Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Tại sao các vị sĩ quan tình báo Bộ Công an bị bắt?

Tại sao các vị sĩ quan tình báo Bộ Công an bị bắt?
19, 4, 2018 Ông Đặng Xương Hùng, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện cư trú chính trị tại Thụy sĩ nhận xét về các tổ chức tình báo của Việt Nam: “Công tác tình báo của cả bên công an lẫn quân đội, phục vụ cho đất nước thì ít mà phục vụ cho chuyện kiểm soát nội bộ với nhau thì nhiều. Tôi cảm nhận thấy điều đó, nhất là cái thời thành lập Tổng cục 2, tôi thấy rằng Bộ Chính trị hay là một số cá nhân trong Tổng cục 2 đó để mà kiểm soát các vị lãnh đạo trong Bộ Chính trị, để mà phục vụ cho những công việc như đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong đảng.”

Công an vũ trang của Việt Nam diễn hành, tháng 10/2010.
Ngày 17 tháng tư 2018, hai ông Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách là hai nhân vật mới nhất thuộc Bộ Công An bị bắt giữ. Đây là hai trong số những vụ bắt bớ ở bộ này từ cuối năm 2017 đến nay, và ông Phan Hữu Tuấn là người có cấp bậc và chức vụ quan trọng nhất, ông từng là sĩ quan cấp trung tướng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo của Bộ Công An.

Tổng cục 5 bị xóa sổ

Theo cách loan tin của truyền thông nhà nước Việt Nam thì những vụ bắt bớ này có thể chia làm hai vụ án. Vụ thứ nhất gồm các ông Phan Văn Anh Vũ, bị bắt vào đầu năm 2018, ông Phan Hữu Tuấn và ông Nguyễn Hữu Bách. Các viên sĩ quan này đều thuộc Tổng cục tình báo của Bộ Công an, còn gọi là Tổng cục 5.

Vụ thứ hai là hai ông Phan Văn Vĩnh, và Nguyễn Thanh Hóa liên quan đến một đường giây đánh bạc.

Tổng cục tình báo của Bộ Quốc phòng đang lấy lại phong độ và quyền thế, đặc biệt ảnh hưởng của họ đối với chính trường Việt Nam và đối với Tổng bí thư -Nhà báo Phạm Chí Dũng.

Trong hai vụ này dư luận rất quan tâm đến các vị sĩ quan tình báo, vì nó liên quan trực tiếp đến việc Đảng Cộng sản Việt Nam đang xóa bỏ tất cả các tổng cục của Bộ Công an, trong đó có Tổng cục tình báo.

Vào tháng Giêng 2018, ngay sau khi ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ nhôm bị bắt, nhà quan sát chính trị nội bộ Việt Nam là nhà báo Phạm Chí Dũng, từ Sài Gòn bình luận với chúng tôi:

“Tôi thấy rằng nếu Phan Văn Anh Vũ mà không có một vai trò quan trọng, thì đã không có cả một chiến dịch khổng lồ của công an và nghe nói có cả Tổng cục 2 của quân đội nữa, để truy bắt Phan Văn Anh Vũ, và cũng không có một cuộc thương thảo dày công đến thế giữa Chính phủ Việt Nam và Singapore để dẫn độ Phan Văn Anh Vũ về Việt Nam. Không đơn thuần là Vũ “nhôm” sai phạm về kinh tế hay làm lộ bí mật gì gì đó như ngành công an nêu ra, mà chắc chắn Vũ “nhôm” phải có vai trò quan trọng đến mức có thể là yết hầu, hay tử huyệt của một số quan chức, thậm chí là quan chức cao cấp ở Việt Nam.”

Ông Vũ là một nhà kinh doanh nghề nhôm kính tại Đà Nẵng, có quân hàm sĩ quan tình báo cấp tá của Bộ Công an. Theo các bản tin chính thức của báo chí nhà nước Việt Nam thì ông Vũ đã lợi dụng chức vụ của ông để trục lợi trong việc mua rẻ nhà cửa của nhà nước tại Đà Nẵng và bán đi để kiếm lời.

Trên trang web của Bộ Công an Việt Nam, cả ba ông, Phan Văn Anh Vũ, Phan Hữu Tuấn, và Nguyễn Hữu Bách đều bị gán cho tội danh làm lộ bí mật nhà nước tuy không nói rõ là như thế nào.

Chúng tôi có liên lạc với Bộ Công an qua trang web của bộ này nhưng không thành công.

Nhận xét về các vụ bê bối của Tổng cục tình báo Bộ Công An, ngay sau khi ông Phan Văn Anh Vũ bị bắt, nhà báo Trương Duy Nhất, sống tại Đà Nẵng có nói với chúng tôi rằng sẽ phải truy cứu trách nhiệm của Trung tướng Nguyễn Việt Tân, nay đã về hưu từng đứng đầu Tổng cục này.

Cán cân quyền lực thay đổi

Theo các tài liệu báo chí được nhà nước Việt Nam công bố thì cho đến hiện nay công tác tình báo của Việt Nam được hai Tổng cục thuộc hai Bộ khác nhau thực hiện, đó là Tổng cục 5 của Bộ Công An, và Tổng cục 2 của Bộ Quốc phòng.

Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định với chúng tôi:

“Tỉ lệ nghịch với sự suy yếu vai trò của Bộ Công an là sự gia tăng ảnh hưởng của Bộ Quốc phòng, đặc biệt Tổng cục tình báo Bộ Quốc phòng. Tôi nghĩ rằng sau những vụ bê bối như là A10, T4 vào những năm 2000, thì Tổng cục tình báo của Bộ Quốc phòng đang lấy lại phong độ và quyền thế, đặc biệt ảnh hưởng của họ đối với chính trường Việt Nam và đối với Tổng bí thư.”
Các vụ bê bối mà ông Phạm Chí Dũng đề cập có liên quan đến Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hiện nay là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Theo tiết lộ của cựu Đại tá Quân đội Việt Nam là ông Bùi Tín, hiện tị nạn chính trị tại Pháp, thì vào thời điểm những năm 1990, 2000, Tổng cục 2 là một tổ chức siêu quyền lực, lợi dụng vị trí đó lũng đoạn đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.

Ông Đặng Xương Hùng, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện cư trú chính trị tại Thụy sĩ nhận xét về các tổ chức tình báo của Việt Nam:

“Công tác tình báo của cả bên công an lẫn quân đội, phục vụ cho đất nước thì ít mà phục vụ cho chuyện kiểm soát nội bộ với nhau thì nhiều. Tôi cảm nhận thấy điều đó, nhất là cái thời thành lập Tổng cục 2, tôi thấy rằng Bộ Chính trị hay là một số cá nhân trong Tổng cục 2 đó để mà kiểm soát các vị lãnh đạo trong Bộ Chính trị, để mà phục vụ cho những công việc như đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong đảng.”

Trở lại vụ án các sĩ quan công an tình báo hiện nay, còn có sự liên quan đến vụ án Ngân hàng Đông Á, trong đó ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc đang bị bắt và bị xử án, đã mua một số lượng lớn đô la Mỹ cho ông Vũ.

Theo một nguồn tin thân cận với ông Bình mà chúng tôi chưa xác nhận được thì Ngân hàng Đông Á là một cơ quan kinh tài của Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu so sánh với Bộ Quốc phòng thì Bộ Công an không phải là Bộ duy nhất có các cơ quan kinh tài, thậm chí các công ty làm ăn kinh tế của Bộ Quốc phòng còn có qui mô rộng lớn hơn, mà trong thời gian gần đây đã có nhiều chỉ trích, được đăng trên chính truyền thông nhà nước Việt Nam, rằng các đơn vị quân đội không nên tham gia vào các hoạt động kinh tế.

Có hai vụ được bàn đến nhiều nhất là vụ Công ty Viettel của quân đội được cấp đất tại xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, tạo nên một cuộc xung đột lớn giữa dân chúng và các cơ quan chức năng. Vụ thứ hai là việc kinh doanh sân golf tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã cản trở việc mở rộng sân bay này.

Cho đến nay vẫn chưa có kết luận gì về sai phạm của các đơn vị quân đội ở hai nơi này, và dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê chuẩn đã tránh không đụng đến sân golf.

Tuy nhiên cũng có nhận định khác về vai trò quyền lực của hai bộ phận tình báo, công an và quốc phòng.

Một nhà nghiên cứu chính sách tại Hà Nội xin ẩn danh nói với chúng tôi rằng sự mất quyền lực của Tổng cục 5, Bộ Công an cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên lịch sử. Theo người này thì Tổng cục 5 cũng đã thực hiện được một công trạng lớn cho Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian qua là bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức ngành dầu khí bị cáo buộc tham nhũng, từ Đức mang về Việt Nam.

Việc này chưa bao giờ được Việt Nam chính thức công nhận hay phủ nhận mặc cho những cáo buộc rất mạnh mẽ từ Chính phủ Đức.

Nhà nghiên cứu ẩn danh nói tiếp với chúng tôi là có thể sau khi chấn chỉnh Bộ Công an, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chấn chỉnh Bộ Quốc phòng. Theo ông Tổng cục 5 đã được giao quá nhiều quyền lực và không được kiểm soát trong thời gian vừa qua.

Trân Văn
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét