Sai phạm tại Thủ Thiêm, những ai liên quan?
09/09/2018 - Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt sai phạmlớn tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2 (TP.HCM), đồng thời kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Vậy những ai phải chịu trách nhiệm về các sai phạm này?
Một trong số những căn nhà còn sót lại ở
phần
Khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là Thủ Thiêm) là một “siêu dự án” có đến gần 15.000 hộ dân thuộc diện đền bù, giải tỏa với hơn 60.000 nhân khẩu đã di dời. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, kể từ khi Thủ tướng ký Quyết định số 367 phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm vào thời điểm 4.6.1996 đến nay, quá trình triển khai dự án trải qua 4 đời chủ tịch UBND TP.HCM, gồm: ông Võ Viết Thanh (1996 - 2001), ông Lê Thanh Hải (2001 - 2006), ông Lê Hoàng Quân (2006 - 2015) và đương nhiệm là ông Nguyễn Thành Phong.
đất 4,3 ha, KP.1, P.Bình An, Q.2 (TP.HCM)
Để làm cơ sở pháp lý triển khai việc xây dựng Thủ Thiêm, ngày 27.5.1996, UBND TP.HCM trình Thủ tướng đồ án quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/5.000 (thời điểm đó thuộc H.Thủ Đức). Trên cơ sở tờ trình của TP.HCM, ngày 4.6.1996 Thủ tướng ký Quyết định 367 phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố, sai phạm tại Thủ Thiêm chủ yếu về điều chỉnh ranh quy hoạch và bố trí đất tái định cư (TĐC), xảy ra trong giai đoạn đầu thực hiện. Đây chính là “nguồn cơn” của việc khiếu nại, tố cáo kéo dài hơn chục năm qua.
Về điều chỉnh ranh quy hoạch, kết luận chỉ rõ Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16.9.1998 về quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Thủ Thiêm đã điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền; trách nhiệm trực tiếp thuộc Kiến trúc sư trưởng TP, các sở, ngành liên quan và UBND TP.HCM.
Theo tìm hiểu của PV, Quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm nêu rõ quy mô 930 ha, trong đó khu đô thị mới 770 ha với dân số khoảng 200.000 người, khu TĐC 160 ha với dân số 45.000 người. Sau khi có Quyết định 367, TP.HCM đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến khu đô thị này bị “biến dạng” và đó là một trong những nguyên nhân phát sinh nhiều hệ lụy. Lần “biến dạng” đầu tiên dẫn đến “nhập nhèm” ranh quy hoạch, xuất phát từ Quyết định số 13585/KTST-QH do ông Lê Văn Năm, Kiến trúc sư trưởng TP (nay là Sở QH-KT) ký đã điều chỉnh diện tích và ranh giới, trong đó giảm khoảng 26,3 ha (bao gồm 3 ha mặt nước) so với Quyết định số 367/TTg, với lý do “đã giao đất cho 5 doanh nghiệp đầu tư dự án kinh doanh nhà ở, khu vui chơi, giải trí, thương mại với tổng diện tích 23,3 ha thuộc P.Bình An, Q.2 trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và bổ sung vào trong ranh quy hoạch khoảng 4,3 ha thuộc một phần KP.1, P.Bình An hiện nay”. Chính việc “nhập nhèm” này khiến vị trí, giới hạn quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt không thống nhất về tên gọi so với bản đồ và thực địa.
... và một số căn nhà còn sót lại ở phần đất 4,3 ha, KP.1, P.Bình An, Q.2 (TP.HCM)
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Theo quy định tại Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 17.8.1994, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 1/2.000 đối với Thủ Thiêm thuộc UBND TP.HCM, nhưng vì sao Kiến trúc sư trưởng TP lại ký duyệt? Cũng theo tìm hiểu của PV, Kiến trúc sư trưởng TP đã thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Quyết định số 1720/QĐ-UB-NC ngày 3.6.1994, Công văn 2704 ngày 20.7.1998 giao nhiệm vụ cho Kiến trúc sư trưởng TP phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Thủ Thiêm. Điều bất thường là đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Quyết định số 13585/KTST-QH sau khi được phê duyệt, các đơn vị liên quan, trong đó có Công ty dịch vụ phát triển đô thị và UBND Q.2, không tổ chức phổ biến công khai đến các tổ chức, cá nhân cư trú trong phạm vi quy hoạch.
“Biến dạng” khu TĐC 160 ha
Về thực hiện khu TĐC 160 ha được nêu trong Quyết định 367, kết luận của TTCP khẳng định UBND TP.HCM đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi khu TĐC 160 ha đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, TP đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6 ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng... sau khi Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch khu TĐC. Hậu quả là không đủ đất để bố trí TĐC theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 367 và Công văn số 190/CP-NN ngày 22.2.2002 của Chính phủ, dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết trong số 51 dự án làm “biến dạng” đất TĐC nói trên được TP giao đất từ thời điểm 4.6.1996 - 22.2.2002, tức là từ sau Quyết định 367 đến trước khi có Công văn 190/CP-NN, thậm chí có 10 dự án tiếp tục được giao đất sau thời điểm có Công văn 190/CP-NN về việc xác định cụ thể địa điểm khu TĐC. Đúng ra, các sở ngành của TP phải tham mưu đề xuất UBND TP xây dựng TĐC cho dân trước, sau đó mới giao đất cho dự án. Việc này cho thấy Kiến trúc sư trưởng TP, Sở QH-KT, Sở TN-MT và UBND Q.2 thời kỳ có liên quan đã thiếu trách nhiệm để đất TĐC bị “biến dạng”.
Điều đáng nói, không chỉ các sở ngành thiếu trách nhiệm, mà ngay UBND TP.HCM khi điều chỉnh quy mô Thủ Thiêm vào năm 2005 với Quyết định 6565/QĐ-UBND do Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua ký, thậm chí còn không đề cập đến 160 ha đất TĐC của Thủ Thiêm mà Thủ tướng đã phê duyệt trước đó. Hệ lụy là đến thời điểm TTCP kiểm tra, tổng diện tích đất đã được quy hoạch và thực hiện đầu tư khu TĐC chỉ có 46,1 ha. Chưa kể, các lần điều chỉnh quy hoạch của UBND TP.HCM vào thời điểm 2005 và 2012 đã loại bỏ chức năng trung tâm hành chính (18 ha) mà trước đó Quyết định 367 của Thủ tướng đã xác định rõ; tăng chức năng đất ở lên hơn gấp 2 lần so với Quyết định 367...
Liên quan đến những sai phạm tại Thủ Thiêm trong quá trình triển khai, TTCP từng có 4 báo cáo kết luận; các bộ, ngành cũng có hàng loạt văn bản đề nghị giải quyết; đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã 14 lần có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND TP.HCM giải quyết các vấn đề phát sinh theo đúng quy định pháp luật, nhưng đến nay vẫn chưa đứt điểm.
Người dân đề xuất hoán đổi đất
Ông Lê Văn Lung trao đổi liên quan đến kết luận của TTCP về dự án Thủ Thiêm
ẢNH: TRUNG HIẾU
Ngày 8.9, nhiều người dân ở Thủ Thiêm (Q.2) gặp nhau để bàn luận về kết luận của TTCP. Ông Lê Văn Lung, một người dân có nhà đất nằm trong diện tích 4,3 ha, cho hay từ hôm qua đến giờ ông nhận được nhiều phản ánh của người dân Thủ Thiêm biểu lộ còn những tâm tư về kết luận TTCP. Tuy vậy, kết luận cũng có phần “an ủi” người dân khi nêu việc phải thu hồi lại đất giao không đúng pháp luật để bố trí TĐC cho người dân. Thực tế chỉ còn hơn 100 hộ dân khiếu kiện kéo dài nên diện tích đất bố trí TĐC cho số này chỉ cần khoảng 3 ha. Tuy nhiên, việc bố trí TĐC này sẽ xảy ra tranh chấp mới khi khó xác định cơ sở để bố trí TĐC bởi mỗi hộ có tình trạng pháp lý nhà đất khác nhau.
Ông Lung nói: “Chúng tôi có thiện chí đề nghị TP giải quyết bằng cách hoán đổi đất của những hộ bị cưỡng chế, những hộ chưa bị cưỡng chế nhưng đã có quyết định cưỡng chế”. Số hộ chưa bị cưỡng chế mà ông Lung đề nghị hoán đổi chừng 20 - 30 căn nhà nằm theo kiểu “da beo”. TP nên gom những căn nhà này về một khu đất “có giá trị ngang miếng đất cũ”. Đây là cách làm nhằm khắc phục những hậu quả mà trước đó chính quyền đã gây ra.
Người “trong cuộc” nói gì ?
Cần thời gian rà soát lại
Sau khi Thanh Niên hôm qua đăng thông tin Thanh Tra Chính phủ chỉ rõ hàng loạt sai phạm lớn tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhiều người liên quan đến việc triển khai khu đô thị này đã có những “giãi bày”.
Trao đổi với PV, KTS Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng (KTST) TP.HCM - người ký Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16.9.1998, khẳng định trong quá trình làm nếu có thiếu sót, bản thân sẽ phải chịu kiểm điểm cá nhân. Tuy nhiên, sự việc xảy ra cách đây gần 20 năm, giờ mọi thứ thay đổi nhiều nên ông không thể nắm rõ việc ký Quyết định số 13585 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Thủ Thiêm có đúng thẩm quyền hay không. Muốn làm rõ vấn đề này, ông Năm cho rằng phải dựa vào những văn bản pháp lý liên quan. Trên cơ sở đó, Sở QH-KT sẽ thay mặt KTST cũ để báo cáo với UBND TP tất cả những việc đã xảy ra trong thời gian ông phụ trách.
Trao đổi với PV, KTS Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng (KTST) TP.HCM - người ký Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16.9.1998, khẳng định trong quá trình làm nếu có thiếu sót, bản thân sẽ phải chịu kiểm điểm cá nhân. Tuy nhiên, sự việc xảy ra cách đây gần 20 năm, giờ mọi thứ thay đổi nhiều nên ông không thể nắm rõ việc ký Quyết định số 13585 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Thủ Thiêm có đúng thẩm quyền hay không. Muốn làm rõ vấn đề này, ông Năm cho rằng phải dựa vào những văn bản pháp lý liên quan. Trên cơ sở đó, Sở QH-KT sẽ thay mặt KTST cũ để báo cáo với UBND TP tất cả những việc đã xảy ra trong thời gian ông phụ trách.
Ông Năm nói: “Khi xem đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 Thủ Thiêm mà Công ty dịch vụ phát triển đô thị thực hiện và được Sở Xây dựng thẩm định, bản thân tôi cho đây là đồ án rất lớn. Tôi đã trình đồ án lên Chủ tịch UBND TP lúc đó là ông Võ Viết Thanh xem xét ký để trình lên Thủ tướng”. Tuy nhiên, theo ông Năm, sau khi bàn lạc với lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP có văn bản giao cho KTST, bởi cho rằng đây là nhiệm vụ, chức năng của KTST TP nên ông phải thay mặt UBND TP ký đồ án.
“Hiện tôi là người dân bình thường nên không có chức năng, thẩm quyền gửi báo cáo lên UBND TP. Muốn báo cáo, tôi phải gửi ý kiến lên cơ quan cũ, nay là Sở QH-KT để sở này tính toán báo lên Chủ tịch UBND TP”, ông Năm chia sẻ và khẳng định: “Đây là sự việc lớn, lại qua thời gian quá lâu, chưa kể khi đó quyết tâm của TP thực hiện dự án này quá lớn nên có thể trong quá trình thực hiện có những điều thiếu sót. Tuy nhiên, dù hiện nay tuổi tôi đã cao nhưng với vai trò là người từng tham gia thực hiện dự án, tôi sẽ cùng với Sở QH-KT kiểm tra, rà soát lại những văn bản liên quan từ năm 1998 đến nay để biết đúng sai nằm ở đâu”.
Liên quan đến thẩm quyền ký Quyết định số 13585, ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP, cho rằng muốn làm rõ trách nhiệm thuộc về ai cần phải xem kỹ hồ sơ chứ thời gian lâu rồi ông cũng không thể nhớ. Ông Thanh cho hay khi đó ông làm Chủ tịch UBND TP nhưng ông Vũ Hùng Việt là Phó chủ tịch UBND TP được giao theo dõi dự án Thủ Thiêm, nên phải hỏi ông Việt hoặc KTST Lê Văn Năm sẽ nắm rõ hơn. Theo ông Thanh, vấn đề quan trọng nhất trong lúc này là để triển khai dự án, TP bỏ ra hàng chục ngàn tỉ đồng đền bù, giải tỏa. Vậy cần làm rõ số tiền này có được chuyển tới đúng người dân nằm trong dự án hay không, hiệu quả tới đâu? “TTCP mới khái quát ban đầu thôi chứ ở Thủ Thiêm còn nhiều chuyện phải giải quyết lắm”, ông Thanh nhấn mạnh.
“Mình không tránh khỏi những sai sót”
Ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP, cho hay mới xem thông tin trên báo chí chứ chưa nhận được kết luận từ TTCP. Bản thân ông luôn tin các cơ quan nhà nước sau khi xem xét vụ việc dựa trên căn cứ quy định pháp luật, lịch sử vấn đề. Còn đi vào chi tiết của dự án Thủ Thiêm, ông Quân nói: “Dự án trải qua nhiều năm, có nhiều giai đoạn, nhiều chủ trương thay đổi qua từng thời kỳ, có nhiều yếu tố lịch sử khách quan lẫn chủ quan nên giờ mà đi vô giãi bày từng công việc, từng việc làm sẽ có nhiều việc phải nói lắm. Nhiều thế hệ lãnh đạo đã từng tập trung để giải quyết dự án Thủ Thiêm chứ không phải chỉ một vài cá nhân hay một vài người. Chưa kể giai đoạn đó TP có rất nhiều dự án, công việc phải lo chứ không riêng gì dự án Thủ Thiêm”.
“Thủ Thiêm được thực hiện trong thời điểm khủng hoảng tài chính chứ không phải suôn sẻ. TP đã phải di dời, bố trí TĐC cho mấy chục ngàn hộ dân. Việc chung cũng làm được nhưng nói thẳng là mình không tránh khỏi những sai sót, nhưng mục tiêu là phải chăm lo cho bà con, làm sao để TP ngày càng phát triển… Đó là mục tiêu của các thế hệ lãnh đạo TP, trong đó có tôi”, ông Quân nói.
Liên quan đến kết luận của TTCP về sai phạm lấy 160 ha đất TĐC giao cho doanh nghiệp, ông Quân khẳng định vấn đề này cần xem xét yếu tố lịch sử chứ không phải tự nhiên TP lấy đất TĐC chia cho các doanh nghiệp. Việc phân đất cho doanh nghiệp được lãnh đạo TP xem xét, cân nhắc rất nhiều. “Khi giải trình về vấn đề này, anh em ở dưới có báo do 160 ha đất xen canh, nhà cửa chứ không phải 160 ha này liền khoảnh. Có chỗ chỉ một héc ta, có chỗ vài ba héc ta lổm nhổm lắm”, ông Quân nói. Ông cũng cho biết thêm giữa Quyết định 367 và đi đến xử lý của TP vào những vấn đề cụ thể, quyết định nói chung chung dành 160 ha kế cận cho TĐC, nhưng ranh giới không được rõ ràng, thậm chí có những nơi không được đo đạc bằng máy móc như hiện tại.
Theo ông Quân, các thế hệ lãnh đạo TP quyết tâm biến một vùng đầm lầy trở thành trung tâm thương mại, tài chính, nâng cao đời sống của người dân chứ không có ý gì khác. Trong quá trình làm có sai sót, có chuyện này chuyện kia phải kiểm điểm, còn nếu có tiêu cực, lợi dụng thì ông sẽ chịu trách nhiệm với dân. Là người đứng đầu TP, ông không thể né tránh trách nhiệm được. “Về trình tự sau khi có kết luận, TTCP sẽ báo cáo Chính phủ để từ đó Chính phủ có kết luận và chỉ đạo. Lãnh đạo hay nguyên lãnh đạo TP sẽ thực hiện theo chỉ đạo đó”, ông Quân nói.
Trung Hiếu - Đình Phú
TIN LIÊN QUAN
Infographic Thanh tra Chính phủ công bố nhiều sai phạm tại Thủ Thiêm: Kiến nghị xử lý hàng loạt tổ chức, cá nhân
Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra dự án Thủ Thiêm
TP.HCM nhận thiếu sót trước Thủ tướng về vi phạm đất đai
https://thanhnien.vn/thoi-su/sai-pham-tai-thu-thiem-nhung-ai-lien-quan-1001024.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét