toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, gieo vạ cho vô số đảng viên, cán bộ cao cấp, kể cả những công thần như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà,… những viên chức cao cấp như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An,… chưa đủ giá trị để xem là một bài học bổ ích cho chính hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam (4)?
Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng trở thành cơ quan siêu quyền lực, tạo ra hàng loạt sai phạm mà các công thần của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xác định là “siêu nghiêm trọng” nhờ “Pháp lệnh Tình báo” (1996) và “Nghị định 96” (1997) – giúp cơ quan này phá vỡ mọi giới hạn về vai trò để mở rộng hoạt động. Luật An ninh mạng và nếu Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng được ký – ban hành với nội dung đúng như dự thảo mà thiên hạ đang thảo luận, Cục An ninh mạng, Bộ Công an cũng sẽ phá vỡ tất cả các giới hạn về vai trò để trở thành một cơ quan siêu quyền lực.
Vụ án “Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến Công ty Đầu tư - Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) còn nóng hổi.
Qua Kết luận Điều tra và Cáo trạng, chẳng lẽ những thắc mắc - tại sao chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của Trung tướng Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (Cục trưởng Cục Cảnh sát Chống tội phạm công nghệ cao - C50) mà không điều tra, xác định trách nhiệm những viên chức lãnh đạo khác của Bộ Công an trong khi rõ ràng họ chủ trương giao cho C50, Tổng cục Cảnh sát sử dụng CNC như “bình phong”, tạo cho CNC chỗ dựa để tổ chức đánh bạc, rửa tiền, sử dụng Internet chiếm đoạt tài sản – không cần làm rõ?
Dù không góp đồng nào nhưng trong cơ cấu vốn của CNC, Bộ Công an Việt Nam có 20% nhờ tạo ra cái gọi là “hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng” để CNC nương nhờ (5). Một cơ quan với những cá nhân như thế, vận hành theo kiểu như thế vẫn đáng tin cậy để giao cho việc định đoạt tương lai công nghệ thông tin – viễn thông tại Việt Nam, sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam và kiểm soát 96 triệu người Việt, kể cả đảng viên, cán bộ các cấp?
***
Sự phát triển của công nghệ thông tin – viễn thông đã tạo cho người Việt cơ hội chia sẻ thông tin, bày tỏ ý kiến. Thực tế cho thấy, những thông tin mà họ đã chia sẻ, những ý kiến mà họ đã bày tỏ, đã buộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam phải liên tục điều chỉnh nhiều chủ trương, chính sách. Tuy nhiên những phương tiện để biết, để bàn, tạo áp lực để buộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam phải điều chỉnh sắp vuột khỏi tay của đám đông.
“Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” không quan trọng bằng duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN. Khả năng người Việt trở thành những con vật hai chân rất lớn. Sau Luật An ninh mạng là Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng. dự thảo này chưa thoát thai thì những động tác kiểu như “xây dựng kế hoạch bảo vệ cán bộ lãnh đạo TP.HCM và cán bộ do BCH TƯ Đảng CSVN trên không gian mạng” đã được giao cho giao cho “Đảng ủy Quân sự TP.HCM, Đảng ủy Công an TP.HCM (6).
Trân Văn
Blog VOA
Chú thích
(1) http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=differentwritings
(2) https://vnhacker.blogspot.com/2018/10/nhat-ky-co-mo-40-ve-du-thao-03102018.html?fbclid=IwAR383vE7PD4wnPzSnefsMx9NIj5Butel3aGHowi7aocyXlPdilBrBcu6qU4&m=1
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/FBI-Apple_encryption_dispute
(4) https://www.danluan.org/tin-tuc/20090814/tong-cuc-2-co-quan-tinh-bao-gay-nhieu-quan-ngai-phan-1
(5) https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/cuu-trung-tuong-phan-van-vinh-bi-cao-buoc-chong-lenh-bao-che-duong-day-danh-bac-3801834.html
(6) http://plo.vn/thoi-su/tphcm-len-ke-hoach-bao-ve-can-bo-tren-khong-gian-mang-797766.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét